“Ngày 24–30 tháng Tư. Giăng 7–10: ‘Ta Là Người Chăn Hiền Lành,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 24–30 tháng Tư. Giăng 7–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 24–30 tháng Tư
Giăng 7–10
“Ta Là Người Chăn Hiền Lành”
Anh chị em và các học viên sẽ có được những hiểu biết sâu sắc trong khi đọc Giăng 7–10 tuần này. Hãy nhớ rằng các ý kiến trong đại cương này nên được dùng để hỗ trợ thay vì thay thế sự soi dẫn mà anh chị em nhận được bằng cách học tập thánh thư.
Mời Chia Sẻ
Nhắc các học viên về tầm quan trọng của việc làm cho nhà của họ trở thành trung tâm học hỏi phúc âm. Yêu cầu họ chia sẻ những điều Đức Thánh Linh đã dạy họ khi họ học Giăng 7–10 ở nhà, riêng cá nhân hoặc cùng với gia đình.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.
-
Qua Giăng 7–10, Đấng Cứu Rỗi đã ban ra một số lời tuyên phán mà có thể giúp các học viên hiểu hơn về sứ mệnh của Ngài và đến gần Ngài hơn. Cân nhắc việc mời các học viên đọc các đoạn thánh thư sau đây và chia sẻ điều các đoạn này dạy về sứ mệnh thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi. Đấng Ky Tô làm trọn các vai trò này trong cuộc sống của chúng ta như thế nào?
-
Giăng 7:37–39: Nguồn “nước sống”
-
Giăng 8:12; 9:4–5: “Sự sáng của thế gian”
-
Giăng 9:8–10, 35–38: “Con Đức Chúa Trời”
-
Giăng 10:7–9: “Cái cửa”
-
Giăng 10:11–14: “Người chăn hiền lành”
-
Khi chúng ta tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ biết được những lời đó là thật.
-
Trong một số phương diện, việc đạt được một chứng ngôn cũng giống như học hỏi một kỹ năng—cả hai đều cần phải thực hành và trải nghiệm. Để minh họa điều này, anh chị em có thể mời các học viên nào mà có một kỹ năng cụ thể, như là tung hứng hoặc chơi một nhạc cụ, giải thích cách họ phát triển kỹ năng đó của mình. Tại sao việc đọc về kỹ năng hoặc xem một người khác trình diễn kỹ năng đó là không đủ? Cùng cả lớp, hãy thảo luận về nỗ lực liên quan đến việc luyện tập một kỹ năng giống với mẫu mực thuộc linh mà Đấng Cứu Rỗi đã mô tả trong Giăng 7:14–17 như thế nào. Nó khác nhau như thế nào?
-
Có lẽ các học viên có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong đó việc sống theo một lẽ thật phúc âm đã giúp họ có được một chứng ngôn về điều đó. Cho các học viên thời gian để nghĩ về một nguyên tắc phúc âm mà họ muốn đạt được một chứng ngôn mạnh mẽ hơn, và rồi khuyến khích họ đặt ra những mục tiêu cụ thể để sống theo nguyên tắc đó một cách trọn vẹn hơn.
Lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi được ban cho tất cả những người hối cải.
-
Với những người cảm thấy bị kết tội bởi những tội lỗi của họ, câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi ban lòng thương xót và sự hối cải cho người đàn bà phạm tội tà dâm có thể là một nguồn khích lệ cho họ. Hoặc, nếu các học viên cảm thấy bị cám dỗ để kết tội những người khác bởi tội lỗi của họ, câu chuyện này có thể được xem là một lời cảnh cáo. Anh chị em có thể mời các học viên đọc Giăng 8:1–11, tìm các câu trả lời cho những câu hỏi sau đây: Câu chuyện này dạy gì về lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi? Việc nhận được lòng thương xót của Ngài khi chúng ta phạm tội có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ để xét đoán những người khác? (xin xem An Ma 29:9–10).
-
Để giúp các học viên thấy được sự liên hệ cá nhân trong Giăng 8:1–11, cân nhắc việc chia lớp học thành ba nhóm—một nhóm tập trung vào lời nói và hành động của những người Pha Ri Si, một nhóm tập trung vào lời nói và hành động của Đấng Cứu Rỗi, và một nhóm tập trung vào lời nói và hành động của người đàn bà. Mời mỗi nhóm lập một bản liệt kê các lẽ thật thuộc linh họ học được khi đọc từng phần của câu chuyện.
-
Đôi khi chúng ta không nhận biết các cách mà mình phán xét những người khác. Đây là một sinh hoạt giúp các học viên khắc phục được khuynh hướng này: Yêu cầu lớp học giúp anh chị em tạo một bản liệt kê những cách chúng ta xét đoán người ta (về ngoại hình, hành vi, xuất thân của họ, và vân vân). Phát cho các học viên các mảnh giấy được cắt theo hình viên đá, và yêu cầu họ chọn một cách xét đoán những người khác mà họ cảm thấy đã mắc phải và viết nó lên một mảnh giấy hình viên đá. Chúng ta học được gì từ những lời Đấng Cứu Rỗi nói với những người Pha Ri Si trong Giăng 8:1–11? Mời cả lớp viết lên mặt còn lại của mảnh giấy hình viên đá một điều gì đó mà sẽ nhắc họ không nên xét đoán nữa (có lẽ là một đoạn từ Giăng 8).
Khi chúng ta tiến đến việc biết Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta tiến đến việc biết được Đức Chúa Cha.
-
Những lời của Đấng Cứu Rỗi trong Giăng 8:18–19, 26–29 dạy điều gì về mối liên hệ giữa Ngài và Cha của Ngài? Sau khi đọc và thảo luận các câu thánh thư này, các học viên có thể liệt kê lên trên bảng một số điều Chúa Giê Su đã làm, nói, hoặc dạy. Chúng ta học được điều gì về Thượng Đế Đức Chúa Cha từ những điều này?