“Bài Học 197—Chuẩn Bị cho Các Bài Kiểm Tra và Các Đề Án Khó: ‘Nếu Các Ngươi Đã Chuẩn Bị Rồi thì Các Ngươi Sẽ Không Sợ Hãi’”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Chuẩn Bị cho Các Bài Kiểm Tra và Các Đề Án Khó”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Trong các nỗ lực trong học tập, chúng ta thường được giao để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn. Khi giới trẻ tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và làm phần vụ của họ để chuẩn bị và bền chí trong học tập, Đấng Cứu Rỗi có thể giúp họ có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ học tập. Bài học này có thể giúp học viên hiểu những cách để chuẩn bị hoàn thành tốt các bài thi và đề án đầy thử thách.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Gặp khó khăn với các bài kiểm thi hoặc đề án ở trường
Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách chia sẻ các tình huống sau đây. Thay vì chia sẻ hết tình huống, anh chị em có thể chia sẻ câu đầu tiên của mỗi tình huống, sau đó yêu cầu học viên đưa ra lý do tại sao Sang và Mai có thể cảm thấy như vậy.
Sang không thích làm bài kiểm tra ở trường vì bạn ấy thường khó mà làm tốt các bài kiểm tra đó. Bạn ấy thường cảm thấy lo lắng khi làm bài kiểm tra và dường như quên hầu hết những điều mình đã học.
Mai gặp khó khăn khi được giao những đề án hoặc bài luận lớn trong các môn học ở trường. Bạn ấy cảm thấy bị ngợp trước khối lượng công việc mình phải làm và có xu hướng trì hoãn nó cho đến một hoặc hai ngày trước khi đề án hoặc bài luận cần được nộp. Kết quả là bài làm mà bạn ấy nộp thường chưa hoàn chỉnh hoặc làm qua loa.
Hãy mời học viên suy ngẫm về những khi các em cảm thấy mình giống như Sang hoặc Mai. Giải thích rằng chẳng có gì lạ trong việc học sinh sinh viên rất khó để có được sự tự tin ở trường, đặc biệt là trong các kỳ thi và các đề án khó. Có thể hữu ích khi nhắc nhở các em rằng học tập là một quá trình suốt đời. Chúng ta đến thế gian để học hỏi và tiến bộ.
Khi học viên nghiên cứu, hãy mời các em chú ý đến các lẽ thật và ấn tượng thuộc linh mà có thể giúp các em thành công khi làm các bài kiểm tra hoặc đề án ở trường.
Giải thích rằng thánh thư không giảng dạy cụ thể về cách chuẩn bị cho các bài kiểm tra hoặc các đề án ở trường. Tuy nhiên, khi chúng ta áp dụng thánh thư cho bản thân (xin xem 1 Nê Phi 19:23 ), chúng ta có thể tìm thấy các lẽ thật mà có thể giúp chúng ta theo nhiều cách, kể cả khi phải đối mặt với những thử thách trong việc học.
Hãy cân nhắc chia lớp học ra thành nhiều nhóm nhỏ để hoàn thành sinh hoạt sau đây.
Hãy tra cứu thánh thư về những lẽ thật mà có thể giúp các em trong nỗ lực để hoàn thành tốt trong các kỳ thi và đề án ở trường. Các em có thể tự tìm các đoạn thánh thư hoặc có thể nghiên cứu một số hoặc tất cả các đoạn sau đây:
Các em đã tìm thấy những lẽ thật nào mà có thể giúp các em hoàn thành tốt các bài kiểm tra hoặc đề án ở trường?
Để giúp học viên giảng dạy cho nhau, hãy cân nhắc mời các em liệt kê lên bảng những lẽ thật mà các em đã tìm thấy.
Học viên sẽ có thể nhận ra nhiều lẽ thật từ các câu thánh thư mà các em đã nghiên cứu. Đây là một số ví dụ: Đức Thánh Linh có thể soi sáng tâm trí tôi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:15 ); nếu tôi đã có sự chuẩn bị, thì tôi không cần phải sợ hãi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:9, 30 ); nếu luôn luôn cầu nguyện, Thượng Đế sẽ thánh hóa việc làm của tôi cho sự an lạc của tâm hồn tôi (xin xem 2 Nê Phi 32:8–9 ); tôi có thể làm tất cả mọi điều nhờ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Phi Líp 4:13 ).
