“Bài Học 160—Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 3: Hạnh Phúc trong Cuộc Sống Gia Đình”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 3”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Một lý do Cha Thiên Thượng phái chúng ta đến thế gian trong gia đình là để giúp chúng ta cảm nhận được hạnh phúc. Trong bản tuyên ngôn về gia đình, Chúa đã mặc khải cách chúng ta có thể được bình an và hạnh phúc với tư cách là những cá nhân và những gia đình. Bài học này có thể giúp học viên áp dụng những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô vào các mối quan hệ gia đình của các em.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Cân nhắc viết câu chưa hoàn chỉnh về nguyên nhân và kết quả sau đây lên bảng. Hoàn thành chỗ trống đầu tiên bằng một cụm từ như “Việc đạt điểm cao.” Sau đó, mời học viên điền vào khoảng trống thứ hai một cụm từ để hoàn thành câu đó, chẳng hạn như “chúng ta làm bài tập ở nhà”. Các em có thể lặp lại tiến trình này một vài lần bằng cách sử dụng các cụm từ khác nhau.
“ rất có thể đạt được khi .”
Mời học viên đọc đoạn 7 của bản tuyên ngôn về gia đình, tìm kiếm một cách đầy soi dẫn để hoàn thành cụm từ trên bảng. Giúp các học viên nhận ra lẽ thật: Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô . Để giúp các học viên nghĩ về việc sống theo những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô có thể dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống gia đình như thế nào, hãy yêu cầu các em suy ngẫm những câu hỏi như sau:
Các em nghĩ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể làm gia tăng hạnh phúc gia đình của mình bằng những cách thức nào?
Những nỗ lực của các em để sống theo những lời giảng dạy của hai Ngài đã góp phần vào hạnh phúc đó như thế nào?
Nói cho học viên biết rằng vào cuối bài học này, các em sẽ được mời hành động theo một trong những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi mà có thể làm gia tăng hạnh phúc của gia đình các em. Mời học viên tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng trong phần còn lại của bài học để biết các em nên chú trọng vào nguyên tắc nào. Hãy khuyến khích học viên chú ý đến bất kỳ suy nghĩ hoặc cảm nhận nào mà các em nhận được từ Đức Thánh Linh.
Những Lời Giảng Dạy của Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy cân nhắc việc gắn một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô lên bảng. Hãy yêu cầu học viên đọc lại đoạn 7 , lần này đánh dấu mỗi lời giảng dạy mà có thể làm gia tăng hạnh phúc gia đình. Mời học viên viết những điều các em đã tìm thấy lên bảng xung quanh bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, yêu cầu học viên lập thành các nhóm nhỏ hoặc các cặp để hoàn thành sinh hoạt sau đây:
Chọn một lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô mà các em tìm thấy trong đoạn 7 .
Tìm một câu thánh thư hoặc một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội mà giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời giảng dạy đó.
Mô tả việc tuân theo lời giảng dạy đó có thể gia tăng hạnh phúc trong gia đình như thế nào.
Nếu học viên cần trợ giúp, anh chị em có thể mời các em sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc tìm kiếm trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Sau đây là một số câu thánh thư mà học viên có thể tìm thấy có liên quan đến những lời giảng dạy từ đoạn 7 : 3 Nê Phi 18:15–16, 21 (cầu nguyện); Mô Rô Ni 7:45–48 (tình yêu thương); Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43 (sự hối cải); Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11 (sự tha thứ).
Sau khi đã cho học viên có đủ thời gian rồi, hãy mời các nhóm chia sẻ trước lớp về điều các em đã thảo luận. Khi các nhóm chia sẻ, hãy yêu cầu các em viết lên bảng câu thánh thư tham khảo hoặc một phần lời phát biểu của vị lãnh đạo Giáo Hội mà đã giúp các em hiểu lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sau đó, anh chị em có thể sử dụng những câu hỏi như sau để giúp học viên suy ngẫm và thảo luận về những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng đến gia đình như thế nào.
