Phục Sự
Câu Chuyện Giáng Sinh Dạy Chúng Ta Điều Gì về Việc Phục Sự
Những nguyên tắc


Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Mười Hai năm 2019

Câu Chuyện Giáng Sinh Dạy Chúng Ta Điều Gì về Việc Phục Sự

“Đây là mùa được yêu thích trong năm. Hát một giai điệu; Tuần lễ Giáng Sinh đang gần kề. Kể câu chuyện có thật về Chúa Giê Su giáng sinh, Ngài đã xuống trần gian khi là hài đồng” (“The Nativity Song,” Children’s Songbook, trang 52).

Các Nguyên Tắc Phục Sự, Tháng Mười Hai năm 2019

ministering

Chi tiết từ Behold the Lamb of God (Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời), tranh do Walter Rane vẽ

Tuần lễ Giáng Sinh là một thời gian tuyệt vời khi mà con chiên, người chăn chiên, máng cỏ, và các vì sao bỗng nhiên có một ý nghĩa mới mẻ. Chúng trở thành những yếu tố quan trọng trong việc kể lại một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhiều gia đình trưng bày cảnh Chúa giáng sinh trong nhà của họ. Những người khác ưu tiên việc đọc câu chuyện về sự giáng sinh của Ngài hoặc tham gia một buổi hoạt cảnh lịch sử ngoài trời. Giống như tất cả các câu chuyện về Đấng Ky Tô, câu chuyện về sự giáng sinh của Ngài đầy ắp những bài học mà chúng ta có thể học hỏi được về việc phục sự, về việc chia sẻ ánh sáng của Ngài để thắp sáng thế gian. Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói: “Câu chuyện Giáng Sinh là câu chuyện về tình yêu thương.

“… Trong những câu chuyện về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể cảm nhận được Ngài đã từng là ai và hiện là ai. Điều đó làm vơi nhẹ gánh nặng của chúng ta trong cuộc sống. Và điều đó sẽ đưa chúng ta đến việc quên mình và làm vơi nhẹ gánh nặng của những người khác.”1

“Nhà quán không có đủ chỗ ở” (Lu Ca 2:7)

Chủ quán trọ đã không dành chỗ cho Đấng Cứu Rỗi, nhưng chúng ta không cần phải phạm sai lầm như thế! Chúng ta có thể dành ra chỗ cho Đấng Cứu Rỗi trong lòng mình bằng cách dành ra chỗ cho các anh chị em của chúng ta tại bàn của mình, trong nhà của mình, và trong những truyền thống của mình. Nhiều truyền thống gia đình có thể trở nên tuyệt vời hơn và thậm chí đáng nhớ hơn bằng cách gồm vào những người khác. Daiana và gia đình của chị có một truyền thống là mời một người nào đó đến đón Giáng Sinh với họ. Vào tháng Mười Hai hàng năm, họ thảo luận và quyết định xem ai là người mà họ muốn mời đến.2 Có lẽ gia đình anh chị em có thể bắt đầu một truyền thống tương tự. Có lẽ một người nào đó anh chị em phục sự sẽ muốn cùng hát các bài hát Giáng Sinh yêu thích với gia đình anh chị em. Anh chị em cũng có thể dành ra chỗ trong bữa ăn tối Giáng Sinh cho một người nào đó không có gia đình sống trong khu vực.

Có cách nào tuyệt vời để tán dương Đấng Cứu Rỗi hơn là noi theo tấm gương của Ngài về việc gồm vào những người khác? Hãy nhớ rằng Ngài mời gọi “mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ. Ngài cũng không quên kẻ tà giáo; tất cả mọi người, người Do Thái lẫn người Dân Ngoại, đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33). Hãy dành ra chỗ và gồm vào những người khác.

“Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên” (Lu Ca 2:8)

Dường như rất hợp lý rằng những người chăn chiên là trong số những người đầu tiên chào đón hài đồng Đấng Cứu Rỗi. Các tiên tri thời xưa nhắc đến Chúa Giê Su Ky Tô là “Đấng Chăn Giữ Y Sơ Ra Ên” (Thi Thiên 80:1) và “Đấng Chăn Chiên trên khắp thế gian” (1 Nê Phi 13:41). Và Chính Đấng Ky Tô đã phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta” (Giăng 10:14). Việc biết rõ chiên của chúng ta và tiếp tục chăm lo cho chiên là một phần quan trọng trong công việc chăn chiên và phục sự giống như Đấng Cứu Rỗi.

