Lớp Giáo Lý
Bài Học 95—Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44: Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế


“Bài Học 95—Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44: Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 95: Giáo Lý và Giao Ước 84

Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44

Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế

Trong Giáo Lý và Giao Ước 84:20, Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải rằng “trong các giáo lễ thuộc chức tư tế …, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt”. Quyền năng chức tư tế này có sẵn cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội là những người lập và tuân giữ các giao ước của phép báp têm và đền thờ. Trong Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44, Đấng Cứu Rỗi đã dạy một lời thề và giao ước mà chi phối việc sử dụng quyền năng chức tư tế của Ngài. Bài học này có thể giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về lời thề và giao ước của chức tư tế.

Hình Ảnh
cô gái nhận một phước lành chức tư tế

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Cha Thiên Thượng ban phước cho những người tuân giữ giao ước với quyền năng của Ngài

Anh chị em có thể bắt đầu bài học bằng cách vẽ một con đường trên bảng tượng trưng cho con đường giao ước. Anh chị em có thể đánh dấu điểm bắt đầu của con đường là “sự sinh ra” và điểm kết thúc là “cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng”. Hãy mời học viên lên bảng và viết các giao ước mà chúng ta lập dọc theo con đường qua các giáo lễ như phép báp têm, lễ xác nhận, lễ sắc phong chức tư tế cho người nam, lễ thiên ân và lễ gắn bó.

Nếu học viên cần giúp đỡ để hiểu rằng các giao ước là những lời hứa hai chiều với Thượng Đế, thì hãy cân nhắc thảo luận các câu hỏi như sau trước khi chia sẻ lời phát biểu dưới đây từ Chủ Tịch Russell M. Nelson:

  • Chúng ta hứa một số điều gì với Cha Thiên Thượng khi chúng ta chấp nhận giáo lễ của phép báp têm? (Xin xem Mô Si A 18:8–10Giáo Lý và Giao Ước 20:77–79)

  • Cha Thiên Thượng hứa với chúng ta điều gì khi chúng ta cố gắng tuân theo giao ước này?

Hãy nghiên cứu lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson và tìm kiếm một phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho những người lập và tuân giữ các giao ước với Ngài.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Mỗi người nào lập giao ước trong các hồ báp têm và trong các đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Xin hãy suy ngẫm về lẽ thật tuyệt vời đó!

Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn. Quyền năng này làm cho đường đi của chúng ta được dễ dàng. Những người sống theo luật pháp cao hơn của Chúa Giê Su Ky Tô đều có quyền tiếp cận quyền năng cao hơn của Ngài. (Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ”, Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 96)

  • Tại sao các phước lành giao ước mà Chủ Tịch Nelson đã mô tả lại cần thiết trên con đường trở về cùng Cha Thiên Thượng của chúng ta?

Lời thề và giao ước của chức tư tế

Trong Giáo Lý và Giao Ước 84, Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho Joseph Smith “điều mặc khải về chức tư tế” (xin xem tiêu đề tiết). Là một phần của điều mặc khải này, Ngài đã mô tả “lời thề và giao ước” (câu 39–40) của chức tư tế. (Lời thề là một lời hứa long trọng.)

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, em hãy viết “Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế” ở đầu trang. Hãy tạo hai cột dưới tiêu đề này. Hãy dán nhãn một cột là “Những lời hứa của Cha Thiên Thượng” và cột còn lại là “Những lời hứa của chúng ta”.

Học viên có thể hoàn thành sinh hoạt nghiên cứu dưới đây một mình. Sau đó, các em có thể chia sẻ trong các nhóm nhỏ về những điều đã tìm được.

Ngoài ra, anh chị em có thể chia học viên thành các cặp, trong đó một học viên tìm kiếm những lời hứa của Cha Thiên Thượng và học viên còn lại tìm kiếm những lời hứa của chúng ta. Sau đó, các em có thể chia sẻ với nhau và ghi lại những điều các em thảo luận trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44. Cân nhắc đánh dấu những lời hứa mà Cha Thiên Thượng mời gọi chúng ta thực hiện và đánh dấu phước lành mà Ngài ban cho những người tuân giữ các giao ước của họ theo một cách khác. Hãy viết những điều em tìm thấy vào các cột tương ứng trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Đây sẽ là thời điểm tuyệt vời để học viên thực hành xác định các nguyên tắc. Học viên có thể nhận ra nhiều nguyên tắc khác nhau. Anh chị em có thể yêu cầu các em xác định các nguyên tắc bằng cách sử dụng những lời phát biểu bắt đầu bằng những điều mà chúng ta hứa sẽ làm và kết thúc bằng những điều mà Thượng Đế hứa sẽ làm. Ví dụ, học viên có thể tìm thấy các nguyên tắc sau đây:

  • Nếu chúng ta làm vinh hiển những sự kêu gọi và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, thì Thượng Đế sẽ thánh hóa chúng ta bằng Thánh Linh của Ngài và đổi mới thể xác của chúng ta.

  • Nếu chúng ta trung tín nhận được Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc và đón nhận các tôi tớ được lựa chọn của Thượng Đế, thì Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho chúng ta với tất cả những gì Ngài có.

Hãy cho học viên thời gian để thành tâm tìm hiểu về những lời hứa mà các em quan tâm nhất để hiểu rõ hơn. Học viên có thể làm việc theo nhóm nhỏ với các học viên khác đã chọn nghiên cứu cùng những lời hứa này hoặc các em có thể nghiên cứu một mình.

