Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 25–31 tháng Ba. Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6 –7; Giăng 5–6: ‘Đừng Sợ’


“Ngày 25–31 tháng Ba. Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6–7; Giăng 5–6: ‘Đừng Sợ’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 25–31 tháng Ba. Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6–7; Giăng 5–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019

Đấng Ky Tô cho đoàn dân thức ăn

Feed Them (Cho Họ Thức Ăn), tranh của Jorge Cocco

Ngày 25–31 tháng Ba

Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6–7; Giăng 5–6

“Đừng Sợ”

Trong khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy từ Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6–7; và Giăng 5–6, hãy tìm các sứ điệp liên quan đến lớp học của mình. Khi anh chị em làm như vậy, hãy xem xét cách để giúp các học viên có một kinh nghiệm đầy ý nghĩa với thánh thư.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Một cách để bắt đầu cuộc thảo luận về các chương này là mời một số học viên, mỗi người chọn một chương từ bài đọc và chuẩn bị trước để chia sẻ một sứ điệp từ chương đó mà có ý nghĩa đối với họ. Trong khi họ chia sẻ, những học viên khác có thể đặt câu hỏi hoặc thêm vào những sự hiểu biết sâu sắc.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Giăng 5:16–47

Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử Yêu Dấu của Đức Chúa Cha.

  • Trong Giăng 5, Chúa Giê Su cung cấp cho chúng ta những sự hiểu biết sâu sắc về Ngài, Cha của Ngài, và mối liên hệ giữa Ngài và Đức Chúa Cha. Để giúp lớp học khám phá ra những sự hiểu biết sâu sắc này, hãy thử chia họ thành các nhóm và cho họ vài phút để liệt kê càng nhiều càng tốt các lẽ thật mà họ có thể tìm ra trong các câu 16–47 về thiên tính của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô, và mối liên hệ của Hai Ngài. Mời các nhóm lần lượt đọc các lẽ thật từ bản liệt kê của họ cho đến khi mọi lẽ thật trong các bản liệt kê đều được chia sẻ. Bằng cách nào các lẽ thật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài? Chúng ta có thể làm gì để noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô về sự vâng lời Cha Thiên Thượng?

  • Một sinh hoạt trong đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình mời các học viên ghi chú mỗi lần Chúa Giê Su sử dụng từ Cha trong Giăng 5. Mời một vài học viên chia sẻ điều họ đã học khi họ hoàn tất sinh hoạt đó. Những sự hiểu biết sâu sắc nào họ đã đạt được về Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài? Phúc âm phục hồi dạy điều gì giúp chúng ta hiểu rõ hơn Cha Thiên Thượng của chúng ta là ai và tại sao chúng ta thờ phượng Ngài? Một số ý kiến có thể được tìm thấy trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, mục “Thượng Đế, Thiên Chủ Đoàn” và trong mục “Thượng Đế Đức Chúa Cha” trong Trung Thành với Đức Tin, trang 74–76. Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể hát, lắng nghe, hoặc đọc “O My Father,” Hymns, số 292 cùng với cả lớp.

Ma Thi Ơ 14:16–21; Mác 6:33–44; Giăng 6:5–14

Đấng Cứu Rỗi có thể làm cho của lễ của chúng ta trở nên lớn lao để đạt được các mục đích của Ngài.

  • Điều gì có thể giúp các học viên tìm được ý nghĩa về mặt cá nhân từ phép lạ khi Chúa Giê Su cho năm ngàn người ăn? Anh chị em có thể hỏi bằng cách nào việc đọc về phép lạ đó làm gia tăng đức tin của họ nơi khả năng của Đấng Cứu Rỗi để ban phước cho cá nhân của họ. Có khi nào họ cảm thấy rằng các phương tiện hay khả năng của họ thì không đủ để hoàn thành một mục tiêu hay một lệnh truyền từ Thượng Đế không? Có khi nào họ cảm thấy rằng Đấng Cứu Rỗi làm tăng thêm hoặc gia tăng gấp bội phần các nỗ lực của họ để giúp họ đạt được điều gì đó mà dường như bất khả thi?

    bánh và cá

    Một cách kỳ diệu, Chúa Giê Su đã cho 5.000 người ăn chỉ với năm cái bánh và hai con cá.

