Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16–34
“Chúng Ta Là Dòng Dõi Đức Chúa Trời”
Trong khi chờ đợi những người truyền giáo đồng hành cùng mình đến A Thên, Sứ Đồ Phao Lô vô cùng lo ngại rằng người dân A Thên thờ hình tượng và không hiểu thiên tính thật sự của Thượng Đế. Để giúp người dân A Thên hiểu và đến gần Thượng Đế hơn, Phao Lô đã giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong các nhà hội và chợ. Sau đó, các triết gia đã mời Phao Lô giải thích “đạo mới này” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:19) tại một nơi gọi là Đồi Mars. Phao Lô đã dạy cho các triết gia thiên tính thật sự của Thượng Đế và làm chứng về mối quan hệ thiêng liêng của họ với Ngài. Bài học này có thể giúp em cảm thấy tầm quan trọng về nguồn gốc của em là con cái của Thượng Đế.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tôi Là con Đức Chúa Cha
Nghe bài thánh ca “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58) trên ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc trên trang ChurchofJesusChrist.org. Khi em nghe hoặc hát theo, hãy suy ngẫm về tầm quan trọng của sứ điệp từ bài thánh ca này.
-
Em thấy những từ hoặc cụm từ nào trong bài thánh ca này là quan trọng? Tại sao?
Anh Cả Donald L. Hallstrom thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mười mời chúng ta suy ngẫm về sứ điệp của bài “Tôi Là Con Đức Chúa Cha”:
Bài thánh ca được ưa thích này là một trong những bài thánh ca thường được hát nhất trong Giáo Hội này. Nhưng câu hỏi quan trọng là: “chúng ta có thực sự biết điều đó không?” Chúng ta có biết điều đó trong tâm trí và trong tâm hồn của mình không? Dòng dõi thiên thượng của chúng ta có phải là nguồn gốc đầu tiên và sâu sắc nhất của chúng ta không?
(Donald L. Hallstrom, “Tôi Là Con của Thượng Đế”, Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 26)
Những câu hỏi sau đây được dựa theo lời phát biểu của Anh Cả Hallstrom và có thể trả lời bằng câu trả lời “có” hoặc “không”. Khi em trả lời những câu hỏi này, hãy giải thích lý do cho mỗi câu trả lời của em.
-
Em có thực sự biết rằng mình là con của Thượng Đế không?
-
Em có biết điều đó trong tâm trí, tấm lòng và tâm hồn của mình không?
-
Em có thấy mình là con của Thượng Đế trước khi tự nhận mình là bất cứ ai khác không?
Trong bài học này, hãy suy ngẫm về các câu trả lời của em cho các câu hỏi trước đó và điều mà các câu trả lời của em cho thấy về những cảm nghĩ mà em dành cho Cha Thiên Thượng. Hãy tìm kiếm sự soi dẫn từ Cha Thiên Thượng của em, qua Đức Thánh Linh, để giúp em hiểu rõ hơn về nguồn gốc thiêng liêng của em với tư cách là con của Thượng Đế và cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc mà Ngài dành cho em.
Phao Lô thuyết giảng ở A Thên
Sứ Đồ Phao Lô thuyết giảng tại A Thên trong hành trình truyền giáo lần thứ hai của ông. Người dân ở A Thên có nhiều quan điểm, triết lý và niềm tin khác nhau. Phao Lô thấy rằng người dân “đều đầy những thần tượng” ( Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16), nghĩa là họ thờ những thứ khác ngoài Thượng Đế. Vì vậy, hằng ngày, Phao Lô thuyết giảng về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Sinh của Ngài. Sau đó, Phao Lô được đưa đến Đồi Mars, nơi ông được mời thuyết giảng trước một nhóm các nhà triết học (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:17–21).
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 17:22–23 , tìm kiếm cách mà Phao Lô đã giới thiệu sứ điệp của mình.
-
Dòng chữ khắc trên bàn thờ mà Phao Lô đề cập đến có thể gợi ý điều gì về niềm tin của người A Thên về Thượng Đế?
-
Dòng chữ khắc này được so sánh như thế nào với những điều thánh thư dạy về Thượng Đế?
Người A Thên thời xưa tin vào nhiều vị thần giả và xây dựng các bức tượng và đền thờ để tôn vinh họ. Bàn thờ đó được xây dựng để “thờ chúa không biết” ( Công Vụ Các Sứ Đồ 17:23) có thể là nỗ lực của người A Thên để xoa dịu một vị thần không thể biết được hoặc bất kỳ vị thần nào không rõ danh tính.
-
Em nhận thấy một số hiểu lầm phổ biến nào trên thế gian ngày nay về Thượng Đế và mối quan hệ của chúng ta với Ngài?
-
Nếu có cơ hội dạy một người chưa biết nhiều về Cha Thiên Thượng, thì em muốn họ biết gì về Ngài?
Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 17:24–31 và lập một bản liệt kê những lẽ thật được Sứ Đồ Phao Lô dạy về thiên tính thật sự của Thượng Đế và mối quan hệ của em với Ngài. Hãy cân nhắc đặt tên cho bản liệt kê của em là “Đấng Thượng Đế Chân Thật và Hằng Sống và Mối Quan Hệ của Tôi với Ngài.” Lưu ý rằng có Bản Dịch Joseph Smith cho câu 27 (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:27). Sau khi lập bản liệt kê của mình, hãy trả lời câu hỏi sau đây:
-
Lẽ thật nào từ bản liệt kê của em có ý nghĩa nhất đối với em, và tại sao?
Chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời
Một trong những lẽ thật mà em có thể đã nhận ra từ những lời dạy của Phao Lô là “chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời” ( câu 29).
-
Việc là một người con của Thượng Đế khác với việc chỉ là một trong các vật sáng tạo của Ngài như thế nào?
Chủ Tịch M.Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng về tầm quan trọng của lẽ thật rằng “chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời.”
Sự thật nền tảng về dòng dõi thiên thượng không chỉ là lẽ thật của tôi hay của anh chị em. Đó là lẽ thật vĩnh cửu. Đó là lẽ thật vô cùng quan trọng. Việc hiểu được lẽ thật này—thực sự hiểu nó và chấp nhận nó—làm thay đổi cuộc sống. Nó mang lại cho anh chị em một bản sắc cá nhân phi thường mà không ai có thể lấy đi khỏi anh chị em. Nhưng hơn thế nữa, nó sẽ mang lại cho anh chị em một cảm giác là mình vô cùng quý giá và ý thức được về giá trị vô hạn của mình. Cuối cùng, nó cung cấp cho anh chị em một mục đích thiêng liêng, cao cả và xứng đáng trong cuộc sống.
(M. Russell Ballard, “Children of Heavenly Father” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 3 tháng Ba năm 2020], trang 2, speeches.byu.edu)
-
Điều này có thể tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của em và trong những quyết định em đưa ra để biết rằng em thực sự là “dòng dõi Đức Chúa Thời”?
-
Em đã có những kinh nghiệm nào giúp em hiểu rõ hơn về nguồn gốc thiêng liêng của mình khi là con của Thượng Đế?
Để xem ví dụ về việc hiểu được thuộc tính thiêng liêng đã tác động như thế nào đến một người phụ nữ, hãy xem video “Tôi Có Phải Là Con của Thượng Đế Không?” (10:24), trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 3:24 đến 5:23.
-
Em đã học được điều gì hoặc cảm thấy gì hôm nay về nguồn gốc thiêng liêng của mình mà em muốn ghi nhớ?
-
Em cảm thấy có ấn tượng để thực hiện những hành động nào dựa trên những điều mình đã học được?
-
Em có thể làm gì để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà em vẫn còn băn khoăn về mối quan hệ của mình với Thượng Đế?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào Sách Mặc Môn có thể củng cố mối quan hệ của tôi với Thượng Đế?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói:
Khi một người con của Thượng Đế tìm cách để biết thêm về Ngài và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài thì sẽ có điều gì đó mạnh mẽ xảy ra. Không có nơi nào những lẽ thật đó được giảng dạy một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn trong Sách Mặc Môn.
(Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61)
Tại sao việc hiểu rõ nguồn gốc thật sự của tôi là con của Thượng Đế lại vô cùng quan trọng?
Anh Cả Brian K. Taylor thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy những điều sau đây:
Môi Se biết được di sản thiêng liêng của mình khi nói chuyện trực diện với Chúa. Tiếp theo kinh nghiệm đó, “Sa Tan đến cám dỗ” với ý định khéo léo nhưng xấu xa nhằm xuyên tạc nguồn gốc của Môi Se nữa, “nó nói rằng: Hỡi Môi Se, con của người, hãy thờ phượng ta. Và … Môi Se nhìn Sa Tan và nói rằng: Ngươi là ai? Vì này, ta là con trai của Thượng Đế” [Môi Se 1:12–13; sự nhấn mạnh được thêm vào].
Trận đại chiến này về nguồn gốc thiêng liêng diễn ra ác liệt trong khi Sa Tan liên tục gia tăng các thủ đoạn để hủy diệt niềm tin và sự hiểu biết về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế. May mắn thay, chúng ta đã được ban phước với sự hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc thật sự của mình ngay từ lúc ban đầu. …
Việc biết được Đức Chúa Cha thay đổi mọi điều, nhất là tâm hồn chúng ta, khi Thánh Linh dịu dàng của Ngài xác nhận nguồn gốc thật sự của chúng ta và giá trị lớn lao dưới mắt của Ngài. Thượng Đế bước đi với chúng ta trên con đường giao ước khi chúng ta tìm kiếm Ngài qua những lời cầu nguyện khẩn thiết, việc tra cứu thánh thư và những nỗ lực để vâng lời.
(Brian K. Taylor, “Tôi Có Phải Là Con của Thượng Đế Không?”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 12, 14)