Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 19–25 tháng Chín, Ê Sai 40–49: “Hãy Yên Ủi Dân Ta”


“Ngày 19–25 tháng Chín, Ê Sai 40–49: ‘Hãy Yên Ủi Dân Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 19–25 tháng Chín, Ê Sai 40–49,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2022

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành một người mù

Healing the Blind Man (Chữa Lành một Người Mù), tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Ngày 19–25 tháng Chín

Ê Sai 40–49

“Hãy Yên Ủi Dân Ta”

Một số người có thể ngần ngại chia sẻ suy nghĩ của họ trong lớp vì họ cảm thấy mình không biết rõ thánh thư. Làm thế nào anh chị em có thể giúp tất cả các học viên cảm thấy rằng những hiểu biết sâu sắc thuộc linh của họ được coi trọng?

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Cân nhắc viết một câu hỏi như câu hỏi sau đây lên trên bảng: Thánh Linh đã dạy anh chị em điều gì khi anh chị em học Ê Sai 40–49? Học viên có thể suy ngẫm câu hỏi này và viết xuống câu trả lời, và một vài học viên có thể chia sẻ suy nghĩ của họ.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Ê Sai 40–49

Chúa Giê Su Ky Tô có thể an ủi chúng ta và ban cho chúng ta hy vọng.

  • Đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý tìm kiếm những sứ điệp nói về sự an ủi và niềm hy vọng trong Ê Sai 40–49 và liệt kê một số đoạn để bắt đầu. Anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ bất kỳ sứ điệp nào họ tìm được. Khuyến khích họ nói về lý do tại sao các sứ điệp này có thể đã giúp dân Do Thái trong cảnh tù đày và chúng có thể giúp chúng ta ngày nay như thế nào. Anh chị em cũng có thể chỉ ra cho họ các đoạn mà anh chị em tìm thấy trong khi học tập riêng cá nhân. Chúa muốn chúng ta biết điều gì về Ngài? Ngài an ủi chúng ta như thế nào? Anh chị em có thể nhắc nhở học viên rằng “Chúa” trong Kinh Cựu Ước đề cập đến Đức Giê Hô Va, hay Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Bài thánh ca “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6) dựa trên những lời của Ê Sai trong Ê Sai 41:10; 43:2–5; 46:4. Sau khi đọc các câu thánh thư này và hát các câu thích hợp trong bài thánh ca, học viên có thể nói về những lúc mà họ cảm thấy Chúa đã ở cùng với họ và kinh nghiệm của họ đã giúp họ “đừng sợ” như thế nào.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su ngồi trên mặt đất và giảng dạy cho dân chúng

“Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên” (Ê Sai 40:11).

Ê Sai 40:1–3, 9–11; 43:8–13; 48:20–21; 49:1–9

“Các ngươi là kẻ làm chứng ta.”

  • Ý nghĩa của việc làm “kẻ làm chứng” của Chúa là gì? Học viên có thể suy ngẫm câu hỏi này khi họ đọc một hoặc nhiều hơn các đoạn sau đây: Ê Sai 40:1–3, 9–11; 48:20–21; 49:1–9. Lời phát biểu trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cũng có thể cung cấp một số câu trả lời. “Tin lành” nào chúng ta chia sẻ với tư cách là các nhân chứng của Chúa? Điều gì chứa đựng trong các câu này giúp chúng ta “đừng sợ” khi chia sẻ lời chứng của mình? (Ê Sai 40:9). Học viên có thể nói về những cơ hội mà họ có để làm nhân chứng của Chúa và chứng ngôn của họ có thể ban phước cho người khác như thế nào.

  • Để giúp học viên áp dụng những lời giảng dạy trong Ê Sai 43:8–13, anh chị em có thể mời họ tưởng tượng ra rằng họ đã được kêu gọi làm nhân chứng trong một phiên tòa xét xử. Trong phiên tòa này, Chúa Giê Su Ky Tô đã bị kết tội vì đưa ra lời tuyên bố được chép trong Ê Sai 43:11. Nếu chúng ta được kêu gọi làm nhân chứng để ủng hộ cho lời tuyên bố của Chúa Giê Su (xin xem câu 10), thì chúng ta có thể đưa ra chứng ngôn gì? Chúng ta có thể cho thấy bằng chứng nào trong cuộc sống của mình?

Ê Sai 48:10; 49:13–16

Chúa có thể tinh luyện chúng ta qua những hoạn nạn của chúng ta.

  • Có lẽ học viên có thể thảo luận cách mà những lời của Anh Cả Quentin L. Cook có thể giúp chúng ta hiểu Ê Sai 48:10: “Những đức tính cùng sự ngay chính được rèn luyện trong lò gian khổ nhằm làm hoàn thiện và thanh tẩy chúng ta” (“Những Bài Ca Họ Không Thể Hát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 106). Họ cũng có thể nói về “lò gian khổ” của riêng họ đã giúp tinh luyện họ về mặt thuộc linh như thế nào. Ê Sai 49:13–16 giúp chúng ta khi chúng ta đau khổ như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng những nguồn tài liệu bổ sung

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Đứng lên làm nhân chứng.

Chủ Tịch Margaret D. Nadauld đã giải thích ý nghĩa của việc “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9):

“Khi đứng lên làm nhân chứng vào bất cứ lúc nào, chúng ta hứa sẽ yêu thương Chúa, tôn vinh Ngài vào bất cứ lúc nào—cả ngày lẫn đêm, mùa hè cũng như mùa đông, lúc vui cũng như lúc buồn—yêu thương Chúa và làm cho tình yêu thương đó được thể hiện qua cách chúng ta sống.…

“Đứng lên làm nhân chứng trong mọi sự việc có nghĩa là tất cả mọi sự việc—việc lớn, việc nhỏ, trong những cuộc trò chuyện, trong những câu chuyện cười, trong những trò chơi chúng ta chơi và sách báo chúng ta đọc, âm nhạc chúng ta nghe, trong chính nghĩa mà chúng ta ủng hộ, trong sự phục vụ mà chúng ta đưa ra, trong cách ăn mặc của chúng ta, trong những người bạn mà chúng ta chọn.…

“Cuối cùng, chúng ta nói là chúng ta sẽ đứng lên làm nhân chứng ở bất cứ nơi đâu. Điều đó có nghĩa là không chỉ riêng ở nơi công cộng mà còn ở nơi riêng tư, kín đáo, ở nơi tối tăm hay nơi có ánh sáng; ở nhà thờ, ở trường học, ở nhà, hay trong xe; ở trên núi cao hay biển cả; trên đường phố hay trong công viên.…

“Khi chúng ta nghĩ tới sự kỳ diệu của ân tứ mà [Đấng Cứu Rỗi] ban cho chúng ta, có điều gì đó nhỏ bé chúng ta có thể làm cho Ngài và cho Cha Thiên Thượng là Đấng đã gửi Ngài đến không? Chúng ta có thể đứng lên làm nhân chứng về tình yêu thương và những lời giảng dạy của Hai Ngài vào bất cứ lúc nào, trong mọi sự việc, và ở bất cứ nơi đâu” (“Stand as a Witness,” Ensign, tháng Năm năm 2000, trang 93, 95).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Khuyến khích việc siêng năng học hỏi. “Học viên có trách nhiệm thiết yếu đối với việc học tập của riêng họ. Cân nhắc cách anh chị em có thể giúp các học viên chấp nhận và làm tròn trách nhiệm này” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 29).

In