Những lời giảng dạy nào của Đấng Ky Tô ở trên bảng đã có ảnh hưởng đến hạnh phúc mà các em cảm nhận được trong gia đình mình?
Những lời giảng dạy nào trong số những lời giảng dạy này các em muốn tập trung nhiều hơn vào gia đình mình? Tại sao? Các em có thể hoàn thành điều này trong gia đình như thế nào?
Các em muốn tập trung vào lời giảng dạy nào trong gia đình tương lai của mình? Tại sao?
Những lời giảng dạy nào của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp một gia đình đang gặp khó khăn với những bất đồng, tranh chấp, hoặc các mối quan hệ căng thẳng?
Khi học viên thảo luận câu hỏi trước, anh chị em có thể chỉ cho các em các nguyên tắc “đức tin, cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, thương yêu, [và] trắc ẩn” trong đoạn mà các em đã học. Hãy làm chứng về mong muốn của Đấng Cứu Rỗi để tha thứ, chữa lành, và cải thiện các mối quan hệ cá nhân và gia đình. Những nỗ lực và ước muốn của chúng ta để hối cải và tha thứ cho người khác có thể mời ảnh hưởng chữa lành của Ngài vào cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta.
Trước khi mời học viên áp dụng một trong những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi cho gia đình của các em, hãy giúp các em cân nhắc những cách mà những lời giảng dạy của Ngài có thể được áp dụng trong các hoàn cảnh gia đình khác nhau. Hãy cân nhắc viết một vài hoàn cảnh gia đình khác nhau lên bảng mà học viên trong lớp của anh chị em có thể liên quan đến. Các ví dụ có thể gồm có như sau:
Cả gia đình tích cực trong Giáo Hội.
Gia đình chỉ có vài người là tín hữu.
Cha mẹ ly hôn.
Gia đình đơn thân.
Cân nhắc việc yêu cầu học viên chia sẻ câu trả lời cho mỗi câu hỏi sau đây đối với mỗi hoàn cảnh gia đình trên bảng:
Các em sẽ đề nghị các nguyên tắc cụ thể nào từ đoạn 7 của bản tuyên ngôn về gia đình cho một thanh thiếu niên trong tình huống này?
Làm thế nào một thanh thiếu niên trong hoàn cảnh gia đình này có thể áp dụng các nguyên tắc mà các em đã chọn?
Cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây:
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Bất kể điều tệ hại nào đã xảy ra trong gia đình các em, tôi làm chứng và hứa rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của sự chữa lành, tái tạo, và phục hồi mà các em cần. …
Với sự giúp đỡ của Chúa, các em có thể tạo ra một gia đình vĩnh cửu, ngay cả khi các em không xuất thân từ một mái gia đình Thánh Hữu Ngày Sau mà thỉnh thoảng được minh họa trên trang bìa của các cuốn tạp chí Liahona hoặc Ensign . Xin hãy luôn ghi nhớ: điều này khởi đầu [từ] các em! (David A. Bednar, “A Welding Link ” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 10 tháng Chín năm 2017], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org )
Mời các học viên chọn một trong những lời giảng dạy của Chúa Giê Su từ bản tuyên ngôn về gia đình mà các em cảm thấy được gợi ý để áp dụng nhằm cải thiện hạnh phúc trong gia đình của mình. Cho các em thời gian để suy ngẫm và viết vào nhật ký học tập một kế hoạch để bắt đầu, tiếp tục hoặc cải thiện việc sống theo lời giảng dạy đó. Nếu thời gian cho phép, hãy mời một số học viên chia sẻ những điều các em cảm thấy được soi dẫn để làm.
Hãy cân nhắc việc chia sẻ lời chứng của anh chị em về quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để làm gia tăng hạnh phúc trong gia đình của những người đang cố gắng sống theo những lời giảng dạy của Ngài.
Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Với sự giúp đỡ của Chúa và giáo lý của Ngài, tất cả những ảnh hưởng tai hại của những thử thách mà một gia đình có thể gặp thì có thể được hiểu và khắc phục. Bất cứ nhu cầu của những người trong gia đình có thể là gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể củng cố gia đình mình khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri.
