“Ngày 17–23 tháng Tư. Ma Thi Ơ 18; Lu Ca 10: ‘Tôi Phải Làm Gì Để Được Hưởng Sự Sống Đời Đời?,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 17–23 tháng Tư. Ma Thi Ơ 18; Lu Ca 10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2023
Ngày 17–23 tháng Tư
Ma Thi Ơ 18; Lu Ca 10
“Tôi Phải Làm Gì Để Được Hưởng Sự Sống Đời Đời?”
Hãy đọc Ma Thi Ơ 18 và Lu Ca 10, và ghi lại các ấn tượng thuộc linh của anh chị em. Khi anh chị em nhận được ấn tượng, anh chị em có thể hỏi giống như điều Anh Cả Richard G. Scott đề nghị: “Tôi cần biết thêm điều gì nữa không?” (“Để Nhận Được Sự Hướng Dẫn Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 8).
Mời Chia Sẻ
Các chương này có nhiều ví dụ về những lời giảng dạy phúc âm mà khác với điều thế gian dạy cho chúng ta. Có lẽ các học viên có thể chia sẻ một số ví dụ họ tìm thấy trong bài đọc của họ tuần này. Chúa ban phước cho chúng ta như thế nào khi chúng ta áp dụng những lời giảng dạy của Ngài?
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúng ta phải tha thứ cho người khác nếu chúng ta muốn nhận được sự tha thứ của Chúa.
-
Bằng cách nào anh chị em có thể sử dụng câu chuyện ngụ ngôn về người đầy tớ không có lòng thương xót để tạo cảm hứng cho các học viên trở nên dễ tha thứ hơn? Có lẽ anh chị em có thể viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng và mời các học viên suy ngẫm về các câu này khi một người kể lại câu chuyện ngụ ngôn: Nhà vua tượng trưng cho ai? Người đầy tớ không có lòng thương xót tượng trưng cho ai? Người đầy tớ đồng đạo tượng trưng cho ai? Các món nợ tượng trưng cho điều gì? Mời các học viên chia sẻ những sứ điệp nào câu chuyện ngụ ngôn mang lại cho cá nhân họ. (Xin xem thêm “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.”)
-
Anh chị em có thể mời lớp học phỏng theo dựa trên truyện ngụ ngôn về người đầy tớ không có lòng thương xót mà dạy cùng những bài học về sự tha thứ bằng cách sử dụng các tình huống và chi tiết trong thời hiện đại. (Cân nhắc việc cho họ thực hiện sinh hoạt này theo nhóm.) Thảo luận về cách câu chuyện ngụ ngôn trả lời câu hỏi của Phi E Rơ về việc ông nên tha thứ bao nhiêu lần.
Để đạt được cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta phải yêu mến Thượng Đế và người lân cận của chúng ta.
-
Đây là một ý kiến mà có thể mang đến cho các học viên một cái nhìn mới về câu chuyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành: Mời họ giả vờ rằng họ đang điều tra một vụ án hành hung và cướp của trên đường giữa Giê Ri Cô và Giê Ru Sa Lem. Yêu cầu một số học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để đóng vai tượng trưng cho những người khác nhau trong câu chuyện ngụ ngôn và nói về sự dính líu của họ vào vụ án. Ví dụ, một số lý do mà thầy tế lễ và người Lê Vi đã không dừng lại để giúp người bị thương có thể là gì? Tại sao người Sa Ma Ri đã dừng lại? Những suy nghĩ nào người chủ quán trọ có thể thêm vào? Người bị thương có thể đã cảm thấy như thế nào về mỗi người kia? Hãy đảm bảo rằng cuộc thảo luận truyền cảm hứng cho các học viên để trở nên giống như người Sa Ma Ri nhân lành và người chủ quán trọ cùng tránh trở nên giống như thầy tế lễ và người Lê Vi.
-
Truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành trả lời những câu hỏi được đặt ra về Chúa Giê Su trong Lu Ca 10:25–29 như thế nào? Mời các học viên nói về những lúc họ cảm thấy giống như “một người” (câu 30) cần giúp đỡ một cách tuyệt vọng. Sự giúp đỡ đã đến bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta với tư cách là các tín hữu tiểu giáo khu cùng làm việc với nhau để giúp đỡ lẫn nhau, giống như điều người Sa Ma Ri nhân lành và người chủ quán trọ đã làm?
Chúng ta chọn “phần tốt” bằng cách thực hiện các lựa chọn hằng ngày mà dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
-
Sau khi cùng cả lớp đọc Lu Ca 10:38–42, anh chị em có thể hỏi các học viên cách họ có thể đáp ứng lại lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi nếu họ đã ở trong vị trí của Ma Thê. Kinh nghiệm này có thể ảnh hưởng đến các sự lựa chọn tương lai của họ như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể biết được những điều gì trong cuộc sống của chính chúng ta xứng đáng có được nhiều thời gian và sự chú ý hơn? Các học viên có thể tìm kiếm sứ điệp của Chủ Tịch Dallin H. Oaks “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất” (Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 104–108) để tìm lời khuyên bảo mà có thể giúp họ.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Những món nợ trong truyện ngụ ngôn về người đầy tớ không có lòng thương xót.
Nhận xét về những món nợ trong truyện ngụ ngôn về người đầy tớ không có lòng thương xót, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói:
“Có một số ý kiến khác nhau giữa các học giả về các giá trị tiền tệ được đề cập ở đây—và xin thứ lỗi cho việc lấy tiền tệ ở Hoa Kỳ làm ví dụ—nhưng để tính toán cho dễ hơn, nếu khoản nợ 100 đơ ni ê nhỏ hơn, mà không được tha, ví dụ là 100 đô la trong thời hiện tại, thì khoản nợ 10.000 ta lâng đã được sẵn lòng tha cho có thể là gần 1 tỉ đô la—hay hơn nữa!
“Nếu là một khoản nợ cá nhân, thì đó là một con số khổng lồ—hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. (Không ai có thể mua sắm nhiều như thế!) Vâng, với mục đích của truyện ngụ ngôn này, con số này được cho là không thể hiểu được; nó được cho là vượt quá khả năng của chúng ta để hiểu, chưa nói là vượt quá khả năng của chúng ta để trả lại. Đây không phải là câu chuyện về hai người tôi tớ tranh cãi trong Kinh Tân Ước. Đây là câu chuyện về chúng ta, là các phần tử trong gia đình nhân loại đã sa ngã—những con nợ trên trần thế, những kẻ phạm giới, và những tù nhân. Mỗi người trong chúng ta đều là con nợ, lời phán quyết là mỗi người chúng ta đều bị cầm tù. Và chúng ta đều sẽ ở lại đó nếu không nhờ vào ân điển của Vua chúng ta đã giải thoát cho chúng ta được tự do vì Ngài yêu thương chúng ta và ‘lòng trắc ẩn của Ngài đoái hoài đến chúng [ta]’ [Giáo Lý và Giao Ước 121:4]” (“Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 41).