Lớp Giáo Lý
Bài Học 18—Công Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn: Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế


“Bài Học 18—Công Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn: Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Công Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 18: Giáo Lý và Giao Ước 6-9

Công Việc Phiên Dịch Sách Mặc Môn

“Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế”

Hình Ảnh
phiên dịch Sách Mặc Môn

Cùng với sự phục vụ của Oliver Cowdery với tư cách là người biên chép của mình, Joseph Smith đã có những tiến triển kỳ diệu trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn vào mùa xuân năm 1829. Mặc dù chúng ta không biết những chi tiết cụ thể về cách Joseph Smith phiên dịch Sách Mặc Môn, nhưng chúng ta biết rằng ông đã làm điều đó nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Bài học này nhằm giúp học viên củng cố chứng ngôn của các em rằng Thượng Đế đã cung cấp phương tiện và quyền năng cho Joseph Smith để phiên dịch Sách Mặc Môn cho chúng ta.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Nguồn Gốc của Sách Mặc Môn

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách chia sẻ tình huống sau đây. Anh chị em có thể cho học viên cơ hội diễn lại tình huống với một người bạn cùng cặp hoặc trước cả lớp.

Hãy tưởng tượng một ngày kia các em chia sẻ với một trong những người bạn thân của các em về niềm tin rằng Sách Mặc Môn là thánh thư giống như Kinh Thánh. Bạn của các em có vẻ hơi ngạc nhiên và nói rằng bạn ấy được dạy rằng Joseph Smith đã viết Sách Mặc Môn từ trí tưởng tượng của ông.

  • Các em có thể phản ứng theo một số cách nào trong tình huống này?

Hãy giải thích rằng bài học này sẽ giúp học viên tìm hiểu về một số chi tiết liên quan đến công việc phiên dịch Sách Mặc Môn của Joseph Smith. Hãy mời học viên tìm kiếm những lẽ thật khi các em nghiên cứu mà có thể giúp các em trong những tình huống như thế này và củng cố chứng ngôn của các em rằng Sách Mặc Môn đến từ Thượng Đế.

Oliver Cowdery hỗ trợ trong việc phiên dịch

Hãy hỏi học viên xem các em nhớ điều gì về những hoàn cảnh liên quan đến việc Oliver Cowdery hỗ trợ Joseph Smith trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn. Nếu cần, hãy tham khảo bài học “Giáo Lý và Giao Ước 6” hoặc Các Thánh Hữu, tập 1, Cờ Hiệu của Lẽ Thật, trang 58–60.

Hình Ảnh
Oliver Cowdery

Trong vòng hai ngày sau khi đến Harmony, Pennsylvania, để gặp Joseph Smith, Oliver Cowdery đã bắt đầu làm việc với tư cách là người biên chép cho Joseph. Chẳng bao lâu sau, Joseph và Oliver đã có những tiến triển kỳ diệu trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn. Người ta ước tính rằng, với Oliver là người biên chép của mình, Joseph Smith đã hoàn thành bản dịch Sách Mặc Môn trong khoảng 65 ngày làm việc (xin xem Russell M. Nelson, “A Treasured Testament”, Ensign, tháng 7 năm 1993, trang 61).

Những mô tả của Joseph Smith về việc phiên dịch

Hãy cân nhắc hỏi học viên những điều các em biết về việc làm thế nào mà Joseph Smith phiên dịch Sách Mặc Môn theo một cách kỳ diệu như vậy.

Đoạn trích sau đây từ bài luận trong Gospel Topics có tiêu đề “Book of Mormon Translation” có thể giúp học viên hiểu những điều Joseph Smith muốn thế gian biết về công việc phiên dịch này.

Trong lời tựa cho ấn bản năm 1830 của Sách Mặc Môn, Joseph Smith đã viết: “Tôi sẽ cho mọi người biết rằng tôi đã phiên dịch [cuốn sách], nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế”. Khi nhấn mạnh các chi tiết cụ thể về tiến trình phiên dịch, Joseph đã lặp lại vào nhiều dịp rằng việc này đã được thực hiện “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế” và trong một lần ông đã nói thêm: “Mục đích không phải là để nói với thế gian tất cả những điều cụ thể về sự ra đời của Sách Mặc Môn”. (Gospel Topics Essays, “Book of Mormon Translation”, ChurchofJesusChrist.org)

  • Chúng ta có thể biết được những lẽ thật nào từ lời phát biểu của Joseph Smith về việc phiên dịch Sách Mặc Môn?

    Hãy giúp học viên xác định lẽ thật rằng Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.

  • Tại sao việc biết Sách Mặc Môn đã được phiên dịch bởi quyền năng của Thượng Đế hơn là bởi Joseph Smith lại là điều quan trọng?

Những công cụ phiên dịch

Tình huống sau đây có thể giúp học viên hiểu một chút về những công cụ mà Thượng Đế đã dành sẵn cho Joseph Smith để giúp đỡ ông trong những nỗ lực phiên dịch Sách Mặc Môn.

