Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Bảy năm 2018
Tìm Đến Giúp Đỡ với Lòng Trắc Ẩn
Khi noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi về lòng trắc ẩn, anh chị em sẽ nhận thấy rằng mình có thể tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của người khác.
Lòng trắc ẩn là có sự quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác cùng với một khao khát để an ủi hoặc xoa dịu nỗi đau đó. Một giao ước để noi theo Đấng Cứu Rỗi là một giao ước về lòng trắc ẩn để “mang gánh nặng lẫn cho nhau” (Mô Si A 18:8). Sự chỉ định phải trông nom người khác là một cơ hội để phục sự giống như Chúa sẽ làm: với “lòng thương, [mà tạo sự khác biệt]” (Giu Đe 1:22). Chúa đã truyền lệnh: “Khá lấy sự nhân từ, thương xót đối với anh em mình” (Xa Cha Ri 7:9).
Lòng Trắc Ẩn của Đấng Cứu Rỗi
Lòng trắc ẩn là một động cơ thúc đẩy trong công việc phục sự của Đấng Cứu Rỗi (xin xem thanh bên: “Đấng Cứu Rỗi Giàu Lòng Trắc Ẩn”). Lòng trắc ẩn của Ngài dành cho đồng loại khiến cho Ngài tìm đến những người xung quanh Ngài trong vô số dịp. Khi thấy rõ được nhu cầu và ước muốn của người ta, Ngài có thể ban phước và dạy bảo họ trong những cách thức quan trọng nhất đối với họ. Ước muốn của Đấng Cứu Rỗi để kéo chúng ta ra khỏi nỗi đau khổ đã dẫn đến hành động tột bậc của lòng trắc ẩn: Sự Chuộc Tội của Ngài cho những tội lỗi và đau đớn của nhân loại.
Khả năng của Ngài để đáp ứng cho nhu cầu của dân chúng là một điều gì đó mà chúng ta có thể nỗ lực đạt được khi phục vụ. Khi sống ngay chính và nghe theo những sự thúc giục của Thánh Linh, chúng ta sẽ được soi dẫn để tìm đến giúp đỡ trong các cách thức đầy ý nghĩa.
Giao Ước của Chúng Ta về Lòng Trắc Ẩn
Cha Thiên Thượng muốn con cái Ngài có lòng trắc ẩn (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:25–27). Để trở thành những môn đồ chân chính, chúng ta phải phát triển lòng trắc ẩn và cho người khác tình thương, đặc biệt với những ai túng thiếu (GLGƯ 52:40).
Khi mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô qua giao ước báp têm của chúng ta, chúng ta làm chứng rằng chúng ta sẵn lòng thực hành lòng trắc ẩn. Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy rằng ân tứ Đức Thánh Linh giúp chúng ta làm được điều đó: “[Anh] chị em là những tín hữu đã lập giao ước của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. …
“Đó là lý do tại sao [anh] chị em có một cảm giác muốn giúp đỡ một người đang vất vả tiến bước dưới một gánh nặng đau buồn và khó khăn. [Anh] chị em đã hứa là sẽ giúp Chúa làm cho gánh nặng của họ được nhẹ nhàng và an ủi. [Anh] chị em đã được ban cho quyền năng để giúp làm nhẹ các gánh nặng đó khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh.”1
Ví dụ, một chị phụ nữ ở Nga có hoàn cảnh gia đình khó khăn cản trở chị tham dự nhà thờ trong hơn một năm. Một chị phụ nữ khác trong chi nhánh đã tìm đến giúp đỡ với lòng trắc ẩn mỗi Chủ Nhật bằng cách gọi cho chị ấy để kể về các bài nói chuyện, bài học, sự kêu gọi truyền giáo, các em bé mới được sinh ra, và những tin tức khác của chi nhánh. Khi hoàn cảnh gia đình của chị phụ nữ bị buộc phải ở nhà được giải quyết, chị cảm thấy như mình vẫn còn là một phần của chi nhánh nhờ những cuộc điện thoại hằng tuần của người bạn chị.
© 2018 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. In tại Hoa Kỳ. Phê chuẩn bản tiếng Anh: 6/17. Phê chuẩn bản dịch: 6/17. Bản dịch Ministering Principles, July 2018. Vietnamese. 15050 435