Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 26 tháng Tám–Ngày 1 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô’


“Ngày 26 tháng Tám–Ngày 1 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)

“Ngày 26 tháng Tám–Ngày 1 tháng Chín. 1 Cô Rinh Tô 8–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2019

Hình Ảnh
lễ Tiệc Thánh

Ngày 26 tháng Tám– Ngày 1 tháng Chín

1 Cô Rinh Tô 8–13

“Anh Em Là Thân của Đấng Ky Tô”

Anh Cả Richard G. Scott dạy rằng chúng ta “có thể không nghe được lời hướng dẫn quý báu và riêng tư nhất của Thánh Linh” nếu chúng ta không ghi chép và đáp ứng với “những thúc giục đầu tiên đến với [chúng ta]” (“Để Nhận Được Sự Hướng Dẫn Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 8).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Phao Lô đã dùng các câu chuyện ngụ ngôn và hình ảnh trong 1 Cô Rinh Tô 8–13, như người chạy trong cuộc đua, thân thể con người, và “chập chỏa vang tiếng” (1 Cô Rinh Tô 13:1). Các học viên có những hiểu biết sâu sắc nào về hình ảnh này? Làm thế nào hình ảnh này giúp họ hiểu lẽ thật phúc âm rõ hơn?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

1 Cô Rinh Tô 10:1–13

Tất cả chúng ta đều đối mặt với cám dỗ, nhưng Thượng Đế cung ứng một cách để thoát khỏi nó.

  • Bằng cách nào anh chị em có thể giúp các học viên khám phá ra các lẽ thật mạnh mẽ trong 1 Cô Rinh Tô 10:13? Một ý kiến là hãy chia câu thánh thư này thành các cụm từ ngắn gọn, đưa mỗi cụm từ cho một học viên khác nhau, và yêu cầu các học viên nhắc lại các cụm từ bằng lời riêng của họ. Ví dụ, một cách khác để nói “Đức Chúa Trời là thành tín” hoặc “bị cám dỗ quá sức mình” là gì? Rồi anh chị em có thể tổng hợp một số câu nói của các học viên lại với nhau và tìm thêm những cách áp dụng vào cuộc sống chúng ta. Các học viên có thể chia sẻ kinh nghiệm theo đó họ đã tìm thấy những lời hứa trong câu thánh thư này là thật. Chúng ta có thể có thêm những hiểu biết sâu sắc nào về các câu thánh thư này từ An Ma 13:27–28?

  • Thay vì chăm chú vào những cám dỗ cụ thể của một ai đó, anh chị em có lẽ muốn tập trung thảo luận 1 Cô Rinh Tô 10:13 về các cám dỗ mà, theo lời Phao Lô, là “chẳng có sự nào quá sức loài người.” Các học viên có thể bắt đầu bằng cách nhận ra các cám dỗ mà Phao Lô cảnh báo trong các câu 1–12. Họ cũng có thể nêu ra ví dụ thời nay về các cám dỗ thường gặp, như cám dỗ để không trung thực, ngồi lê đôi mách, hoặc xét đoán người khác. Làm thế nào một người, với sự giúp đỡ của Thượng Đế, “ra khỏi” được những cám dỗ này? Anh chị em có thể muốn đóng diễn một số tình huống.

  • Có lẽ hữu ích để cân nhắc 1 Cô Rinh Tô 10:13 trong văn cảnh về niềm mong muốn trên hết của Phao Lô về sự đoàn kết giữa Các Thánh Hữu. Chúng ta có thể làm gì để giúp nhau “ra khỏi” và “chịu được” các cám dỗ chúng ta có thể gặp? Sự đoàn kết giúp chúng ta chống lại cám dỗ như thế nào?

1 Cô Rinh Tô 10:16–17; 11:23–30

Lễ Tiệc Thánh đoàn kết chúng ta với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

  • Những câu thánh thư này có thể soi dẫn cuộc thảo luận về cách lễ Tiệc Thánh có thể đoàn kết tiểu giáo khu của anh chị em trong những nỗ lực trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Anh chị em có thể bắt đầu với việc đọc 1 Cô Rinh Tô 10:16–17 và khám phá từ “thông với” có thể có ý nghĩa gì trong văn cảnh này (một ai đó có thể tìm các định nghĩa nếu có trong từ điển). Việc cùng nhau dự phần Tiệc Thánh giúp chúng ta cảm thấy đoàn kết hơn như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để nuôi dưỡng tình đoàn kết trong suốt buổi họp Tiệc Thánh? Lời khuyên dạy của Phao Lô “mỗi người phải tự xét lấy mình” liên quan như thế nào đến mục tiêu này? (1 Cô Rinh Tô 11:28).