Khi thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith vào năm 1823, ông đã đưa ra những chỉ dẫn cho Vị Tiên Tri về việc Sách Mặc Môn sẽ ra đời như thế nào.

Hãy đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:34–35 và tìm kiếm những công cụ mà Thượng Đế đã chuẩn bị cho việc phiên dịch Sách Mặc Môn.

Nếu muốn, anh chị em cũng có thể mời học viên đọc Mặc Môn 9:34Ê The 3:23–24 để giúp các em biết rằng các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn hiểu rằng Thượng Đế sẽ chuẩn bị một cách thức cho những lời của họ được phiên dịch.

  • Chúa đã chuẩn bị cho việc Sách Mặc Môn được phiên dịch bằng những cách thức nào?

Để giúp học viên hiểu rõ hơn những chi tiết về việc Joseph Smith sử dụng các công cụ vật chất để dịch Sách Mặc Môn, hãy cân nhắc cho học viên xem video “Seer Stone” (3:47), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org. Ngoài ra, anh chị em có thể tóm tắt các thông tin sau hoặc mời một học viên đọc cho cả lớp.

Các câu chuyện kể lại lịch sử sau này chỉ ra rằng ngoài việc sử dụng U Rim và Thu Mim (đôi khi được gọi là các công cụ phiên dịch hoặc kính đeo mắt của dân Nê Phi) để dịch Sách Mặc Môn, Joseph Smith đã sử dụng một công cụ khác gọi là viên đá tiên kiến. Vị Tiên Tri đã khám phá ra công cụ này vài năm trước khi ông có được các bảng khắc bằng vàng.

Chúng ta không biết nhiều chi tiết về cách Joseph đã sử dụng những công cụ mà Thượng Đế đã chuẩn bị. Nhưng các nhân chứng cho biết Joseph đôi khi sẽ đặt U Rim và Thu Mim hoặc viên đá tiên kiến vào một chiếc mũ để chặn ánh sáng, cho phép ông nhìn thấy rõ hơn những từ xuất hiện trên các công cụ này (xin xem Gospel Topics Essays, “Book of Mormon Translation”, ChurchofJesusChrist.org).

Hãy giúp học viên hiểu rằng mặc dù chúng ta biết một số chi tiết liên quan đến việc phiên dịch Sách Mặc Môn của Joseph Smith, vẫn có nhiều điều chúng ta không biết về quá trình phiên dịch. Lẽ thật quan trọng nhất là quyền năng của Thượng Đế đã cho phép lời của Ngài được mang đến cho con cái của Ngài.

Hãy cân nhắc sử dụng một hoặc nhiều nguồn tài liệu sau đây để giúp học viên cảm thấy rằng Sách Mặc Môn đã được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.

  • Phần “Tiếng Nói của Sự Phục Hồi” trong “Giáo Lý và Giao Ước 6–9: Đây Là Tinh Thần Mặc Khải”, Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Giáo Lý và Giao Ước năm 2025

  • Days of Harmony” từ phút 7:18 đến 11:33

  • Mô tả của Oliver Cowdery về quá trình phiên dịch được ghi lại trong Joseph Smith—Lịch Sử (ở đoạn đầu tiên sau câu 75)

    Anh chị em có thể muốn mời học viên thảo luận về những câu hỏi sau đây trong nhóm nhỏ hoặc theo cặp trước khi mời các em chia sẻ câu trả lời của mình với cả lớp.

  • Những từ hoặc cụm từ nào từ Emma hoặc Oliver xác nhận chứng ngôn của Joseph Smith rằng Sách Mặc Môn đã được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế?

  • Các em học hoặc cảm nhận được điều gì về Thượng Đế sau khi biết được cách mà Joseph Smith đã là một công cụ trong tay của Ngài để phiên dịch Sách Mặc Môn?

Quyền năng của Sách Mặc Môn trong cuộc sống của các em

Hãy giải thích rằng một trong những cách tốt nhất mà chúng ta có thể biết Sách Mặc Môn đã được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế là nghiên cứu sách đó và kinh nghiệm được quyền năng của Thượng Đế qua việc sống theo những lời dạy trong sách.

Hãy cho học viên thời gian để tìm một câu thánh thư hoặc một câu chuyện từ Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. Nếu học viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm điều gì đó, hãy cân nhắc giúp đỡ hoặc hướng dẫn, chẳng hạn như mời các em nghiên cứu một số đoạn thông thạo giáo lý trong Sách Mặc Môn. Anh chị em cũng có thể gợi ý một vài câu thánh thư mà các em có thể nghiên cứu.

  • Một câu thánh thư hoặc một câu chuyện nào từ Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các em?

  • Câu thánh thư hoặc câu chuyện này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của các em về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy cân nhắc làm chứng với học viên rằng sức mạnh mà các em có thể nhận được từ việc nghiên cứu Sách Mặc Môn chính là sự xác nhận về quyền năng của Thượng Đế trong việc mang lại Sách Mặc Môn.

In