Lớp Giáo Lý
Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10–31


Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10–31

“Ta Đã Chọn Người Nầy Làm Một Đồ Dùng Ta, Để Đem Danh Ta Đồn Ra”

Hình Ảnh
Christ commands Ananias to find Saul and give him sight so that he can preach of Christ.

Khi Chúa, trong một khải tượng, yêu cầu A Na Ni A tìm kiếm và ban phước cho Sau Lơ, lúc đầu, A Na Ni A do dự vì ông đã nghe nói “[Sau Lơ] đã làm hại biết bao” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:13). Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp A Na Ni A nhìn nhận Sau Lơ như cách Ngài nhìn nhận ông. Bài học này nhằm giúp em nhìn thấy tiềm năng mà Chúa thấy được ở những người khác bất kể những khuyết điểm và lỗi lầm trong quá khứ của họ.

Áp dụng các nguyên tắc và giáo lý trong lớp học. Khi học viên hành động bằng đức tin để áp dụng giáo lý và các nguyên tắc phúc âm, Đức Thánh Linh sẽ làm chứng cho các em về những lẽ thật đó (xin xem Giăng 7:17). Tìm kiếm cơ hội cho học viên áp dụng trong lớp học để Đức Thánh Linh có thể mang những lẽ thật hơn vào lòng các em một cách sâu sắc hơn.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về câu hỏi này: “Mối quan hệ của tôi với gia đình hoặc bạn bè có thể thay đổi như thế nào nếu tôi nhìn nhận họ theo cách của Đấng Cứu Rỗi?”

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Tù nhân và con báo

Một viên cai ngục người Mỹ, người đã cố gắng hết sức để giúp cải tạo những tù nhân của mình, đã từng nghe một người bảo rằng: “Ông nên biết rằng các con báo không thay đổi đốm đen trên da chúng!” (xin xem Thomas S. Monson, “Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành”, Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 69).

  • Em nghĩ người này muốn nói gì với nhận xét này?

  • Em đã bao giờ chứng kiến hoặc nhận được một thái độ tương tự chưa?

Người quản đốc nhà tù trả lời rằng: “Ông nên biết rằng tôi không làm việc với các con báo. Tôi làm việc với con người, và con người thì thay đổi mỗi ngày” (“Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành”, trang 69).

  • Tại sao điều quan trọng là phải tin rằng con người có thể thay đổi? Điều gì có thể khiến chúng ta khó để tin vào điều đó?

Trong bài học hôm nay, chúng ta sẽ so sánh cách con người nhìn nhận Sau Lơ với cách Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận ông. Sau Lơ đã hung hãn ngược đãi những người đàn ông và phụ nữ tin theo Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm những điều em có thể học được từ Đấng Cứu Rỗi về cách em nhìn nhận về bản thân và những người khác.

Chúa Giê Su đã đáp ứng lời cầu nguyện của Sau Lơ

Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến cùng Sau Lơ khi ông đang trên đường đến Thành Đa Mách để bắt giữ các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Sự việc này khiến Sau Lơ bị mù. Ông đã không ăn uống trong ba ngày và ông đã cầu nguyện lên Thượng Đế xin giúp đỡ (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1–9, 11).

Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10–12 , tìm kiếm cách Thượng Đế chọn để đáp ứng lời cầu nguyện của Sau Lơ.

  • Em đã nhận thấy điều gì trong những câu này mà dường như quan trọng đối với mình?

  • Em nghĩ tại sao Thượng Đế phái người đến giúp Sau Lơ thay vì chỉ đơn giản là chính Ngài xoá bỏ chứng mù của Sau Lơ?

Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:13–15 để tìm hiểu xem A Na Ni A và Chúa nhìn nhận Sau Lơ khác biệt như thế nào. (Điều quan trọng là nhận ra rằng những điều A Na Ni A đã nghe về Sau Lơ là chính xác [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:3 ; 9:1–2 ].)

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy vẽ một hình đơn giản tượng trưng cho Sau Lơ. Trên một mặt của bức vẽ, hãy viết một cụm từ tóm tắt cách A Na Ni A và những người khác vào thời của Sau Lơ có thể đã nhìn nhận ông. Ở mặt kia, hãy viết một cụm từ tóm tắt cách Chúa đã nhìn nhận ông.

