Lớp Giáo Lý
Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (2018)

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

em thiếu niên đang đọc thánh thư

Thượng Đế là Nguồn Gốc của Tất Cả Mọi Lẽ Thật

1. Thượng Đế biết tất cả mọi điều và là nguồn gốc của tất cả mọi lẽ thật (xin xem Mô Si A 4:9). Vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và muốn chúng ta tiến triển để trở thành giống như Ngài, nên Ngài đã khuyến khích chúng ta phải: “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118). Trong công cuộc tìm kiếm lẽ thật của mình, chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Ngài, dựa vào sự thông sáng của Ngài, tình yêu thương của Ngài, và quyền năng của Ngài để giảng dạy và ban phước cho chúng ta. Thượng Đế đã hứa sẽ mặc khải lẽ thật cho tâm trí chúng ta qua Đức Thánh Linh nếu chúng ta chịu siêng năng tìm kiếm Ngài (xin xem GLGƯ 8:2–3).

2. Để giúp chúng ta, Cha Thiên Thượng đã dạy chúng ta cách để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Ngài đã thiết lập các điều kiện chúng ta cần phải tuân theo để đạt được sự hiểu biết như vậy. Mẫu mực thiêng liêng được Thượng Đế quy định đòi hỏi chúng ta phải có một ước muốn chân thành để biết được lẽ thật (xin xem Mô Rô Ni 10:4–5) và sẵn lòng sống theo điều mà Thượng Đế đã mặc khải (xin xem Giăng 7:17). Ước muốn chân thành của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm lẽ thật qua lời cầu nguyện (xin xem Gia Cơ 1:5–6; 2 Nê Phi 32:8–9) và nghiên cứu một cách nghiêm túc về lời của Thượng Đế (xin xem 2 Ti Mô Thê 3:15–17; 2 Nê Phi 32:3).

Đặt Các Câu Hỏi và Tìm Kiếm Các Câu Trả Lời

3. Đôi khi chúng ta có thể khám phá ra thông tin mới hoặc có thắc mắc về giáo lý, những cách thực hành, hoặc lịch sử của Giáo Hội mà dường như là khó hiểu. Việc đặt các câu hỏi và tìm kiếm các câu trả lời là một phần thiết yếu của nỗ lực của chúng ta để học hỏi lẽ thật. Một số câu hỏi đến với tâm trí của chúng ta có thể được Đức Thánh Linh soi dẫn. Những câu hỏi được soi dẫn nên được coi là ân tứ từ Thượng Đế mà tạo cơ hội cho chúng ta gia tăng sự hiểu biết của mình và giúp chúng ta cảm thấy chắc chắn hơn rằng Chúa sẵn lòng giảng dạy chúng ta. Dù nguồn gốc của những câu hỏi của chúng ta có thể là gì đi nữa thì chúng ta cũng được ban phước với khả năng để suy nghĩ và lý luận và có được ảnh hưởng của Chúa nhằm mở rộng tâm trí của chúng ta và gia tăng sự hiểu biết của chúng ta. Thái độ và ý định của chúng ta khi đặt các câu hỏi và tìm kiếm các câu trả lời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng của chúng ta để học hỏi qua Đức Thánh Linh.

4. Ba nguyên tắc sau đây có thể hướng dẫn chúng ta khi chúng ta tìm cách học hỏi và hiểu được lẽ thật vĩnh cửu và giải đáp cho các câu hỏi hoặc các vấn đề:

  • Hành động với đức tin.

  • Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một triển vọng vĩnh cửu.

  • Tìm cách hiểu thêm qua các nguồn tài liệu đã được Chúa quy định.

Nguyên tắc 1. Hành Động với Đức Tin

5. Chúng ta hành động với đức tin khi chọn tin cậy Thượng Đế và trước tiên tìm đến Ngài qua lời cầu nguyện chân thành, học về những lời giảng dạy của Ngài, và tuân theo các lệnh truyền của Ngài.