1 Cô Rinh Tô 12

Chúng ta nên tìm kiếm các ân tứ của Thánh Linh để làm lợi ích cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp các học viên ôn lại các ân tứ thuộc linh mà Phao Lô đã mô tả và giúp họ nhận ra sự đa dạng vô cùng của các ân tứ thuộc linh? Anh chị em có thể cho họ một phút để viết một bản liệt kê càng nhiều các ân tứ của Thánh Linh mà họ có thể nghĩ ra càng tốt. Khi họ đã xong, hãy mời các học viên chia sẻ điều họ đã viết cho đến khi nào mọi ân tứ họ liệt kê ra được nhắc đến. Rồi các học viên có thể tìm các ân tứ khác để bổ sung cho bản liệt kê của họ khi tìm trong 1 Cô Rinh Tô 12 và bản liệt kê của Anh Cả Marvin J. Ashton trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Các học viên đã thấy các ân tứ nào trong các ân tứ này ở những người họ quen biết? Làm thế nào việc phát triển những ân tứ này giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Để giúp các học viên thấy được các ví dụ về cách phát triển các ân tứ thuộc linh của họ giúp gây dựng Giáo Hội, hãy cân nhắc việc mời họ nghĩ về các ân tứ thuộc linh mà những người trong thánh thư đã có. Ví dụ, anh chị em có thể chỉ định họ tìm kiếm một trong các thánh thư tham khảo trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và chia sẻ các ân tứ thuộc linh mà họ nghĩ rằng người đó có. Các ân tứ thuộc linh của những người này đã ban phước cho chính họ và những người khác như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng các ân tứ thuộc linh để ban phước những người khác và gây dựng thân thể của Đấng Ky Tô, hay tức là Giáo Hội? (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:12–31; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 14:12).

  • Để giúp các học viên hiểu cách phát triển các ân tứ thuộc linh, hãy mời họ đọc 1 Cô Rinh Tô 12:27–31; Mô Rô Ni 7:48; 10:23, 30; Giáo Lý và Giao Ước 46:8; và câu trích dẫn của Chủ Tịch George Q. Cannon trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Những nguồn tài liệu này dạy chúng ta điều gì về cách có được các ân tứ thuộc linh? Làm thế nào việc phát triển những ân tứ thuộc linh làm cho chúng ta giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn? Hãy mời các học viên chọn một ân tứ họ muốn có và tìm sự giúp đỡ của Chúa để đạt được ân tứ đó.

1 Cô Rinh Tô 13

Lòng bác ái là ân tứ thuộc linh lớn nhất.

  • Một số người nghĩ về lòng bác ái như là những điều hiến tặng cho người nghèo hoặc tử tế với người khác. Mặc dù những điều này có thể chắc chắn minh họa về lòng bác ái, nhưng sự mô tả của Phao Lô lại càng mở rộng hơn. Để giúp các học viên phân tích điều này, anh chị em có thể yêu cầu họ thầm suy ngẫm 1 Cô Rinh Tô 13 và nghĩ về một ai đó họ biết là một tấm gương tốt về một hoặc nhiều khía cạnh của lòng bác ái mà Phao Lô nói đến. Một số học viên có thể mô tả người mà họ suy nghĩ và một kinh nghiệm khi người đó biểu lộ lòng bác ái. Anh chị em thậm chí có thể liệt kê các phần mô tả của Phao Lô lên trên bảng và mời các học viên chia sẻ ý kiến về ý nghĩa của “nhịn nhục” hoặc “chẳng nóng giận” (1 Cô Rinh Tô 13:4–5). Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy những thuộc tính này của lòng bác ái như thế nào? Làm thế nào chúng ta phát triển được lòng bác ái? (xin xem Mô Rô Ni 7:46–48).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Các học viên của anh chị em có biết rằng những giáo lý về phép báp têm cho người chết và ba đẳng cấp vinh quang được đề cập trong Kinh Thánh không? Hãy nói với họ rằng họ sẽ học về những lẽ thật này khi họ học 1 Cô Rinh Tô 14–16 tuần này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

1 Cô Rinh Tô 8–13

Các ân tứ thuộc linh anh chị em có thể đã không nghĩ đến.

Anh Cả Marvin J. Ashton chia sẻ các ví dụ về điều ông gọi là “các ân tứ ít được để ý” của Thánh Linh: “Ân tứ để hỏi; ân tứ để lắng nghe; ân tứ để nghe và sử dụng một giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái; ân tứ để có thể khóc; ân tứ để tránh tranh chấp; ân tứ để đồng ý; ân tứ để tránh sự lặp đi lặp lại vô ích; ân tứ để tìm kiếm điều ngay chính; ân tứ để không phê phán; ân tứ để tìm đến Thượng Đế để được hướng dẫn; ân tứ để làm một môn đồ; ân tứ để chăm sóc cho người khác; ân tứ để có thể suy ngẫm; ân tứ để dâng lên lời cầu nguyện; ân tứ để chia sẻ một chứng ngôn vững mạnh; và ân tứ để nhận được Đức Thánh Linh” (“There Are Many Gifts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, trang 20).

Các tấm gương trong thánh thư có ân tứ thuộc linh.

Tìm kiếm các ân tứ thuộc linh.

Chủ Tịch George Q. Cannon (1827–1901) thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói rằng bổn phận của chúng ta là “cầu nguyện lên Thượng Đế để có được ân tứ nhằm giúp cho chúng ta được hoàn hảo. … Các ân tứ được dành cho mục đích này. Không một người nào nên nói: ‘Ôi, tôi không thể nào làm khác được; đó là bản tính của tôi.’ Người ấy không có lý do chính đáng về điều đó, vì lý do là Thượng Đế đã hứa sẽ ban cho sức mạnh để sửa đổi những điều này, và ban cho các ân tứ mà sẽ loại bỏ những điều đó. Nếu một người kém khôn ngoan, thì người ấy có bổn phận phải cầu xin Thượng Đế ban cho sự khôn ngoan. Cũng giống như vậy với mọi điều khác” (Millennial Star, ngày 23 tháng Tư, năm 1894, trang 260).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy sống theo các nguyên tắc anh chị em giảng dạy. Việc sống theo các nguyên tắc anh chị em đang giảng dạy sẽ giúp anh chị em làm chứng về các nguyên tắc này một cách mạnh mẽ hơn. Phao Lô đã dạy rằng: ”Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành” (1 Cô Rinh Tô 9:14).

In