Lớp Giáo Lý
Bài Học 158—Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 1: “Gia Đình Là Trọng Tâm Kế Hoạch của Đấng Sáng Tạo”


“Bài Học 158—Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 1: ‘Gia Đình Là Trọng Tâm Kế Hoạch Của Đấng Sáng Tạo’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 1”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 158: Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới

Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình, Phần 1

“Gia Đình Là Trọng Tâm Kế Hoạch của Đấng Sáng Tạo”

Hình Ảnh
gia đình cùng nhau học tập

Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” là một lời phát biểu của các vị tiên tri được viết ra để giúp chúng ta hiểu những lời giảng dạy của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô về hôn nhân và gia đình. Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về vai trò trọng tâm của gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Trước giờ học, hãy chắc chắn rằng mỗi học viên sẽ có quyền truy cập vào “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” ở định dạng kỹ thuật số hoặc bản in. Có thể trong nhật ký học tập của học viên đã có sẵn một bản tuyên ngôn.

“Gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài”

Cân nhắc đưa ra các từ trong tiêu đề ngay vừa rồi lên bảng theo thứ tự ngẫu nhiên. Cho học viên một phút để cố gắng sắp xếp lại các từ này trong tâm trí của các em. Sau đó mời các em tìm và đánh dấu những từ này ở cuối đoạn đầu tiên của “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”

Sau đó, mời học viên thảo luận bằng cách dùng những câu hỏi như sau:

  • Tại sao gia đình là trọng tâm kế hoạch của Thượng Đế dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài?

  • Khi biết rằng mọi gia đình đều phải đối mặt với thử thách và tất cả chúng ta đều không hoàn hảo thì các em sẽ chia sẻ điều gì về Cha Thiên Thượng, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch cứu rỗi mà có thể giúp thanh thiếu niên đang lo lắng về hoàn cảnh gia đình của mình?

Hãy cân nhắc viết các từ ngữ sau đây lên bảng trước khi bắt đầu bài học. Mời học viên đọc qua danh sách này.

  • Tầm quan trọng của hôn nhân

  • Ly dị

  • Lạm dụng, ngược đãi

  • Bản dạng giới

  • Hôn nhân đồng tính

  • Có con cái

  • Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân

  • Phá thai

  • Hạnh phúc trong gia đình

Lưu ý: Khi anh chị em dạy bài học ngày hôm nay, hãy nhận biết tính nhạy cảm của các đề tài sẽ được nói đến. Anh chị em có thể muốn nhắc nhở học viên cố gắng có được tình yêu thương, sự cảm thông, và thấu hiểu giống như Đấng Ky Tô khi các em thảo luận về những đề tài này.

  • Ngày nay, mọi người có thắc mắc hoặc băn khoăn về đề tài nào trong số này?

  • Các em nghĩ mọi người thường tìm đến đâu để có câu trả lời cho những vấn đề này?

    Cân nhắc cho học viên thời gian để suy ngẫm về sự hiểu biết của các em về những vấn đề này và những câu hỏi mà các em có thể có.

  • Tại sao việc hiểu biết những điều Thượng Đế đã dạy về các đề tài này lại quan trọng?

Bài học này có thể giúp học viên tìm thấy câu trả lời cho một số thắc mắc và băn khoăn của các em. Mời các em tìm kiếm sự mặc khải từ Đức Thánh Linh để hướng dẫn các em khi các em nghiên cứu “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” hôm nay và trong suốt tuần.

Bản tuyên ngôn về gia đình

Để giúp các học viên hiểu một số lý do Chúa soi dẫn việc viết bản tuyên ngôn về gia đình, hãy cân nhắc việc chia sẻ lời phát biểu sau đây được đưa ra khi bản tuyên ngôn được giới thiệu.

Lưu ý: Cụm từ sự ngụy biện ý nói đến những lời giảng dạy dối trá.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã nói:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

Vì có quá nhiều sự ngụy biện được coi là lẽ thật, vì có quá nhiều sự lừa dối về những tiêu chuẩn đạo đức, vì có quá nhiều sự lôi cuốn và cám dỗ dần dần trở thành sự ô uế của thế gian, nên chúng tôi cảm thấy cần phải khuyến cáo và cảnh báo anh chị em. Để xúc tiến việc này, giờ đây chúng tôi, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ, công bố một bản tuyên ngôn cùng Giáo Hội và cùng thế giới như là một lời tuyên bố và tái khẳng định các tiêu chuẩn, giáo lý, và lối thực hành liên quan tới gia đình mà các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải của Giáo Hội đã đề cập đến nhiều lần trong suốt lịch sử của Giáo Hội. (Gordon B. Hinckley, “Stand Strong against the Wiles of the World”, Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 100)

  • Điều gì tạo ấn tượng với các em về lý do bản tuyên ngôn về gia đình được ban hành?

