Lớp Giáo Lý
Bài Học 196—Ngay Thẳng trong Việc Học của Chúng Ta: “Chúng Tôi Tin ở Sự Lương Thiện”


“Bài Học 196—Ngay Thẳng trong Việc Học của Chúng Ta: ‘Chúng Tôi Tin ở Sự Lương Thiện’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Ngay Thẳng trong Việc Học của Chúng Ta”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 196: Thành Công trong Việc Học

Ngay Thẳng trong Việc Học của Chúng Ta

“Chúng Tôi Tin ở Sự Lương Thiện”

Hình Ảnh
giới trẻ đang làmbài tập ở trường

Khi chúng ta cố gắng trở thành các môn đồ có khả năng và đáng tin cậy của Chúa Giê Su Ky Tô, điều quan trọng là chúng ta phải giữ tính trung thực và ngay thẳng trong tấm lòng của mình. Bài học này có thể giúp học viên thêm trung thực và ngay thẳng trong việc học của mình.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Chọn trung thực và ngay thẳng

Mời học viên chia sẻ những tình huống giả định hoặc có thật ở trường mà trong đó một người nào đó được thử thách về tính ngay thẳng. Hãy chia sẻ các ví dụ sau đây nếu cần.

  1. Các em có một kỳ thi quan trọng sắp đến. Một người bạn cùng lớp nhận thấy có một bản đáp án cho bài thi trên bàn của giáo viên và chụp ảnh nó bằng điện thoại của mình. Bạn ấy gửi cho các em và vài học viên khác ảnh chụp đó.

  2. Các em cần viết một bài tiểu luận cho một môn học nhưng chưa dành thời gian để làm. Một người bạn gợi ý rằng các em có thể dùng phần mềm trực tuyến để viết bài. Hoặc các em có thể sao chép từ nhiều bài viết khác nhau trên mạng internet và đưa vào một vài câu của riêng mình để làm cho nó trông giống như các em đã tự viết bài đó. Bạn của các em đề cập rằng bạn ấy đã làm những điều này trước đây và giảng viên chưa từng phát hiện ra.

    • Điều gì có thể khiến người nào đó nghĩ rằng những hành động này là một ý tưởng hay?

    • Điều gì có thể giúp các em biết phải làm gì trong những tình huống như vậy?

Hãy giải thích rằng bài học này sẽ tập trung vào tầm quan trọng của tính trung thực và ngay thẳng trong việc học của chúng ta. Mời học viên chia sẻ những điều các em biết về tính ngay thẳng. Lời phát biểu sau đây của Anh Cả Joseph B. Wirthlin có thể là một nguồn tài liệu hữu ích.

Anh Cả Joseph B. Wirthlin (1917–2008) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã định nghĩa tính ngay thẳng như sau:

Hình Ảnh
Anh Cả Joseph B. Wirthlin

Ngay thẳng có nghĩa là luôn luôn làm điều đúng và tốt, bất kể kết quả trước mắt. Nó có nghĩa là ngay chính từ tận bên trong con người mình, không chỉ trong hành động mà quan trọng hơn hết là trong ý nghĩ và tấm lòng của mình. Tính ngay thẳng của một cá nhân thường ngụ ý sự đáng tin cậy và liêm khiết, khi chúng ta không phản bội lại một tín nhiệm hoặc giao ước. …

Thế gian rất cần những người nam và người nữ liêm khiết. Hầu như mỗi ngày chúng ta đều nghe về gian lận, biển thủ, quảng cáo sai sự thật hoặc các việc làm khác nhằm trục lợi bằng cách gian lận hoặc lừa gạt. Chúa ghê tởm những việc làm như vậy. (Joseph B. Wirthlin, “Personal Integrity,” Ensign, tháng Năm năm 1990, trang 30, 32)

  • Các em nhận thấy mức độ cần thiết tính liêm chính ngay thẳng trong thế giới ngày nay như thế nào?

Đề nghị sau đây có thể giúp học viên đánh giá những suy nghĩ của riêng các em về tầm quan trọng của việc ngay thẳng trong học tập: Hãy mời các em tìm một trang giấy trắng trong nhật ký học tập và ghi tựa đề là “Tại sao việc ngay thẳng trong học tập lại quan trọng đối với tôi.” Yêu cầu học viên liệt kê tất cả các lý do mà ngay thẳng là quan trọng đối với các em. Khi các em hoàn thành, một vài học viên tình nguyện có thể chia sẻ một số lý do của các em trước lớp.

