Công Vụ Các Sứ Đồ 16
“Chúa Gọi Chúng Ta … Rao Truyền Tin Lành”
Trong lời chia tay của Ngài với Các Vị Sứ Đồ, Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho họ “dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ” (Ma Thi Ơ 28:19). Phao Lô và những người bạn đồng hành của ông đã đạt được sự tiến triển quan trọng trong việc thực hiện lệnh truyền này. Mục đích của bài học này là giúp em nhận ra sự giúp đỡ mà Đấng Cứu Rỗi mong muốn ban cho em khi em cố gắng chia sẻ phúc âm của Ngài với những người khác.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Chia sẻ phúc âm với những người khác
Em có thể nhớ rằng sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã quy tụ Các Vị Sứ Đồ của Ngài lại với nhau và ban cho họ lệnh truyền sau đây: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ” ( Ma Thi Ơ 28:19).
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ những suy nghĩ sau đây về lệnh truyền thuyết giảng phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Em có thể muốn xem video “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em” từ mã thời gian 2:46 đến 3:30 hoặc đọc lời phát biểu dưới đây.
Tôi thường suy ngẫm và cầu nguyện về sứ mệnh to lớn của Đấng Cứu Rỗi dành cho các môn đồ của Ngài … “vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ” [ Ma Thi Ơ 28:19 ].
Tôi đã vất vả với câu hỏi “Làm thế nào chúng ta, với tư cách là các tín hữu và môn đồ của Đấng Ky Tô, có thể làm tròn sứ mệnh to lớn đó trong cuộc sống hằng ngày của mình một cách tốt nhất?”
Hôm nay tôi mời anh chị em suy ngẫm cũng câu hỏi đó trong lòng và trong tâm trí của mình.
(Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 15–16)
Ngoài câu hỏi mà Anh Cả Uchtdorf mời em suy ngẫm, hãy nghĩ về câu trả lời của em cho những câu hỏi sau đây. Cân nhắc ghi lại câu trả lời của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.
-
Trên thang điểm từ 1–5, em có mong muốn chia sẻ phúc âm với người khác đến mức nào? Tại sao em lại trả lời như vậy?
-
Em đối mặt với những trở ngại nào trong việc chia sẻ phúc âm với những người khác?
Sứ Đồ Phao Lô là một người truyền giáo mạnh mẽ, người đã mang nhiều linh hồn đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô qua lời thuyết giảng của ông. Trong tuần này, em sẽ tìm hiểu về một số sự kiện đã xảy ra trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai và thứ ba của Phao Lô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 15:36–18:22 và Công Vụ Các Sứ Đồ 18:23–21:15).Bản đồ sau đây minh họa những chuyến đi của Phao Lô trong những cuộc hành trình này:
Trong bài học này, khi nghiên cứu một số kinh nghiệm của Phao Lô từ công việc truyền giáo lần thứ hai của ông, em sẽ thấy những ví dụ về lẽ thật sau đây: Chúa có thể dẫn dắt chúng ta đến những người mà Ngài đã chuẩn bị để tiếp nhận phúc âm của Ngài. Hãy chú ý đến những thúc giục của Thánh Linh mà có thể giúp em trong nỗ lực chia sẻ phúc âm với người khác.
Phao Lô và những người bạn đồng hành của ông thuyết giảng ở xứ Ma Xê Đoan
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6–15 , tìm kiếm những điều Phao Lô và những người bạn đồng hành của ông đã trải qua vào lúc bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông.
-
Em có thể học được điều gì về Cha Thiên Thượng từ câu chuyện này mà có thể giúp em trong nỗ lực tìm kiếm những người mà Chúa đã chuẩn bị để tiếp nhận phúc âm của Ngài?
-
Em đã thấy Chúa chuẩn bị cho những người khác tiếp nhận phúc âm của Ngài như thế nào? Ngài đã hoặc có thể chuẩn bị em như thế nào để tìm thấy những người đang tìm kiếm Ngài?
Phao Lô và Si La bị cầm tù và tiếp tục thuyết giảng
Sau khi Phao Lô và những người bạn đồng hành của ông giảng dạy và làm phép báp têm cho Ly Đi, Phao Lô xua đuổi ác linh ra khỏi một người đầy tớ nữ trẻ tuổi (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16–18). Sau đó, ông và người bạn đồng hành của ông là Si La bị đánh đập và bị bỏ tù (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 16:19–24). Bị bắt vào tù vì thuyết giảng phúc âm có thể dường như là một lý do dễ hiểu để từ bỏ việc thuyết giảng. Nhưng đối với Phao Lô và Si La, nó trở thành một cơ hội để giúp những người khác đến cùng Đấng Ky Tô.
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 16:25–36 để tìm hiểu cách Chúa biến việc Phao Lô và Si La bị bỏ tù thành cơ hội để họ thuyết giảng phúc âm.
-
Phao Lô và Si La đã thể hiện những thuộc tính nào giống như Đấng Ky Tô trong câu chuyện này?
-
Làm thế nào mà những thuộc tính này giúp họ chia sẻ phúc âm một cách hiệu quả hơn?
-
Em đã học được điều gì từ câu chuyện này mà có thể giúp em trong nỗ lực tìm kiếm những người mà Chúa đã chuẩn bị để tiếp nhận phúc âm của Ngài?