Hãy đọc các đoạn 1–3 bản tuyên ngôn về gia đình, tìm kiếm những điều Thượng Đế đã dạy về một số đề tài trên bảng.

Tập trung vào các lẽ thật mà dẫn đến sự cải đạo và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô: Sinh hoạt dưới đây gợi ý một cách để học viên nêu ra các nguyên tắc cải đạo mà các em nhận ra. Để được trợ giúp trong việc giảng dạy phần này, hãy xem phần huấn luyện có tiêu đề “Tập trung vào các lẽ thật mà dẫn đến sự cải đạo và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” trong Các Kỹ Năng Phát Triển dành cho Giảng Viên: Giảng Dạy Giáo Lý. Hãy cân nhắc thực hành kỹ năng “Đặt ra những câu hỏi mà giúp học viên nhận ra và nêu ra các nguyên tắc cải đạo.”

Cân nhắc mời học viên viết lên bảng những lẽ thật mà các em tìm thấy bên cạnh đề tài liên quan. Các em cũng có thể chia sẻ xem lẽ thật mà các em viết có thể giúp giải quyết đề tài liên quan như thế nào.

Sau đây là một số lẽ thật mà học viên có thể đề cập đến:

  • Gia đình là trọng tâm kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành con cái của Ngài.

  • Phái tính (giới tính) là một đặc điểm cơ bản của từng người về gốc tích và mục đích.

  • Kế hoạch của Thượng Đế cho phép các mối quan hệ gia đình có thể tiếp tục tồn tại sau khi chết.

Đây có thể là cơ hội tốt để học viên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc hoặc đưa ra những thắc mắc mà các em có thể có.

Ba phần sau đây của bài học sẽ tìm hiểu về từng lẽ thật ở trên. Tùy thuộc vào thời gian hiện có và nhu cầu của học viên, hãy chọn một hoặc nhiều lẽ thật này để tập trung vào. Hoặc anh chị em có thể nghiên cứu các lẽ thật khác mà giải quyết tốt hơn các câu hỏi và nhu cầu của học viên.

1. Gia đình là trọng tâm kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.

Hãy cân nhắc chia học viên thành các cặp. Mời các nhóm thay phiên nhau chia sẻ mọi điều các em có thể biết về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng trong một phút. Khuyến khích học viên xem xét các phần tiền dương thế, cuộc sống trần thế, và cuộc sống sau khi chết của kế hoạch.

  • Gia đình là trọng tâm của kế hoạch của Cha Thiên Thượng trong cuộc sống tiền dương thế như thế nào? Trong cuộc sống trần thế? Trong cuộc sống sau khi chết của chúng ta?

  • Nếu Sa Tan biết điều này về gia đình, các em nghĩ hắn có thể phản ứng như thế nào với các lẽ thật về gia đình?

Để giúp học viên hiểu rõ hơn lý do gia đình là trọng tâm trong kế hoạch của Thượng Đế, hãy cân nhắc mời các em tìm kiếm các đoạn thánh thư trong mục “Gia Đình” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Ngoài ra, anh chị em có thể phát lời phát biểu sau đây để học viên đọc riêng. Cân nhắc khuyến khích học viên đánh dấu những phần nổi bật mà các em thấy trong lời phát biểu đó.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Vì biết được lý do tại sao chúng ta rời bỏ nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và điều gì là cần thiết để trở về và được tôn cao với Ngài, nên … rất rõ ràng rằng không có điều gì liên quan đến thời gian của chúng ta ở trên thế gian có thể quan trọng hơn hai điều kiện tiên quyết của cuộc sống vĩnh cửu, đó là việc sinh ra đời và sự tái sinh phần thuộc linh. …

Một gia đình được xây đắp trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ tạo thành bối cảnh tốt nhất cho kế hoạch của Thượng Đế để phát triển mạnh—bối cảnh để cho con cái ra đời trong sự thanh khiết và vô tội từ Thượng Đế và môi trường cho việc học hỏi cùng chuẩn bị cần thiết cho một cuộc sống hữu diệt thành công và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. (D. Todd Christofferson, “Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình?”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 51–52)

Sau khi các em đã có thời gian để tra cứu thánh thư và lời phát biểu, học viên có thể thảo luận những câu hỏi sau đây theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.

