Phục Sự
Phục Sự qua Việc Phục Vụ trong Đền Thờ
Những nguyên tắc


Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Ba năm 2020

PHỤC SỰ QUA VIỆC PHỤC VỤ TRONG ĐỀN THỜ

Khi chúng ta giúp những người khác vui hưởng các phước lành của đền thờ, thì chúng ta đang phục sự.

ministering

Hình ảnh nền do Getty Images cung cấp; ảnh chụp Đền Thờ Tegucigalpa Honduras

Các Nguyên Tắc Phục Sự, Tháng Ba năm 2020

Tham dự đền thờ là việc rất đáng làm. Chủ tịch Russell M. Nelson dạy rằng “đền thờ rất quan trọng đối với sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta và của gia đình chúng ta. …

“… Mỗi người chúng ta cần sự củng cố và giảng dạy liên tục của Thánh Linh mà chỉ có thể có trong nhà của Chúa.”1

Việc tham dự đền thờ đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp thời gian, trách nhiệm, và nguồn lực của mình, cũng như được chuẩn bị về phần thuộc linh. Chúng ta phục sự khi chúng ta nhận thấy những trở ngại ngăn cản các anh chị em của mình tham dự đền thờ và giúp họ tìm ra giải pháp.

Đền Thờ Là một Phước Lành Mà Bất Cứ Ai Cũng Có Thể Vui Hưởng

Trong khi đang bước về phía cửa Đền Thờ Kona Hawaii, Meg, một người truyền giáo mới được giải nhiệm trở về, nhận thấy một cô gái trẻ đang ngồi một mình trên chiếc ghế dài ở ngoài. Meg cảm thấy chị nên nói chuyện với cô gái đó, nhưng không biết phải nói gì. Vậy nên chị ấy hỏi về ý nghĩa của hình xăm ở cổ chân của cô gái ấy. Điều đó đã dẫn đến một cuộc chuyện trò mà cho phép cô gái trẻ tuổi đó, tên Lani, chia sẻ câu chuyện của cô ấy.

Lani kể cho Meg nghe về những khó khăn của cô ấy để trở lại tham gia trọn vẹn trong Giáo Hội, về các tín hữu tử tế đã giúp đỡ cô ấy, và về hy vọng của cô ấy để một ngày nào đó được làm lễ gắn bó với đứa con gái bé bỏng của mình.

Meg mời Lani vào ngồi trong phòng đợi của đền thờ cùng với chị. Họ sẽ không thể vào sâu hơn bên trong đền thờ, nhưng họ có thể bước qua ngưỡng cửa đền thờ. Lani đồng ý, và họ đã cùng nhau bước qua cửa chính. Một người làm việc trong đền thờ chỉ cho họ thấy một cái ghế dài ở bên dưới bức tranh Đấng Cứu Rỗi.

Khi đang ngồi cùng nhau, Lani thì thầm: “Thật sự em đã rất muốn vào bên trong đền thờ ngày hôm nay, nhưng em cảm thấy lo sợ.” Vì Meg đã tuân theo Thánh Linh, nên chị ấy đã giúp đáp ứng lời cầu nguyện thầm kín của Lani.

Những Ý Kiến để Giúp Những Người không có Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

Ngay cả những người chưa có giấy giới thiệu đi đền thờ cũng có thể được ban phước bởi đền thờ.

  • Chia sẻ những cảm nghĩ của anh chị em về cách mà Chúa đã ban phước cho anh chị em qua công việc đền thờ.

  • Mời một người nào đó đến tham quan đền thờ trong thời gian mở cửa cho công chúng vào xem hoặc trung tâm dành cho khách đến tham quan. Tìm những buổi đền thờ mở cửa cho công chúng tham quan tại temples.ChurchofJesusChrist.org.

  • Xem ảnh và tìm hiểu thêm về đền thờ tại temples.ChurchofJesusChrist.org.

Tạo Điều Kiện Dễ Dàng Hơn cho Những Người Khác Tham Dự Đền Thờ

Ngay cả đối với các tín hữu có giấy giới thiệu đi đền thờ, thì việc tham dự đền thờ có thể là một thử thách. Một số người có thể cần phải đi rất xa. Một số người khác có thể có con nhỏ hoặc người thân trong gia đình già yếu cần phải chăm sóc. Chúng ta có thể cùng hợp tác để giúp cho mọi người đều có thể đến phục vụ trong đền thờ.

Leola Chandler cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải chăm sóc cho người chồng bị bệnh và bốn đứa con. Vì thế chị dành ra thời gian mỗi ngày thứ Ba để tham dự đền thờ gần nhà. Đền thờ đã trở thành một nguồn mang lại bình an và quyền năng trong cuộc sống của chị.

Một ngày nọ, chị nghe nói có một vài người phụ nữ lớn tuổi trong tiểu giáo khu của chị vô cùng mong muốn được đi đền thờ, nhưng họ không có phương tiện nào để đi đến đó. Leola đề nghị chở họ đi đền thờ. Trong 40 năm sau đó, chị hiếm khi đi đền thờ một mình.2

Leola đã được ban phước, và chị đã ban phước cho những người khác khi chị chở họ cùng đi đền thờ.