Khuyến khích học viên tiếp tục bổ sung ý kiến, lẽ thật và thánh thư vào bản liệt kê của các em trong suốt bài học.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta làm điều ngay thẳng

Giải thích rằng việc hiểu được đặc tính và những lời giảng dạy của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể thúc đẩy chúng ta làm điều ngay thẳng. Cân nhắc mời học viên thực hiện sinh hoạt nghiên cứu sau theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.

Hãy đọc những câu thánh thư sau đây, tìm kiếm những lời dạy có thể giúp chúng ta cảm thấy có mong muốn lớn hơn để làm điều ngay thẳng: 3 Nê Phi 27:18; Ê The 3:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 3:2; 51:9; 124:15, 20; Những Tín Điều 1:13.

  • Các em học được lẽ thật nào về tầm quan trọng của tính trung thực và ngay thẳng trong cuộc sống của chúng ta từ những câu này?

    Hãy mời học viên chia sẻ bất kỳ lẽ thật nào mà các em đã học được. Các em có thể nhận ra các lẽ thật tương tự như sau: Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trung thực tuyệt đối. Khi gìn giữ tính trung thực và ngay thẳng, chúng ta trở nên giống như hai Ngài hơn.

  • Điều gì có thể gây khó khăn để trung thực và ngay thẳng trong việc học của chúng ta?

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về ảnh hưởng của sự thanh liêm có thể có đối với sự phát triển thuộc linh của chúng ta:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Có một quyền năng thuộc linh rất lớn trong việc luôn luôn chân thật và lương thiện khi mà sự lương thiện của các em có thể đưa đến những kết quả dường như bất lợi. Mỗi người các em sẽ phải đối mặt với các quyết định như vậy. Những giây phút quyết định này sẽ kiểm tra tính ngay thẳng của các em. Khi các em chọn trung thực và ngay thẳng—cho dù tình huống có hay không có kết thúc theo cách các em hy vọng—thì các em cũng sẽ nhận ra rằng những giây phút lựa chọn quan trọng này sẽ trở thành nền tảng sức mạnh trong sự phát triển thuộc linh của các em. (Neil L. Andersen, “The Divine Standard of Honesty”, Ensign, tháng Tám năm 2017, trang 40)

  • Những lợi ích và phước lành của việc trung thực và ngay thẳng trong việc học tập và công việc là gì?

Mời học viên chia sẻ kinh nghiệm các em đã có khi nhìn thấy các phước lành của Chúa vì đã chứng minh được sự ngay thẳng trong việc học của các em. Anh chị em có thể cho xem video “Honesty: You Better Believe It!” (4:46), có sẵn tại ChurchofJesusChrist.org, để giúp học viên thấy được các tấm gương về tính ngay thẳng.

Áp dụng điều các em đã học được

Nhắc nhở học viên về nguồn gốc thiêng liêng của các em là con cái của cha mẹ thiên thượng nhân từ. Đây là một phần của con người các em, kể cả ở trường. Khi các em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và trung thực, ngay thẳng thì những thuộc tính này sẽ phân biệt các em với phần còn lại của thế gian.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Nguồn gốc quý báu của các em xứng đáng với sự chính trực, ngay thẳng quý báu của các em! Hãy bảo vệ sự chính trực của bản thân vì đó là một phần thưởng vô giá. (Russell M. Nelson, “Integrity of Heart” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 23 tháng Hai năm 1993], trang 7, speeches.byu.edu)

Để giúp học viên cân nhắc cách các em sẽ bảo vệ hoặc phát triển tính trung thực và ngay thẳng của mình, hãy yêu cầu các em trả lời một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập.

  • Hôm nay các em cảm thấy điều gì về sự ngay thẳng trong việc học khiến các em muốn ghi nhớ?

  • Các em đã học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà sẽ giúp ích cho các em khi bị cám dỗ làm những điều không trung thực?

  • Các em sẽ làm một hoặc hai hành động nào để phát triển tính trung thực và ngay thẳng của mình ở trường học?

Cân nhắc mời một vài học viên sẵn lòng để lên chia sẻ những câu trả lời của các em. Hãy làm chứng về các lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận, và khuyến khích học viên hành động theo kế hoạch của các em.

In