Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 10–16 tháng Tư. Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9: “Chúa là Đấng Ky Tô”


“Ngày 10–16 tháng Tư. Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9: ‘Chúa là Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 10–16 tháng Tư. Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023

Sự Biến Hình của Đấng Ky Tô

The Transfiguration (Sự Biến Hình), tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Ngày 10–16 tháng Tư

Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9

“Chúa là Đấng Ky Tô”

Một trong những mục tiêu chính của anh chị em với tư cách là giảng viên là giúp những người khác xây đắp đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nhớ điều này trong khi anh chị em học tập thánh thư tuần này. Anh chị em tìm thấy điều gì mà có thể giúp các học viên tin tưởng nơi Ngài một cách sâu đậm hơn?

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Một cách anh chị em có thể khuyến khích các học viên học thánh thư riêng cá nhân và chung với gia đình là mời họ chia sẻ mỗi tuần về việc học thánh thư đã giúp họ nhận được sự mặc khải và ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào. Ví dụ, việc học tập của họ về các chương này đã ảnh hưởng đến những điều họ lựa chọn trong tuần này như thế nào?

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Ma Thi Ơ 16:13–17

Một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô đến bởi sự mặc khải.

  • Có học viên nào từng phải giải thích cho một người nào đó về việc làm thế nào họ biết phúc âm là chân chính không? Trong Ma Thi Ơ 16:13–17, Đấng Cứu Rỗi đã dạy gì về cách chúng ta nhận được một chứng ngôn? Anh chị em có thể chia sẻ cách An Ma đạt được chứng ngôn của ông (xin xem An Ma 5:45–46) hoặc điều Chúa đã dạy Oliver Cowdery về sự mặc khải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:14–15, 22–23; 8:2–3). Anh chị em nghĩ Phi E Rơ hoặc An Ma, hoặc Oliver Cowdery có thể đã nói gì nếu có người hỏi họ làm thế nào họ biết phúc âm là chân chính?

  • Có thể có những người trong lớp học của anh chị em đang cầu xin một sự mặc khải cá nhân nhưng không biết làm thế nào nhận ra được sự mặc khải khi nó đến. Tại trang HearHim.ChurchofJesusChrist.org, anh chị em có thể tìm những video trong đó các vị lãnh đạo Giáo Hội chia sẻ cách họ nhận ra tiếng nói của Chúa. Anh chị em có thể xem một hoặc nhiều hơn các video này cùng với cả lớp và nói về điều mà các video này dạy về việc nhận được sự mặc khải. Những lời dạy hoặc đoạn thánh thư nào khác mà lớp học của anh chị em có thể nghĩ ra mà sẽ giúp ai đó nhận ra được sự mặc khải cá nhân? (Để có ví dụ, xin xem 1 Các Vua 19:11–12; Ga La Ti 5:22–23; Ê Nót 1:1–8; Giáo Lý và Giao Ước 6:22–24; 8:2–3; 9:7–9.)

Ma Thi Ơ 16:13–19; 17:1–9

Các chìa khóa của chức tư tế là cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta.

  • Để bắt đầu một cuộc thảo luận về các chìa khóa của chức tư tế, anh chị em có thể viết những đoạn tham khảo giống như thế này lên trên bảng: Ma Thi Ơ 16:19; Giáo Lý và Giao Ước 107:18–20; 128:8–11; 132:18–19, 59; Joseph Smith—Lịch Sử 1:72; và “Chìa Khóa của Chức Tư Tế, Các” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Sau đó mời các học viên đọc một hoặc nhiều đoạn hơn và chia sẻ điều họ học được từ các câu này về các chìa khóa của chức tư tế. Tại sao chúng ta cần các chìa khóa của chức tư tế?

  • Để giúp các học viên củng cố chứng ngôn của họ về sự phục hồi các chìa khóa của chức tư tế trong những ngày sau, anh chị em có thể yêu cầu nửa lớp học nghiên cứu Ma Thi Ơ 17:1–9 và nửa còn lại nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 110. Rồi họ có thể chia sẻ với nhau điều họ đã học được và ghi chú những điểm tương đồng giữa hai lời tường thuật.

bức tượng Phi E Rơ đang cầm các chìa khóa

Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền hướng dẫn việc sử dụng chức tư tế.

Mác 9:14–30

Khi tìm kiếm đức tin lớn lao hơn, chúng ta bắt đầu với đức tin vốn có của mình.

  • Anh Cả JeffreyR. Holland đã sử dụng câu chuyện về một người cha tìm kiếm sự chữa lành cho đứa con trai để dạy chúng ta nên tiếp cận Chúa như thế nào khi chúng ta cảm thấy rằng đức tin của mình không đủ (xin xem “Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93–95). Sau khi đọc Mác 9:14–30 cùng với cả lớp, anh chị em có thể cùng nhau thảo luận ba lời nhận xét của Anh Cả Holland (xin xem mục “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”).

hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Ba lời nhận xét giúp chúng ta có được nhiều đức tin hơn.

Sau khi kể lại câu chuyện trong Mác 9:14–29, Anh Cả Jeffrey R. Holland dạy rằng:

“Điều nhận xét đầu tiên về câu chuyện này là khi đối phó với thử thách về đức tin, trước hết người cha khẳng định sức mạnh của mình và chỉ lúc đó ông ta mới thừa nhận giới hạn của mình. Lời nói ban đầu của ông là lời khẳng định và không do dự: ‘Thưa Chúa, tôi tin.’ Tôi sẽ nói với tất cả những người nào muốn có thêm đức tin, thì hãy nhớ tới người đàn ông này! Trong những giây phút đầy sợ hãi, nghi ngờ hoặc trong những lúc khó khăn, hãy duy trì đức tin mà các anh chị em đã có được, ngay cả khi đức tin đó rất hạn chế. …

“Điều nhận xét thứ hai khác một chút so với điều nhận xét đầu tiên. Khi có vấn đề và các câu hỏi nảy sinh, thì đừng bắt đầu tìm kiếm đức tin bằng cách nói rằng các anh chị em không có nhiều đức tin, mà hãy bắt đầu bằng ‘sự không tin’ của mình. … Tôi không yêu cầu các anh chị em giả vờ có đức tin mà mình thật sự không có. Tôi đang yêu cầu các anh chị em hãy trung thành với đức tin mà các anh chị em thật sự có. …

“Điều nhận xét cuối cùng: Khi nỗi nghi ngờ hoặc khó khăn xảy đến, đừng ngại yêu cầu để được giúp đỡ. Nếu muốn được giúp đỡ một cách khiêm nhường và chân thành như người cha này đã làm, thì chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ đó” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93–94).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Đặt ra các câu hỏi để mời chia sẻ chứng ngôn. Việc đặt ra những câu hỏi khuyến khích học viên chia sẻ chứng ngôn có thể là một cách hiệu quả để mời Thánh Linh đến. Ví dụ, khi thảo luận Ma Thi Ơ 16:13–17, anh chị em có thể hỏi: “Các anh chị em đã học được gì về Đấng Cứu Rỗi mà giúp củng cố chứng ngôn của các anh chị em rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi?” (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 32.)