“Ngày 3–9 tháng Tám. An Ma 43–52: ‘Giữ Vững Đức Tin Nơi Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 3–9 tháng Tám. An Ma 43–52,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 3–9 tháng Tám
An Ma 43–52
“Giữ Vững Đức Tin Nơi Đấng Ky Tô”
Bên cạnh việc ôn lại những sinh hoạt được gợi ý ở đây, hãy tìm kiếm sự soi dẫn của riêng mình khi anh chị em thành tâm học tập An Ma 43–52 và nghĩ về cách thức để giúp các thành viên trong lớp khám phá giáo lý đang được giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để mời các thành viên trong lớp chia sẻ những điều họ đang học từ An Ma 43–52, anh chị em có thể hỏi họ về cách thức họ sẽ đáp lại một ai đó nói: “Tôi không thấy những cuộc chiến tranh được miêu tả trong Sách Mặc Môn có bất kỳ sự liên quan gì đến cuộc sống của tôi.”
Giảng Dạy Giáo Lý
Các trận chiến trong Sách Mặc Môn dạy chúng ta về những trận chiến của mình chống lại sự tà ác.
-
Trong việc học tập cá nhân và chung với gia đình của họ tuần này, các thành viên trong lớp có thể suy ngẫm hoặc ghi chép lại những suy nghĩ của họ về cách mà dân Nê Phi đã bảo vệ bản thân họ thành công trước dân La Man và cách mà dân La Man đã tấn công dân Nê Phi. Nếu các thành viên trong lớp làm việc này ở nhà, hãy mời họ chia sẻ điều họ tìm được. Hoặc anh chị em có thể cho các thành viên trong lớp thời gian để tìm kiếm những sự hiểu biết này trong lớp và sử dụng những câu thánh thư trong đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Khi các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ tìm được, hãy khuyến khích họ thảo luận cách chúng ta có thể noi theo tấm gương của dân Nê Phi trong việc bảo vệ bản thân mình chống lại sự tà ác và cách chúng ta có thể nhận biết những sự tấn công thuộc linh của Sa Tan nhằm vào mình.
Nếu chúng ta can đảm trong việc bênh vực cho đức tin của mình, chúng ta có thể soi dẫn những người khác để trở nên trung tín.
-
Làm thế nào anh chị em có thể giúp các thành viên trong lớp noi theo tấm gương của Mô Rô Ni để can đảm bảo vệ đức tin của họ nơi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô? Các thành viên trong lớp có thể đọc An Ma 46:11–22 và nhận ra điều Mô Rô Ni đã làm và đã dạy mà soi dẫn dân của ông để trở nên trung tín hơn. Anh chị em có thể viết những điều này lên bảng dưới tiêu đề Tấm Gương của Mô Rô Ni. Sau đó, anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp suy ngẫm về những hành động của Mô Rô Ni và gợi ý những điều chúng ta có thể làm ngày nay để bênh vực cho đức tin của mình. Anh chị em có thể viết những ý tưởng của họ dưới tiêu đề Can Đảm Bênh Vực cho Phúc Âm Ngày Nay. Những lẽ thật và giá trị nào mà vị tiên tri của chúng ta đã dạy gần đây mà chúng ta nên giảng dạy và bênh vực?
-
Làm thế nào anh chị em có thể giúp các thành viên trong lớp áp dụng những điều Mô Rô Ni đã làm với lá cờ tự do vào cuộc sống của chính họ? Mời họ đọc An Ma 46:11–22 và nhận ra các lẽ thật mà Mô Rô Ni đã dạy và yêu cầu dân ông ủng hộ. Những lẽ thật và giá trị nào mà các vị lãnh đạo Giáo Hội nhấn mạnh trong thời đại của chúng ta? (Anh chị em có thể ôn lại một số lẽ thật và giá trị đó trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn Cùng Thế Giới,” hoặc những sứ điệp trong đại hội trung ương gần đây.) Chúng ta gặp những thử thách nào trong việc bênh vực cho đức tin của mình trong thế gian ngày nay? Chúng ta có thể học hỏi được gì từ tấm gương của Mô Rô Ni? Cho các thành viên trong lớp cơ hội để làm lá cờ tự do của chính mình mà có thể nhắc nhở họ can đảm sống theo và bênh vực cho đức tin của họ.
Sa Tan cám dỗ và lừa dối chúng ta từng chút một.
-
Lớp học của anh chị em có thể được lợi ích từ việc học tập An Ma 47, chương này cho chúng ta thấy sự phản bội của A Ma Lịch Gia giống với những điều Sa Tan thực hiện để lừa dối chúng ta như thế nào. Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu ai đó tóm tắt câu chuyện tìm thấy trong An Ma 47. Để thêm phần thú vị, anh chị em có thể mời hai thành viên trong lớp tưởng tượng rằng họ là A Ma Lịch Gia và Lê Hôn Ti, và kể lại câu chuyện. A Ma Lịch Gia đã làm gì mà nhắc nhở chúng ta về những điều Sa Tan thực hiện để cám dỗ và lừa dối chúng ta? Khuyến khích các thành viên trong lớp tham khảo những câu thánh thư cụ thể khi họ thảo luận câu hỏi này. Đoạn trích dẫn trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có một ví dụ hay khác về cách Sa Tan lừa dối chúng ta. Lời khuyên gì chúng ta có thể cho nhau để giúp chúng ta nhận ra cách mà Sa Tan cám dỗ chúng ta ngày nay? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân mình?
