Lớp Giáo Lý
Bài Học 94—Giáo Lý và Giao Ước 84:1–32: “Quyền Năng của Sự Tin Kính”


“Bài Học 94—Giáo Lý và Giao Ước 84:1–32: ‘Quyền Năng của Sự Tin Kính’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 84:1–32”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 94: Giáo Lý và Giao Ước 84

Giáo Lý và Giao Ước 84:1–32

“Quyền Năng của Sự Tin Kính”

Sau khi trở về nhà từ sứ mệnh của mình, một nhóm các anh cả đã gặp Tiên Tri Joseph Smith. Trong lúc cùng nhau cầu nguyện, Vị Tiên Tri đã nhận được một điều mặc khải mang đến những hiểu biết sâu sắc về “quyền năng của sự tin kính” (Giáo Lý và Giao Ước 84:20) có sẵn cho những người nữ và người nam qua các giáo lễ chức tư tế. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy được tầm quan trọng của việc tiếp nhận quyền năng của sự tin kính mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho qua các giáo lễ chức tư tế của Ngài.

Hình Ảnh
các giáo lễ

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các giáo lễ chức tư tế

Hãy cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Hãy mời học viên chia sẻ cảm nghĩ của các em về những câu hỏi của ông và cách các em có thể trả lời những câu hỏi đó.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Trong những chuyến đi của tôi với tư cách là một tín hữu trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tôi được gặp giới trẻ trên khắp thế giới. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn với những mối bận tâm thực sự: “Chúa sẽ giúp tôi chứ? Ngài sẽ hướng dẫn cuộc sống của tôi chứ? Làm thế nào tôi có thể nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn và sự bình an mà tôi cần?” (Neil L. Andersen, “The Power of Godliness through Priesthood Ordinances and Blessing”, For the Strength of Youth, tháng Tám năm 2021, trang 10)

  • Hãy nghĩ lại những lúc trong cuộc sống khi em cần sự giúp đỡ, hướng dẫn và bình an. Em đã làm hoặc có thể đã làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn của Thượng Đế?

Hãy đọc phần còn lại của lời phát biểu của Anh Cả Neil L. Andersen và tìm kiếm một điều mà Thượng Đế đã ban cho để giúp đỡ chúng ta.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Các bạn trẻ thân mến, Thượng Đế sẽ giúp các em, và Ngài sẵn sàng ban phước cho các em. Là Cha thương yêu của chúng ta, Ngài đã ban cho chúng ta những giáo lễ giúp chúng ta cảm nhận được quyền năng của Ngài trong cuộc sống của mình—là quyền năng của sự tin kính. (Neil L. Andersen, “The Power of Godliness through Priesthood Ordinances and Blessing”, For the Strength of Youth, tháng Tám năm 2021, trang 10)

Học viên có thể chưa suy ngẫm xem làm thế nào các giáo lễ có thể giúp các em trong cuộc sống của mình. Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm về những ý nghĩ và cảm nhận của các em về các giáo lễ. Anh chị em có thể trưng ra bản tự đánh giá sau đây để làm điều này:

Sử dụng thang điểm từ 1–5 (1 = thấp; 5 = cao), em sẽ đánh giá mức độ tin tưởng của mình vào các câu sau đây như thế nào:

  • Tôi biết các giáo lễ chức tư tế là gì.

  • Tôi nhận ra cách Thượng Đế đã ban phước cho cuộc sống của tôi qua các giáo lễ chức tư tế.

  • Tôi có chủ ý trong chuẩn bị để nhận được giáo lễ tiếp theo trong cuộc sống của mình.

Hãy mời học viên tiếp thu những ấn tượng từ Đức Thánh Linh trong khi các em nghiên cứu tiết 84 và tìm hiểu thêm quyền năng của Thượng Đế mà có thể đến với cuộc sống của các em qua các giáo lễ chức tư tế.

Đền thờ và chức tư tế

Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể chia sẻ thông tin sau đây với học viên:

Vào tháng Chín năm 1832, những người truyền giáo đã trở lại Kirtland, Ohio, sau khi thuyết giảng phúc âm ở miền đông Hoa Kỳ. Trong cuộc hội ngộ của họ, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được điều mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 84. Trong điều mặc khải này, Chúa đã giúp các Thánh Hữu hiểu biết thêm về chức tư tế. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:1–5 và tìm kiếm điều mà Chúa đã chỉ dẫn cho các Thánh Hữu phải ưu tiên khi họ xây dựng thành phố Tân Giê Ru Sa Lem.

  • Em nghĩ việc Chúa bắt đầu một điều mặc khải về chức tư tế bằng cách giảng dạy về tầm quan trọng của các đền thờ có ý nghĩa thế nào?

Nếu học viên không đề cập đến, thì anh chị em có thể chỉ ra rằng các giáo lễ chức tư tế được thực hiện trong đền thờ đều cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta.

Anh chị em có thể muốn chia sẻ với học viên rằng trong các câu 6–18, Chúa đã tuyên bố rằng chức tư tế của Ngài đã được truyền giao cho A Đam và tiếp tục cho đến thời của Môi Se. Chúa Giê Su Ky Tô cũng ban chức tư tế cho A Rôn và các con cháu của ông. Anh chị em có thể muốn chỉ ra rằng chức tư tế của Ngài tiếp tục trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô ngày nay. Tất cả thẩm quyền chức tư tế, bao gồm cả thẩm quyền được yêu cầu để thực hiện các giáo lễ đền thờ, đều đến từ Chúa Giê Su Ky Tô.

