Phục Sự
Làm Thế Nào để Chia Sẻ Chứng Ngôn Một Cách Tự Nhiên Hơn
Những nguyên tắc


ministering

Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Ba năm 2019

Làm Thế Nào để Chia Sẻ Chứng Ngôn Một Cách Tự Nhiên Hơn

Phục sự là làm chứng. Sự linh động của việc phục sự có thể gia tăng cơ hội của chúng ta để chia sẻ chứng ngôn trong những cách thức trang trọng và thân mật.

Chúng ta đã giao ước phải “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A 18:9). Chia sẻ chứng ngôn của chúng ta là một phần của việc đứng lên làm nhân chứng và là một cách thức mạnh mẽ để mời Đức Thánh Linh làm cảm động tấm lòng của một người nào đó và thay đổi cuộc sống của họ.

Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Chứng ngôn—chứng ngôn thật sự, từ Thánh Linh sinh ra và được Đức Thánh Linh xác nhận—thay đổi các cuộc sống”.1

Nhưng đối với một số người trong chúng ta, việc chia sẻ chứng ngôn có thể rất đáng sợ hoặc không thoải mái. Đó có thể là vì chúng ta nghĩ đến việc chia sẻ chứng ngôn như là điều gì đó chúng ta làm trong buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn hoặc khi giảng dạy một bài học. Trong những bối cảnh trịnh trọng đó, chúng ta thường nói những từ và cụm từ dường như không thích hợp trong cuộc chuyện trò tự nhiên.

Việc chia sẻ chứng ngôn có thể trở thành một phước lành thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người khác khi chúng ta hiểu việc chia sẻ điều chúng ta tin có thể đơn giản đến thế nào trong những bối cảnh thường ngày. Sau đây là một vài ý kiến để giúp anh chị em bắt đầu.

Hãy Làm Chứng Đơn Giản

Một chứng ngôn không cần phải bắt đầu với cụm từ: “Tôi muốn chia sẻ chứng ngôn của tôi,” và cũng không cần phải kết thúc với câu “Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.” Chứng ngôn là một cách thể hiện điều chúng ta tin và biết là chân chính. Vì thế việc đứng ngoài đường hỏi thăm một người hàng xóm của anh chị em về một vấn đề mà người ấy đang gặp phải và nói là: “Tôi biết rằng Thượng Đế đáp ứng những lời cầu nguyện,” có thể mạnh mẽ như bất cứ chứng ngôn nào đã được chia sẻ tại bục giảng ở nhà thờ. Quyền năng đó không đến từ những từ ngữ văn hoa; nó đến từ việc Đức Thánh Linh xác nhận lẽ thật (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 100:7–8).

Xuôi Theo Cuộc Trò Chuyện Tự Nhiên

Nếu chúng ta sẵn lòng chia sẻ, thì có những cơ hội xung quanh chúng ta để chia sẻ chứng ngôn của mình trong những cuộc chuyện trò thường ngày. Ví dụ:

  • Một người nào đó hỏi anh chị em về những ngày cuối tuần của anh chị em. Anh chị em trả lời: “Rất tuyệt, Giáo Hội chính là điều tôi cần.”

  • Một người nào đó ngỏ lời chia buồn sau khi biết được về một khó khăn trong cuộc sống của anh chị em: “Tôi rất lấy làm buồn.” Anh chị em đáp lại: “Cảm ơn đã lo lắng cho tôi. Tôi biết rằng Thượng Đế sẽ giúp tôi vượt qua khó khăn này. Ngài đã luôn ở bên tôi.”

  • Một người nhận xét: “Tôi hy vọng thời tiết khắc nghiệt này sẽ sớm thay đổi,” hoặc “Xe buýt chắc chắn trễ rồi,” hoặc “Đường tắc khủng khiếp.” Anh chị em có thể đáp lại: “Tôi chắc rằng Thượng Đế sẽ giúp cho mọi việc được ổn thỏa.”

Chia Sẻ Kinh Nghiệm của Anh Chị Em

Chúng ta thường nói với nhau về những khó khăn của mình. Khi có người nào đó nói cho anh chị em biết về điều họ đang đương đầu, anh chị em có thể chia sẻ về lúc mà Thượng Đế đã giúp anh chị em trong những thử thách và làm chứng rằng anh chị em biết Ngài cũng có thể giúp họ. Chúa phán rằng Ngài củng cố chúng ta trong những thử thách của chúng ta “để các ngươi đứng lên làm chứng cho ta sau này, để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ” (Mô Si A 24:14). Chúng ta có thể đứng lên làm nhân chứng của Ngài khi chúng ta làm chứng về cách Ngài đã giúp chúng ta trong những thử thách.

Hãy Sẵn Sàng

Đối với một số người trong chúng ta, việc chia sẻ chứng ngôn một cách bất ngờ có thể rất đáng sợ. Có những cách thức chúng ta có thể hoạch định trước và “thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong [chúng ta]” (1 Phi E Rơ 3:15).

