“Ngày 17–23 tháng Tám. Hê La Man 1–6: ‘Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 17–23 tháng Tám. Hê La Man 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 17–23 tháng Tám
Hê La Man 1–6
“Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta”
Anh chị em có thực sự hiểu lớp của mình không? Hãy cố gắng để hiểu rõ hơn một thành viên trong lớp mỗi tuần. Khi anh chị em làm như vậy, anh chị em có thể nhớ những nhu cầu của họ khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Cân nhắc mời các thành viên trong lớp chuẩn bị sẵn sàng để đến lớp chia sẻ một đồ vật mà họ có thể sử dụng để dạy về một nguyên tắc mà họ đã học được trong các chương này. Có những cách nào khác mà chúng ta có thể giảng dạy các nguyên tắc này cho những người khác?
Giảng Dạy Giáo Lý
Sự kiêu ngạo chia rẽ chúng ta khỏi Thánh Linh và sức mạnh của Chúa.
-
Đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình mô tả một “chu trình kiêu ngạo” mà đã gây tai họa cho dân Nê Phi. Có lẽ ai đó trong lớp có thể vẽ sơ đồ chu trình này trên bảng. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể tìm trong Hê La Man 1–6 những câu minh họa những phần khác nhau của chu trình đó và viết chúng bên cạnh phần liên quan trong sơ đồ. (Nếu các thành viên trong lớp cần giúp đỡ, anh chị em có thể gợi ý cho họ tìm kiếm trong Hê La Man 3:24–36; 4:11–26.) Đôi khi chúng ta giống như dân Nê Phi như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể tránh được khuynh hướng trở nên kiêu ngạo như họ?
-
Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp đọc Hê La Man 4:13 và 24–26 và tìm kiếm một bài thánh ca dạy về sự phụ thuộc của chúng ta vào Thượng Đế, như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn”. Tại sao sự kiêu ngạo chia rẽ chúng ta khỏi Thượng Đế? Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra sự tin cậy hoàn toàn của mình vào Thượng Đế? Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách họ đã được củng cố bởi Thánh Linh và quyền năng của Chúa vì họ đã khiêm nhường.
-
Các tín hữu của Giáo Hội được mô tả trong Hê La Man 3:33–34 đang ngược đãi các tín hữu khác của Giáo Hội. Vì sự kiêu ngạo của họ, họ đã áp bức người nghèo và phạm đủ loại tội lỗi khác (xin xem Hê La Man 4:11–13). Cân nhắc việc đọc cùng nhau Hê La Man 3:33–34 và 4:11–13 và yêu cầu các thành viên trong lớp thảo luận những cách thức mà chúng ta có thể cho thấy sự tử tế và tôn trọng với người khác, bao gồm cả các tín hữu trong Giáo Hội, là những người có lẽ không giống với chúng ta. Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp nghĩ về một người họ biết mà có thể đang đau khổ vì những hành động không tử tế của người khác và suy ngẫm cách làm thế nào họ có thể giúp củng cố và khích lệ người đó.
Sự thánh hóa đến từ việc hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.
-
Hê La Man 3:33–35 có thể an ủi nhiều với những người trong lớp mà có lẽ đang trải qua “những ngược đãi lớn lao … [hay] nhiều nỗi đau buồn.” (câu 34). Anh chị em có thể mời các thành viên trong lớp tra cứu những câu này để tìm lời khuyên mà họ có thể nói với một người nào đó đang bị ngược đãi. Hoặc các thành viên trong lớp có thể chia sẻ cách mà họ tìm thấy “niềm hân hoan và an ủi” trong những lúc đau buồn nhờ làm những điều được mô tả trong câu 35.
-
Cân nhắc việc mời các thành viên trong lớp nghiên cứu Hê La Man 3:33–35 và những lời phát biểu và những đoạn thánh thư tham khảo về việc trở nên được thánh hóa trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Những câu thánh thư và lời phát biểu này dạy điều gì về sự thánh hóa? Làm thế nào việc nhịn ăn và cầu nguyện mang đến những phước lành được mô tả trong Hê La Man 3:35? Làm thế nào chúng ta hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế? (xin xem Hê La Man 3:35). Làm thế nào điều này giúp chúng ta trở nên được thánh hóa? Anh chị em cũng có thể chuẩn bị phát ra những mẩu giấy có in một trong những lời phát biểu hoặc thánh thư tham khảo từ “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và mời các thành viên trong lớp chọn ngẫu nhiên một mẩu để học. Sau đó, họ có thể chia sẻ với nhau điều mình đã học về sự thánh hóa.
Nếu chúng ta lập Chúa Giê Su Ky Tô làm nền tảng của mình thì chúng ta không thể đổ ngã được.