Quyền năng của sự tin kính được biểu hiện qua các giáo lễ

Đây có thể là thời điểm tốt để hỏi học viên của anh chị em xem giáo lễ là gì. Nếu các em gặp khó khăn trong việc giải thích điều đó, thì anh chị em có thể mời các em sử dụng phần trợ giúp nghiên cứu thánh thư để tìm hiểu. Hãy giúp các em hiểu rằng giáo lễ là một hành động hoặc nghi lễ thiêng liêng, trang trọng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Một số giáo lễ rất cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta.

Anh chị em có thể muốn liệt kê các giáo lễ chức tư tế lên trên bảng, chẳng hạn như phép báp têm, Tiệc Thánh, phước lành của sự an ủi và lời khuyên bảo, phước lành tộc trưởng, lễ xác nhận và ân tứ của Đức Thánh Linh, phước lành thiên ân trong đền thờ và lễ gắn bó trong đền thờ.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:19–22, tìm kiếm những điều mà Chúa dạy về các giáo lễ.

Giáo Lý và Giao Ước 84:20–22 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc mời học viên đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để các em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

  • Em đã học được gì về các giáo lễ chức tư tế?

  • Các em có câu hỏi gì về những điều mình đã đọc?

    Tùy thuộc vào sự hiểu biết của học viên và những câu hỏi mà các em đặt ra, anh chị em có thể muốn chia sẻ một số hoặc tất cả những điều sau đây:

  • “Chức tư tế cao hơn này điều hành phúc âm” đề cập đến thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc để thực hiện các giáo lễ cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta.

  • “Những điều kín nhiệm” là “những lẽ thật thuộc linh mà con người chỉ biết được nhờ sự mặc khải mà thôi” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sự Kín Nhiệm của Thượng Đế, Những,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • “Quyền năng của sự tin kính” đề cập đến quyền năng đến từ Thượng Đế để giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống này và chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu.

Hãy giúp học viên nhận ra rằng nhờ các giáo lễ của chức tư tế, chúng ta có thể nhận được quyền năng của sự tin kính trong cuộc sống của mình.

Để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về lẽ thật này, hãy mời các em chọn một trong các giáo lễ được liệt kê ở trên bảng mà các em muốn tìm hiểu thêm. Hãy cho các em thời gian để viết ra từ hai đến ba câu hỏi mà các em có về giáo lễ đó. Hoặc anh chị em có thể trưng ra ba câu hỏi được liệt kê dưới đây để các em suy ngẫm.

  • Một người nào đó có thể chuẩn bị như thế nào để nhận được giáo lễ này?

  • Em nghĩ làm thế nào mà giáo lễ chức tư tế này giúp chúng ta nhận được quyền năng của sự tin kính để giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống này?

  • Việc tiếp nhận giáo lễ này giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn ra sao?

Hãy mời học viên tìm kiếm các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định để tìm hiểu thêm về giáo lễ mà các em đã chọn và tìm câu trả lời cho các câu hỏi của mình. Các em có thể tự làm việc này hoặc làm với những bạn khác đã chọn cùng một giáo lễ. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, có trên trang ChurchofJesusChrist.org, cung cấp thông tin hữu ích cho những người chọn nghiên cứu về lễ thiên ân trong đền thờ (phần 27.2) và lễ gắn bó (phần 27.3). Các em cũng có thể suy ngẫm về những kinh nghiệm cá nhân khi các giáo lễ mà các em đã tham gia giúp các em cảm nhận được quyền năng của sự tin kính trong cuộc sống của mình.

Sau khi học viên đã có đủ thời gian rồi, hãy mời các cá nhân hoặc các nhóm chia sẻ những điều đã học được với cả lớp.

Tầm quan trọng của các giáo lễ

Để giúp học viên suy ngẫm về những điều các em đã học được về tầm quan trọng của các giáo lễ chức tư tế, anh chị em có thể yêu cầu học viên trả lời một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây. Học viên có thể chọn một câu hỏi và chia sẻ câu trả lời của mình với bạn cùng lớp.

  • Em đã học được gì về quyền năng của sự tin kính và các giáo lễ chức tư tế?

  • Việc nỗ lực hướng tới và tiếp nhận các giáo lễ này giúp em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào?

  • Các em cảm thấy quyền năng của Thượng Đế qua các giáo lễ chức tư tế mà em đã nhận được vào lúc nào?

Hãy cân nhắc chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghĩ của anh chị em về quyền năng của Thượng Đế mà anh chị em đã nhận được trong cuộc sống của mình qua các giáo lễ chức tư tế.

Học thuộc lòng

Anh chị em có thể muốn giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong suốt bài học này và ôn lại trong các bài học tới. Cụm từ thánh thư then chốt là “Trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt”. Ý tưởng cho các sinh hoạt học thuộc lòng nằm ở tài liệu phụ lục trong “Những Sinh Hoạt Ôn Tập Phần Thông Thạo Giáo Lý”.

In