Áp dụng những điều em đã học được
Qua Đức Thánh Linh, hãy tìm kiếm sự soi dẫn từ Cha Thiên Thượng để xác định điều gì đó em có thể làm để chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác. Chọn một trong những lời mời sau đây mà em cảm thấy có lợi nhất cho mình:
-
Cầu nguyện mỗi ngày để Chúa dẫn dắt em đến với người mà Ngài đã chuẩn bị để tiếp nhận phúc âm.
-
Cân nhắc liệt kê tên của hai người bạn hoặc bạn cùng lớp ở trường, là những người có thể dễ tiếp nhận khi nghe phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, hãy cầu xin Cha Thiên Thượng giúp em biết cách mình có thể trở thành một công cụ trong tay Ngài để mang họ đến cùng Đấng Cứu Rỗi.
-
Với sự chấp thuận hợp thức từ cha mẹ và những vị lãnh đạo của em, hãy làm việc với một cặp người truyền giáo trong một vài giờ. Chia sẻ kinh nghiệm của em với lớp học sau đó.
-
Nghĩ về ý tưởng của riêng em về điều gì đó em có thể làm để chia sẻ phúc âm với những người khác.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm cách nào mạng xã hội có thể giúp tôi chia sẻ phúc âm?
Nếu mọi người từ chối lời mời tìm hiểu thêm của tôi vào lúc này thì sao?
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Thượng Đế không cần anh chị em “rao bán” phúc âm phục hồi hoặc Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài chỉ kỳ vọng rằng anh chị em không giấu điều đó dưới một cái đấu. Và nếu những người khác quyết định rằng Giáo Hội không phải dành cho họ thì đó là quyết định của họ. Điều đó không có nghĩa là anh chị em đã thất bại. Anh chị em tiếp tục đối xử tử tế với họ. Cũng không phải là anh chị em không mời họ một lần nữa. Sự khác biệt giữa các mối liên hệ xã hội thông thường và vai trò môn đồ đầy trắc ẩn và can đảm là—lời mời!
(Dieter F. Uchtdorf, “Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú của Anh Chị Em”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 88)
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Mặc dù với một ước muốn mạnh mẽ để chia sẻ phúc âm, nhưng [anh chị em] có thể lại ít hài lòng với sự thành công của những nỗ lực trong quá khứ của mình. Anh chị em có thể cảm thấy giống như một người bạn nói rằng: “Tôi đã nói chuyện với gia đình và bạn bè của chúng tôi về Giáo Hội, nhưng rất ít người quan tâm, và với mỗi lời từ chối, tôi đã trở nên ngần ngại. Tôi biết tôi nên làm nhiều hơn nữa, nhưng tôi đang bế tắc, và tôi chỉ cảm thấy là có tội rất nhiều.” …
Tôi đề nghị anh chị em nên ngừng cảm thấy có tội về sự thiếu sót mà anh chị em nghĩ là mình đã có trong việc chia sẻ phúc âm. Thay vì thế, hãy cầu nguyện, giống như An Ma đã dạy, để xin được ban cho các cơ hội để “đứng lên làm [nhân chứng] cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu … ngõ hầu [những người khác] có thể được Thượng Đế cứu chuộc và được tính chung với những người thuộc về lần phục sinh thứ nhất, [và] để có được cuộc sống vĩnh cửu” [Mô Si A 18:9]. Đây là động lực mạnh mẽ hơn [so với] cảm giác có tội.
(Neil L. Andersen, “Làm Nhân Chứng cho Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 36–37)
Tôi tìm kiếm những người để giảng dạy bằng cách nào?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:
Chúng ta cần phải cầu nguyện để có được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa để chúng ta có thể trở thành những công cụ trong tay của Ngài cho người nào đã sẵn sàng—một người mà Ngài sẽ truyền lệnh cho chúng ta giúp đỡ hôm nay. Sau đó, chúng ta phải lưu ý lắng nghe và lưu tâm đến sự thúc giục của Thánh Linh Ngài về cách thức chúng ta tiến hành.
Sự thúc giục này sẽ đến. Từ vô số lời chứng cá nhân, chúng ta biết rằng Chúa đang chuẩn bị cho mọi người chấp nhận phúc âm của Ngài theo cách của riêng Ngài và thời gian của riêng Ngài. Những người này đang tìm kiếm và khi chúng ta tìm cách nhận ra họ thì Chúa sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của họ qua việc đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài sẽ gợi mở và hướng dẫn những người mong muốn và những người chân thành tìm kiếm sự hướng dẫn về cách thức, địa điểm, thời gian và đối tượng để chia sẻ phúc âm của Ngài.
(Dallin H. Oaks, “Sharing the Gospel”, Ensign, tháng Mười Một năm 2001, trang 8)
Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung
Mời một vị khách đến nói chuyện với cả lớp
Hãy mời một vị khách chia sẻ trong nửa giờ sau của lớp học về những cách mà các tín hữu của Giáo Hội có thể thực hiện công việc truyền giáo. Hãy nhớ xin sự chấp thuận của điều phối viên lớp giáo lý và viện giáo lý tại địa phương cũng như vị lãnh đạo chức tư tế địa phương của người đó trước khi đưa ra lời mời.
Hãy cân nhắc yêu cầu vị khách mời này gồm vào các nguyên tắc của công việc truyền giáo mà được Phao Lô và những người bạn đồng hành của ông nêu gương trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16.