Khi chúng ta cố gắng để trở nên trung tín như Mô Rô Ni, chúng ta sẽ trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.
-
Một cuộc thảo luận về những thuộc tính của Mô Rô Ni có thể soi dẫn các thành viên trong lớp để cố gắng noi theo tấm gương của ông. Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách cho thấy một bức hình của Mô Rô Ni, như bức hình trong đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Cá Nhân và Gia Đình. Sau đó, mời các thành viên trong lớp học tập An Ma 44:3–4 và 48:7–13 và viết lên bảng những từ và cụm từ mô tả về Mô Rô Ni. Sau đó, anh chị em có thể đọc cùng nhau An Ma 48:17 và thảo luận cách thức mà những thuộc tính của Mô Rô Ni, như đã được liệt kê trên bảng, cho phép ông vượt qua ảnh hưởng của Sa Tan và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như Mô Rô Ni hơn?
Chúng ta có thể củng cố bản thân và gia đình mình trước kẻ nghịch thù.
-
Các thành viên trong lớp của anh chị em có thể được lợi ích từ việc lắng nghe nhau nói về cách họ có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình trước những sự lừa dối và cám dỗ của Sa Tan. Để soi dẫn một cuộc thảo luận như vậy, anh chị em có thể cùng nhau đọc An Ma 48:7–9; 49:1–9; và 50:1–6. Khi chúng ta nghĩ về nhu cầu của mình trong việc phòng vệ về mặt thuộc linh để chống lại tội lỗi, chúng ta có thể học được điều gì từ những nỗ lực phòng vệ cho bản thân của dân Nê Phi? Làm thế nào chúng ta có thể tạo nên sự phòng vệ thuộc linh để bảo vệ bản thân và gia đình chúng ta trước những ảnh hưởng của tội lỗi và sự tà ác? Khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ những ý kiến mà áp dụng được cho bản thân họ. Tại sao là điều quan trọng để “không ngưng công việc chuẩn bị”? (An Ma 50:1).
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Một cách để khuyến khích các thành viên trong lớp đọc An Ma 53–63 là có thể nói với họ rằng câu chuyện trong những chương này có thể soi dẫn họ và gia đình họ để trở nên vâng lời hơn và phát triển đức tin mạnh mẽ hơn.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Các hậu quả của việc nhượng bộ trước những cám dỗ nhỏ.
Để dạy rằng “tội lỗi nghiêm trọng xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta nhượng bộ những cám dỗ nhỏ trước,” Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn này:
“[Một] con lạc đà và chủ của nó … đang đi qua sa mạc và những đụn cát thì một cơn bão nổi lên. Người lữ khách nhanh chóng dựng lều và trú bên trong, đóng cửa lều để bảo vệ bản thân khỏi bị cắt và đau đớn bởi cơn bão cát dữ dội. Con lạc đà dĩ nhiên bị bỏ lại bên ngoài, và khi cơn gió dữ dội thổi cát vào cơ thể nó và vào mắt và mũi của nó, nó thấy mình không chịu nổi và cuối cùng cầu xin được vào trong lều.
“Người lữ khách nói: ‘Ở đây chỉ đủ chỗ cho mình ta thôi.’
“Con lạc đà hỏi: ‘Vậy tôi có thể cho mũi của tôi vào để tôi có thể thở mà cát không thể vào mũi không?’
“Người lữ khách trả lời: ‘Chà, ngươi có thể làm thế,’ và ông chỉ hé cửa lều để lạc đà có thể cho cái mũi dài của nó vào. Bây giờ con lạc đà cảm thấy thật dễ chịu! Nhưng chẳng mấy chốc, con lạc đà đã trở nên mệt mỏi với gió cát dữ dội trên mắt và tai của nó … :
“‘Gió cát giống như một cái cào trên đầu tôi. Tôi có thể cho đầu vào không?’
“Một lần nữa, người lữ khách cho rằng việc đồng ý sẽ không gây thiệt hại cho ông, vì đầu lạc đà có thể chiếm không gian trên đỉnh lều mà chính ông không dùng đến. Vậy là con lạc đà đưa đầu vào trong và con thú lại được thỏa mãn một lần nữa—nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
“‘Chỉ phần thân trước thôi,’ nó năn nỉ, và một lần nữa người lữ khách lại mủi lòng và chẳng mấy chốc, vai và chân trước của con lạc đà đã ở trong lều. Cuối cùng, bằng cùng một quá trình cầu xin và sự nhượng bộ, thân lạc đà, thân sau và tất cả đều ở trong lều. Nhưng bây giờ thì quá chật cho cả hai, và con lạc đà đã đá người lữ khách ra gió và bão” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [năm 2006], trang 106–107).