Những Ý Kiến để Giúp Những Người Khác Tham Dự Đền Thờ

Làm thế nào anh chị em có thể giúp người khác đi đến đền thờ thường xuyên hơn? Anh chị em có thể thấy những ý kiến này cũng có thể áp dụng cho mình.

  • Đi cùng nhau. Đề nghị chở hoặc sắp xếp phương tiện chuyên chở cho một người nào đó đến đền thờ. Điều này cũng có thể khuyến khích một người khác tham dự đền thờ.

  • Nhờ các thành viên trong gia đình hoặc tín hữu trong tiểu giáo khu giúp anh chị em thực hiện các giáo lễ cho tổ tiên của mình, đặc biệt là khi anh chị em có nhiều tên gia đình đã sẵn sàng cho các giáo lễ.

  • Đề nghị trông trẻ để cha mẹ chúng có thể tham dự đền thờ. Hoặc thu xếp thay phiên trông con cho nhau.

Khi Đền Thờ Ở Xa

Chandradas “Roshan” và Sheron Antony ở Colombo, Sri Lanka, quyết định để được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Bạn của họ là Ann và Anton Kumarasamy rất mừng cho họ. Nhưng họ biết rằng việc đi đến Đền Thờ Manila Philippines sẽ không dễ dàng cũng như không rẻ chút nào.

Roshan và Sheron đã dành dụm tiền và đặt mua vé máy bay của họ từ nhiều tháng trước để mua được vé vừa túi tiền của họ. Cuối cùng, ngày trọng đại cũng đến. Tuy nhiên, trong khi quá cảnh ở Malaysia, họ biết được rằng để tiếp tục đi đến Philippines, thì họ cần phải có thị thực hoặc phải bay với một hãng hàng không khác. Họ không thể xin được thị thực, và cũng không có đủ tiền để mua vé từ một hãng hàng không khác. Nhưng họ không thể chịu nổi ý nghĩ phải trở về nhà mà không được làm lễ gắn bó.

Không chắc phải làm gì khác, Roshan đã gọi cho Anton. Anton và Ann rất muốn giúp đỡ họ. Họ là một trong số ít cặp vợ chồng ở Sri Lanka đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ, và họ biết rằng đó là một phước lành lớn lao. Nhưng họ vừa mới gom góp tiền tiết kiệm để giúp một người thân trong gia đình đang gặp khó khăn, và họ không có đủ tiền để giúp Roshan and Sheron mua vé cho một chuyến bay mới.

Tục lệ ở Sri Lanka là chú rể phải mua cho cô dâu một dây chuyền bằng vàng để cô dâu có chút tiền nếu người chồng qua đời. Ann quyết định bán sợi dây chuyền của chị để giúp mua vé máy bay mới. Món quà rộng lượng của chị đã giúp cho Roshan và Sheron có thể đến Manila kịp giờ hẹn trong đền thờ của họ.

“Tôi biết giá trị của một lễ gắn bó trong đền thờ,” Ann nói. “Tôi biết Sheron và Roshan sẽ mang đến nhiều sức mạnh cho chi nhánh. Tôi đã không muốn họ bỏ lỡ cơ hội này.”3

Những Ý Kiến để Giúp Những Người Không Thể Tham Dự Đền Thờ

Anh chị em có thể được kêu gọi phục sự cho những người không thể đi đền thờ thường xuyên hoặc không thể đi được vì đường xá xa xôi hoặc phí tổn. Nhưng anh chị em vẫn có thể tìm ra nhiều cách để giúp họ trân quý các phước lành của đền thờ.

  • Cùng nhau giảng dạy hoặc tham dự một lớp học chuẩn bị vào đền thờ hoặc lớp học lịch sử gia đình.

  • Tặng họ một tấm ảnh đền thờ để treo trong nhà.

  • Nếu anh chị em đã đi đền thờ rồi, hãy chia sẻ cảm nghĩ của anh chị em về trải nghiệm của mình và chứng ngôn của anh chị em về các giáo lễ đền thờ.

  • Giúp họ tìm hiểu thêm về các giao ước họ đã lập và cách để tuân giữ chúng. Cân nhắc việc sử dụng “Understanding Our Covenants with God: An Overview of Our Most Important Promises,” trong tạp chí Liahona số tháng Bảy năm 2012.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 114.

  2. Xin xem LaRene Gaunt, “Finding Joy in Temple Service,” Ensign, tháng Mười năm 1994, trang 8.

  3. Ann và Anton đã có thể chuộc lại sợi dây chuyền của họ sau khi nhận được số tiền hoàn trả từ Quỹ Trợ Giúp Trung Ương cho Người Tham Dự Đền Thờ, mà hỗ trợ tài chính một lần cho các tín hữu Giáo Hội không đủ khả năng trả chi phí để tham dự đền thờ.