Bí quyết để củng cố gia đình chúng ta là mang Thánh Linh của Chúa vào trong nhà của mình. Mục tiêu của gia đình chúng ta là vẫn ở trên con đường chật và hẹp. …
… Gia đình được củng cố khi chúng ta đến gần Chúa, và mỗi người trong gia đình được củng cố khi chúng ta nâng đỡ, củng cố, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau. (Robert D. Hales, “Strengthening Families: Our Sacred Duty ,” Ensign , tháng Năm năm 1999, trang 33–34)
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư đưa ra định nghĩa sau đây về gia đình :
Như được dùng trong thánh thư, một gia đình gồm có người chồng và người vợ, con cái, và đôi khi có những người thân thuộc khác sống trong cùng một căn nhà hay cùng một gia chủ. Một gia đình cũng có thể là một người mẹ độc thân hay cha độc thân với con cái, vợ chồng mà không có con cái, hay ngay cả một người độc thân sống một mình. (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Gia Đình ”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org )
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Với Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy Chữa Lành và Đấng Cứu Rỗi, luôn luôn có thể có một khởi đầu mới; Ngài luôn luôn ban cho hy vọng.
Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của gia đình.
Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của giới trẻ.
Chúa Giê Su Ky Tô là sức mạnh của cha mẹ. (Dieter F. Uchtdorf, “Chúa Giê Su Ky Tô là Sức Mạnh của Cha Mẹ ,” Liahona , tháng Năm năm 2023, trang 59)
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Sự giải trí lành mạnh cũng rất cần thiết và quan trọng đối với công việc. Âm nhạc, văn chương, nghệ thuật, khiêu vũ, kịch nghệ, thể thao—tất cả đều có thể [mang lại sự] giải trí để làm phong phú cuộc sống của một người. … Đồng thời, không cần phải nói rằng đa số thú giải trí ngày nay đều tồi tệ, thấp kém, hung bạo, làm tê liệt tâm trí và hoang phí thời giờ. Mỉa mai thay, đôi khi phải cố gắng nhiều mới tìm ra được thú giải trí lành mạnh. Khi thú giải trí thay đổi từ [điều tốt] thành [thói xấu] thì nó trở thành điều làm phá hoại cuộc đời dâng hiến. (D. Todd Christofferson, “Suy Ngẫm về một Cuộc Đời Dâng Hiến ”, Liahona , tháng Mười Một năm 2010, trang 17)
Để giúp học viên hiểu rõ hơn rằng người nam và người nữ được bình đẳng trước mặt Thượng Đế, anh chị em có thể mời các em đọc nửa sau của đoạn 7 (bắt đầu bằng “Qua kế hoạch thiêng liêng”), và tìm kiếm các trách nhiệm của cha mẹ. Sau đó, mời học viên viết lên bảng những điều các em đã tìm thấy. Các em có thể chia sẻ một số điều quan trọng, đặc biệt mà cha mẹ các em đã dạy. Sau đó hãy giúp các học viên hiểu lẽ thật này: Những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng . Để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về lẽ thật này, hãy cân nhắc chia lớp học làm hai và cho mỗi nửa lớp nghiên cứu một trong những lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
Cha Thiên Thượng thương yêu tất cả con cái của Ngài như nhau, hoàn hảo và vô hạn. Tình yêu thương của Ngài dành cho các con gái của Ngài cũng không khác gì với các con trai của Ngài. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, cũng thương yêu người nam và người nữ như nhau. Sự chuộc tội của Ngài và phúc âm của Ngài là dành cho tất cả con cái của Thượng Đế. …