Cân nhắc mời nhiều học viên trả lời câu hỏi đầu tiên trong số các câu hỏi sau đây. Anh chị em có thể chỉ ra một số lẽ thật nào đó trên bảng và mời những học viên đã viết ra những lẽ thật đó, thầm suy nghĩ trả lời câu hỏi với lẽ thật đó.
Các em nghĩ những lẽ thật mà mình tìm thấy có thể giúp ích như thế nào khi làm các bài kiểm tra hoặc đề án ở trường?
Chúa có thể giúp các em trong việc làm bài tập ở trường bằng cách nào khi các em áp dụng những lẽ thật này vào việc học của mình?
Trong cuộc thảo luận của anh chị em về các câu hỏi trước, hãy cân nhắc việc yêu cầu một vài học viên chia sẻ ví dụ về cách các em đã nhận được sự giúp đỡ của Chúa khi làm bài tập ở trường. Mời các em chia sẻ xem những kinh nghiệm đó đã ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của các em dành cho Đấng Cứu Rỗi.
Phần bài học này nhằm giúp học viên nghĩ về những cách cụ thể mà các em có thể chuẩn bị để hoàn thành tốt các bài kiểm tra hoặc đề án khó. Để thực hiện điều này, anh chị em có thể trưng ra các hướng dẫn sau đây và cho học viên thời gian để đưa ra phản hồi theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.
Hãy tưởng tượng rằng các em có cơ hội đưa ra lời khuyên cho một ai đó như Sang hoặc Mai về cách để hoàn thành tốt các bài kiểm tra hoặc các đề án khó ở trường. Viết xuống lời những lời khuyên mà các em sẽ đưa ra. Bao gồm cả các cụm từ trong thánh thư mà các em nghĩ có thể hữu ích. Các câu hỏi sau đây có thể hướng dẫn cho các em để đưa ra lời phản hồi:
Điều gì có thể giúp các em ghi nhớ và vận dụng những điều các em đã học?
Làm thế nào các em có thể tránh bị xao lãng trong khi đang học?
Điều gì có thể giúp các em tránh trì hoãn?
Điều gì có thể giúp các em cải thiện khả năng để suy nghĩ một cách rõ ràng?
Các em có thể làm gì để mời Chúa tham gia vào sự chuẩn bị của mình?
Sau khi học viên đã có đủ thời gian để đưa ra những câu trả lời của mình, hãy mời các em chia sẻ những câu trả lời đó trước lớp. Anh chị em có thể viết lên bảng những hiểu biết sâu sắc đã được chia sẻ và khuyến khích học viên ghi lại vào nhật ký học tập lời khuyên mà các em chưa nghĩ đến. Anh chị em cũng có thể mời học viên chia sẻ các ví dụ về một số gợi ý này đã giúp các em như thế nào.
Nếu học viên cần giúp đỡ để nghĩ ra ý tưởng, thì hãy cân nhắc đưa ra một vài gợi ý, bao gồm một số gợi ý sau đây:
Ghi chép những điều các em đang học trong lớp và thường xuyên xem lại những điều đó. Giải thích những điều các em đang học cho bạn cùng lớp, người trong gia đình hoặc bạn bè.
Cất điện thoại của các em đi và chặn quyền truy cập của các em vào các trang mạng gây xao nhãng trong khi đang học.
Chia đều việc học của các em ra nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Lập một lịch trình và theo sát nó. Nếu các em không theo kịp, đừng đợi cho đến phút cuối mới bắt nhịp lại.
Hãy tìm một nơi yên tĩnh để học tập, và học vào những thời điểm trong ngày khi các em không quá mệt mỏi. Chăm sóc cơ thể của các em bằng cách có một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
Dành thời gian để trau dồi và chuẩn bị phần thuộc linh của các em qua việc học thánh thư. Cầu nguyện và thỉnh thoảng nhịn ăn để có được sự giúp đỡ và hướng dẫn.
