Lớp Giáo Lý
Bài Học 121—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 8: Áp Dụng Các Nguyên Tắc để Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh


“Bài Học 121—Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 8: Áp Dụng Các Nguyên Tắc để Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 8”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 121: Giáo Lý và Giao Ước 106–108

Thực Hành Thông Thạo Giáo Lý 8

Áp Dụng Các Nguyên Tắc để Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh

Việc thông thạo giáo lý có thể giúp học viên xây dựng nền tảng cho cuộc sống của các em dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Bài học này sẽ giúp học viên áp dụng các lẽ thật được tìm thấy trong các đoạn thông thạo giáo lý và học hỏi cũng như áp dụng các nguyên tắc thiêng liêng để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Hình Ảnh
lớp giáo lý đang học thánh thư

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Ôn lại phần thông thạo giáo lý: Áp dụng

Hãy cân nhắc phát cho mỗi học viên một tờ giấy nhỏ. Mời học viên viết lên trên tờ giấy của mình một tình huống khó khăn mà một người quen biết nào đó của các em đang phải đối mặt và đặt tờ giấy của các em vào trong một cái hộp đựng. Yêu cầu học viên không ghi tên hoặc chi tiết nào quá cá nhân.

Chia học viên theo cặp và yêu cầu mỗi cặp chọn hai tờ giấy từ hộp đựng. Mời các cặp ôn lại các đoạn thông thạo giáo lý của Giáo Lý và Giao Ước bằng cách dùng bản liệt kê trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý và thảo luận cách mà các đoạn khác nhau có thể áp dụng cho ít nhất một trong những tình huống trên tờ giấy của các em. Nếu muốn, học viên cũng có thể dùng các đoạn từ các sách thánh thư khác. Sau khi đã cho lớp học đủ thời gian, hãy mời các cặp chia sẻ với cả lớp những đoạn thánh thư các em đã thảo luận được áp dụng như thế nào cho một tình huống trên một trong những tờ giấy của mình.

Nếu học viên cần giúp đỡ với một tình huống mà rõ ràng không được giải quyết bằng một đoạn thông thạo giáo lý, thì anh chị em có thể hướng các em đến một đoạn mà có thể áp dụng cho bất cứ tình huống nào, chẳng hạn như Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3 hoặc 2 Nê Phi 32:3.

Hãy chú ý rằng sinh hoạt này chỉ nên kéo dài 10–15 phút để có đủ thời gian cho phần thực hành thông thạo giáo lý ở phần sau trong bài học.

Học và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh

Phần còn lại của bài học tập trung vào việc giúp học viên áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào một tình huống thực tế. Nếu cần, trước hết anh chị em có thể muốn mời học viên xem lại các nguyên tắc trong các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý. Các sinh hoạt ôn tập được đưa vào trong “Các Sinh Hoạt Ôn Tập Phần Thông Thạo Giáo Lý” trong phần phụ lục của sách hướng dẫn dành cho lớp giáo lý này.

Cân nhắc việc trưng ra một bức hình của một thiếu nữ như sau. Mời lớp học phác thảo nhanh các chi tiết về cuộc sống của em thiếu nữ ấy, dựa trên các tín hữu của Giáo Hội trong khu vực của mình. Ví dụ, học viên có thể chia sẻ những điều các em tưởng tượng ra về gia đình, sở thích, và cảm nghĩ của người thiếu nữ về Giáo Hội.

Hình Ảnh
em thiếu nữ đang mỉm cười

Hãy cho xem tình huống sau đây. Yêu cầu học viên chia sẻ các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh mà có thể giúp một bạn thiếu nữ trong tình huống này và lời giải thích.

(Ngoài ra, anh chị em có thể để trống những điều băn khoăn được gạch dưới trong tình huống và mời học viên hoàn thành tình huống bằng cách viết những thắc mắc hoặc băn khoăn lên trên bảng mà bạn thiếu nữ có thể có về chủ đề phụ nữ và chức tư tế. Việc mời học viên thêm chi tiết vào các tình huống có thể cho phép các em an toàn bày tỏ những mối bận tâm cá nhân liên quan đến cuộc sống của các em.)

Trong khi chuẩn bị giảng dạy lớp Thiếu Nữ của mình vào ngày Chủ Nhật, Andrea bắt đầu học Giáo Lý và Giao Ước 107. Sau khi đọc câu 8, bạn ấy ngừng lại và bắt đầu tự hỏi chức tư tế áp dụng như thế nào cho các thiếu nữ. Bạn ấy trở nên lo lắng và tự hỏi liệu Thượng Đế tin cậy các con trai của Ngài nhiều hơn các con gái của Ngài chăng. Bạn ấy cũng nhớ gần đây đã xem một video trực tuyến nêu ra các ý kiến về việc đối xử với phụ nữ trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Một người chỉ trích Giáo Hội bằng cách ngụ ý rằng phụ nữ bị kìm hãm khi không được nắm giữ các chức phẩm chức tư tế.

