Phục Sự
Tham Vấn về Các Nhu Cầu của Họ
Những nguyên tắc


ministering

Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Chín năm 2018

Tham Vấn về Các Nhu Cầu của Họ

Anh chị em không cần phải phục sự một mình. Việc tham vấn có thể cung cấp sự giúp đỡ anh chị em cần để giúp đỡ những người khác.

Thượng Đế đã mời gọi anh chị em phục sự một cá nhân hoặc gia đình trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của anh chị em theo như các nhu cầu của họ. Làm thế nào anh chị em có thể biết được các nhu cầu này là gì? Nguyên tắc về việc tham vấn, như đã được nhấn mạnh trong Giáo Hội, là thiết yếu.

Sau khi thảo luận về những điều chúng ta có thể xem xét để tham vấn, chúng ta sẽ thăm dò:

  1. Tham vấn với Cha Thiên Thượng.

  2. Tham vấn với cá nhân và gia đình được chỉ định.

  3. Tham vấn với người bạn đồng hành của chúng ta.

  4. Và tham vấn với những người khác được chỉ định cho cùng cá nhân và gia đình đó.

Việc tham vấn với những người lãnh đạo của chúng ta cũng là thiết yếu. Một bài viết về Các Nguyên Tắc Phục Sự trong tương lai trong tạp chí Liahona sẽ khám phá việc tham vấn với những người lãnh đạo cũng như vai trò của các cuộc phỏng vấn về việc phục sự trong tiến trình đó.

Những Điều Chúng Ta Tham Vấn

Việc hiểu các nhu cầu là thiết yếu để phục sự lẫn nhau. Nhưng những nhu cầu đó có thể về phương diện nào, và liệu có điều gì hơn cả nhu cầu mà chúng ta cần phải biết được?

Các nhu cầu có thể về nhiều phương diện. Những người chúng ta phục vụ có thể đối mặt với những thử thách về mặt cảm xúc, tài chính, thể chất, học vấn, và vân vân. Một số nhu cầu có ưu tiên cao hơn những nhu cầu khác. Một số chúng ta được chuẩn bị để giúp đỡ; một số khác có thể đòi hỏi chúng ta kêu gọi sự giúp đỡ cho chính bản thân mình. Trong những nỗ lực của chúng ta để đáp ứng các nhu cầu, hãy đừng quên rằng sự kêu gọi của chúng ta để phục sự bao gồm việc giúp đỡ những người khác tiến triển theo con đường giao ước, chuẩn bị và tiếp nhận các giáo lễ chức tư tế thiết yếu cho sự tôn cao.

Ngoài việc tham vấn về nhu cầu của các cá nhân hoặc gia đình, chúng ta nên cố gắng để biết về những điểm mạnh của họ. Họ không cần sự giúp đỡ với những điều gì? Họ có những khả năng hay ân tứ nào mà có thể ban phước cho người khác? Họ đặc biệt thích hợp để giúp xây đắp vương quốc của Thượng Đế như thế nào? Những điểm mạnh của một cá nhân có thể quan trọng để hiểu giống như các nhu cầu khác của người ấy.

Tham Vấn với Cha Thiên Thượng

Một trong những giáo lý quan trọng của tôn giáo chúng ta là Cha Thiên Thượng phán cùng với con cái Ngài (xin xem Những Tín Điều 1:9). Khi chúng ta nhận được một sự chỉ định mới để phục sự một ai đó, chúng ta nên tham vấn với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện, tìm kiếm sự sáng suốt và hiểu biết về các nhu cầu và điểm mạnh của họ. Tiến trình tham vấn đó qua lời cầu nguyện nên tiếp tục trong suốt sự chỉ định phục sự của chúng ta.

Tham Vấn với Các Cá Nhân và Gia Đình

Cách thức và khi nào chúng ta tiếp xúc với các cá nhân và gia đình mà chúng ta được kêu gọi để phục sự có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, nhưng việc tham vấn trực tiếp với cá nhân hoặc gia đình là thiết yếu để xây đắp các mối quan hệ và hiểu những nhu cầu của họ, kể cả cách thức họ muốn được giúp đỡ. Một số câu hỏi có thể cần phải chờ cho đến khi một mối quan hệ ý nghĩa đã được phát triển. Trong khi không có một cách thức đúng duy nhất nào để làm việc này, hãy cân nhắc những điều sau đây:

  • Tìm hiểu cách thức và khi nào họ muốn được liên lạc.

  • Tìm hiểu về sở thích và kinh nghiệm của họ.

  • Đến với những đề nghị về cách anh chị em có thể giúp đỡ, và hỏi những đề nghị của họ.