  • Video “The Feeding of the 5,000” (Cho 5.000 Người Ăn) (LDS.org) có thể giúp các học viên suy ngẫm về phép lạ được mô tả trong các đoạn này. Những chi tiết nào chúng ta có thể tìm thấy trong câu chuyện này mà làm gia tăng đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi? Trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta no đủ về mặt thuộc linh? Có khi nào chúng ta đã được Chúa Giê Su Ky Tô cho ăn no đủ và tán trợ không? Để có một ví dụ về một phép lạ trong ngày nay mà tương tự với phép lạ về bánh và cá, xin xem video “Pure and Simple Faith” (Đức Tin Thanh Khiết và Giản Dị) (LDS.org). 

Ma Thi Ơ 14:22–33

Chúa Giê Su Ky Tô mời chúng ta bỏ những nỗi sợ hãi và nghi ngờ của mình sang một bên để mà chúng ta có thể đến cùng Ngài một cách trọn vẹn hơn.

  • Câu chuyện trong Ma Thi Ơ 14:22–33 có thể giúp các học viên gia tăng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và ước muốn để noi theo Ngài. Mời các học viên đọc câu chuyện này, đặc biệt chú ý đến những lời nói của Đấng Ky Tô, Phi E Rơ, và Các Vị Sứ Đồ khác. Làm thế nào những lời của Chúa Giê Su có thể giúp Phi E Rơ có đức tin để ra khỏi thuyền và bước đi trên nước? Bằng cách nào lời khuyên nhủ của Chúa Giê Su “hãy yên lòng” và “đừng sợ” (câu 27) được áp dụng cho chúng ta ngày nay? Chúng ta có thể học được gì từ Phi E Rơ về ý nghĩa của việc trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và tin cậy Ngài?

  • Ma Thi Ơ 14:22–33 có những từ và cụm từ mà có thể soi dẫn cho các học viên thực hành đức tin lớn lao hơn nơi Đấng Cứu Rỗi. Yêu cầu họ tìm kiếm những từ và cụm từ đầy soi dẫn đó, viết chúng lên trên bảng, và thảo luận điều họ đã viết. Các học viên có thể liên hệ tới kinh nghiệm của Phi E Rơ không? Anh chị em có thể khuyến khích họ nghĩ về và chia sẻ các kinh nghiệm mà trong đó họ, cũng giống như Phi E Rơ, hành động để noi theo Đấng Cứu Rỗi, ngay cả khi kết quả là không chắc chắn. Họ đã học được gì từ kinh nghiệm ấy? Bằng cách nào Chúa Giê Su Ky Tô đến để giải cứu họ trong những giây phút họ sợ hãi hoặc lo lắng?

Giăng 6:22–71

Với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta phải sẵn lòng tin tưởng và chấp nhận lẽ thật ngay cả khi điều đó khó để làm.