A Na Ni A tin cậy quan điểm của Chúa về Sau Lơ. Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17–20 để xem điều gì xảy ra tiếp theo.

Hỏi học viên xem các em nghĩ Chúa đã giúp A Na Ni A nhìn thấy những gì. Học viên có thể nhận ra rằng Chúa đã mở mắt Sau Lơ nhưng cũng giúp A Na Ni A nhìn Sau Lơ theo cách mới và tích cực.

Cũng có thể mời học viên đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 26:16–18 để thấy rằng Chúa muốn phái Sau Lơ đến với những người khác để giúp họ mở mắt và dẫn họ đến với Đấng Cứu Rỗi.

Cân nhắc mời học viên chia sẻ hình vẽ của các em về Sau Lơ và so sánh các cụm từ của các em để mô tả ông.

  • Em nghĩ điều gì là quan trọng về cách Chúa Giê Su nhìn nhận Sau Lơ? Tại sao?

  • Chúng ta có thể học được nguyên tắc gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ câu chuyện này?

Học viên có thể nhận ra một số nguyên tắc, bao gồm cả việc Chúa nhìn nhận chúng ta như con người chúng ta có thể trở thành; Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta nhìn nhận người khác bằng một quan điểm vĩnh cửu;và Chúa có lòng thương xót và cho phép chúng ta thay đổi và noi theo Ngài. Cân nhắc viết các nguyên tắc mà học viên đề cập lên trên bảng, sau đó thảo luận tại sao những nguyên tắc đó có ý nghĩa đối với các em.

Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta nhìn nhận người khác theo cách của Ngài

Hãy dành một phút để suy ngẫm về cách em thường nhìn nhận những người mà em thường xuyên tiếp xúc. Xem qua danh sách những người bên dưới và sử dụng hai từ để mô tả cách em nhìn nhận từng người.

Cha hoặc mẹ

Một người anh chị em trong gia đình

Một giảng viên

Một người bạn

Bản thân mình

Các thánh thư và những lời khác của các vị tiên tri có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận mỗi cá nhân. Hãy đọc 1 Sa Mu Ên 16:7 , Giáo Lý và Giao Ước 18:10–13 và lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Hình Ảnh
Official Portrait of Elder Jeffrey R. Holland. Photographed January 2018.

Đức Chúa Cha nhân từ phán cùng mỗi người chúng ta: “Hãy đến, với con người thật của con,” nhưng Ngài phán tiếp: “Đừng dự định là sẽ không thay đổi con người của con.” Chúng ta mỉm cười và nhớ rằng Thượng Đế quyết tâm làm cho chúng ta trở thành con người tốt hơn là chúng ta tưởng.

(Jeffrey R. Holland, “Những Ca Khúc Được Hát Lên và Những Ca Khúc Không Hát Thành Lời”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 51)

Dựa trên những điều em đã học được, hãy quay trở lại danh sách trên và bây giờ sử dụng hai từ để mô tả mỗi người như cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể nhìn nhận họ.

  • Em có thể làm gì để nhìn nhận mọi người giống như cách Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhìn nhận họ hơn?

  • Tại sao lại có thể khó để luôn luôn nhìn nhận những người khác theo cách mà Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận họ?

  • Tại sao việc cố gắng nhìn nhận người khác theo cách này lại đáng bõ công?

Ngay cả khi một người đã thay đổi bằng cách chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, đôi khi khó mà tin rằng họ thực sự đã thay đổi. Một số người cảm thấy khó tin khi chính Sau Lơ, từ việc ngược đãi những người Ky Tô Hữu, lại tự trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 9:20–22, 26–27 , tìm kiếm phản ứng của mọi người đối với Sau Lơ bấy giờ khi ông đang thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em đã nhận thấy điều gì về phản ứng của mọi người?

  • Em có thể học được điều gì từ Ba Na Ba trong ví dụ này?

Hãy ghi lại những điều em muốn làm hoặc ghi nhớ qua việc học của mình ngày hôm nay. Điều này có thể bao gồm những điều em sẽ làm để nhìn nhận những người khác tốt hơn, giống như cách Chúa nhìn nhận họ.