Cùng với những ánh đèn lấp lánh và đồ trang trí lộng lẫy, có rất nhiều điều để chiêm ngưỡng trong tuần lễ Giáng Sinh. Nhưng có lẽ vẻ đẹp tuyệt vời nhất của mùa lễ có thể được tìm thấy khi chúng ta nhớ đến việc tập trung vào những người mình phục sự và tiếp tục chăm lo cho các anh chị em của chúng ta. Chúng ta có thể tiếp tục chăm lo bằng cách nhớ tới món ăn ưa thích của một người nào đó hoặc hỏi thăm về kế hoạch đón Giáng Sinh của một ai đó. Chúng ta tiếp tục chăm lo khi chúng ta nhận thấy và đáp ứng nhu cầu của những người khác—cả những nhu cầu dễ nhận thấy lẫn khó nhận thấy.

Khi chồng của Cheryl là Mick đột ngột qua đời, chị ấy vô cùng tuyệt vọng. Khi Giáng Sinh đầu tiên vắng chồng đang gần kề, chị ấy càng cảm thấy cô đơn hơn. May thay, người chị em phục sự của chị ấy là Shauna đã ở bên chị. Shauna cùng chồng chị là Jim, đã mời Cheryl đi dự nhiều cuộc vui đón mừng ngày lễ. Họ nhận thấy chiếc áo khoác sờn cũ của Cheryl và quyết định làm một điều gì đó. Một vài ngày trước lễ Giáng Sinh, Shauna và Jim mua tặng Cheryl một món quà Giáng Sinh: một cái áo khoác mới thật đẹp. Họ đã nhận biết nhu cầu về vật chất của Cheryl là một cái áo khoác ấm nhưng họ còn nhận biết nhu cầu tinh thần của chị ấy là được an ủi và có bạn bè. Họ đã cố gắng hết sức để làm một điều gì đó nhằm đáp ứng những nhu cầu này và nêu gương sáng về cách chúng ta cũng có thể tiếp tục chăm lo cho các anh chị em của chúng ta.3

“Bọn chăn nói với nhau rằng. Chúng ta hãy tới thành Bết Lê Hem” (Lu Ca 2:15)

“Chúng ta hãy tới” là một lời mời rất hăng hái! Những người chăn chiên đã không cho rằng các bạn của họ sẽ quá mỏi mệt để leo lên thành. Họ đã không lặng lẽ một mình lên thành Bết Lê Hem. Họ hân hoan quay sang nhau và nói: “Chúng ta hãy tới!”

Mặc dù chúng ta có thể không mời được những người bạn của mình đến xem hài đồng Đấng Cứu Rỗi, nhưng chúng ta có thể mời họ để cảm nhận tinh thần Giáng Sinh (hoặc tinh thần của Đấng Ky Tô) bằng cách phục vụ cùng với chúng ta. Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Trung Ương nói: “Cách thức để gia tăng tinh thần Giáng Sinh là giúp đỡ rộng rãi những người xung quanh chúng ta và hy sinh bản thân mình.”4 Hãy tưởng tượng anh chị em đang cầm một cây nến. Những người khác chắc hẳn có thể trông thấy và nhận được ánh sáng từ ngọn nến của anh chị em, nhưng hãy tưởng tượng hơi ấm mà họ có thể cảm thấy nếu anh chị em sử dụng cây nến của mình để thắp sáng cây nến của họ và cho phép họ tự mình cầm cây nến.

