Lớp Giáo Lý
Bài Học 159—Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 2: “Con Cái Là Cơ Nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà Ra”


“Bài Học 159—Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 2: ‘Con Cái Là Cơ Nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà Ra’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 2”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 159: “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”

Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 2

“Con Cái Là Cơ Nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà Ra.”

trẻ em vui cười

Các vị tiên tri của Chúa đã công bố tầm quan trọng của con cái trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Vợ chồng có thể tham gia vào kế hoạch của Thượng Đế bằng cách mang con cái xuống thế gian và nuôi dạy chúng trong tình yêu thương và sự ngay chính. Bài học này có thể giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc có con cái và chăm sóc cho con cái trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Sự hướng dẫn thiêng liêng từ bản tuyên ngôn về gia đình

Cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách chia sẻ tình huống sau đây hoặc một điều gì đó tương tự mà đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của học viên. Anh chị em có thể sắp xếp các em thành các cặp để thảo luận về câu hỏi ngay sau tình huống.

Kim và hai người bạn của em ấy đang thảo luận về tương lai của mình và điều mình mong muốn trong cuộc sống. Khi chủ đề chuyển sang gia đình, Kim nói rằng bạn ấy rất hào hứng để kết hôn và có con khi bạn ấy lớn hơn. Một trong những người bạn của Kim nói, “Mình muốn kết hôn, nhưng mình sẽ không đời nào thử nuôi dạy con cái trong thế giới điên rồ này.” Người bạn khác nói: “Mình sẽ không ngại có con vào một ngày nào đó, nhưng mình không nghĩ rằng mình muốn kết hôn.” Sau khi lắng nghe ý kiến của bạn bè, Kim tự hỏi tại sao những cảm nghĩ của mình về việc có con cái dường như rất khác biệt.

  • Tại sao những người bạn của Kim cảm thấy như vậy?

    Yêu cầu vài cặp học viên chia sẻ một số câu trả lời của các em. Anh chị em cũng có thể mời các em chia sẻ thêm những băn khoăn hoặc câu hỏi mà các em có về con cái và cách nuôi dạy con cái. Cung cấp các bản “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” cho các học viên sử dụng. Mời mỗi cặp học viên nghiên cứu các đoạn 4–6, tìm kiếm các từ hoặc cụm từ tuyên bố giáo lý của Chúa về con cái và cách nuôi dạy con cái. Khuyến khích học viên đánh dấu những từ hoặc cụm từ có ý nghĩa trong khi học. Nếu cần, hãy nêu ra rằng cụm từ “sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất” nói đến việc có con cái và cụm từ “những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản” nói đến việc quan hệ tình dục. Hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau.

  • Các em đã khám phá ra những lẽ thật nào về con cái và cách nuôi dạy con cái?

  • Các em nghĩ tại sao Chúa mong muốn vợ chồng có con cái nếu họ có khả năng để có con?

  • Một cặp vợ chồng đã kết hôn có thể không muốn có con vì một số lý do gì?

Trước khi tiếp tục, anh chị em có thể mời học viên ghi lại một số suy nghĩ và cảm nhận của riêng các em về giáo lý của Chúa liên quan đến con cái và cách nuôi dạy con cái. Khuyến khích học viên tìm kiếm ảnh hưởng của Đức Thánh Linh để giúp các em hiểu tầm quan trọng của việc có con cái và chăm sóc cho con cái trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Tìm kiếm các nguồn phương tiện thiêng liêng khác để có được sự hiểu biết

Cân nhắc trưng ra ba câu phát biểu sau đây về lẽ thật từ bản tuyên ngôn về gia đình. Giải thích rằng học viên sẽ sử dụng những lời phát biểu này để tập tìm kiếm các nguồn phương tiện thiêng liêng do Chúa quy định để có thêm sự hiểu biết. Anh chị em có thể tổ chức học viên thành các nhóm gồm ba người, mỗi một em nghiên cứu một lẽ thật khác nhau. Có lẽ học viên có thể chọn những câu phát biểu của mình theo một cách sáng tạo; ví dụ, học viên nhỏ tuổi nhất hoặc cao nhất trong mỗi nhóm có thể được lựa chọn trước về việc học lẽ thật nào.