Khi chúng ta xây đắp sự tin cậy, hãy cân nhắc thảo luận về các nhu cầu của cá nhân hoặc gia đình. Hãy hỏi các câu hỏi như được Đức Thánh Linh thúc giục.1 Ví dụ:

  • Họ đang đối mặt với những thử thách gì?

  • Các mục tiêu của gia đình hoặc cá nhân họ là gì? Ví dụ, họ có muốn được hữu hiệu hơn trong việc tổ chức buổi họp tối gia đình thường xuyên hoặc tự lực hơn không?

  • Chúng ta có thể giúp đỡ họ với các mục tiêu và thử thách của họ như thế nào?

  • Các giáo lễ phúc âm nào sắp đến trong cuộc sống của họ? Chúng ta có thể làm gì để giúp họ chuẩn bị?

Hãy nhớ đề nghị những sự giúp đỡ cụ thể, như: “Chúng tôi có thể mang đồ ăn đến cho anh chị em vào buổi tối nào trong tuần này?” Một lời đề nghị mơ hồ, như: “Xin hãy cho chúng tôi biết nếu có điều gì chúng tôi có thể giúp,” sẽ không giúp ích gì.

Tham Vấn với Người Bạn Đồng Hành của Chúng Ta

Bởi vì anh chị em và người bạn đồng hành của mình có thể không phải lúc nào cũng ở cùng nhau khi tương tác với cá nhân hoặc gia đình, nên điều quan trọng là phải phối hợp và tham vấn với nhau khi anh chị em tìm kiếm sự soi dẫn với tư cách là một cặp bạn đồng hành. Sau đây là một số câu hỏi để cân nhắc:

  • Bằng cách nào và thường xuyên như thế nào anh chị em sẽ trao đổi với nhau với tư cách là một cặp bạn đồng hành?

  • Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng những điểm mạnh của nhau để phục sự cho các nhu cầu của gia đình và cá nhân?

  • Anh chị em đã học được những điều gì, có những kinh nghiệm gì, và nhận được những sự thúc giục nào từ lần cuối cùng anh chị em nói về cá nhân và gia đình?

Tham Vấn với Những Người Khác Được Chỉ Định

Thỉnh thoảng nói chuyện với những người khác được chỉ định để phục sự cùng cá nhân và gia đình anh chị em phục sự có thể là một điều tốt.

Trao Đổi để Giải Quyết Thử Thách

Anh Cả Chi Hong (Sam) Wong thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi áp dụng câu chuyện từ Mác 2 vào thời kỳ của chúng ta để minh họa làm thế nào việc tham vấn với nhau khiến bốn người có thể nghĩ ra cách cho phép một người bị bệnh bại liệt được ở trong sự hiện diện của Chúa Giê Su.

Anh Cả Wong nói: “Điều này có thể xảy ra như sau. Bốn người đang thi hành theo chỉ định của vị giám trợ để đi thăm nhà của một người đàn ông bị bệnh bại liệt. … Trong buổi họp hội đồng tiểu giáo khu gần đây nhất, sau khi cùng nhau hội ý về nhu cầu trong tiểu giáo khu, vị giám trợ đã đưa ra những chỉ định ‘giải cứu’. Bốn người này đã được chỉ định để giúp người đàn ông mắc bệnh bại liệt. …

“[Khi họ đến tòa nhà chỗ Chúa Giê Su,] căn phòng đã quá đông người. Họ không thể đi lọt qua cái cửa. Tôi chắc chắn rằng họ đã cố gắng để có thể nghĩ đủ cách, nhưng họ cũng không thể đi lọt qua. … Họ cùng nhau hội ý về điều phải làm tiếp theo—làm thế nào họ có thể mang người đàn ông ấy đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô để được chữa lành. … Họ đã đưa ra một kế hoạch—không phải là một kế hoạch dễ dàng, nhưng họ đã hành động theo kế hoạch đó.

“… ‘[Họ] dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống’ (Mác 2:4). …

“… ‘Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ, bèn phán cùng kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha” (Mác 2:5).”2

Lời Mời để Hành Động

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ thúc giục: “Bàn thảo với nhau, sử dụng tất cả những phương tiện có sẵn, tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, cầu vấn Chúa để xin Ngài xác nhận, rồi xắn tay áo lên và đi làm việc.

“Tôi hứa với [anh chị em] rằng: nếu [anh chị em] chịu tuân theo khuôn mẫu này, thì [anh chị em] sẽ nhận được sự hướng dẫn cụ thể về những chi tiết để lo liệu cho người nào, điều gì, khi nào,ở nơi đâu theo cách của Chúa.”3

Ghi Chú

  1. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (năm 2004), trang 211.

  2. Chi Hong (Sam) Wong, “Giải Cứu trong Tình Đoàn Kết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 14–15.

  3. Dieter F. Uchtdorf, “Lo Liệu theo Cách của Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 55.