Chính Đấng Ky Tô đã dạy rằng những người noi theo Ngài sẽ có ánh sáng của sự sống (xin xem Giăng 8:12). Phục vụ giống như Ngài đã làm là một cách thức chúng ta có thể noi theo Ngài và vui hưởng ánh sáng đã được hứa đó. Vậy hãy chia sẻ ánh sáng đó bằng cách mời những người khác phục vụ cùng với anh chị em! Làm thế nào anh chị em và những người mình phục sự có thể phục vụ cùng với nhau? Cùng với nhau, anh chị em có thể nấu món ăn mình ưa thích hoặc làm cho ai đó ngạc nhiên với một món quà nhỏ hoặc một lá thư ngắn. Cùng với nhau, anh chị em đều có thể cảm thấy ánh sáng mà đến từ việc noi theo tấm gương phục vụ của Đấng Ky Tô.

“Họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó” (Lu Ca 2:17)

Thật là dễ dàng để tưởng tượng niềm vui phấn khởi của những người chăn chiên khi họ chia sẻ tin mừng về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô với càng nhiều người mà họ có thể chia sẻ. Như các thiên sứ loan báo, Đấng Mê Si đã được tiên tri đã đến đây rồi! Ngài đã ở đây! Thực ra, việc chia sẻ tin mừng về Đấng Cứu Rỗi là chủ đề chính của câu chuyện về Chúa Giáng Sinh. Các thiên sứ hát vang. Ngôi sao chỉ hướng đi. Và những người chăn chiên loan báo đến các vùng xa xôi.

Chúng ta có thể hòa cùng câu chuyện Giáng Sinh bằng cách chia sẻ tin mừng này và làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Chị Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ đã dạy: “Khi anh chị em có đặc ân để đại diện cho Đấng Cứu Rỗi trong những nỗ lực phục sự của mình, hãy tự hỏi: ‘Làm thế nào tôi có thể chia sẻ ánh sáng phúc âm với cá nhân hoặc gia đình này?’” “Thánh Linh đang soi dẫn tôi làm điều gì?”5

Đây là một vài gợi ý để anh chị em cân nhắc khi anh chị em cố gắng để biết cách mình có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài:

  • Tìm một đoạn thánh thư nói lên cảm xúc của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi hoặc bày tỏ lý do tại sao anh chị em biết ơn Ngài. Chia sẻ điều đó với những người mà anh chị em phục sự.

  • Gửi một tin nhắn văn bản hoặc một thông điệp kèm theo một video Giáng Sinh qua phương tiện truyền thông xã hội. Có một số video rất hay ở trên trang ChurchofJesusChrist.org!

  • Nói cho một người bạn biết về một kỷ niệm đặc biệt hoặc một truyền thống mà nhắc anh chị em nhớ tới Đấng Ky Tô.

Hãy tin rằng Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ trung thực của chứng ngôn của anh chị em, cũng giống như Ngài đã làm chứng với Si Mê Ôn và An Ne rằng hài đồng Giê Su là Đấng Cứu Rỗi (xin xem Lu Ca 2:26, 38).

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Để thực sự ca ngợi sự giáng sinh [của Chúa Giê Su Ky Tô], chúng ta cần phải làm giống như Ngài đã làm và tìm đến đồng loại của mình với lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Chúng ta có thể làm việc này mỗi ngày, bằng lời nói và hành động. Hãy để cho việc này trở thành truyền thống Giáng Sinh của chúng ta, cho dù chúng ta đang ở đâu—để trở nên tử tế hơn một chút, tha thứ nhiều hơn, ít xét đoán hơn, biết ơn nhiều hơn, và rộng rãi hơn trong việc chia sẻ những gì mình có nhiều với người túng thiếu.”6

Ghi Chú

  1. Henry B. Eyring, “Christmas Stories” (Buổi họp đặc biệt devotional Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 6 tháng Mười Hai năm 2009), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  2. Xin xem Daiana Melina Albornoz Díaz, “Sharing Christmas,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2007, trang 17.

  3. Xin xem Cheryl Boyle, “He Would Have Bought It for You,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2001, trang 57.

  4. Bonnie L. Oscarson, “Christmas Is Christlike Love” (Buổi họp đặc biệt devotional Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 7 tháng Mười Hai năm 2014), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  5. Jean B. Bingham, “Phục Sự giống như Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 104.

  6. Dieter F. Uchtdorf, “Scatter Your Crumbs” (Buổi họp đặc biệt devotional Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 3 tháng Mười Hai năm 2017), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.