  • Các em đã học được gì về lý do gia đình là trọng tâm kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

  • Các em đã thấy các gia đình giúp các cá nhân chuẩn bị cho “một cuộc sống hữu diệt thành công và một cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” như thế nào?

  • Làm thế nào những lời giảng dạy này có thể giúp anh chị em trả lời các thắc mắc và băn khoăn về hôn nhân và gia đình?

2. Giới tính là một đặc điểm cơ bản của từng người về gốc tích và mục đích.

Cân nhắc cho học viên thời gian để nghiên cứu riêng một số nguồn tài liệu dưới đây. Những câu hỏi sau đây có thể hướng dẫn cho các em trong khi nghiên cứu:

  • Vì sao giới tính là một đặc điểm cơ bản của từng người về gốc tích và mục đích?

  • Làm thế nào chúng ta có thể giảng dạy các lẽ thật về giới tính với lòng tin chắc mà vẫn tránh trở nên thiếu tế nhị hoặc thiếu tôn trọng người khác?

Tính Chất Vĩnh Cửu và Mục Đích của Giới Tính” (Gia Đình Vĩnh Cửu, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học [năm 2022], trang 29–33) (Lưu ý ba phần của tài liệu này bắt đầu bằng các câu hỏi.)

Người Chuyển Giới: Hiểu Bản Thân Mình” trong phần “Giúp Đỡ trong Cuộc Sống” của Thư Viện Phúc Âm

Người Chuyển Giới: Hỗ Trợ Người Khác” trong phần “Giúp Đỡ trong Cuộc Sống” của Thư Viện Phúc Âm

Nếu học viên không thể tiếp cận được với các nguồn tài liệu này, hãy cân nhắc sao chép bài học 7 của sách học dành cho viện giáo lý Gia Đình Vĩnh Cửu, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học để học viên nghiên cứu trong lớp.

Khi học viên đã có đủ thời gian học tập, những em tình nguyện có thể chia sẻ những hiểu biết sâu sắc mà các em có được.

Là một phần của cuộc thảo luận này, hãy cân nhắc chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” và mời học viên chia sẻ ý nghĩa của lời phát biểu đó đối với các em.

Cân nhắc chia sẻ cuộc sống của anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ có quan điểm vĩnh cửu về gốc tích và mục đích của mình.

3. Kế hoạch của Thượng Đế làm cho các mối quan hệ gia đình có thể tiếp tục tồn tại sau khi chết.

Trước khi học viên đọc các đoạn sau đây, anh chị em có thể kể cho các em về một người quen biết của anh chị em mà đã gặp khó khăn để chấp nhận cái chết của một người trong gia đình. Hoặc anh chị em có thể mời học viên nghĩ về một người nào đó mà các em biết mà đã phải chịu đau khổ bởi cái chết của người thân trong gia đình.

Hãy đọc 1 Cô Rinh Tô 15:22Giáo Lý và Giao Ước 130:2, tìm kiếm xem có thể tìm thấy hy vọng nào nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi một người thân qua đời.

  • Làm thế nào những lẽ thật về kế hoạch của Thượng Đế trong những câu này có thể mang lại sức mạnh cho một người đang chịu đựng sự mất mát như vậy?

  • Những lời giảng dạy trong đoạn thứ ba của bản tuyên ngôn về gia đình có thể tác động như thế nào đến một người đang đau khổ vì mất đi người thân?

Để giúp các học viên hiểu rõ hơn tính chất vĩnh cửu của gia đình trong kế hoạch của Thượng Đế, anh chị em có thể cho xem video “Plan of Salvation—We‘re Still a Family)” (4:47), có sẵn tại ChurchofJesusChrist.org. Hãy cân nhắc mời học viên suy nghĩ về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về gia đình đã ảnh hưởng như thế nào đến người thanh niên này.

Kết luận

Để kết thúc bài học, anh chị em có thể mời học viên thầm suy ngẫm và ghi lại câu trả lời của các em cho những câu hỏi sau. Những học viên tình nguyện có thể chia sẻ điều mình đã viết ra.

  • Hôm nay các em đã học được điều gì mà đã giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các em đã học được điều gì về tầm quan trọng của gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

In