Phục Sự
Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Ý Nghĩa
Những nguyên tắc


Ministering

Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Tám năm 2018

Xây Đắp Các Mối Quan Hệ Ý Nghĩa

Khả năng chăm lo những người khác của chúng ta được gia tăng khi chúng ta có một mối quan hệ ý nghĩa với họ.

Lời mời phục sự người khác là một cơ hội để xây đắp các mối quan hệ thân thiết với họ—là mối quan hệ mà sẽ khiến họ thoải mái đề nghị hoặc chấp nhận sự giúp đỡ của chúng ta. Khi chúng ta đã nỗ lực để phát triển mối quan hệ đó, Thượng Đế có thể làm thay đổi cuộc sống của cả những người phục sự lẫn người được phục sự.

Sharon Eubank, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ nói: “Tôi thực sự tin rằng nếu như không có những mối quan hệ ý nghĩa thì sẽ chẳng có sự thay đổi đáng kể nào.” Và để cho các hành động phục vụ của chúng ta làm thay đổi cuộc sống của những người khác, chị ấy nói rằng họ phải “bám chặt với một ước muốn chân thành để chữa lành, lắng nghe, hợp tác và tôn trọng.”1

Các mối quan hệ ý nghĩa không phải là phương tiện cho những mục đích khác. Chúng được xây đắp dựa trên lòng trắc ẩn, các nỗ lực chân thành, và “tình yêu thương chân thật” (GLGƯ 121:41).2

Các Cách Thức để Xây Đắp và Củng Cố Các Mối Quan Hệ

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Chúng ta xây đắp [các mối quan hệ] với một người một lúc.”3 Khi chúng ta cố gắng xây đắp các mối quan hệ ý nghĩa với những người mà mình phục sự, Đức Thánh Linh có thể hướng dẫn chúng ta. Các gợi ý sau đây dựa trên một mẫu mực Anh Cả Uchtdorf đã đề nghị.4

  • Tìm hiểu về họ.

    Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) dạy rằng: “Ta không thể phục vụ tốt những người mà mình không biết rõ.” Chủ tịch đề nghị chúng ta biết tên của mỗi thành viên trong gia đình cùng các sự kiện quan trọng như là ngày sinh nhật, các phước lành, các lễ báp têm, và các lễ kết hôn. Điều này cung ứng cơ hội để viết một bức thư ngắn hoặc gọi một cuộc điện thoại để chúc mừng một thành viên gia đình nhân dịp có một thành tựu hoặc thành công đặc biệt.5

  • Dành thời giờ sinh hoạt chung với nhau.

    Một mối quan hệ đòi hỏi thời gian để phát triển. Hãy tìm kiếm cơ hội để giữ liên lạc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc để mọi người biết ta quan tâm là điều thiết yếu cho các mối quan hệ lành mạnh.6 Hãy thăm viếng thường xuyên những người mà anh chị em được kêu gọi phục vụ. Hãy nói chuyện với họ ở nhà thờ. Hãy sử dụng thêm bất cứ phương tiện nào mà phù hợp—như là email, Facebook, Instagram, Twitter, Skype, gọi điện thoại, hoặc gửi một tấm thiệp. Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về quyền năng của sự bày tỏ tình yêu thương cùng sự hỗ trợ một cách đơn giản và sáng tạo là: “Tôi thường mở thánh thư của mình ra, … rồi tôi thường bắt gặp một bức thư ngắn đầy âu yếm và hỗ trợ mà Jeanene [vợ tôi] đã kẹp vào giữa các trang giấy. … Những bức thư ngắn này … vẫn tiếp tục là một niềm an ủi và soi dẫn vô giá.”7

    Và, hãy nhớ rằng một mối quan hệ đòi hỏi ở cả hai phía. Anh chị em có thể trao tình yêu thương và tình bạn, nhưng mối quan hệ đó sẽ không tăng trưởng trừ khi sự trao đi đó được chấp nhận và đáp lại. Nếu người kia dường như không tiếp nhận, thì đừng thúc ép mối quan hệ đó. Hãy để cho người ấy thấy các nỗ lực chân thành của anh chị em, và nếu cần thiết, hãy thảo luận với các vị lãnh đạo của mình xem một mối quan hệ ý nghĩa có khả thi hay không.

  • Giao tiếp với sự quan tâm.

    Việc xây đắp các mối quan hệ ý nghĩa đòi hỏi chúng ta vượt ra khỏi sự xã giao. Xã giao là việc luôn nói các chủ đề thường ngày như là lịch trình, thời tiết, và các vấn đề nhỏ khác, mà không gồm có sự chia sẻ cảm nghĩ, niềm tin, mục tiêu, và các mối quan tâm cần thiết để có sự nối kết ý nghĩa hơn. Cha Thiên Thượng đã làm gương cho loại giao tiếp ý nghĩa hơn này bằng việc chia sẻ các cảm nghĩ và kế hoạch của Ngài với Con Trai của Ngài (xin xem Giăng 5:20) và với chúng ta qua các vị tiên tri của Ngài (xin xem A Mốt 3:7). Bằng việc chia sẻ các sự kiện và các thách thức của cuộc sống hàng ngày theo Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta gia tăng sự cảm thông lẫn nhau khi chúng ta tìm ra các mối quan tâm và kinh nghiệm chung.

    Việc lắng nghe, là một phần quan trọng của việc giao tiếp, cho thấy bạn quan tâm.8 Khi anh chị em chú ý lắng nghe, cơ hội để giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô được gia tăng khi anh chị em tăng thêm sự hiểu biết các nhu cầu của họ và khi họ cảm thấy được yêu quý, thấu hiểu, và an toàn.