Hãy làm chứng về quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để giúp chúng ta và những người khác thay đổi. Mời học viên nhìn nhận bản thân và những người khác theo cách mà Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận chúng ta.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15–17 . Làm thế nào mà việc nhìn nhận chúng ta và những người khác theo cách mà Cha Thiên Thượng nhìn nhận chúng ta có thể làm gia tăng sự khiêm nhường của chúng ta?

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ câu chuyện sau đây để giúp trả lời câu hỏi này:

Hình Ảnh
Official portrait of Elder Dale G. Renlund of the Quorum of the Twelve Apostles, January 2016.

Cách đây vài năm, một thiếu niên tuyệt vời tên là Curtis được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Anh ta là kiểu người truyền giáo mà mỗi chủ tịch phái bộ truyền giáo đều cầu xin có được. Anh rất tập trung vào công việc và siêng năng. [Có lần], anh ta được chỉ định cho một người bạn đồng hành truyền giáo chưa chín chắn, giao tiếp vụng về, và đặc biệt là không nhiệt tình hoàn thành công việc.

Một hôm, trong khi đang đi xe đạp, Curtis quay lại và nhìn thấy người bạn đồng hành của mình không hiểu sao đã xuống khỏi xe đạp và đi bộ. Curtis lặng lẽ bày tỏ nỗi thất vọng của mình lên Thượng Đế; thật là khó khăn biết bao khi được chỉ định cho một người bạn đồng hành mà cần phải được khích lệ nhiều để hoàn thành bất cứ việc gì. Một lúc sau, Curtis có một ấn tượng sâu sắc, thể như Thượng Đế đang phán bảo anh ta: “Curtis, con biết đó, so với ta, thì hai con không khác gì nhau cả.”

(Dale G. Renlund, “Các Thánh Hữu Ngày Sau Tiếp Tục Cố Gắng”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 58)

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:26–27 . Làm cách nào tôi có thể giúp một người muốn thay đổi?

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

Hình Ảnh
Official Portrait of Elder Jeffrey R. Holland. Photographed January 2018.

Hãy để cho người ta hối cải. Hãy để cho người ta tiến triển. Hãy tin rằng con người ta có thể thay đổi và cải thiện. Điều đó có phải là đức tin không? Có chứ! Điều đó có phải là hy vọng không? Có chứ! Điều đó có phải là lòng bác ái không? Có chứ! Trên hết, đó là lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Nếu điều gì đó bị chôn vùi trong quá khứ, hãy để nó bị chôn vùi. Đừng cứ quay trở lại với thùng cát nhỏ và xẻng xúc của anh chị em để đào nó lên, vung vẩy nó xung quanh, sau đó ném nó vào ai đó và nói: “Này! Anh chị có nhớ cái này không?” Tạch!

Các anh chị em đoán xem nào? Điều đó có lẽ sẽ dẫn đến việc một số mảnh vụn xấu xí khác được đào lên khỏi bãi chôn lấp của chính anh chị em với câu trả lời: “Ừ, tôi nhớ rồi. Còn anh chị có nhớ cái này không?” Tạch.

Và chẳng bao lâu nữa, tất cả mọi người đều ra về sau cuộc trao đổi lấm bẩn và lấm lem đó, một cách bất hạnh và bị tổn thương, trong khi những điều Cha Thiên Thượng của chúng ta khẩn nài là sự thanh sạch và lòng tử tế, hạnh phúc và sự chữa lành.

Việc sống trong quá khứ, kể cả những lỗi lầm trong quá khứ, là không đúng! Đó không phải là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

(Jeffrey R. Holland, “The Best Is Yet to Be”, Ensign, tháng Một năm 2010, trang 26–27)

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Những từ chúng ta sử dụng để mô tả bản thân

Cân nhắc mời học viên tưởng tượng trong chốc lát về việc gặp ai đó lần đầu tiên. Yêu cầu các em nghĩ về hai từ mà người này có thể dùng để mô tả các em. Sau đó, yêu cầu học viên suy ngẫm về những từ mà những người biết rõ về các em, và nhất là Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ sử dụng. Mời học viên thảo luận về câu hỏi này: Thế gian có thể khác đi như thế nào nếu chúng ta nhìn nhận nhau theo cách mà Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận chúng ta?

In