“Ngày 24–30 tháng Tám: ‘Nhớ Tới Chúa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 24–30 tháng Tám. Hê La Man 7–12,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 24–30 tháng Tám
Hê La Man 7–12
“Nhớ Tới Chúa”
Nê Phi khuyến khích dân của ông tưởng nhớ đến Chúa. Anh chị em có thể làm điều tương tự cho những người anh chị em giảng dạy. Khi anh chị em đọc Hê La Man 7–12, hãy ghi lại những ấn tượng về cách anh chị em có thể giúp đỡ các thành viên trong lớp tưởng nhớ đến Chúa.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các thành viên trong lớp viết lên bảng một số nguyên tắc phúc âm mà họ tìm thấy trong Hê La Man 7–12, cùng với những câu thánh thư tham khảo chứa đựng những nguyên tắc đó. Sau đó, anh chị em có thể quyết định cùng với cả lớp xem những nguyên tắc hay câu thánh thư nào anh chị em sẽ thảo luận.
Giảng Dạy Giáo Lý
Vị tiên tri tiết lộ ý muốn của Thượng Đế cho mọi người.
-
Để giúp lớp của anh chị em học từ Hê La Man 7–11 về những vai trò và trách nhiệm của các vị tiên tri, anh chị em có thể bắt đầu bằng việc đọc cùng nhau mục “Tiên Tri, Vị” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Các thành viên trong lớp có thể nhận ra những vai trò của các vị tiên tri mà đã được nhắc đến và liệt kê chúng lên bảng. Sau đó, anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp mỗi người ôn lại một chương từ Hê La Man 7–11. Yêu cầu họ tìm kiếm cách thức Nê Phi đã làm tròn những vai trò được liệt kê trên bảng. Làm thế nào các vị tiên tri và sứ đồ tại thế làm tròn vai trò của họ? Làm thế nào chúng ta có thể tán trợ họ trong những trách nhiệm của họ?
-
Tại sao các vị tiên tri đôi khi phải nói với sự can đảm như Nê Phi đã làm? Cân nhắc việc mời các thành viên trong lớp đọc Hê La Man 7:11–29, tìm kiếm những lời cảnh báo mà Nê Phi đã đưa ra và những lý do mà ông phải rất can đảm khi nói ra những lời cảnh báo đó. Những lời cảnh báo mang tính tiên tri nào đã soi dẫn chúng ta để hối cải và đến cùng Chúa? Trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” anh chị em sẽ tìm thấy một phép ẩn dụ mà Anh Cả Neil L. Andersen đã sử dụng để giúp chúng ta hiểu được những nguy hiểm của việc phớt lờ những lời cảnh báo từ các vị tiên tri.
Đức tin phải được xây dựng không chỉ dựa trên những điềm triệu và phép lạ.
-
Một cách để thảo luận về những câu thánh thư này là chia lớp ra thành hai nhóm và mời mỗi nhóm đọc Hê La Man 9:1–20 và tưởng tượng bản thân họ là hoặc là những người đàn ông hoặc là những phán quan. Những người này có thể đã cảm thấy như thế nào? Điều gì có thể đã ảnh hưởng đến mỗi nhóm để phản ứng khác nhau với cùng một lời tiên tri kỳ diệu? Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng những phép lạ xây đắp chứng ngôn của chúng ta nhưng không trở thành yếu tố cơ bản duy nhất xây đắp nên chứng ngôn của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể thể xác định liệu những lời từ vị tiên tri trong thời của chúng ta có đúng không?
Chúa ban quyền năng cho những người tìm kiếm ý muốn và giữ những lệnh truyền của Ngài.
-
Câu chuyện về việc Chúa ban phước cho Nê Phi trong Hê La Man 10 có thể soi dẫn các thành viên trong lớp của anh chị em để trở nên siêng năng hơn trong việc tìm kiếm và làm theo ý muốn của Chúa. Các thành viên trong lớp có thể đọc các câu 1–12, tìm kiếm điều Nê Phi đã làm để nhận được sự tin tưởng của Chúa và cách thức mà Ngài đã ban phước cho ông. Sau đó, họ có thể chia sẻ những tấm gương khác về những người tìm kiếm và làm theo ý muốn của Chúa “không biết mệt mỏi” (Hê La Man 10:4), cả trong thánh thư lẫn trong cuộc sống của họ. Chúa đã ban phước cho những người này với quyền năng để “[làm] rạp xuống” (Hê La Man 10:9) những ngọn núi theo nghĩa bóng trong cuộc sống của họ như thế nào? Cho các thành viên trong lớp thời gian để suy ngẫm về những cách mà họ có thể tìm kiếm ý muốn của Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài tốt hơn.
Chúa muốn chúng ta tưởng nhớ đến Ngài.
-
Nhiều thành viên trong lớp của anh chị em đã lập giao ước để luôn luôn tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô. Họ có thể chia sẻ với nhau một số điều đã giúp họ “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” (Mô Rô Ni 4:3; GLGƯ 20:77), cả những lúc thịnh vượng lẫn những lúc khó khăn. Sau đó, các thành viên trong lớp có thể tra cứu trong Hê La Man 12 những lý do con người có khuynh hướng quên Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục được những khuynh hướng được mô tả trong chương này? Nghịch cảnh giúp chúng ta nhớ đến Chúa như thế nào? (xin xem Hê La Man 11:4–7).