  • Trân trọng những điểm khác biệt cũng như tương đồng.

    Anh Cả Uchtdorf đã nói: “Một số người tin rằng Giáo Hội muốn làm cho mọi tín hữu đều giống nhau như đúc—rằng mỗi tín hữu phải nhìn, cảm nhận, suy nghĩ, và cư xử giống như mọi tín hữu khác. Điều này sẽ mâu thuẫn với sự thông sáng của Thượng Đế, là Đấng đã tạo ra mỗi con người đều khác biệt với đồng bào của họ. …

    Giáo Hội phát triển mạnh khi chúng ta tận dụng lợi thế của tính đa dạng này và khuyến khích lẫn nhau để phát triển và sử dụng tài năng của mình nhằm nâng đỡ và củng cố những người cũng là môn đồ như chúng ta.”9

    Để yêu thương người khác như cách Thượng Đế yêu thương chúng ta, chúng ta được đòi hỏi phải cố gắng thấy những người khác như cách Thượng Đế thấy ở chúng ta. Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy: “Chúng ta cần phải phát huy khả năng để thấy [những người khác] không phải là con người hiện tại mà là con người họ có thể trở thành.”10 Chúng ta có thể cầu nguyện để có được sự giúp đỡ cho việc thấy người khác theo cách Thượng Đế thấy nơi họ. Khi chúng ta đối xử người khác dựa trên tiềm năng phát triển của họ, họ dường như sẽ vượt qua sự mong đợi của chúng ta.11

  • Hãy phục vụ họ.

    Hãy nhạy cảm với các nhu cầu của những người mà anh chị em phục sự và sẵn lòng cho đi thời gian và tài năng của mình, có thể là trong những lúc họ cần sự giúp đỡ hoặc chỉ bởi anh chị em quan tâm đến họ. Anh chị em có thể ở đó để mang đến sự an ủi, hỗ trợ, cùng sự giúp đỡ cần thiết khi có sự cố, ốm đau, hoặc tình huống cấp bách. Nhưng trong nhiều mối quan hệ chúng ta dường như chỉ phản ứng với những điều xảy đến. Thượng Đế cho chúng ta quyền tự quyết để chúng ta có thể hành động thay vì là những vật bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:14). Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng chúng ta yêu thương Thượng Đế bởi vì Ngài yêu thương chúng ta trước (xin xem 1 Giăng 4:19), khi những người khác cảm nhận được tình yêu thương chân thật thông qua các hành động phục vụ của chúng ta, điều đó có thể làm mềm tấm lòng họ cùng gia tăng tình yêu thương và sự tin cậy.12 Điều này tạo ra một sự gia tăng liên tục các hành động tốt lành mà có thể xây đắp các mối quan hệ.

Phục Sự giống như Đấng Cứu Rỗi

Chúa Giê Su Ky Tô đã xây đắp các mối quan hệ ý nghĩa với các môn đồ của Ngài (xin xem Giăng 11:5). Ngài biết họ (xin xem Giăng 1:47–48). Ngài dành thời gian với họ (xin xem Lu Ca 24-13–31). Sự giao tiếp của Ngài vượt ra khỏi sự xã giao (xin xem Giăng 15:15). Ngài trân trọng sự khác biệt của họ (xin xem Ma Thi Ơ 9:10) cùng thấy được tiềm năng của họ (xin xem Giăng 17:23). Ngài phục vụ tất cả mọi người, vì Ngài là Chúa của tất cả, phán rằng Ngài đến không phải để người ta hầu việc, song để hầu việc người ta (xin xem Mác 10:42-45).

Anh chị em sẽ làm gì để xây đắp các mối quan hệ vững mạnh hơn với những người mà mình được kêu gọi phục vụ?

Ghi Chú

  1. Sharon Eubank, trong “Humanitarian Acts Must Be Rooted in Relationship, Sharon Eubank Says,” mormonnewsroom.org.

  2. Xin xem “Các Phước Lành Vĩnh Cửu của Hôn Nhân,” Liahona, tháng Bảy năm 2018, trang 6–9.

  3. Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 22.

  4. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” trang 22.

  5. Ezra Taft Benson, “To the Home Teachers of the Church,” Ensign, tháng Năm năm 1987, trang 50.

  6. Xin xem Charles A. Wilkinson and Lauren H. Grill, “Expressing Affection: A Vocabulary of Loving Messages,” trong Making Connections: Readings in Relational Communication, biên soạn bởi Kathleen M. Galvin, tái bản lần 5 (2011), trang 164–73.

  7. Richard G. Scott, “Các Phước Lành Vĩnh Cửu của Hôn Nhân,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 96.

  8. Xin xem “Các Nguyên Tắc Phục Sự: Năm Điều Những Người Biết Lắng Nghe Sẽ Làm,” Liahona, tháng Sáu năm 2018, trang 6–9.

  9. Dieter F. Uchtdorf, “Bốn Danh Hiệu,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 59.

  10. Thomas S. Monson, “Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 69.

  11. Xin xem Terence R. Mitchell and Denise Daniels, “Motivation,” trong Handbook of Psychology, tập 12, biên soạn bởi Walter C. Borman và những người khác (2003), trang 229.

  12. Xin xem Edward J. Lawler, Rebecca Ford, và Michael D. Large, “Unilateral Initiatives as a Conflict Resolution Strategy,” Social Psychology Quarterly, tập 62, số 3 (Tháng Chín năm 1999), trang 240–56.