Lớp Giáo Lý
Bài Học 181—Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để Xây Dựng Khả Năng Tự Lực: Vượt Qua Những Trở Ngại Nhờ Có Chúa


“Bài Học 181—Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để Xây Dựng Khả Năng Tự Lực: Vượt Qua Những Trở Ngại Nhờ Có Chúa”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để Xây Dựng Khả Năng Tự Lực”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 181: Xây Dựng Khả Năng Tự Lực

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để Xây Dựng Khả Năng Tự Lực

Vượt Qua Những Trở Ngại Nhờ Có Chúa

Ngoài việc ban phước cho chúng ta với sự tha thứ và chữa lành khỏi tội lỗi, Đấng Cứu Rỗi còn có thể ban phước cho chúng ta trong những tình huống như học hành, công việc, và các mối quan hệ. Khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mời Ngài giúp chúng ta trở nên tự lực hơn trong mọi khía cạnh của đời sống. Bài học này nhằm giúp các em thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và xây dựng khả năng tự lực.

Hình Ảnh
em giới trẻ đang cầm một bức hình Đấng Cứu Rỗi

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Dời núi

Có thể vẽ một ngọn núi lên bảng và mời học viên vẽ một ngọn núi tương tự trong nhật ký học tập, ở khoảng nửa trên của trang giấy. Yêu cầu học viên tưởng tượng rằng ngọn núi đó đang chắn giữa các em với việc xây dựng khả năng tự lực về mặt thuộc linh và thế tục. (Nếu học viên cần giúp đỡ để hiểu ý nghĩa của sự tự lực, hãy chia sẻ rằng khả năng đó bao gồm những việc như tự mình đạt được sức mạnh thuộc linh, đạt được học vấn, và kiếm đủ tiền để đáp ứng nhu cầu của bản thân.)

Yêu cầu học viên ghi vào bên trong ngọn núi một số trở ngại mà các em đang phải đối mặt khiến cho việc xây dựng khả năng tự lực trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống trở nên khó khăn. (Các ví dụ có thể là thiếu việc làm, cơ hội học vấn, sức khỏe, hoặc sự hỗ trợ cần thiết từ người thân.) Mời những học viên tình nguyện viết lên ngọn núi mà anh chị em đã vẽ trên bảng một số chướng ngại mà các em đang đối mặt.

  • Vì sao những trở ngại trong cuộc sống đôi khi có thể giống như những ngọn núi?

  • Con người thường phản ứng với những thử thách như vậy theo những cách khác nhau nào?

Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm xem các em lên kế hoạch ra sao để đối phó với những trở ngại trong việc trở nên tự lực. Trong suốt bài học, hãy mời học viên thành tâm tìm kiếm cách nhận được sức mạnh từ Đấng Cứu Rỗi để vượt qua những thử thách các em gặp phải.

Mời quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời khuyên bảo sau đây cho những người đang phải đối mặt với những thử thách khó khăn trong cuộc sống.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Anh chị em thân mến, tôi kêu gọi anh chị em … phải bắt đầu ngay hôm nay để gia tăng đức tin của mình. Qua đức tin của anh chị em, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng khả năng của anh chị em để dời núi trong cuộc đời của anh chị em, [cho] dù những thử thách cá nhân của anh chị em có thể to lớn như [Đỉnh] Everest. …

Núi của anh chị em sẽ khác nhau, nhưng sự đáp ứng cho mỗi thử thách của anh chị em là để gia tăng đức tin của anh chị em. (Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 102–103)

  • Anh chị em sẽ tóm tắt điều Chủ Tịch Nelson đang giảng dạy như thế nào?

    Học viên có thể đưa ra những phần tóm lược đầy những ý kiến sâu sắc khác nhau. Một lẽ thật quan trọng là khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài sẽ cho chúng ta thêm khả năng để vượt qua những thử thách.

  • Làm thế nào những lời giảng dạy của Chủ Tịch Nelson có thể được áp dụng cho các nỗ lực của chúng ta để trở nên tự lực trong cuộc sống?

Hãy tưởng tượng anh chị em có một người bạn cần một chút giúp đỡ để tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ thực sự giúp người ấy vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Hãy tìm một đoạn thông thạo giáo lý từ bất cứ quyển thánh thư nào để có thể giúp người bạn đó cảm nhận được ước muốn và quyền năng cứu giúp của Chúa Giê Su.

Các đoạn thông thạo giáo lý mà học viên có thể tìm được bao gồm:

  • Châm Ngôn 3:5–6: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va … thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”

  • Ma Thi Ơ 11: 28–30: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”

  • Gia Cơ 1:5–6: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời.”

  • 1 Nê Phi 3:7: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.”

  • 2 Nê Phi 28:30: Thượng Đế “sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một.”

  • Ê The 12:27: “Nếu loài người đến cùng ta … thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”

  • Giáo Lý và Giao Ước 6:36: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”

  • Các em đã chọn đoạn nào? Làm thế nào đoạn đó có thể giúp người bạn của các em hiểu được ước muốn và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp người đó?

  • Các em có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân nào để giúp người bạn ấy biết rằng Chúa Giê Su sẵn lòng và có thể giúp đỡ chúng ta?

Có thể mời học viên vẽ hai cột bên dưới ngọn núi trong trang nhật ký của các em. Ở đầu một cột, các em có thể viết “Phần của tôi trong việc xây dựng khả năng tự lực.” Ở đầu cột kia, các em có thể viết “Cách Đấng Cứu Rỗi có thể ban phước cho tôi.”

Anh chị em có thể trưng ra hoặc phát ra lời phát biểu sau đây. Mời học viên đọc đoạn đó, tìm xem các em có thể ghi những gì vào cả hai cột. Học viên có thể làm việc riêng cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.

