Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 1–14 tháng Tư. Ma Thi Ơ 16–17; Mác 9; Lu Ca 9: ‘Chúa Là Đấng Ky Tô’


“Ngày 1–14 tháng Tư. Ma Thi Ơ 16–17; Mác 9; Lu Ca 9; Lu Ca 9: ‘Chúa Là Đấng Ky Tô’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 1–14 tháng Tư. Ma Thi Ơ 16–17; Mác 9; Lu Ca 9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019

Hình Ảnh
Sự biến hình của Đấng Ky Tô

The Transfiguration (Sự Biến Hình), tranh của Carl Heinrich Bloch

Ngày 1–14 tháng Tư

Ma Thi Ơ 16–17; Mác 9; Lu Ca 9

“Chúa Là Đấng Ky Tô”

Những sứ điệp nào anh chị em đã nghe hoặc đọc từ kỳ đại hội trung ương gần đây nhất mà có thể củng cố giáo lý trong những chương này? Khi anh chị em học, hãy suy ngẫm về những nhu cầu của các học viên của mình và ghi lại bất kỳ ấn tượng nào anh chị em nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Một cách anh chị em có thể khuyến khích các học viên học thánh thư riêng cá nhân và chung với gia đình là mời họ chia sẻ mỗi tuần về việc học tập thánh thư đã ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào. Ví dụ, việc học tập các chương này đã ảnh hưởng đến kinh nghiệm của họ với đại hội trung ương như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Ma Thi Ơ 16:13–17

Một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô đến bởi sự mặc khải.

  • Có học viên nào từng phải giải thích cho một người nào đó về việc làm thế nào họ biết phúc âm là chân thật không? Trong Ma Thi Ơ 16:13–17, Đấng Cứu Rỗi đã dạy gì về cách chúng ta nhận được một chứng ngôn? Anh chị em có thể chia sẻ cách An Ma đạt được chứng ngôn của ông (xin xem An Ma 5:45–46) hoặc điều Chúa đã dạy Oliver Cowdery về sự mặc khải (xin xem GLGƯ 6:14–15, 22–23; 8:2–3). Anh chị em nghĩ Phi E Rơ hoặc An Ma, hoặc Oliver Coweder có thể đã nói gì nếu có người hỏi họ làm thế nào họ biết phúc âm là chân thật?

  • Có thể có những người trong lớp học của anh chị em đang cầu xin một sự mặc khải cá nhân nhưng không biết làm thế nào nhận ra được sự mặc khải khi nó đến. Anh Cả David A. Bednar đã sử dụng hai kinh nghiệm thông thường với ánh sáng để dạy về cách chúng ta nhận sự mặc khải; anh chị em có thể muốn chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc của Anh Cả Bednar với các học viên (xin xem “Tinh Thần Mặc Khải,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 87-90; xin xem thêm video “Patterns of Light: Spirit of Revelation” (Đường Đi của Ánh Sáng: Tinh Thần Mặc Khải) trên LDS.org). Những câu chuyện hoặc lời dạy nào từ thánh thư mà lớp học của anh chị em có thể nghĩ ra mà sẽ giúp ai đó nhận ra được sự mặc khải cá nhân? (Để có ví dụ, xin xem 1 Các Vua 19:11–12; Ga La Ti 5:22–23; E Nót 1:1–8; GLGƯ 8:2–3.)

Ma Thi Ơ 16:13–19; 17:1–9

Các chìa khóa của chức tư tế là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta.

  • Để bắt đầu một cuộc thảo luận về các chìa khóa của chức tư tế, anh chị em có thể viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng: Các chìa khóa của chức tư tế là gì? Ai nắm giữ các chìa khóa đó? Các chìa khóa của chức tư tế được ban cho bằng cách nào? Anh chị em cũng có thể chia sẻ một số câu thánh thư tham khảo mà giúp trả lời những câu hỏi này, như Ma Thi Ơ 16:19; Giáo Lý và Giao Ước 107:18–19; 128:8–11; 132:18–19, 59; và Joseph Smith—Lịch Sử 1:72. Các học viên có thể tìm thấy sự trợ giúp thêm bằng cách tham khảo Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 2.1.1; sứ điệp của Anh Cả Neil L. Andersen “Quyền Năng trong Chức Tư Tế” (Liahona, tháng Mười Một năm 2013, 92-95); hoặc Trung Thành với Đức Tin, trang 126-127. Cho các học viên thời gian để nghiên cứu một câu hỏi mà họ chọn. Rồi họ có thể dạy cho nhau điều họ đã học.

