Lớp Giáo Lý
Bài Học 97—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 6: Hiểu Giáo Lý và Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


“Bài Học 97—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 6: Hiểu Giáo Lý và Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 6”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 97: Giáo Lý và Giao Ước 84

Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 6

Hiểu Giáo Lý và Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

một em giới trẻ đang đánh dấu thánh thư

Sự thông thạo giáo lý có thể giúp học viên xây dựng nền tảng cho cuộc sống của các em dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên hiểu những lẽ thật được dạy trong các đoạn thông thạo giáo lý, và giúp các em học hỏi và áp dụng các nguyên tắc thiêng liêng để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Ôn lại phần thông thạo giáo lý: Hiểu

Để giúp học viên làm quen với các đoạn thông thạo giáo lý trong các tiết còn lại của Giáo Lý và Giao Ước, hãy cân nhắc cho các em một vài phút để đánh dấu những đoạn này trong thánh thư theo một cách thức riêng biệt. Học viên có thể tìm thấy bản liệt kê các phần tham khảo về thông thạo giáo lý và các cụm từ thánh thư then chốt trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023).

Sau đó, anh chị em có thể mời học viên thực hiện sinh hoạt sau đây theo các nhóm nhỏ để gia tăng sự hiểu biết của các em về giáo lý được dạy trong các đoạn này. Hãy đảm bảo rằng việc đánh dấu thánh thư và hoàn thành sinh hoạt này chỉ kéo dài từ 10 đến 15 phút. Điều này sẽ cho học viên đủ thời gian luyện tập cách áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh ở phần sau của bài học.

Hãy liệt kê những khó khăn phổ biến mà thanh thiếu niên phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày.

Hãy tìm kiếm các đoạn thông thạo giáo lý trong Giáo Lý và Giao Ước mà có thể giúp giải quyết những tình huống đó. Hãy đọc các đoạn mà em đã chọn và chuẩn bị chia sẻ với cả lớp câu trả lời của em cho những câu hỏi sau đây:

  • Bằng lời riêng của mình, em sẽ giải thích như thế nào về những điều mà đoạn này dạy?

  • Làm cách nào mà những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong các đoạn này có thể giúp các thanh thiếu niên đang gặp những khó khăn phổ biến mà em đã liệt kê?

Học và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh

Trước khi giới thiệu tình huống sau đây, có thể là hữu ích khi học viên ôn lại nhanh các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. (Các sinh hoạt ôn tập được gợi ý có trong “Những Sinh Hoạt Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý” trong phần phụ lục của sách hướng dẫn này.)

Một cách để ôn tập là viết mỗi nguyên tắc lên trên bảng như một tiêu đề riêng biệt và dành chỗ để viết bên dưới mỗi nguyên tắc. Hãy mời một số lượng học viên đồng đều để ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh khác nhau từ các đoạn 5–12 trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Sau đó, hãy mời ba em tình nguyện lên bảng, mỗi em ôn lại một nguyên tắc. Yêu cầu các em viết dưới tiêu đề tương ứng một cụm từ hoặc khái niệm quan trọng từ các đoạn đã ôn. Những cụm từ hoặc khái niệm này sẽ được sử dụng trong phần sau của bài học.

Hãy đọc tình huống sau đây và suy nghĩ về các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp ích như thế nào:

Chris đang cảm thấy bối rối. Chị của bạn ấy, đã kết hôn, gần đây đã nói với bạn rằng chị đã rời bỏ Giáo Hội và không còn muốn làm một tín hữu nữa. Những người khác trong gia đình và bạn bè của Chris từng mạnh mẽ trong phúc âm nhưng đã không còn đi nhà thờ thường xuyên. Họ là những người tuyệt vời, dường như là hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Chris vẫn luôn có kế hoạch để tiếp tục tích cực trong Giáo Hội, nhưng bạn ấy bắt đầu tự hỏi liệu việc tiếp tục tích cực trong Giáo Hội suốt đời có thực sự quan trọng hay không.

Hãy mời học viên tạo thành các nhóm ba người, nếu có thể, với những học viên đã ôn lại các nguyên tắc khác nhau để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Hãy yêu cầu các nhóm thảo luận xem mỗi cụm từ hoặc khái niệm trên bảng có thể hữu ích cho Chris ra sao.

Tùy theo thời gian, anh chị em có thể lặp lại sinh hoạt trước đó nhiều lần bằng cách mời những em khác tình nguyện viết các cụm từ hoặc khái niệm khác nhau lên trên bảng dưới mỗi nguyên tắc. Để đa dạng hơn, trong mỗi vòng, học viên có thể tạo thành các nhóm ba người khác nhau để thảo luận về các cụm từ hoặc khái niệm mới trên bảng.

Để kết thúc sinh hoạt này, học viên có thể thành lập các nhóm mới một lần nữa để thảo luận về những điều sau đây:

  • Những đoạn thông thạo giáo lý nào trong Giáo Lý và Giao Ước có thể giúp Chris hiểu rõ nhất những điều Chúa Giê Su Ky Tô ban cho những người vẫn trung tín với Giáo Hội của Ngài?

  • Những đoạn thông thạo giáo lý nào trong các sách thánh thư khác cũng có thể giúp ích cho bạn ấy?

Sau khi học viên đã có thời gian để tìm kiếm và thảo luận trong nhóm của mình, hãy mời các em chia sẻ với cả lớp những đoạn mà các em cảm thấy sẽ hữu ích nhất kèm theo lý do tại sao. Hãy khuyến khích nhiều nhóm chia sẻ. (Một số đoạn mà học viên có thể chọn bao gồm Giáo Lý và Giao Ước 1:30; 84:20–22; Hê La Man 5:12; Giô Suê 24:15; Ê Sai 58:13–14; Lu Ca 22:19–20; Ê Phê Sô 2:19–20.)

Anh chị em có thể kết thúc bài học bằng cách yêu cầu học viên trả lời một số hoặc tất cả những gợi ý sau trong nhật ký ghi chép việc học tập:

Từ một quan điểm vĩnh cửu, Cha Thiên Thượng muốn tôi tiếp tục trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô và tích cực trong Giáo Hội của Ngài bởi vì .

Một đoạn thánh thư mà giúp tôi muốn tiếp tục trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô và tích cực trong Giáo Hội của Ngài là .

Một điều tôi có thể làm để tiếp tục trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô và tích cực trong Giáo Hội của Ngài trong suốt cuộc đời của mình là .