Công Vụ Các Sứ Đồ 17:1–14
Tra Cứu Thánh Thư
Em có bao giờ tự hỏi tại sao việc học thánh thư lại quan trọng như vậy không? Một số kinh nghiệm mà Phao Lô và những người bạn đồng hành có được trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông minh họa cho quyền năng lời của Thượng Đế có thể có trên chúng ta. Bài học này có thể giúp em cảm thấy mong muốn lớn hơn để có được những phước lành của việc học thánh thư hằng ngày.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Những hiểu biết sâu sắc từ việc nghiên cứu thánh thư của em
-
Em đã đạt được từ việc học thánh thư gần đây một số sự hiểu biết sâu sắc nào về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài?
-
Gần đây, em đã nghiên cứu một số câu thánh thư hoặc câu chuyện nào mà có ý nghĩa đối với em? Tại sao?
-
Nếu một người bạn hỏi em tại sao em cảm thấy việc thường xuyên học thánh thư là quan trọng, em sẽ trả lời như thế nào?
Ví dụ về giá trị của thánh thư
Một số kinh nghiệm mà Phao Lô có được trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai minh họa giá trị của việc học thánh thư. Hãy viết tiêu đề sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của em: Việc học thánh thư có thể ban phước cho cuộc sống của tôi như thế nào. Khi em học hôm nay, hãy tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc mà em có thể liệt kê dưới tiêu đề này.
Nếu có, hãy sử dụng Các Bản Đồ Kinh Thánh, số 13, “ Những Cuộc Hành Trình Truyền Giáo của Sứ Đồ Phao Lô ” để tìm Tê Sa Lô Ni Ca và những nơi khác mà Phao Lô đã đi trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai.
Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 17:1–4 và tìm kiếm những điều mà Phao Lô đã làm giữa những người Do Thái ở Tê Sa Lô Ni Ca.
-
Em nghĩ điều gì quan trọng trong nỗ lực của Phao Lô?
-
Câu chuyện này giúp em hiểu gì về giá trị của thánh thư?
Sứ điệp của Phao Lô cho người Do Thái ở Tê Sa Lô Ni Ca nhắc nhở chúng ta rằng thánh thư làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài (xin xem Giăng 5:39). Cân nhắc thêm lẽ thật này vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy những điều sau đây về mục đích của thánh thư. Em có thể muốn xem video “Phước Lành của Thánh Thư” từ mã thời gian 10:49–11:21 hoặc đọc lời phát biểu sau đây.
Cuối cùng, mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô—đức tin rằng hai Ngài hiện hữu, đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha về sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta, đức tin nơi Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho kế hoạch hạnh phúc này có thể thực hiện được, đức tin sẽ làm cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thành lối sống của chúng ta và đức tin để tiến đến việc “nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là [Đấng Cha] đã sai đến ( Giăng 17:3).”
(D. Todd Christofferson, “Phước Lành của Thánh Thư”, Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 34)
-
Em đã biết được những phước lành nào trong số những phước lành mà Anh Cả Christofferson đã đề cập qua việc học thánh thư của em?
-
Một số câu thánh thư đã làm gia tăng đức tin của em nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là gì? Những lẽ thật được dạy trong những câu này đã giúp em gia tăng đức tin của mình như thế nào?
Trong khi nhiều người nữ và người nam ở Tê Sa Lô Ni Ca tin tưởng và trở nên cải đạo nhờ những lời giảng dạy của Phao Lô, những người khác đã hợp thành một đám đông nhằm bắt giữ Phao Lô và Si La (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:4–5). Phao Lô và Si La đã có thể thoát khỏi đám đông và đến thành Bê Rê gần đó, nơi họ tiếp tục thuyết giảng.
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 17:10–12 , tìm kiếm xem Phao Lô và Si La được người dân Bê Rê đón nhận như thế nào. Cân nhắc đánh dấu các từ hoặc cụm từ mà em cảm thấy có ý nghĩa.
-
Việc học thánh thư hằng ngày đã giúp những người này như thế nào?
