Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 16–22 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của Cách Vui Lòng’


“Ngày 16–22 tháng Tám. 2 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của Cách Vui Lòng’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 16–22 tháng Tám. 2 Cô Rinh Tô 8–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019

Hình Ảnh
Chúa Giê Su nói chuyện với trẻ nhỏ

Ngày 16–22 tháng Chín

2 Cô Rinh Tô 8–13

“Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của Cách Vui Lòng”

Khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 8–13, hãy nghĩ về những người anh chị em giảng dạy và hoạch định các sinh hoạt mà sẽ giúp họ khám phá ra các nguyên tắc trong những chương này. Rồi ôn lại đại cương này để có thêm ý kiến.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Đây là một cách để mời các học viên chia sẻ điều họ đã học được từ 2 Cô Rinh Tô 8–13. Yêu cầu một vài người viết lên trên bảng một cụm từ yêu thích từ bài đọc của họ, và rồi yêu cầu những người còn lại tìm cụm từ đó trong thánh thư. Mời các học viên chia sẻ lý do tại sao những cụm từ này có ý nghĩa đối với họ.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

2 Cô Rinh Tô 8:1–15; 9:6–15

Các Thánh Hữu vui vẻ chia sẻ những thứ họ có để ban phước cho người nghèo và túng thiếu.

  • Thượng Đế truyền lệnh cho Các Thánh Hữu của Ngài giúp chăm sóc những ai túng thiếu, và các đoạn thánh thư trong 2 Cô Rinh Tô 8–9 có thể soi dẫn các học viên trong những nỗ lực của họ. Để giúp họ tìm các đoạn thánh thư này, anh chị em có thể viết lên trên bảng các câu hỏi như Tại sao chúng ta cho đi?Chúng ta nên cho bằng cách nào? Một nửa lớp học có thể tìm kiếm câu trả lời trong 2 Cô Rinh Tô 8:1–15, và nửa kia có thể tìm kiếm trong 2 Cô Rinh Tô 9:6–15. (Anh chị em có thể giải thích rằng trong chương 8, các câu 1–5, Phao Lô kể về Các Thánh Hữu ở thành Ma Xê Đoan là tấm gương về việc ban phát rộng rãi.) Làm thế nào các nguyên tắc được Phao Lô dạy có thể giúp chúng ta chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu một cách tốt hơn?

  • Để giúp các học viên hiểu rõ hơn cách thức của Chúa trong việc đáp ứng các nhu cầu thế tục của Các Thánh Hữu của Ngài, có nhiều nguồn tài liệu được liệt kê trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Có lẽ anh chị em có thể chỉ định một vài học viên ôn lại một hoặc nhiều hơn trong số các nguồn tài liệu này và chia sẻ về điều đã gây ấn tượng cho họ. Các học viên có thể tìm những ý kiến trong 2 Cô Rinh Tô 8:1–15; 9:6–15 cho thấy rằng Các Thánh Hữu trong thời của Phao Lô đã chăm sóc người nghèo theo cùng những cách mà chúng ta đang làm ngày nay không?

2 Cô Rinh Tô 11:13–33

Các tiên tri giả tìm cách để lừa gạt.

  • Bởi vì chúng ta, giống như Các Thánh Hữu ở thành Cô Rinh Tô, hết thảy đều dễ bị ảnh hưởng bởi những lời giảng dạy sai lầm, nên chúng ta có thể được lợi ích từ việc ôn lại các cảnh báo của Phao Lô dành cho người dân thành Cô Rinh Tô về “sứ đồ giả.” Các học viên có thể tìm được những ví dụ về những lời giảng dạy sai lầm mà ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay trong sứ điệp của Anh Cả Quentin L. Cook “Quả Cảm trong Chứng Ngôn về Chúa Giê Su” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 40–43). Có lẽ anh chị em có thể chỉ định một ai đó đọc trước sứ điệp này và chia sẻ với lớp học điều sứ điệp này dạy về cách chúng ta có thể tránh “những chướng ngại vật” mà dẫn chúng ta rời xa phúc âm. Có những lời giảng dạy nào tương tự trong thế gian ngày nay có thể dẫn chúng ta rời xa các lẽ thật của phúc âm? Anh chị em có thể yêu cầu các học viên ôn lại 2 Cô Rinh Tô 11:21–33 và chia sẻ điều họ học được từ các câu thánh thư này về “[những] kẻ hầu việc [thật sự] của Đấng Ky Tô.”

2 Cô Rinh Tô 11:3; 13:5–8

Chúng ta nên “tự xét” về lòng thành tín của chúng ta nơi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Đôi khi các tín hữu Giáo Hội cảm thấy quá sức chịu đựng trước những đòi hỏi của cuộc sống—kể cả những việc họ cho là bị đòi hỏi khi làm một Thánh Hữu Ngày Sau. Lời khuyên dạy của Phao Lô để “tự xét để xem mình có đức tin chăng” có thể giúp anh chị em và các học viên tập trung vào “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Ky Tô” (2 Cô Rinh Tô 13:5; 11:3). Có lẽ anh chị em có thể cùng nhau đọc 2 Cô Rinh Tô 11:3 và thảo luận ý nghĩa của cụm từ “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Ky Tô.” Anh chị em cũng có thể yêu cầu các học viên tưởng tượng rằng họ được mời viết một lời mô tả về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho một tờ báo, với giới hạn 100 từ. Cho họ thời gian để viết những lời mô tả của họ, và hãy để họ chia sẻ với nhau điều họ đã viết. Nếu họ cần trợ giúp, họ có thể tham khảo Giăng 3:16–17; 3 Nê Phi 27:13–21; và Trung Thành Với Đức Tin, trang 151. Hãy mời các học viên suy ngẫm xem họ vẫn đang trung thành với các nguyên tắc cơ ban̉ của phúc âm không.