  • “Chúng tôi tuyên bố rằng lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực.”

  • “Những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp là chồng và vợ.”

  • “Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính.”

    Hãy khuyến khích học viên sử dụng các nguồn tài liệu như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm để tìm thêm thông tin về những lời phát biểu của các em về lẽ thật. Nếu các em cần sự hướng dẫn, hãy đề xuất các cụm từ tìm kiếm như “sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy,” “khả năng sinh sản,” hoặc “cha mẹ ngay chính.” Mời các em tìm kiếm những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội, các đoạn thánh thư, hoặc các bài viết trên tạp chí Giáo Hội mà làm gia tăng sự hiểu biết của các em.

    Khi học viên đã chuẩn bị xong, hãy khuyến khích các em chia sẻ với nhóm của mình những điều đã học được. Cân nhắc đặt ra một số câu hỏi sau đây.

  • Các em đã học được gì từ những lời phát biểu này về lẽ thật mà các em cảm thấy là quan trọng?

  • Tại sao cần có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để sống theo các lẽ thật này trong thế giới ngày nay?

  • Các em đã thấy những ví dụ nào về cách sống theo những lẽ thật này có thể mang đến nhiều tình yêu thương hơn trong khi việc coi thường những lẽ thật này có thể mang đến nỗi đau đớn hoặc hối tiếc?

  • Các em có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị sống theo các lẽ thật này một cách trung tín trong tương lai?

Giáo lý vĩnh cửu về con cái

Hãy cân nhắc làm chứng về tầm quan trọng của con cái trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế và chia sẻ lời phát biểu sau đây.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích tầm quan trọng của con cái trong kế hoạch của Thượng Đế.

14:47
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Giáo lý vĩnh cửu … mang lại một quan điểm đặc biệt về con cái. Qua quan điểm này, chúng ta xem việc cưu mang và nuôi dưỡng con cái như một phần của kế hoạch thiêng liêng. Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng và hoan hỉ cho những người được trao quyền để tham gia. Vì thế, chúng ta được truyền lệnh phải giảng dạy và bênh vực cho các nguyên tắc và lối thực hành mà cung ứng những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển và hạnh phúc của con cái dưới kế hoạch của Thượng Đế. (Dallin H. Oaks, “Tình Yêu Thương Thiêng Liêng trong Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 102)

  • Các em đã thấy con cái ban phước cho gia đình mình hoặc những người khác mà các em biết như thế nào?

  • Làm thế nào việc mang con cái đến thế gian và nuôi dạy chúng trong tình yêu thương có thể giúp các em trở nên giống cha mẹ thiên thượng hơn?

Cân nhắc trưng ra những gợi ý sau đây và mời học viên thầm đánh giá sự hiểu biết của các em về những điều các em đã học được hôm nay.

Đánh giá sự hiểu biết của các em về những câu sau đây bằng cách trả lời trong nhật ký học tập là rất đồng ý, đồng ý, đồng ý phần nào hoặc không chắc chắn. Viết ngắn gọn lý do các em chọn câu trả lời của mình.

  • Tôi hiểu lý do tại sao lệnh truyền của Thượng Đế là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất vẫn còn hiệu lực trong thời nay.

  • Tôi hiểu lý do tại sao những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ được sử dụng giữa một người nữ và người nam đã cưới hỏi hợp pháp.

  • Tôi hiểu lý do tại sao cha mẹ phải nuôi dạy con cái trong tình yêu thương và sự ngay chính.

Nếu học viên có thêm câu hỏi hoặc mối bận tâm về giáo lý của Chúa liên quan đến con cái hoặc về luật trinh khiết, thì hãy khuyến khích các em hỏi thêm từ cha mẹ hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Để kết thúc, hãy mời một vài học viên tóm lược điều các em đã học được về tầm quan trọng của việc có con cái và chăm sóc con cái trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.