Thứ nhất, chuẩn bị sẵn sàng có thể có nghĩa là xem xét cách chúng ta sống. Chúng ta có mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình và củng cố chứng ngôn của riêng mình mỗi ngày qua việc sống ngay chính không? Chúng ta có cho Thánh Linh cơ hội để nói với chúng ta và đưa ra cho chúng ta những lời mà chúng ta cần qua việc cầu nguyện và học tập thánh thư không? Như Chúa đã khuyên bảo Hyrum Smith: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thu nhận lời của ta, và rồi lưỡi ngươi sẽ được thong thả” (Giáo Lý và Giao Ước 11:21).

Thứ hai, chuẩn bị có thể có nghĩa là hướng tới tương lai và cân nhắc những cơ hội anh chị em có thể có ngày hôm đó hoặc tuần đó để chia sẻ chứng ngôn của mình. Anh chị em có thể chuẩn bị cho những cơ hội này bằng cách nghĩ xem làm thế nào chúng có thể cho anh chị em cơ hội để chia sẻ những điều anh chị em tin tưởng.

Luôn Luôn Tập Trung vào Đấng Cứu Rỗi và Giáo Lý của Ngài

Chủ Tịch Ballard dạy: “Mặc dù chúng ta có thể có được chứng ngôn về nhiều điều với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội, có những lẽ thật cơ bản mà chúng ta cần liên tục giảng dạy cho nhau và chia sẻ.” Để đưa ra ví dụ, ông liệt kê: “Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta và Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Kế hoạch cứu rỗi đặt trọng tâm vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Joseph Smith đã phục hồi sự trọn vẹn của phúc âm vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô, và Sách Mặc Môn là bằng chứng hiển nhiên rằng chứng ngôn của chúng ta là đúng thật.” Khi chúng ta bày tỏ các lẽ thật chân thành này, chúng ta mời Thánh Linh làm chứng rằng những điều chúng ta nói là đúng thật. Chủ Tịch Ballard nhấn mạnh rằng “Thánh Linh không thể bị hạn chế khi chứng ngôn thuần khiết về Đấng Ky Tô được chia sẻ.”2

Tấm Gương của Đấng Cứu Rỗi

Mệt mỏi vì cuộc hành trình qua xứ Sa Ma Ri, Đấng Cứu Rỗi dừng chân nghỉ tại một cái giếng và gặp một phụ nữ ở đó. Ngài bắt đầu cuộc chuyện trò về việc lấy nước từ giếng lên. Bằng việc nói về công việc thường ngày mà người phụ nữ đó đang làm, Chúa Giê Su đã có để làm chứng về nước sự sống và cuộc sống vĩnh cửu có sẵn cho những người tin tưởng nơi Ngài (xin xem Giăng 4:13–15, 25–26).

Một Chứng Ngôn Đơn Giản Có Thể Thay Đổi Cuộc Sống

Chủ Tịch Russell M. Nelson kể về một cô y tá đã hỏi ông, khi đó là Bác Sĩ Nelson, một câu hỏi sau một ca phẫu thuật khó. “Tại sao bác sĩ không giống như các bác sĩ phẫu thuật khác?” Một số bác sĩ phẫu thuật cô ấy biết có thể đã rất nóng nảy và chửi thề khi họ thực hiện những ca phẫu thuật căng thẳng.

Bác sĩ Nelson đã có thể trả lời trong nhiều cách khác nhau. Nhưng ông chỉ đơn thuần đáp: “Vì tôi biết Sách Mặc Môn là chân chính.”

Câu trả lời của ông đã thúc giục cô y tá và chồng mình học Sách Mặc Môn. Về sau Chủ Tịch Nelson đã làm phép báp têm cho cô y tá đó. Sau nhiều thập niên, trong khi đang chủ tọa tại một đại hội giáo khu ở Tennessee, Hoa Kỳ, với tư cách là một Sứ Đồ mới được sắc phong, Chủ Tịch Nelson đã có một cuộc hội ngộ bất ngờ với chính cô y tá đó. Cô ấy kể lại rằng sự cải đạo của cô ấy, bắt nguồn từ chứng ngôn giản dị của ông và ảnh hưởng của Sách Mặc Môn, đã giúp mang đến sự cải đạo của 80 người khác.3

Lời Mời để Hành Động

Đừng ngại chia sẻ chứng ngôn của anh chị em. Nó có thể ban phước cho những người anh chị em phục sự. Anh chị em sẽ sử dụng những ý kiến này hoặc ý kiến của riêng mình như thế nào để chia sẻ chứng ngôn của mình hôm nay?

Ghi Chú

  1. M. Russell Ballard, “Pure Testimony,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, trang 40.

  2. M. Russell Ballard, “Pure Testimony,” trang 41.

  3. Trong Jason Swensen, “Be Ready to Explain Your Testimony Using the Book of Mormon, President Nelson Says,” mục Church News của trang LDS.org, ngày 6 tháng Hai năm 2018, news.lds.org.