  • Một cuộc thảo luận về Phi E Rơ và Các Vị Sứ Đồ khác mà đã nhận được các chìa khóa của chức tư tế trên núi Biến Hình có thể giúp các học viên củng cố chứng ngôn của họ về sự phục hồi các chìa khóa của chức tư tế trong những ngày sau. Để tạo cảm hứng cho một cuộc thảo luận như vậy, anh chị em có thể yêu cầu một nửa lớp học Ma Thi Ơ 17:1–9 (xin xem thêm đại cương tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình) và nửa lớp còn lại học Giáo Lý và Giao Ước 110. Rồi họ có thể chia sẻ cho nhau điều họ đã học và ghi chú những điểm tương đồng giữa hai câu chuyện. Video “Priesthood Keys: The Restoration of Priesthood Keys” (Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế: Sự Phục Hồi Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế) (LDS.org) cũng có thể hữu ích.

  • Các học viên của anh chị em có hiểu được cách mà các chìa khóa của chức tư tế ban phước cho cuộc sống của họ không? Để giúp họ, anh chị em có thể mời họ tìm kiếm trong Sách Hướng Dẫn 2 2.1.1 một bản liệt kê những người nắm giữ các chìa khóa. Những người như vậy là ai trong tiểu giáo khu và giáo khu của anh chị em? Anh chị em cũng có thể liệt kê tên của họ lên trên bảng hoặc mời một vài người trong số họ nói chuyện với lớp học. Bằng cách nào họ sử dụng các chìa khóa của chức tư tế đã được ban cho để hướng dẫn công việc của chức tư tế trong các sự kêu gọi của mình? Chúng ta được ban phước như thế nào bởi sự phục vụ của các vị lãnh đạo chức tư tế này?

Hình Ảnh
bức tượng Phi E Rơ nắm giữ các chìa khóa

Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền hướng dẫn việc sử dụng chức tư tế.

Mác 9:14–30

Khi tìm kiếm đức tin lớn hơn, trước hết chúng ta phải duy trì đức tin mà chúng ta đã có.

  • Anh Cả Jeffrey R. Holland đã sử dụng câu chuyện về một người cha tìm kiếm sự chữa lành cho đứa con trai để dạy chúng ta nên tiếp cận Chúa như thế nào khi chúng ta cảm thấy rằng đức tin của mình không đủ (xin xem “Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93-95). Ba điểm chính trong bài nói chuyện của ông được gồm vào trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Có lẽ anh chị em có thể chia lớp thành bốn nhóm và chỉ định một nhóm thảo luận Mác 9:14–30 và mỗi nhóm khác thảo luận một trong ba nhận xét của Anh Cả Holland. Họ có thể tìm các sứ điệp trong câu chuyện thánh thư này mà có thể giúp chúng ta gia tăng đức tin của mình. Mỗi nhóm có thể chia sẻ với các học viên còn lại một vài sự hiểu biết sâu sắc đến từ cuộc thảo luận của họ.

Hình Ảnh
biểu tượng học hỏi

Khuyến Khích Học Hỏi tại Nhà

Để khuyến khích các học viên học tại nhà tuần này, hãy nói với họ rằng đại cương tuần sau trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có thể giúp họ và gia đình có một Lễ Phục Sinh đầy ý nghĩa hơn. Ngoài ra, anh chị em có thể đề nghị rằng Chủ Nhật Phục Sinh có thể là một thời điểm tốt cho họ mời các tín hữu kém tích cực hoặc bạn bè thuộc các tín ngưỡng khác đến nhà thờ.