  • Để giúp các học viên “tự xét” cách họ có thể làm cho cuộc sống của mình đơn giản hơn để làm những môn đồ tốt hơn, anh chị em có thể chia sẻ với họ câu phát biểu của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Các học viên có thể thảo luận cách họ có thể áp dụng lời mời của Chủ Tịch Uchtdorf để “tập trung vào các giáo lý cơ bản, các nguyên tắc, và cách áp dụng của phúc âm.” Các học viên có ý kiến nào khác về cách chúng ta có thể tự xét lại mình để đảm bảo rằng chúng ta vẫn trung thành với đức tin không?

2 Cô Rinh Tô 12:5–10

Ân điển của Đấng Cứu Rỗi là đủ để giúp chúng ta tìm được sức mạnh trong sự yếu kém của chúng ta.

  • Anh chị em sẽ nói gì với một người bạn đã cầu nguyện để được cứu giúp khỏi một khiếm khuyết thể xác nhưng cảm thấy rằng lời cầu nguyện này không được đáp ứng? Cân nhắc việc mời các học viên suy ngẫm câu hỏi này khi họ đọc thầm 2 Cô Rinh Tô 12:5–10. Rồi họ có thể chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ các câu thánh thư đó mà có thể giúp trong tình huống này. Họ cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm khi, qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, họ tìm thấy sức mạnh trong sự yếu kém. Kinh nghiệm đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Để khuyến khích các học viên đọc sách Ga La Ti, anh chị em có thể hỏi xem họ có biết bất kỳ ai đã rời bỏ phúc âm không. Nếu vậy, họ sẽ muốn đọc về cách Phao Lô đã mời những người ở thành Ga La Ti mà đã rời bỏ phúc âm để quay trở lại.

Hình Ảnh
hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

2 Cô Rinh Tô 8–13

Cách của Chúa để lo liệu cho người nghèo khổ và túng thiếu.

Chúng ta có thể đơn giản hóa cách tiếp cận của mình với việc sống theo phúc âm.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy:

“Các anh chị em thân mến, việc sống theo phúc âm không cần phải phức tạp.

“Mà thực sự phải là đơn giản. Điều đó có thể được mô tả như sau:

  • “Khi lắng nghe lời của Thượng Đế với ý định nghiêm túc thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đến việc tin nơi Thượng Đế và tin cậy những lời hứa của Ngài.

  • “Chúng ta càng tin cậy Thượng Đế, thì tâm hồn chúng ta càng được tràn ngập tình yêu thương đối với Ngài và lẫn nhau.

  • “Vì tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế, nên chúng ta mong muốn noi theo Ngài và làm những điều phù hợp với lời của Ngài.

  • “Bởi vì chúng ta yêu mến Thượng Đế, nên chúng ta muốn phục vụ Ngài; chúng ta muốn ban phước cho cuộc sống của những người khác cùng giúp người nghèo khó và túng thiếu.

  • “Chúng ta càng bước đi trên con đường làm môn đồ này thì càng mong muốn học hỏi lời Thượng Đế.

“Và như vậy, mỗi bước đều dẫn đến bước kế tiếp và làm cho chúng ta tràn đầy đức tin, hy vọng và càng ngày càng tràn đầy lòng bác ái hơn.

“Phúc âm thật là đơn giản và có lợi ích một cách tuyệt vời.

“Thưa các anh chị em, nếu các anh chị em có bao giờ nghĩ rằng phúc âm không mang lại lợi ích nhiều cho mình, thì tôi mời các anh chị em hãy lùi lại, nhìn vào cuộc sống của mình, và đơn giản hóa phương thức của mình đối với vai trò môn đồ. Hãy tập trung vào các giáo lý cơ bản, nguyên tắc, và cách áp dụng của phúc âm. Tôi hứa rằng Thượng Đế sẽ hướng dẫn và ban phước cho các anh chị em trên con đường dẫn tới một cuộc đời đầy ý nghĩa, và nhất định phúc âm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các anh chị em” (“Phúc Âm Rất Có Lợi Ích!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 22).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy cùng nhau làm việc với các thành viên trong gia đình. “Những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến một cá nhân—tốt hay xấu—thường là những người trong nhà của họ. Vì nhà là trung tâm của việc sống theo và học tập phúc âm, các nỗ lực của các anh chị em để củng cố một học viên sẽ hiệu quả nhất khi các anh chị em cùng nhau làm việc với … [những người trong gia đình]” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 8).

In