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thánh hóa cả người nam lẫn người nữ trong cùng một cách thức và bằng các nguyên tắc giống nhau. Ví dụ, đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và ân tứ Đức Thánh Linh là những điều kiện được đòi hỏi đối với tất cả con cái của Thượng Đế, không phân biệt giới tính . … [Cha Thiên Thượng] thương yêu tất cả chúng ta như nhau, và ân tứ lớn nhất của Ngài, ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu, có sẵn cho tất cả mọi người. (M. Russell Ballard, “Equality through Diversity ,” Ensign , tháng Mười Một năm 1993, trang 89)
Mặc dù những người nam và người nữ bình đẳng trước mặt Thượng Đế trong các cơ hội vĩnh cửu của mình, nhưng họ có các bổn phận khác nhau, nhưng quan trọng như nhau, trong kế hoạch vĩnh cửu của Ngài. … [Thượng Đế] có thể thừa nhận và thậm chí khuyến khích những khác biệt của chúng ta trong khi vẫn mang đến cơ hội bình đẳng cho sự tăng trưởng và phát triển. …
… Nhiều điều kiện [cho một cuộc sống gia đình tôn cao] hoàn toàn giống nhau đối với người nam và người nữ. Ví dụ, sự vâng lời tuân theo luật pháp của Thượng Đế đều được đòi hỏi như nhau đối với cả người nam lẫn người nữ. Người nam và người nữ nên cầu nguyện theo cùng một cách. Cả hai đều có cùng một đặc ân để nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình và từ đó nhận được sự mặc khải cá nhân cho sự phát triển thuộc linh của riêng mình. (M. Russell Ballard, “Equality through Diversity ,” Ensign , tháng Mười Một năm 1993, trang 89–90)
Để giúp học viên áp dụng điều các em đã học được, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây:
Các em đã học được điều gì về cách Thượng Đế nhìn nhận những người nam và người nữ?
Các em nghĩ “những người bạn đời bình đẳng” có nghĩa là gì?
Làm thế nào việc hiểu được lẽ thật này có thể giúp các em gia tăng hạnh phúc trong gia đình hiện tại và tương lai của mình?
Nhiều học viên sẽ đối mặt với những tình huống đòi hỏi lòng can đảm và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để bảo vệ điều Ngài đã mặc khải trong Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình. Hãy cân nhắc cho học viên xem video “Defenders of the Faith ” (6:56), kể về câu chuyện có thật của Marie Madeline Cardon bênh vực cho những điều bà biết là đúng. Video này so sánh điều này với việc giới trẻ hiện đại bảo vệ giáo lý của Chúa về gia đình bất kể những niềm tin và hoàn cảnh khác nhau xung quanh mình.
6:56
Anh chị em cũng có thể cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây của Chị Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ:
Chúng ta cần phải mạnh dạn bênh vực cho … giáo lý đã được mặc khải của Chúa mô tả về hôn nhân, gia đình, vai trò thiêng liêng của những người đàn ông và phụ nữ, và tầm quan trọng của mái gia đình là những nơi thánh thiện—cho dù thế gian đang la hét vào tai chúng ta rằng những nguyên tắc này đã lỗi thời, hạn chế, hoặc không còn phù hợp nữa. Tất cả mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân là gì hoặc có bao nhiêu con cái thì cũng có thể là người bênh vực cho kế hoạch của Chúa như đã được mô tả trong bản tuyên ngôn về gia đình. Nếu đó là kế hoạch của Chúa, thì đó cũng phải là kế hoạch của chúng ta! (Bonnie L. Oscarson, “Những Người Bênh Vực cho Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình ”, Liahona , tháng Năm năm 2015, trang 15)
Sau đó, mời học viên thảo luận những câu hỏi như sau:
Chúa đã mặc khải những lẽ thật nào về gia đình mà nhiều người trên thế gian chưa hiểu được?
Tại sao việc bênh vực cho giáo lý của Chúa về gia đình bất kể hoàn cảnh gia đình hiện tại của chúng ta như thế nào lại quan trọng?
Làm thế nào chúng ta có thể vững vàng trong những điều Chúa đã dạy để thúc đẩy sự hòa thuận thay vì tranh chấp?
Làm thế nào việc hiểu được giáo lý của Chúa về gia đình bây giờ chuẩn bị các em để xây dựng một gia đình trong tương lai?