-
Để chứng minh nỗ lực cần có để nhớ một điều gì đó, anh chị em có thể cho các thành viên trong lớp vài phút để đọc qua Hê La Man 12. Sau đó, anh chị em có thể hỏi họ những câu hỏi về chương này để xem họ nhớ được gì. Họ có thể chia sẻ những điều họ làm để ghi nhớ thông tin cho một bài kiểm tra. Điều này giống với nỗ lực đòi hỏi để “tưởng nhớ đến Chúa” như thế nào? (Hê La Man 12:5). Nó khác nhau như thế nào? Mời lớp tìm kiếm một câu hay một cụm từ trong Hê La Man 12 mà họ có thể trưng bày ở nhà hoặc ghi nhớ để nhắc nhở họ tưởng nhớ đến sự tốt lành và quyền năng của Thượng Đế.
Khuyến Khích Việc Học ở Nhà
Để khuyến khích các thành viên trong lớp đọc Hê La Man 13–16, anh chị em có thể chỉ ra rằng những lời tiên tri của Sa Mu Ên người La Man về những sự kiện liên quan đến sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi và Sự Đóng Đinh có thể được so sánh với những sự kiện trong thời đại của chúng ta mà sẽ đến trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Lắng nghe sự hướng dẫn của các vị tiên tri.
Anh Cả Neil L. Andersen chia sẻ kinh nghiệm sau đây:
“Những người chọn phục vụ Chúa sẽ luôn lắng nghe Vị Tiên Tri một cách chăm chú và thật rõ ràng. …
“… Tôi xin minh họa bằng một kinh nghiệm. Gia đình tôi đã sống nhiều năm tại bang Florida. Bởi vì Florida có mật độ cát dày đặc, các bãi cỏ ở đó được trồng bằng một loại cỏ có lá lớn, chúng tôi gọi là Saint Augustine. Một kẻ thù ghê gớm của bãi cỏ ở Florida là một loài côn trùng nhỏ, màu nâu được gọi là dế dũi.
“Một buổi tối khi hàng xóm của tôi và tôi đứng trên bậc thềm, anh ta nhận thấy một con bọ nhỏ băng qua vỉa hè của tôi. Anh ta cảnh báo: ‘Anh nên phun thuốc diệt côn trùng cho bãi cỏ đi.’ ‘Có một con dế dũi ở đó.’ Tôi đã phun thuốc mới vài tuần trước đó và tôi hầu như không cảm thấy rằng mình có thời gian hay tiền bạc để làm lại sớm như vậy.
“Trong ánh nắng của buổi sáng hôm sau, tôi kiểm tra kỹ bãi cỏ của mình. Nó thật tươi tốt và mướt mát. Tôi nhìn xuống đám cỏ để xem liệu mình có thể thấy bất kỳ con bọ nhỏ nào không. Tôi không nhìn thấy con nào cả. Tôi nhớ mình đã nghĩ: ‘Chà, có lẽ con dế dũi nhỏ đó chỉ đi qua sân của tôi trên đường đến sân nhà hàng xóm của tôi.’ …
“Tuy nhiên, câu chuyện có một kết quả buồn. Tôi bước ra cửa chính vào một buổi sáng, khoảng 10 ngày sau cuộc nói chuyện với hàng xóm của mình. Thật kinh hoàng, như thể nó đã xảy ra suốt đêm, những đốm nâu bao phủ bãi cỏ của tôi. Tôi chạy đến cửa hàng làm vườn, mua thuốc diệt côn trùng và phun ngay lập tức, nhưng đã quá muộn. Bãi cỏ đã bị hủy hoại, và để đưa nó trở lại trạng thái cũ thì cần trồng cỏ mới, thời gian làm việc dài và chi phí lớn.
“Lời cảnh báo của người hàng xóm của tôi là vì lợi ích cho bãi cỏ của tôi. Anh ấy nhìn thấy những điều tôi không thể nhìn thấy. Anh ấy biết điều mà tôi không biết. Anh ấy biết rằng dế dũi sống dưới lòng đất và chỉ hoạt động vào ban đêm, khiến cho việc kiểm tra ban ngày của tôi không hiệu quả. Anh ấy biết rằng dế dũi không ăn lá cỏ mà chỉ ăn rễ cỏ. Anh ta biết rằng những sinh vật nhỏ dài 2.5 cm này có thể ăn rất nhiều rễ trước khi tôi thấy hậu quả trên mặt đất. Tôi đã phải trả giá đắt vì chỉ dựa vào sự hiểu biết của riêng mình. …
“… Có những con dế dũi thuộc linh đào hang dưới những bức tường bảo vệ của chúng ta và xâm chiếm bộ rễ nhạy cảm của chúng ta. Nhiều con côn trùng độc ác này xuất hiện một cách nhỏ bé, có lúc gần như vô hình. …
“Chúng ta đừng làm theo mẫu mực mà tôi đã làm khi đối phó với những con dế dũi Florida. Chúng ta đừng bao giờ bỏ qua những lời cảnh báo. Chúng ta đừng bao giờ chỉ dựa vào sự hiểu biết của riêng mình. Chúng ta hãy luôn lắng nghe và học hỏi trong sự khiêm nhường và đức tin, nhanh chóng hối cải nếu cần thiết” (“Prophets and Spiritual Mole Crickets (Các Vị Tiên Tri và Những Con Dế Dũi Thuộc Linh),” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 16–18).