Các ý tưởng khác để giúp cho các kỳ thi ở trường có thể được tìm thấy trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung”.
Suy nghĩ về những điều các em đã học được
Mời học viên suy ngẫm về những điều các em đã học và cảm nhận được trong bài học mà có thể giúp các em trong cuộc sống. Một cách để thực hiện điều này có thể là yêu cầu học viên trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký học tập.
Hãy cân nhắc việc nhắc nhở học viên rằng việc trở thành một người thành công trong việc học cần thời gian, sự chuẩn bị, lòng kiên nhẫn và sự rèn luyện. Khuyến khích các em tiếp tục trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi để được giúp đỡ và soi dẫn.
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Những bài thi định kỳ là hoàn toàn thiết yếu đối với việc học tập. Một bài thi hữu hiệu giúp chúng ta so sánh những gì chúng ta cần biết với những gì chúng ta thực sự biết về một đề tài cụ thể; nó cũng cung cấp một tiêu chuẩn mà chúng ta có thể dựa vào đó để đánh giá việc học hỏi và phát triển của mình. …
… Chúng ta nên noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong nỗ lực của mình để chuẩn bị cho những kinh nghiệm đầy thử thách trên trần thế, Ngài là Đấng ngày càng “sự khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” [Lu Ca 2:52 ]—một sự kết hợp cân bằng để được sẵn sàng về mặt trí tuệ, thể chất, thuộc linh, và xã hội. (David A. Bednar, “Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này ”, Liahona , tháng Mười Một năm 2020, trang 8, 9)
Chị Mary N. Cook, trước đây là Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:
Hãy tìm kiếm sự học hỏi bằng đức tin. Chúng ta học hỏi bằng đức tin khi chúng ta siêng năng đạt được sự hiểu biết thuộc linh qua việc cầu nguyện, học thánh thư, và vâng lời cũng như khi chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, là Đấng làm chứng về tất cả lẽ thật. Nếu các em làm phần vụ của mình để đạt được kiến thức, thì Đức Thánh Linh có thể soi sáng tâm trí các em. Khi các em cố gắng giữ cho mình được xứng đáng, thì Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn và làm gia tăng khả năng học hỏi của các em. (Mary N. Cook, “Hãy Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết: Các Em có Một Công Việc để Làm ”, Liahona , tháng Năm năm 2012, trang 121)
Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Như câu nói, “Các em phải có mặt để giành chiến thắng.” Nói cách khác, các em phải có mặt để học hỏi. Bằng cách gặp mặt trực tiếp hoặc trực tuyến, qua bài giảng hoặc cuộc thảo luận, trong các nhóm lớn hay nhỏ—dù áp dụng phương pháp học tập gì—dù nghe có vẻ như rất hiển nhiên thì chúng ta học cách để học theo phương thức nhóm lại để được giảng dạy. Nhưng chúng ta phải thực sự ở đó, chứ không hiện diện cho có. Hãy đến với tinh thần sẵn sàng để học, tương tác để gây dựng và cam kết để hành động. (Gerrit W. Gong, “We Seek After These Things ” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 16 tháng Mười năm 2018], speeches.byu.edu )
Nếu có thể có lợi cho học viên từ việc thảo luận về cách để cảm thấy tự tin hơn trong các kỹ năng làm bài kiểm tra của mình, hãy cân nhắc chia sẻ các ý tưởng dưới đây và mời học viên thảo luận về cách các em giải quyết các phần khó hoặc các câu hỏi khó trong một bài thi.
Sau đây là một số ý tưởng để giúp đỡ các em:
Sử dụng bàn tay hoặc một tờ giấy để che các câu trả lời có thể có bên dưới câu hỏi. Điều này sẽ giúp các em tập trung vào câu hỏi và không bị xao lãng bởi những câu trả lời sai.
Đọc các câu hỏi khó hiểu nhiều lần để đảm bảo các em hiểu chúng. Việc đọc lướt qua các câu hỏi quá nhanh có thể khiến các em mắc lỗi.