  • Các sự kiện trong Giăng 6 có thể cung cấp một quan điểm hữu ích khi người ta thắc mắc về giáo lý, lịch sử, hoặc các chính sách của Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Trong chương này, một số người đi theo Chúa Giê Su từ chối chấp nhận những lời giảng dạy của Ngài rằng Ngài là Bánh của Sự Sống và họ có thể được cứu rỗi chỉ qua sự hy sinh thể xác và máu của Ngài. Để giúp các học viên áp dụng câu chuyện này vào cuộc sống của họ, anh chị em có thể viết các câu hỏi như sau đây lên trên bảng và yêu cầu các học viên tìm các câu trả lời trong những câu 22–71: Đoàn dân đang mong đợi điều gì? (xin xem câu 26). Thay vì vậy, Đấng Ky Tô đã đề nghị họ điều gì? (xin xem câu 51). Đoàn dân đã hiểu lầm điều gì? (xin xem các câu 41–42 52). Một số cách nào chúng ta có thể chọn để bước đi cùng Đấng Ky Tô ngay cả khi chúng ta có thắc mắc? Mời họ suy ngẫm cách câu hỏi của Đấng Cứu Rỗi và lời đáp của Phi E Rơ trong các câu 67–69. Một số giáo lý, giáo lễ, hoặc “những lời về cuộc sống vĩnh cửu” nào khác mà có thể được tìm thấy chỉ trong Giáo Hội phục hồi của Đấng Ky Tô? Mời các học viên chia sẻ việc làm thế nào các giáo lý và giáo lễ này đã ban phước cho họ và gia đình của họ. Để có sự hiểu biết sâu sắc từ một Vị Sứ Đồ ngày nay, hãy mời một học viên đọc câu phát biểu của Anh Cả M. Russell Ballard trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”

biểu tượng học hỏi

Khuyến Khích Học Hỏi tại Nhà

Các học viên có thể cảm thấy có cảm hứng để đọc các đoạn thánh thư cho lớp học tuần tới nếu anh chị em chỉ ra rằng các sự kiện họ đọc sẽ có thể làm cho kinh nghiệm của họ khi lắng nghe đại hội trung ương được sâu sắc hơn. Hãy khuyến khích họ trong buổi học tới sẽ sẵn sàng chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của mình.

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Ma Thi Ơ 14–15; Mác 6–7; Giăng 5–6

“Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”

Sau khi trích dẫn Giăng 6:68–69, Anh Cả M. Russell Ballard đã dạy rằng:

“Đối với một số người, lời mời của Đấng Ky Tô để tin tưởng và tiếp tục ở lại thì vẫn là rất khó—hoặc khó chấp nhận. Một số môn đồ vất vả để hiểu được một chính sách hoặc lời giảng dạy cụ thể của Giáo Hội. Những người khác thấy quan tâm đến lịch sử của chúng ta hoặc những khuyết điểm của một số tín hữu và các vị lãnh đạo trước kia và hiện nay. Còn những người khác cảm thấy khó để có thể sống theo một tôn giáo mà đòi hỏi quá nhiều hy sinh. Cuối cùng, một số người đã trở nên ‘mệt mỏi khi làm điều thiện’ [GLGƯ 64:33]. Vì những lý do này và những lý do khác, một số tín hữu Giáo Hội có đức tin lung lay, tự hỏi có lẽ họ nên đi theo những người ‘trở lui, không đi’ với Chúa Giê Su nữa.

“Nếu có bất cứ ai trong anh chị em đang có đức tin lung lay thì tôi xin hỏi anh chị em cùng câu hỏi tương tự mà Phi E Rơ đã hỏi: ‘[Anh chị em] đi theo ai?’ …

“… Vậy, trước khi anh chị em đưa ra sự lựa chọn nguy hiểm về phần thuộc linh để bỏ đi, thì tôi khuyên anh chị em nên ngừng lại và suy nghĩ kỹ trước khi từ bỏ bất cứ điều gì mà trước tiên đã mang anh chị em đến việc có được chứng ngôn của mình về Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy ngừng lại và suy nghĩ về cảm nghĩ của anh chị em ở đây và tại sao anh chị em cảm thấy như vậy. Hãy suy nghĩ về những lúc Đức Thánh Linh đã làm chứng với anh chị em về lẽ thật vĩnh cửu” (“Chúng Tôi Đi Theo Ai?” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 90–91).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Lắng nghe. “Lắng nghe là một hành động yêu thương. … Cầu xin Cha Thiên Thượng giúp các anh chị em hiểu được điều mà học viên của các anh chị em nói. Khi chú ý kỹ đến các thông điệp được nói ra và không nói ra của họ, các anh chị em sẽ hiểu rõ hơn các nhu cầu, mối quan tâm, và ước muốn của họ” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 34).