Tài liệu phát tay cung cấp các nguồn tài liệu nghiên cứu mà có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về một số lời hứa trong lời thề và giao ước của chức tư tế. Anh chị em có thể cung cấp cho học viên tài liệu phát tay này nếu muốn.

Nếu học viên quan tâm đến việc nghiên cứu một cụm từ không có trong tài liệu phát tay, thì hãy mời các em tìm hiểu tất cả những điều có thể bằng cách nghiên cứu đề tài hoặc các đề tài đã chọn với các nguồn tài liệu như sau:

Gia Tăng Sự Hiểu Biết của Em về Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế

Được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác được đổi mới (xin xem câu 33)

Khi nói về lời hứa của Cha Thiên Thượng, Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Tôi đã thấy lời hứa đó được ứng nghiệm trong chính cuộc đời của mình và trong cuộc sống của những người khác. Một người bạn của tôi phục vụ với tư cách là một chủ tịch phái bộ truyền giáo. Ông nói với tôi rằng vào cuối mỗi ngày trong khi ông còn đang phục vụ thì ông cố gắng lắm mới leo được lên lầu đi ngủ vào buổi tối và tự hỏi rằng mình có còn đủ sức để tiếp tục làm việc thêm một ngày nữa hay không. Rồi đến sáng hôm sau ông thấy sức mạnh và lòng can đảm của mình được phục hồi. Các anh em đã thấy được điều này trong cuộc sống của những vị tiên tri lớn tuổi là những người hình như được hồi phục lại mỗi lần họ đứng lên làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi. Đó là một lời hứa cho những ai tiến bước bằng đức tin trong sự phục vụ với chức tư tế của họ. (Henry B. Eyring, “Đức Tin, Lời Thề và Giao Ước của Chức Tư Tế”, Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 62)

Hãy trung thành khi nhận được Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc (xin xem câu 33)

Trung thành khi “nhận được hai chức tư tế này” (Giáo Lý và Giao Ước 84:33) liên quan đến việc nhận được quyền năng và các phước lành đến từ việc tiếp nhận các giáo lễ của Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc và trung tín tuân giữ các giao ước liên quan. Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng một người nhận được sự trọn vẹn của chức tư tế “qua việc tuân giữ tất cả các lệnh truyền và tuân theo tất cả các giáo lễ [trong] ngôi nhà của Chúa” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 449).

Đối với người nam, điều này cũng bao gồm việc ban chức tư tế cho họ và được sắc phong các chức phẩm của chức tư tế.

Làm vinh hiển những chức vụ kêu gọi của chúng ta (câu 33)

Giáo Lý và Giao Ước 58:27–28, 107:99–100

Những cơ hội để nhận được những chức vụ kêu gọi và tham gia vào công việc cứu rỗi của Chúa

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Khi chúng ta cố gắng để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, chúng ta cần nên tìm kiếm sự soi dẫn của Thánh Linh để giải quyết những vấn đề bằng những cách thức mà sẽ giúp đỡ hữu hiệu nhất những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta có những quyển sổ tay hướng dẫn, và những đường lối chỉ đạo cần được tuân theo. Nhưng trong khuôn khổ đó thì là các cơ hội quan trọng để suy nghĩ, để sáng tạo, và để sử dụng các năng khiếu cá nhân. Sự hướng dẫn để làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta không phải là một lệnh truyền để thêm thắt và làm phức tạp chương trình. Có sáng kiến không nhất thiết phải là nới rộng; trong rất nhiều trường hợp nó có nghĩa là đơn giản hóa. (M. Russell Ballard, “Ôi, Hãy Khôn Ngoan”, Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 19)

Tất cả những gì Cha Thiên Thượng có (xin xem câu 38)

Giáo Lý và Giao Ước 76:55 –60; 81:6

Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ:

Hình Ảnh
Anh Cả Ronald A. Rasband

Để biết rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai Độc Sinh của Ngài có nghĩa là chúng ta đang nhìn xa hơn ở con đường giao ước phía trước thay vì chỉ thấy nơi chúng ta đang đứng ngày hôm nay. Điều đó có nghĩa là chúng ta biết ơn vì là những người thừa kế tất cả những gì Đức Chúa Cha có; vô số vương quốc thuộc về Ngài và có thể thuộc về chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Nếu ngươi trung thành cho tới cùng, thì ngươi sẽ nhận được mão triều thiên của sự bất diệt, và cuộc sống vĩnh cửu trong những gian nhà mà ta đã chuẩn bị trong nhà của Cha ta”. (Ronald A. Rasband, “The Divine Destiny of His Daughters” [Đại Hội Phụ Nữ trường BYU, ngày 30 tháng Tư năm 2021], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian để nghiên cứu, hãy mời các em chia sẻ với người bạn cùng cặp hoặc với nhóm nhỏ những điều đã học được. Anh chị em có thể sử dụng những gợi ý như sau để giúp hướng dẫn cuộc thảo luận:

  • Tại sao phước lành này lại quan trọng đối với em ngày nay?

  • Phước lành này dạy cho em điều gì về Cha Thiên Thượng?

Hãy chia sẻ một ví dụ (từ thánh thư hoặc cuộc sống của em) về một người nào đó mà em thấy là đang giữ lời hứa em đã chọn.

Để kết thúc buổi học, anh chị em có thể chia sẻ việc anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ quyền năng của chức tư tế khi anh chị em cố gắng trung tín tuân giữ các giao ước mình đã lập với Cha Thiên Thượng. Hãy mời các học viên trong lớp tìm kiếm cơ hội để có được quyền năng của chức tư tế mà Thượng Đế đã hứa với con cái giao ước của Ngài.

In