Hãy cho học viên nhiều thời gian để thảo luận các nguyên tắc mà các em cảm thấy có thể giúp Andrea. Dựa trên cuộc thảo luận của học viên, anh chị em có thể chọn các phần từ tài liệu còn lại của bài học mà có thể giúp các em hiểu rõ hơn các nguyên tắc mà các em đã không thảo luận sâu.

Hành động trong đức tin

Cân nhắc việc sắp xếp các học viên thành các nhóm nhỏ, trưng ra các câu hỏi sau đây, và mời học viên thảo luận câu trả lời của các em với nhóm của mình. Hãy đi quanh phòng và lắng nghe những cuộc thảo luận của học viên, đưa ra thêm những hiểu biết sâu sắc hoặc hướng dẫn nếu cần.

  • Làm thế nào những thắc mắc và băn khoăn của Andrea có thể trở thành cơ hội cho bạn ấy để củng cố đức tin của bạn ấy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự cam kết với Giáo Hội của Ngài?

  • Sa Tan có thể cám dỗ bạn ấy làm gì với những thắc mắc và băn khoăn của mình mà có thể dẫn bạn ấy rời xa Chúa Giê Su?

  • Các em sẽ đề nghị bạn ấy xử lý những thắc mắc và băn khoăn của mình bằng đức tin như thế nào?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

Mời học viên đọc đoạn 8 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý, tìm kiếm các lẽ thật mà có thể hữu ích cho Andrea.

Sinh hoạt sau đây là một cách học viên có thể chia sẻ điều các em tìm thấy. Hãy yêu cầu học viên hoàn thành bước đầu tiên dưới đây. Chờ cho đến khi các em hoàn thành mỗi bước trước khi yêu cầu các em thực hiện bước kế tiếp.

  1. Ghi vào nhật ký học tập của các em một lẽ thật từ đoạn 8 mà các em nghĩ có thể giúp Andrea và lời giải thích.

  2. Đi vòng quanh phòng, và cố gắng tìm một học viên khác đã chọn cùng một lẽ thật với mình. Thảo luận với một học viên đó về cách có thể giúp Andrea.

  3. Thêm những hiểu biết sâu sắc và ý nghĩa mà các học viên đó đã chia sẻ với các em vào trang nhật ký học tập của mình.

  4. Đi vòng quanh phòng một lần nữa, và tìm một học viên khác đã chọn một lẽ thật khác với các em. Chia sẻ với nhau những hiểu biết sâu sắc từ nhật ký của các em.

Sau sinh hoạt chia sẻ trước đó, một số câu hỏi sau đây có thể giúp tạo ra một cuộc thảo luận trong lớp mà có thể dẫn đến những hiểu biết sâu sắc hơn.

  • Giả sử rằng Andrea không thể tìm ra một câu trả lời rõ ràng về lý do tại sao phụ nữ không nắm giữ các chức phẩm chức tư tế. Các em biết gì về kế hoạch của Cha Thiên Thượng và Ngài cảm thấy như thế nào về các con gái của Ngài mà các em muốn Andrea ghi nhớ?

  • Các đoạn thông thạo giáo lý nào từ Giáo Lý và Giao Ước (hoặc các sách thánh thư khác) có thể giúp nhắc nhở Andrea về kế hoạch và cảm nghĩ của Thượng Đế dành cho bạn ấy?

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

Hãy cân nhắc mời học viên thảo luận các gợi ý sau đây với một người bạn. Sau đó, hãy mời các học viên tình nguyện chia sẻ với cả lớp những điều các em đã thảo luận.

  • Các nguồn mà Andrea sử dụng để tìm kiếm thông tin là quan trọng vì …

  • Tôi sẽ khuyên bảo Andrea nên tìm kiếm câu trả lời bằng cách đi đến … và không tìm kiếm câu trả lời bằng cách đi đến …

Các cặp học viên có thể tìm kiếm và chia sẻ những ví dụ từ thánh thư, lịch sử Giáo Hội, hoặc cuộc sống của các chị em phụ nữ trong thời kỳ của chúng ta mà cho thấy tình yêu thương và sự tin tưởng của Cha Thiên Thượng dành cho các con gái trung tín của Ngài.

Các cặp học viên cũng có thể tìm kiếm và chia sẻ những lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội hiện đại mà có thể giúp Andrea. Nếu cần, anh chị em có thể gợi ý các nguồn thông tin như sau:

  • Các bài nói chuyện trong đại hội trung ương như “Những Kho Báu Thuộc Linh” (Russell M. Nelson, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 76–79)

  • Các phần chọn lọc trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát của Giáo Hội như “Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế” (chương 3 trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, ChurchofJesusChrist.org)

Kết Luận

Anh chị em có thể kết thúc lớp học bằng cách mời học viên thành tâm trả lời một trong những câu hỏi sau đây vào nhật ký học tập của các em:

  • Các em cảm thấy Cha Thiên Thượng sẽ muốn các em làm gì với các thắc mắc và băn khoăn của các em?

  • Làm thế nào việc chọn làm theo các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của các em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khi có thắc mắc hoặc băn khoăn?

In