Một lẽ thật có thể được nhận ra từ câu chuyện này là: việc học thánh thư thường xuyên có thể chuẩn bị cho chúng ta nhận ra và tin vào lẽ thật. Cân nhắc thêm lẽ thật này vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Hãy suy ngẫm xem việc học thánh thư thường xuyên có thể giúp em như thế nào trong những trường hợp sau:
-
Một trong những giáo viên của em ở trường giải thích một khái niệm mâu thuẫn với niềm tin của em.
-
Một số bạn bè khuyến khích em tham gia vào các hành vi trái với tiêu chuẩn của em bằng cách nói: “Chỉ một lần thôi sẽ không gây hại gì đâu.”
-
Trong đại hội trung ương, một Vị Sứ Đồ dạy một điều gì đó đi ngược lại với xu hướng hiện tại của thế gian.
Các phước lành khác của việc học thánh thư
Những lẽ thật mà em đã nhận ra được từ Công Vụ Các Sứ Đồ 17 chỉ minh họa một số phước lành mà chúng ta có thể nhận được khi học thánh thư.
Hãy dành vài phút để nghiên cứu một số hoặc tất cả các đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm các phước lành khác mà chúng ta có thể nhận được từ Thượng Đế bằng cách nghiên cứu lời của Ngài và lời của các vị tiên tri của Ngài, như trong thánh thư. Hãy thêm những hiểu biết sâu sắc của em vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập.
-
Em nhận thấy điều gì là nổi bật từ bản liệt kê mà em đã lập ra?
-
Em muốn có được phước lành nào nhất trong bản liệt kê của mình ngay bây giờ? Tại sao?
-
Em có thể làm gì để việc học thánh thư trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng và có đáng quý hơn?
-
Em đã có được những phước lành nào khi thường xuyên học những lời của Thượng Đế trong thánh thư?
Lập ra một kế hoạch
Khi tham gia lớp giáo lý, em đã được mời lập một mục tiêu liên quan đến việc học thánh thư hằng ngày của mình. Hãy dành chút thời gian để đánh giá sự tiến triển của em liên quan đến mục tiêu này và thực hiện bất kỳ điều chỉnh cần thiết nào để giúp em thành công hơn khi em tiếp tục.
Sử dụng các câu hỏi sau đây để giúp học viên đánh giá sự tiến triển của các em:
-
Mục tiêu học thánh thư mà em đã tạo cho mình là gì?
-
Mục tiêu này giúp em có một trải nghiệm ý nghĩa hơn với việc học thánh thư cá nhân như thế nào?
-
Em cần phải đưa ra những điều chỉnh gì?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Những phước lành nào khác đến từ việc học thánh thư hằng ngày?
Nói về việc đọc Sách Mặc Môn hằng ngày, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hứa những điều sau đây:
Các anh chị em thân mến của tôi, tôi hứa rằng khi các anh chị em thành tâm học hỏi Sách Mặc Môn mỗi ngày, các anh chị em sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn—mỗi ngày. Tôi hứa rằng khi các anh chị em suy ngẫm những gì mình học hỏi, các cửa sổ trên trời sẽ mở ra, và các anh chị em sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình và nhận được sự chỉ dẫn cho cuộc sống của mình. Tôi hứa rằng khi các anh chị em đắm mình hằng ngày trong Sách Mặc Môn, các anh chị em có thể được miễn nhiễm khỏi những điều ác trong ngày, kể cả tai họa chực chờ từ hình ảnh sách báo khiêu dâm và các thói nghiện khác làm mụ đi trí óc.
(Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62–63)
Chủ Tịch Dallin H. Oaks so sánh thánh thư với U Rim và Thu Mim mà chúng ta có thể sử dụng để nhận được sự mặc khải từ Chúa:
Chúng ta không quá lời khi cho rằng thánh thư có thể là một viên đá U Rim và Thum Mim để giúp mỗi người chúng ta nhận được sự mặc khải cá nhân.
Vì tin rằng việc đọc thánh thư có thể giúp chúng ta nhận được sự mặc khải, nên chúng ta được khuyến khích để đọc đi đọc lại thánh thư. Bằng cách này, chúng ta có thể tiếp cận được điều Cha Thiên Thượng muốn chúng ta biết và làm trong cuộc sống cá nhân của mình ngày nay. Đó là lý do tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau tin vào việc học thánh thư hằng ngày.
(Dallin H. Oaks, “Scripture Reading and Revelation”, Ensign, tháng Một năm 1995, trang 8)