6. Khi chúng ta tìm cách khai triển sự hiểu biết của mình và giải quyết các mối quan tâm, thì điều quan trọng là chúng ta trông cậy vào chứng ngôn mà chúng ta đã có về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài, và những lời giảng dạy của các vị tiên tri đã được sắc phong của Ngài. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Khi những giây phút đó đến và có vấn đề xảy ra, và các vấn đề đó không được giải quyết ngay lập tức, thì hãy bám chặt vào điều mà các anh chị em đã biết và đứng vững cho đến khi có sự hiểu biết thêm” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 94). Chính Chúa cũng đã mời chúng ta phải “hướng về [Ngài] trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (GLGƯ 6:36).

7. Trong những lúc mà chúng ta có thể ngay lập tức không tìm ra giải đáp cho những câu hỏi của mình thì điều hữu ích là nhớ rằng mặc dù Cha Thiên Thượng đã mặc khải tất cả điều gì cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta, nhưng Ngài vẫn chưa mặc khải hết tất cả mọi lẽ thật. Khi tiếp tục tìm kiếm những câu trả lời, chúng ta cần phải sống bằng đức tin—tin tưởng rằng cuối cùng chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm (xin xem Châm Ngôn 3:5–6; Ê The 12:6). Khi trung thành với lẽ thật và ánh sáng mà mình đã nhận được, thì chúng ta sẽ nhận được thêm nhiều hơn nữa. Những câu trả lời cho các câu hỏi và lời cầu nguyện của chúng ta thường đến “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30).

Nguyên tắc 2. Xem Xét Các Khái Niệm và Câu Hỏi bằng một Quan Điểm Vĩnh Cửu

8. Để xem xét các khái niệm, những câu hỏi về giáo lý, và các vấn đề xã hội bằng một quan điểm vĩnh cửu, chúng ta cân nhắc chúng theo văn cảnh của kế hoạch cứu rỗi và những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để nhìn những sự việc giống như Chúa nhìn chúng (xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:5, 9-11). Điều này cho phép chúng ta điều chỉnh lại câu hỏi (để thấy câu hỏi một cách khác) và xem các ý tưởng dựa trên tiêu chuẩn của lẽ thật của Chúa thay vì chấp nhận các giả thuyết hoặc giả định của thế gian. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách đặt những câu hỏi như “Tôi đã biết gì về Cha Thiên Thượng, kế hoạch của Ngài, và cách Ngài ứng xử với con cái của Ngài?” và “Những điều giảng dạy nào về phúc âm liên quan đến hoặc làm sáng tỏ khái niệm hay vấn đề này?”

9. Ngay cả những câu hỏi liên quan đến các sự kiện lịch sử cũng có thể cần phải được xem xét với một quan điểm vĩnh cửu. Khi đặt sự tin cậy của mình vào Cha Thiên Thượng và kế hoạch cứu rỗi của Ngài, thì chúng ta có thể thấy rõ vấn đề hơn. Điều đó cũng có thể giúp xem xét các câu hỏi lịch sử trong bối cảnh lịch sử thích hợp bằng cách suy xét nền văn hóa và các tiêu chuẩn của thời kỳ đó thay vì áp đặt các quan điểm và thái độ hiện nay.

10. Điều quan trọng là phải nhớ rằng các chi tiết lịch sử không mang quyền năng cứu rỗi của các giáo lễ, các giao ước, và giáo lý. Việc bị xao lãng bởi các chi tiết ít quan trọng hơn vì thiếu phép lạ đang xảy ra của Sự Phục Hồi thì cũng giống như việc mất thời giờ để phân tích một hộp quà tặng mà bỏ qua vẻ tuyệt vời của chính món quà đó.

Nguyên tắc 3. Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Đã Được Chúa Quy Định

11. Là một phần của tiến trình quy định của Chúa để nhận được sự hiểu biết thuộc linh, Ngài đã thiết lập các nguồn phương tiện mà qua đó Ngài mặc khải lẽ thật và sự hướng dẫn cho con cái của Ngài. Những nguồn phương tiện này gồm có ánh sáng của Đấng Ky Tô, Đức Thánh Linh, thánh thư, cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai—các vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay—là một nguồn lẽ thật quan trọng. Chúa đã chọn và sắc phong những người này để nói chuyện thay cho Ngài.