Giám Trợ W. Christopher Waddell thuộc Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa đã giải thích cách mà những nỗ lực và đức tin của chúng ta nơi Chúa phối hợp cùng nhau.

Hình Ảnh
Anh Cả W. Christopher Waddell

Từ lúc khởi thủy, Chúa đã cung ứng sự hướng dẫn để giúp dân Ngài chuẩn bị, về phần thuộc linh và vật chất, để đối phó với những tai họa và thử thách mà Ngài biết sẽ xảy đến như là một phần của kinh nghiệm trần thế này. Những tai họa này có thể [mang tính cá nhân] hay [chung chung] trong thiên nhiên, nhưng [sự] hướng dẫn của Chúa sẽ mang đến sự bảo vệ và hỗ trợ [tùy theo mức độ] chúng ta chú tâm lắng nghe và làm theo lời khuyên bảo của Ngài. …

Chúa không kỳ vọng chúng ta phải làm nhiều hơn [những gì] chúng ta có thể làm, nhưng Ngài kỳ vọng chúng ta làm điều mà chúng ta có thể làm, khi chúng ta có thể làm điều đó. …

[Được] chuẩn bị và tự lực về mặt vật chất có nghĩa là “tin tưởng rằng nhờ ân điển, hoặc quyền năng làm cho có khả năng của Chúa Giê Su Ky Tô và nỗ lực của bản thân, chúng ta có thể đạt được tất cả các nhu cầu cần thiết về mặt thuộc linh và vật chất của cuộc sống mà chúng ta cần phải có cho bản thân và gia đình mình.” (W. Christopher Waddell, “Lại Có Bánh”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 42–43, 44)

Hãy chia học viên ra thành các nhóm hai hoặc ba người để hoàn tất sinh hoạt và cuộc thảo luận sau đây. Một số ví dụ học viên nhận ra có thể bao gồm ví dụ về việc Joseph Smith cần có câu trả lời để có thêm sức mạnh thuộc linh (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–20) và anh của Gia Rết cần phải lo liệu cho những nhu cầu thế tục của gia đình ông trên cuộc hành trình đến vùng đất hứa (xin xem Ê The 2:183:6).

Hãy nhận ra một câu chuyện từ thánh thư hoặc lịch sử Giáo Hội của một người nào đó đã sử dụng nỗ lực của chính họ lẫn đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để vượt qua những trở ngại đối với sự tiến triển của họ.

  • Họ đã gặp trở ngại nào?

  • Họ đã thực hiện những nỗ lực cá nhân nào để vượt qua trở ngại này?

  • Chúa đã giúp họ như thế nào nhờ đức tin của họ?

    Khi học viên kết thúc thảo luận nhóm, hãy mời một thành viên của mỗi nhóm viết lên bảng tên của nhân vật trong thánh thư hoặc lịch sử Giáo Hội mà các em đã nghĩ tới vào đỉnh của ngọn núi.

    Cả lớp hãy thảo luận câu hỏi sau đây.

  • Các em có thể áp dụng điều gì đã học được từ những nhân vật này cho các nỗ lực của bản thân để xây dựng khả năng tự lực với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi?

Việc này diễn ra như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

Hãy giúp học viên hiểu cách các em có thể thực hiện hành động thực tế trong khi tin cậy rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi sẽ ban phước cho các nỗ lực của mình. Anh chị em có thể mời học viên chọn một trong các tình huống sau và nghĩ về cách cá nhân đó có thể thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi nỗ lực trở nên tự lực nhiều hơn.

  1. Một thiếu niên muốn đi phục vụ công việc truyền giáo và đi học nhưng không có đủ tiền để thực hiện điều nào cả.

  2. Một thiếu nữ có vấn đề sức khỏe khiến bạn ấy không thể đảm nhận các công việc mà những người khác có thể làm được.

  3. Một thiếu niên đang đối phó với chứng lo âu trầm trọng. Các tình huống xã hội, kể cả trường học và công việc, đều rất khó khăn với bạn ấy.

  4. Một thiếu nữ muốn đạt được kết quả học tập tốt ở trường nhưng không có khả năng học tốt như các bạn cùng lớp. Do đó, bạn ấy lo mình sẽ không được nhận vào trường đại học theo nguyện vọng của mình.

Có thể đặt ra những câu hỏi như sau để giúp học viên thảo luận về các tình huống này:

  • Người này có thể thực hiện những hành động nào nhằm giải quyết vấn đề của bản thân theo cách để Chúa giúp đỡ?

  • Họ có thể làm gì để thực hiện đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Họ có thể hội ý với ai? Làm thế nào việc làm như vậy có thể mời gọi sự giúp đỡ của Chúa?

Nếu học viên cần giúp trả lời câu hỏi cuối, hãy gợi ý rằng những người trong tình huống như vậy có thể hội ý với cha mẹ, các vị lãnh đạo, và các chuyên gia. Ngoài ra, các em có thể hội ý với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện để biết cách phản ứng tốt nhất trong hoàn cảnh của mình.

Áp dụng vào cuộc sống của các em

Anh chị em có thể mời học viên suy ngẫm xem sự chọn lựa thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoàn cảnh hiện tại lẫn tương lai của các em. Sau đó, mời các em suy ngẫm và trả lời các câu hỏi sau vào nhật ký của mình:

  • Có lĩnh vực nào trong cuộc sống mà các em muốn trở nên tự lực hơn không?

  • Các em có thể làm gì để vượt qua những trở ngại mà các em có thể gặp phải?

  • Các em có thể hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào khi tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết?

In