Lớp Giáo Lý
Bài Học 182—Quản Lý Các Nguồn Lực Tài Chính Một Cách Khôn Ngoan: Cố Gắng Xây Dựng Khả Năng Tự Lực về Tài Chính


“Bài Học 182—Quản Lý Các Nguồn Lực Tài Chính Một Cách Khôn Ngoan: Cố Gắng Xây Dựng Khả Năng Tự Lực về Tài Chính”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Quản Lý Các Nguồn Lực Tài Chính Một Cách Khôn Ngoan”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 182: Xây Dựng Khả Năng Tự Lực

Quản Lý Các Nguồn Lực Tài Chính Một Cách Khôn Ngoan

Cố Gắng Xây Dựng Khả Năng Tự Lực Về Tài Chính

Hình Ảnh
một người đang đếm tiền lẻ được thối lại

Giới trẻ có nhiều cơ hội trong tương lai đi kèm với các trách nhiệm tài chính, chẳng hạn như đi phục vụ truyền giáo, đi học, hay xây dựng gia đình. Khi hướng về Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo các nguyên tắc tài chính khôn ngoan, họ mời phước lành của Thượng Đế lo liệu cho nhu cầu của họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:15). Bài này có thể giúp học viên hiểu được cách thực hành đức tin nơi Thượng Đế khi các em xây dựng khả năng tự lực về tài chính.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Nhìn về tương lai

Chia học viên thành cặp hoặc nhóm nhỏ, mời các em chia sẻ các mục tiêu quan trọng của mình trong 10 hoặc 15 năm tới. Ví dụ, các em có thể chia sẻ rằng các em dự định đi phục vụ truyền giáo hay không, các em muốn học tiếp ở trường nào, hay những ước muốn của các em về hôn nhân và gia đình. Sau khi học viên đã chia sẻ, có thể cho cả lớp thảo luận các câu hỏi sau:

  • Mục tiêu nào của các em đòi hỏi sự chuẩn bị tài chính?

  • Các em nghĩ thời điểm tốt nhất để bắt đầu lập kế hoạch tài chính cho tương lai của mình là khi nào? Tại sao?

    Anh chị em có thể muốn sẵn sàng để có thể chia sẻ ngắn gọn về các chi phí thường có cho công việc phục vụ truyền giáo, cho việc học, hoặc mức sống ở khu vực của mình. (Hãy nhớ rằng mục đích của bài này không phải là kể ra mọi chi phí mà để giúp học viên trung tín hướng về Chúa Giê Su Ky Tô và biết được một số nguyên tắc cơ bản về quản lý tài chính.)

    Hãy mời học viên trả lời những câu hỏi sau vào nhật ký học tập của các em:

  • Các em tin tưởng về tương lai tài chính của mình đến mức nào? Tại sao?

Trong bài này, hãy thành tâm tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng để hiểu các nguyên tắc có thể giúp các em quản lý tài chính của mình một cách khôn ngoan trong hiện tại và tương lai.

Những lời hứa từ Chúa

Vào năm 1834, Giáo Hội đang gặp khó khăn về mặt tài chính, một phần vì phải xây cất Đền Thờ Kirtland và thực hiện các nỗ lực ngay chính khác. Chúa đã ban cho họ lời khuyên dạy mà chúng ta cũng có thể áp dụng khi phải đối phó với các bổn phận tài chính để đạt được ước muốn ngay chính của mình.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 104:13–17, 78–79. Hãy nghĩ về việc những lời giảng dạy của Chúa có thể liên quan như thế nào đến khả năng tài chính của các em.

  • Các em đã học được điều gì để có thể áp dụng cho các nhu cầu tài chính của chúng ta?

  • Những từ hoặc cụm từ nào có thể giúp một người nào đó tin cậy nơi Chúa khi quản lý tài chính của mình?

    Học viên có thể chia sẻ những ý nghĩ khác nhau, kể cả lẽ thật sau đây: Chúa sẽ lo liệu cho nhu cầu của chúng ta nếu chúng ta trung tín tuân theo lời khuyên dạy của Ngài.

  • Tại sao lẽ thật này lại mang tính khích lệ khi các em cố gắng chuẩn bị tài chính cho tương lai của mình?

Nếu cần, hãy giúp học viên hiểu rằng Chúa không hứa sẽ giúp các em thoát khỏi những khó khăn tài chính hoặc những khó khăn khác. Tuy nhiên, Chúa biết điều chúng ta cần; và khi chúng ta trung tín, Ngài sẽ cung ứng cho chúng ta thể theo ý muốn và kỳ định của Ngài.

Các nguyên tắc tài chính của Chúa

Hãy giải thích rằng qua thánh thư và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội của Ngài, Chúa đã ban cho lời khuyên dạy để giúp chúng ta sử dụng các phước lành trên trần thế một cách khôn ngoan, kể cả các vấn đề tài chính. Để giúp học viên hiểu được lời khuyên dạy của Chúa, có thể mời các em chọn một trong các đoạn sau đây để tìm hiểu. Khi tìm hiểu xong, học viên có thể ghép nhóm với các học viên nghiên cứu các đoạn khác và chia sẻ điều các em đã học được.

Đọc các câu sau đây và nhận ra các nguyên tắc được Chúa dạy mà có thể giúp một thiếu niên chuẩn bị cho tương lai tài chính của mình.

Khi học viên đã chia sẻ với nhau xong, có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Những nguyên tắc trong các câu thánh thư này có thể giúp các em thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào khi chuẩn bị cho các nhu cầu tài chính của mình?

