Lớp Giáo Lý
Bài Học 183—Sự Tự Lực Cho Phép Chúng Ta Chăm Sóc Người Khác Tốt Hơn: Chuẩn Bị để Phục Vụ giống như Đấng Cứu Rỗi


“Bài Học 183—Sự Tự Lực Cho Phép Chúng Ta Chăm Sóc Người Khác Tốt Hơn: Chuẩn Bị Để Phục Vụ giống như Đấng Cứu Rỗi,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Sự Tự Lực Cho Phép Chúng Ta Chăm Sóc Người Khác Tốt Hơn,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 183: Xây Dựng Khả Năng Tự Lực

Sự Tự Lực Cho Phép Chúng Ta Chăm Sóc Người Khác Tốt Hơn

Chuẩn Bị Để Phục Vụ giống như Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi đã dạy các môn đồ của Ngài phải “cứu giúp kẻ yếu … và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược” (Giáo Lý và Giao Ước 81:5). Chúng ta có thể tuân theo lời chỉ dẫn này tốt hơn khi bản thân chúng ta trở nên tự lực hơn. Bài học này có thể giúp học viên hiểu việc trở nên tự lực cho phép các em noi theo tấm gương giúp đỡ người khác của Đấng Cứu Rỗi tốt hơn như thế nào.

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi phục sự người bệnh

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Khả năng giúp đỡ người khác

Để giúp học viên hiểu rằng việc đạt được sự tự lực ảnh hưởng đến khả năng giúp đỡ người khác của chúng ta, hãy cân nhắc mời ba học viên mỗi người đọc một trong các tình huống sau đây. Ngừng lại sau khi mỗi tình huống đã được đọc lên và yêu cầu lớp học chia sẻ những yếu tố khác nhau mà có thể xác định xem Minh Thư, Nam, hoặc Vân có khả năng giúp đỡ là bao nhiêu. (Nếu muốn, anh chị em có thể tạo ra các tình huống thay thế phù hợp hơn với học viên của mình.)

  1. Người bạn của Minh Thư đang gặp khó khăn vì không hiểu bài tập toán và nhờ Minh Thư giúp đỡ.

  2. Là một người truyền giáo mới, Nam gặp một người có nhiều thắc mắc về Sự Phục Hồi Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.

  3. Vân biết được rằng một gia đình trong tiểu giáo khu của mình không có khả năng mua quần áo ấm cho con cái họ.

Hãy cân nhắc trưng ra hoặc cung cấp cho học viên một bản sao lời phát biểu sau đây từ Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời học viên xác định và thảo luận theo nhóm nhỏ ít nhất một cụm từ trong mỗi đoạn mà có thể áp dụng cho các tình huống ở trên. (Nếu cần, hãy giúp học viên hiểu rằng từ thế tục như được sử dụng trong lời phát biểu này có thể bao gồm nhiều lĩnh vực an sinh, chẳng hạn như tài chính, học vấn, tình cảm, và thể chất.)

Hình Ảnh
Anh Cả Robert D. Hales

Sự tự lực là chịu trách nhiệm cho sự an lạc về mặt thuộc linh lẫn thế tục và cho những người Cha Thiên Thượng đã giao phó cho các anh chị em. Chỉ khi nào trở nên tự lực thì chúng ta mới có thể noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc phục vụ và ban phước cho những người khác.

Là điều quan trọng để hiểu rằng tự lực là phương tiện để đạt được mục tiêu. Mục tiêu tột bậc của chúng ta là trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, và mục tiêu đó được gia tăng bởi sự phục vụ vị tha của chúng ta dành cho những người khác. Khả năng phục vụ của chúng ta được gia tăng hoặc giảm bớt bởi mức độ tự lực cánh sinh của chúng ta.

Như Chủ Tịch Marion G. Romney có lần đã nói: “Thức ăn cho người đói khát không thể đến từ những ngăn tủ trống. Tiền bạc để trợ giúp người nghèo túng không thể đến từ cái ví rỗng. Sự hỗ trợ và lòng cảm thông không thể đến từ việc thiếu thốn cảm xúc. Sự giảng dạy không thể đến từ người không tìm tòi học hỏi. Và quan trọng hơn hết, sự hướng dẫn thuộc linh không thể đến từ sự yếu kém về phần thuộc linh” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1982, trang 135; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1982, trang 93). (Robert D. Hales, “A Gospel Vision of Welfare: Faith in Action,” trong Basic Principles of Welfare and Self-Reliance [buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu, năm 2009], trang 1–2; xin xem thêm ChurchofJesusChrist.org)

  • Các em học được những lẽ thật gì từ Anh Cả Hales?

    Khi học viên trả lời câu hỏi trước, hãy chắc chắn rằng các em hiểu là khi phát triển khả năng tự lực, chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn và có thể giúp đỡ và phục vụ người khác tốt hơn.

    Anh chị em có thể giúp học viên thấy được sự liên quan cá nhân trong bài học bằng cách yêu cầu các em ghi lại những ý nghĩ và câu trả lời cho những câu hỏi như sau:

  • Các em đã có thể giúp đỡ người khác qua những khả năng hoặc nguồn lực mà Thượng Đế đã giúp các em phát triển như thế nào?

  • Cha Thiên Thượng bây giờ có thể yêu cầu các em nỗ lực để trở nên tự lực hơn trong những lĩnh vực nào để các em có thể chăm sóc tốt hơn cho bản thân mình và những người khác trong tương lai?

Trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn

Cân nhắc đưa ra các chỉ dẫn và câu hỏi sau đây. Mời học viên hoàn thành sinh hoạt và thảo luận câu hỏi sau đây với một người bạn.

Hãy đọc Lu Ca 2:40, 52 và đánh dấu các lĩnh vực tiến triển khác nhau mà Chúa Giê Su đã thực hiện trong thời niên thiếu của Ngài.

  • Khả năng phục vụ người khác của Đấng Cứu Rỗi có thể được ảnh hưởng như thế nào nhờ sự tăng trưởng và phát triển của Ngài trong thời niên thiếu?

    Sau khi các cặp học viên đã chia sẻ xong, hãy mời lớp học chia sẻ những cách mà một thiếu niên ngày nay có thể xây dựng sự tự lực trong mỗi lĩnh vực được đề cập đến trong Lu Ca 2:40, 52.

    Cân nhắc cho học viên thời gian để yên lặng suy ngẫm những câu hỏi như sau:

  • Các em có thể giúp đỡ ai trong tương lai nếu các em trở nên tự lực hơn trong một trong những lĩnh vực này? Các em có thể giúp đỡ bằng cách nào?

  • Làm thế nào việc hướng tới tự lực giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?

Các tấm gương về sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô qua khả năng tự lực cánh sinh

Chia sẻ tấm gương của những người trong lịch sử Giáo Hội đã có thể phục vụ Thượng Đế và những người khác. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách tổ chức lớp học thành các nhóm học tập và cung cấp cho mỗi nhóm một trong những ví dụ từ tài liệu phát tay “Các Tấm Gương Tự Lực từ Lịch Sử Giáo Hội”. Mời mỗi nhóm đọc các câu thánh thư được đề nghị và thảo luận câu hỏi ở cuối đoạn của mình.

Các Tấm Gương Tự Lực từ Lịch Sử Giáo Hội

Martin Harris: Vào năm 1827, Joseph Smith phải đối mặt với sự ngược đãi và nghèo khó khi cố gắng dịch Sách Mặc Môn từ bảng khắc bằng vàng. Martin Harris, một nông dân thành đạt, biết được hoàn cảnh của Joseph. Hãy đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:61–62, tìm kiếm cách Martin đã có thể giúp đỡ Joseph Smith. Đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:26, 34–35; 104:26 để xem những cách khác mà Martin Harris đã có thể phục vụ Chúa và ban phước cho những người khác. Martin đã phát triển khả năng tự lực về tài chính cần thiết để phục vụ Chúa và những người khác theo những cách thức đầy ý nghĩa. Các thanh thiếu niên có thể làm gì bây giờ để phát triển các kỹ năng, học vấn, và nguồn lực để giúp phục vụ Chúa và những người khác trong tương lai?

Emma Hale Smith: Khi gặp Joseph Smith, Emma Hale là một người đam mê đọc sách và viết lách, đồng thời là một giáo viên, và một nhà soạn nhạc tài giỏi. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 25:5–7, 11, tìm kiếm những trách nhiệm mà Chúa đã giao phó cho Emma. Emma đã phát triển các kỹ năng và học vấn để giúp bà phục vụ Chúa và những người khác theo những cách thức đầy ý nghĩa. Các thanh thiếu niên có thể làm gì bây giờ để phát triển các kỹ năng, học vấn, và nguồn lực để giúp phục vụ Chúa và những người khác trong tương lai?

William W. Phelps: Chúa chỉ thị cho William W. Phelps, một người mới cải đạo vào Giáo Hội, phải chuyển đến sống tại Missouri. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 55:457:11–13, tìm kiếm những chỉ định đặc biệt mà Chúa đã ban cho William để phục vụ trong Giáo Hội của Ngài. Sử dụng bảng mục lục “Authors and Composers” trong sách thánh ca để tìm kiếm các bài thánh ca do William W. Phelps viết mà tiếp tục ban phước cho Giáo Hội ngày nay. William đã phát triển các kỹ năng và học vấn đã giúp ông phục vụ Chúa và những người khác theo những cách thức có ý nghĩa. Các thanh thiếu niên có thể làm gì bây giờ để phát triển các kỹ năng, học vấn, và nguồn lực để giúp phục vụ Chúa và những người khác trong tương lai?

Cân nhắc mời mỗi nhóm chia sẻ với lớp về điều các em đã học được.

Anh chị em có thể giúp học viên nghĩ về các ví dụ hiện đại về những người đã phát triển khả năng tự lực và sau đó có thể phục vụ người khác theo cách giống như Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể cho xem video “Strengthen Thy Brethren” (3:50) hoặc “On the Lord’s Errand: The Life of Thomas S. Monson” từ phút 19:54 đến 24:18, cả hai đều có trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Cân nhắc việc chia sẻ cách anh chị em đã phục vụ người khác hoặc cách những người khác đã phục vụ anh chị em qua các kỹ năng, nguồn lực, và thuộc tính mà anh chị em hoặc những người khác đã phát triển trong suốt cuộc đời.

Để kết thúc bài học, anh chị em có thể muốn cho học viên thời gian để thành tâm suy ngẫm hoặc viết điều các em nghĩ mà Cha Thiên Thượng muốn các em làm với những gì các em đã học được và cảm nhận ngày hôm nay. Học viên tình nguyện có thể chia sẻ một số suy nghĩ với cả lớp.

In