Hình Ảnh
hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Ma Thi Ơ 16–17; Mác 9; Lu Ca 9

Các chủ tịch đoàn các tổ chức bổ trợ nhận được thẩm quyền đã được giao phó.

“Tất cả các tổ chức bổ trợ của tiểu giáo khu và giáo khu hoạt động dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu là người nắm giữ các chìa khóa chủ tọa. Các chủ tịch tổ chức bổ trợ và các cố vấn của họ không nhận được các chìa khóa này. Họ nhận được thẩm quyền đã được giao phó để hành động trong chức vụ kêu gọi của họ” (Sách Hướng Dẫn 2, 2.1.1).

Ba nhận xét giúp chúng ta đạt được nhiều đức tin hơn.

Sau khi kể lại câu chuyện trong Mác 9:14–29, Anh Cả Jeffrey R. Holland dạy rằng:

“Điều nhận xét đầu tiên về câu chuyện này là khi đối phó với thử thách về đức tin, trước hết người cha khẳng định sức mạnh của mình và chỉ lúc đó ông ta mới thừa nhận giới hạn của mình. Lời nói ban đầu của ông là lời khẳng định và không do dự: ‘Thưa Chúa, tôi tin.’ Tôi sẽ nói với tất cả những người nào muốn có thêm đức tin, thì hãy nhớ tới người đàn ông này! Trong những giây phút đầy sợ hãi, nghi ngờ hoặc trong những lúc gặp rắc rối, hãy duy trì đức tin mà các anh chị em đã có được, ngay cả khi đức tin đó rất hạn chế. … Hãy bám chặt vào điều mà các anh chị em đã biết và đứng vững cho đến khi hiểu biết thêm. … Chiều sâu đức tin hoặc mức độ hiểu biết của các anh chị em không phải là điều quan trọng—việc các anh chị em cho thấy tính liêm khiết đối với đức tin của mình thật sự có và lẽ thật mà các anh chị em biết mới là quan trọng.

“Điều nhận xét thứ hai khác một chút so với điều nhận xét đầu tiên. Khi có vấn đề và các câu hỏi nảy sinh, thì đừng bắt đầu tìm kiếm đức tin bằng cách nói rằng các anh chị em không có nhiều đức tin, mà hãy bắt đầu bằng ‘sự không tin’ của mình. … Tôi không yêu cầu các anh chị em giả vờ có đức tin mà mình thật sự không có. Tôi đang yêu cầu các anh chị em hãy chân thành với đức tin mà các anh chị em thật sự có. … Hãy thành thật về những thắc mắc của mình, là điều các anh chị em cần phải làm. Chúng ta đều có thắc mắc về một điều gì đó. Nhưng nếu các anh chị em và gia đình mình muốn được chữa lành, thì đừng để cho những thắc mắc đó cản trở đức tin mang đến phép lạ. …

“Điều nhận xét cuối cùng: khi nỗi nghi ngờ hoặc khó khăn xảy đến, đừng ngại yêu cầu được giúp đỡ. Nếu muốn được giúp đỡ một cách khiêm nhường và chân thành như người cha này đã làm, thì chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ đó. Thánh thư nói ước muốn thiết tha như vậy là ‘chủ ý thật sự,’ được đeo đuổi ‘một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa và lừa dối trước mặt Thượng Đế.’ [2 Nê Phi 31:13]. Tôi làm chứng rằng để đáp lại lời khẩn cầu được lặp đi lặp lại đó, Thượng Đế sẽ gửi đến sự giúp đỡ từ cả hai phía của tấm màn che để củng cố niềm tin của chúng ta” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93–94).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Đặt ra những câu hỏi để mời chia sẻ chứng ngôn. Việc đặt ra những câu hỏi khuyến khích học viên chia sẻ chứng ngôn có thể là một cách hiệu quả để mời Thánh Linh đến. Ví dụ, khi thảo luận Ma Thi Ơ 16:13–17, anh chị em có thể hỏi: “Các anh chị em đã học được gì về Đấng Cứu Rỗi mà giúp củng cố chứng ngôn của các anh chị em rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi?” (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi trang 32.)

In