  • Em nghĩ tại sao việc đóng tiền thập phân lại là một phần quan trọng trong việc quản lý tài chính của chúng ta? (xin xem Ma La Chi 3:8–10).

  • Ngoài việc đóng tiền thập phân, có những cách nào để chúng ta có thể ưu tiên tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế thay vì tìm kiếm của cải?

  • Việc phát triển thói quen dành dụm tiền bạc khi còn trẻ có thể ban phước cho các em như thế nào trong suốt cuộc đời?

Các ưu tiên tài chính

Những hình ảnh sau đây tượng trưng cho các sự kiện hoặc quyết định liên quan đến tài chính. Việc cho phép học viên cân nhắc trình tự của các sự kiện hay quyết định này có thể giúp các em thấy rõ những ưu tiên khi đưa ra các quyết định tài chính. Có thể in ra các hình ảnh tượng trưng cho năm quyết định tài chính, cắt rời chúng ra, và gắn chúng lên trên bảng theo một thứ tự ngẫu nhiên. Mời học viên thảo luận về thứ tự mà các em nghĩ là hợp lý đối với năm quyết định tài chính này. Một lựa chọn khác là in và cắt ra đủ bộ hình ảnh để phát cho mỗi nhóm nhỏ học viên và cho các em sắp xếp thứ tự và thảo luận với nhau. Anh chị em có thể nên chỉ ra rằng mặc dù việc nhận thu nhập rồi mới chi tiêu dường như là chuyện hiển nhiên, nhưng trong thực tế, nhiều người vẫn vay mượn tiền để chi tiêu trước khi họ có thu nhập. Đây gọi là nợ nần, và chúng ta nên cố gắng tránh nó.

Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên ghi lên bảng các chi phí thông thường của các em trong hiện tại hoặc trong tương lai. Anh chị em có thể mời cả nhóm hoặc các nhóm học viên đưa ra thứ tự ưu tiên cho các khoản chi tiêu, từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất, bằng cách sử dụng các nguyên tắc mà các em vừa học được trong sinh hoạt thánh thư trước đó.

Hình Ảnh
hình ảnh về những khoản tài chính cá nhân để tự lực
  • Các em sẽ ưu tiên các sự kiện hoặc quyết định tài chính này như thế nào? Các em đã học được điều gì từ những lời giảng dạy của Chúa trong thánh thư để hỗ trợ cho câu trả lời của mình?

  • Những khó khăn nào có thể nảy sinh khi chúng ta đặt các ưu tiên tài chính của mình theo thứ tự này?

  • Các em có thể nói gì với một người cảm thấy nên ưu tiên cho các chi phí sinh hoạt hiện tại của mình hơn việc đóng tiền thập phân?

Có thể yêu cầu học viên chia sẻ cách Chúa ban phước cho các em hay các thành viên gia đình khi họ ưu tiên đóng tiền thập phân hơn các khoản chi tiêu khác. Một ví dụ khác, anh chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm của Anh Cả Valeri V. Cordón thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi trong bài nói chuyện của ông “Ngôn Ngữ của Phúc Âm” từ phút 6:10 đến 7:40, có trên ChurchofJesusChrist.org.

Có thể thảo luận về lời phát biểu dưới đây của Anh Cả Stanley G. Ellis.

Nếu cần, có thể dành thời gian giảng dạy cho học viên cách đóng tiền thập phân và các của lễ bằng một phiếu đóng tiền thập phân hoặc đóng trực tuyến tại donations.ChurchofJesusChrist.org.

Anh Cả Stanley G. Ellis của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã đặt ra câu hỏi sau đây về việc đóng tiền thập phân:

Hình Ảnh
Anh Cả Stanley G. Ellis

Chúng ta có đức tin để tin cậy những lời hứa của [Chúa] về tiền thập phân rằng 90 phần trăm thu nhập của chúng ta cộng với sự giúp đỡ của Chúa, thì có lợi hơn 100 phần trăm với sức lực riêng của mình không? (Stanley G. Ellis, “Chúng Ta Có Tin Cậy Ngài Không? Sự Khó Khăn là Điều Tốt”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 114)

Để cho học viên xem một ví dụ về những người sống theo các nguyên tắc trong bài học này, có thể chia sẻ “Sedrick’s Journey” (2:32) có trên ChurchofJesusChrist.org.

Anh chị em có thể giúp học viên hiểu rằng bài học này không nói đến những cách thức khác mà Chúa cung cấp để giúp đỡ cho tương lai tài chính của chúng ta. Ví dụ, Ngài có thể soi dẫn chúng ta theo những cách khác để kiếm tiền hoặc dành dụm tiền. Giới trẻ có thể nói chuyện với vị giám trợ hoặc các vị lãnh đạo của họ để được giúp đỡ tài chính cho công việc truyền giáo hoặc những cách thức phù hợp với khả năng chi trả của họ để theo đuổi học vấn cao hơn.

Kết Luận

Có thể mời học viên trả lời những câu hỏi sau vào nhật ký học tập hoặc thảo luận với nhau theo cặp:

  • Các em sẽ tóm tắt những điều đã học được về cách khôn ngoan để quản lý tài chính như thế nào?

  • Một điều mà các em cảm thấy Chúa muốn các em học được ngày hôm nay là gì?

Có thể mời một vài học viên chia sẻ câu trả lời của mình. Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về ước muốn của Chúa để lo liệu cho Các Thánh Hữu của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 104:15). Khuyến khích học viên tìm đến Thượng Đế và mời Ngài tham gia vào các quyết định tài chính trong đời sống của các em.

In