-
Sa Tan tung “những ngọn gió mạnh của nó” vào cuộc sống của tất cả chúng ta. Nhiều người trong lớp của anh chị em đã trải qua điều này, và nhiều cơn bão có thể đến trong tương lai. Anh chị em có thể làm gì để giúp các thành viên trong lớp chuẩn bị cho những cơn bão này bằng cách xây đắp cuộc sống của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận bằng cách cho thấy những bức hình của các đền thờ hoặc những tòa nhà khác và so sánh cuộc sống của chúng ta với một tòa nhà. Có những sự lựa chọn nào mà những người thợ xây dựng phải đưa ra? Những sự lựa chọn nào của chúng ta ảnh hưởng đến cách cuộc sống của chúng ta được xây đắp? Sau đó, anh chị em có thể đọc cùng nhau Hê La Man 5:12 và thảo luận ý nghĩa của việc xây đắp cuộc sống của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đặt Ngài là nền tảng làm ảnh hưởng đến những lựa chọn khác của chúng ta khi chúng ta xây đắp cuộc sống của mình như thế nào?
Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ việc đặt Đấng Cứu Rỗi là nền tảng đã giúp đỡ họ chống lại những cơn bão của cuộc đời như thế nào. Cho các thành viên trong lớp thời gian để suy ngẫm về lối sống mà họ đang xây đắp và cách mà họ có thể chắc chắn rằng họ có nền tảng vững chắc nơi Đấng Ky Tô. Câu chuyện về Đền Thờ Salt Lake trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể hữu ích trong cuộc thảo luận của anh chị em.
Đức tin của chúng ta được củng cố bởi “những bằng chứng hiển nhiên lớn lao mà [chúng ta] đã nhận được.”
-
Một trong những phước lành của việc quy tụ trong Trường Chủ Nhật là cơ hội để củng cố đức tin của một người khác—cũng giống như người dân La Man đã làm trong Hê La Man 5:50. Anh chị em có thể cùng nhau đọc Hê La Man 5:50 và yêu cầu lớp nhận ra “những gì [dân La Man] đã được nghe và thấy” trong các câu 20–49. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể chia sẻ với nhau về một số kinh nghiệm thuộc linh mà đã thuyết phục họ rằng phúc âm là chân chính—kể cả khi họ không thấy các thiên sứ hay cột lửa. Bằng chứng thuyết phục nào họ đã thấy về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô?
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Hê La Man 7–12 mô tả làm thế nào mà Nê Phi đã có được lòng tin của Chúa và được ban cho quyền năng lớn lao. Anh chị em có thể gợi ý cho lớp của mình bằng việc đọc những chương này, họ có thể học cách nhận thêm sự tin cậy của Thượng Đế trong cuộc sống của mình.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Trở nên được thánh hóa qua Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Sự Thánh Hóa là “tiến trình của sự trở nên sạch tội lỗi, thanh khiết, thanh sạch và thánh thiện qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thánh Hóa,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
-
“Một khi chúng ta đã thật sự hối cải, thì Đấng Ky Tô sẽ cất đi gánh nặng của sự mặc cảm tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể tự mình biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được làm cho sạch tội. Đức Thánh Linh sẽ kiểm chứng điều này với chúng ta; Ngài là Đấng Thánh Hóa. Không có một chứng ngôn nào khác về sự tha thứ lại có thể kỳ diệu hơn” (Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 101).
-
“Được thánh hóa qua máu của Đấng Ky Tô là trở nên trong sạch, thanh sạch, và thánh thiện. Nếu sự biện minh cất bỏ hình phạt cho những tội lỗi trong quá khứ, thì việc thánh hóa xóa bỏ vết nhơ hay những tác động của tội lỗi” (D. Todd Christofferson, “Justification and Sanctification (Sự Biện Minh và Sự Thánh Hóa),” Ensign, tháng Sáu năm 2001, trang 22).
-
“Khi ý muốn, đam mê và cảm xúc của một người hoàn toàn tuân phục Thượng Đế và những đòi hỏi của Ngài, thì người đó được thánh hóa” (Brigham Young, “Discourse,” Deseret News, ngày 7 tháng Chín năm 1854, trang1).
-
Chúng ta có thể được thánh hóa bởi quyền năng của Đức Thánh Linh nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê Bơ Rơ 13:12; An Ma 13:10–12; 3 Nê Phi 27:19–20; Mô Rô Ni 10:32–33; GLGƯ 76:40–42).
-
Ngay cả sau khi đã được thánh hóa, chúng ta vẫn có thể mất đi ân điển thiêng liêng (xin xem GLGƯ 20:30–34).
Một nền móng vững chắc.
Trong quá trình xây dựng Đền Thờ Salt Lake, các vết nứt lớn đã được tìm thấy trong những viên đá móng. Mặc dù phải mất gần chín năm để xây dựng được như vậy, Chủ Tịch Brigham Young đã hướng dẫn rằng những viên đá móng bị nứt phải được loại bỏ và thay thế bằng những viên đá có chất lượng tốt hơn. Phải mất thêm năm năm để loại bỏ những viên đá móng bị lỗi và xây dựng lại đến tầm mặt đất. Chủ Tịch Young đã nói: “Tôi muốn thấy ngôi đền thờ được xây cất theo cách mà nó sẽ tồn tại suốt Thời Kỳ Ngàn Năm” (“Remarks,” Deseret News, ngày 14 tháng Mười năm 1863, trang 97).