Hãy ngừng lại và suy nghĩ sau khi đọc từng phần của một câu hỏi dài. Việc hiểu những phần nhỏ hơn của một câu hỏi có thể giúp các em tìm ra câu trả lời.
Trả lời đầy đủ các câu hỏi trong phần tự luận. Đọc lại mỗi câu hỏi để chắc chắn rằng các em đã trả lời tất cả các phần của câu hỏi, và xem lại các câu trả lời mà mình đã viết ra.
(Succeed in School: Study and Life Skills for Youth [năm 2021], trang 60 )
Nếu có thể có lợi cho học viên khi thảo luận về cách quản lý thời gian trong các bài thi, hãy cân nhắc sinh hoạt này. Anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm một ý tưởng. Mời các em suy nghĩ về những cách các em có thể áp dụng ý tưởng này khi chuẩn bị cho bài thi kế tiếp.
Dưới đây là một số cách để quản lý thời gian của các em trong khi làm bài thi:
Luyện Tập
Nếu có thể, hãy làm bài thi thử trước. Việc luyện tập sẽ giúp các em cảm thấy thoải mái hơn với dạng đề của bài thi. …
Quyết Định Phần Nào Cần Hoàn Tất Trước
Khi bắt đầu bài thi của mình, các em hãy xem qua một lượt để xem liệu có những phần nào khó hơn và sẽ cần nhiều thời gian hơn không. …
Đọc Kỹ Từng Câu Hỏi
Việc đọc kỹ từng câu hỏi sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian vì các em sẽ tránh phải quay lại những câu hỏi mà các em không hiểu. …
Trả Lời Các Câu Hỏi Dễ Trước
Việc trả lời trước những câu hỏi dễ hơn có thể giúp các em xây dựng sự tự tin. Nếu các em đang gặp khó khăn với một câu hỏi cụ thể, hãy chuyển sang một câu hỏi khác. …
Kiểm Tra Lại Các Đáp Án của Các Em
… Sử dụng thời gian còn lại để xem lại bài thi và kiểm tra lại đáp án của các em.
(Succeed in School: Study and Life Skills for Youth [năm 2021], trang 63 )
Cân nhắc thảo luận những điều sau đây nếu có thể có lợi cho học viên từ cuộc thảo luận về cách để suy nghĩ tích cực và quản lý căng thẳng. Anh chị em có thể viết lên bảng Những Lo Lắng và Căng Thẳng . Mời học viên liệt kê những cách các em có thể suy nghĩ tích cực hơn và vượt qua căng thẳng trong các kỳ thi.
Sau đây là một số ý tưởng để giúp đỡ các em:
Một cách để quản lý những lo lắng là hình dung ra Chúa ở cùng các em và lặp lại những lời mà Ngài đã phán—ví dụ, “Hãy yên lòng; ấy là ta đây; đừng sợ” (Ma Thi Ơ 14:27 ). Các em cũng có thể lặp lại cho bản thân mình những câu nói tích cực như sau:
“Tôi đã chuẩn bị cho điều này.”
“Tôi có thể xử lý tình huống này.”
“Những cảm giác hồi hộp này là bình thường. Tôi mạnh mẽ và tôi có thể vượt qua chúng.”
“Tôi kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi có thể hít thở sâu để giúp bình tĩnh.”
Căng thẳng là những gì các em cảm thấy khi các em lo lắng hoặc sợ hãi về một điều gì đó. Các gợi ý sau đây có thể giúp các em:
Nghĩ lại về những kỳ vọng của mình.
Hãy bỏ qua những gì mà các em không thể kiểm soát được.
Tập trung vào những gì các em đang làm tốt.
Tránh so sánh bản thân với những người khác.
Tập thể dục.
Phục vụ những người khác.
Nghỉ ngơi.
Tập trung vào lòng biết ơn.
Chia các nhiệm vụ lớn hay khó khăn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn.
Hiện tại, hãy tiến một bước nhỏ về phía trước.
(phỏng theo Succeed in School: Study and Life Skills for Youth [năm 2021], trang 82 , 88 )