12. Chúng ta cũng có thể học được lẽ thật qua các nguồn phương tiện đáng tin cậy khác. Tuy nhiên, những người chân thành tìm kiếm lẽ thật nên thận trọng với các nguồn thông tin không đáng tin cậy. Chúng ta sống trong một thời kỳ mà có nhiều người “gọi dữ là lành, và gọi lành là dữ” (Ê Sai 5:20). Sa Tan là cha đẻ của sự dối trá và tìm cách bóp méo lẽ thật và thuyết phục chúng ta xa lánh Chúa và các tôi tớ đã được chỉ định của Ngài. Khi tìm đến các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định để có được những câu trả lời và sự hướng dẫn, chúng ta có thể được ban phước để phân biệt giữa lẽ thật với lỗi lầm. Việc học cách nhận ra và tránh các nguồn phương tiện không đáng tin cậy có thể bảo vệ chúng ta khỏi thông tin sai lạc và khỏi những người tìm cách hủy diệt đức tin.

Giúp Những Người Khác Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

13. Khi những người khác tìm đến chúng ta và hỏi hoặc tìm hiểu giáo lý, những cách thực hành, hoặc lịch sử của Giáo Hội thì làm thế nào chúng ta có thể phụ giúp họ một cách hữu hiệu nhất trong công cuộc tìm kiếm lẽ thật của họ? Sau đây là một số cách thức chúng ta có thể giúp họ:

14. Hãy thành tâm lắng nghe kỹ: Chăm chú lắng nghe trước khi các anh chị em trả lời, tìm cách làm sáng tỏ và thông hiểu các câu hỏi thực tế mà họ đang hỏi. Thận trọng tìm cách hiểu được ý định thực sự của các câu hỏi và cảm nghĩ cùng sự tin tưởng của họ.

15. Giảng dạy và làm chứng về các lẽ thật phúc âm: Chia sẻ những lời giảng dạy có thể áp dụng được từ thánh thư và các vị tiên tri hiện đại và cách mà những lời giảng dạy này đã tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của các anh chị em. Giúp những người mà các anh chị em nói chuyện xem xét hoặc điều chỉnh lại những câu hỏi của họ trong bối cảnh của phúc âm và kế hoạch cứu rỗi.

16. Mời họ hành động theo đức tin: Hãy nhớ rằng Chúa đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm sự hiểu biết thuộc linh cho chính mình. Do đó chúng ta cần phải mời người khác hành động theo đức tin qua lời cầu nguyện, tuân theo các lệnh truyền, và chuyên cần nghiên cứu lời của Thượng Đế, bằng cách sử dụng các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định, nhất là Sách Mặc Môn. Nếu có thể áp dụng được, hãy mời họ nhớ lại những kinh nghiệm họ có thể đã có khi cảm nhận được Đức Thánh Linh và bám chặt vào các lẽ thật vĩnh cửu mà họ đã học được cho đến khi có thêm được sự hiểu biết.

17. Tiếp tục theo dõi: Đề nghị tra cứu những câu trả lời, và sau đó tiếp tục theo dõi bằng cách chia sẻ điều các anh chị em học được. Các anh chị em cũng có thể cùng tra cứu các câu trả lời với nhau. Bày tỏ sự tin tưởng nơi lời hứa của Chúa để cung cấp sự mặc khải cá nhân.

Những đoạn thánh thư có liên quan: Giê Rê Mi 1:4–5; A Mốt 3:7; Ma Thi Ơ 5:14–16; Ma Thi Ơ 16:15–19; Giăng 15:16; Giăng 17:3; Ê Phê Sô 2:19–20; Ê Phê Sô 4:11–14; 2 Nê Phi 2:27; Mô Si A 18:8–10; 3 Nê Phi 18:15, 20–21; GLGƯ 1:37–38; GLGƯ 18:15–16; GLGƯ 21:4–6; GLGƯ 88:118

Các đề tài giáo lý có liên quan: Thiên Chủ Đoàn: Đức Thánh Linh; Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô; Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải; Các Giáo Lệnh