Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: Gia Cơ 2:17–18


Thông Thạo Giáo Lý: Gia Cơ 2:17–18

“Đức Tin không Sanh ra Việc Làm, Thì Tự Mình Nó Chết”

two young men sharing Book of Mormon

Trong bài học trước, em đã học được rằng chúng ta cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng những hành động ngay chính của mình. Bài học này sẽ giúp em học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý này và cụm từ thánh thư then chốt cho Gia Cơ 2:17–18, giải thích giáo lý và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong tình huống thực tế.

Truyền đạt cho học viên rằng những đóng góp của các em là đáng giá và cần thiết. Hãy tìm cách giúp mỗi học viên cảm thấy được trân trọng và được chấp nhận và những đóng góp của các em sẽ ban phước cho cả lớp. Hãy nhớ cảm ơn học viên vì các em đã tham gia và cho các em biết anh chị em biết ơn sự sẵn sàng đóng góp của học viên.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về một nguyên tắc của phúc âm mà các em tin tưởng nhưng có thể gặp khó khăn để hành động theo. Yêu cầu học viên suy ngẫm điều gì có thể ngăn cản các em hành động theo nguyên tắc đó.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “Gia Cơ 2”, là bài học về bối cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý Gia Cơ 2:17–18 . Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy nhớ cũng dạy bài học tương ứng này về bối cảnh trong tuần đó.

Học thuộc lòng và giải thích

Hãy giúp học viên học thuộc lòng và giải thích phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt trong Gia Cơ 2:17–18 . Sinh hoạt sau đây là một cách để thực hiện điều này.

Hãy viết Gia Cơ 2:17–18, Đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết trên một tờ giấy với khoảng cách kha khá giữa mỗi từ. Nói to phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt. Sau đó, cắt từng từ và số riêng biệt, xáo trộn chúng và sắp xếp lại theo thứ tự. Nói lại câu thánh thư và phần tham khảo. Lặp lại tiến trình này cho đến khi em có thể đọc thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt mà không cần sự hỗ trợ từ bất kỳ thẻ giấy nào.

Nếu cách thức này tỏ ra hiệu quả hơn cho lớp của anh chị em, hãy cân nhắc cắt một vài bộ thẻ trước buổi học và cho mỗi bộ vào một phong bì mà học viên có thể sử dụng cá nhân, theo nhóm hoặc theo cặp.

Khi em đọc Gia Cơ 2:17–18 , hãy nhớ lại nguyên tắc từ bài học trước rằng đức tin chân chính nơi Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi việc làm ngay chính.

  • Em có thể giải thích lẽ thật này như thế nào theo cách có thể thúc đẩy người khác hành động theo đức tin của họ?

Thực hành cách áp dụng

Hãy xem lướt qua ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Sau đó, đối với mỗi nguyên tắc, hãy viết một câu tóm lược ý nghĩa của nguyên tắc đó bằng lời riêng của em. Nếu cần, hãy ôn lại các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022).

  1. Hành động với đức tin.

  2. Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu.

  3. Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.

Việc hành động phù hợp với niềm tin của chúng ta có thể khó làm. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Điều mà chúng ta biết thì không phải lúc nào cũng phản ảnh trong điều chúng ta làm” (“Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình”, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 17). Khi em đọc các tình huống sau đây, hãy nghĩ đến những lý do khiến chúng ta có thể không luôn luôn hành động theo các nguyên tắc phúc âm đã biết.

  • Một thiếu nữ muốn đọc thánh thư mỗi ngày. Đôi khi cô ấy mất động lực khi không hiểu hoặc không tìm thấy ý nghĩa trong những điều mình đang đọc.

  • Một thiếu nữ trung tín đóng tiền thập phân khi còn nhỏ. Bây giờ khi đã lớn hơn và có một công việc ổn định, số tiền thập phân được đòi hỏi từ cô ấy nhiều hơn những gì cô ấy đã từng đóng nên việc đó khó thực hiện hơn.

  • Một thiếu niên đã học về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài trong nhiều năm. Cậu ấy tin rằng Chúa Giê Su đã phải chịu đựng tội lỗi của nhân loại và tội lỗi của cậu ấy có thể được tha thứ. Cậu ấy đã có một kinh nghiệm có ý nghĩa với sự hối cải trong quá khứ. Tuy nhiên, cậu thấy mình đã không nghĩ đến việc hối cải trong một thời gian dài.

Chọn một trong các tình huống ở trên hoặc nghĩ về một nguyên tắc khác của phúc âm mà em tin tưởng nhưng gặp khó khăn để hành động theo. Viết về cách sử dụng ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh mà em hoặc nhân vật trong tình huống em chọn có thể dùng để giải quyết tình huống đó.

Nếu em muốn một số trợ giúp để áp dụng những nguyên tắc này vào tình huống em đã chọn, hãy cân nhắc trả lời một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây.

Nguyên tắc 1: Hành động với đức tin

  • Trong quá khứ, em đã hành động theo nguyên tắc nào của phúc âm với đức tin?

  • Em đã học hỏi được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ kinh nghiệm đó mà có thể giúp ích cho em trong tình huống này?

Nguyên tắc 2: Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

  • Em nghĩ Cha Thiên Thượng nhìn nhận tình huống này như thế nào? Ngài có thể giúp theo những cách nào?

  • Làm thế nào mà việc hành động theo nguyên tắc này có thể dẫn đến các phước lành bây giờ và vĩnh cửu?

Nguyên tắc 3: Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định

  • Gia Cơ 2:17–18 có thể giúp ích như thế nào trong tình huống này? Thánh thư hoặc bài nói chuyện nào khác trong đại hội trung ương có thể giúp em hiểu rõ hơn và cảm thấy có động lực để sống theo nguyên tắc này? (Ví dụ, xin xem An Ma 32:27–28 .)

  • Thường có thể là hữu ích nếu thảo luận những vấn đề này với một người bạn đáng tin cậy, người trong gia đình hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội. Chúa có thể muốn em thảo luận tình huống này với ai?

Hãy cố gắng tạo ra một môi trường nơi học viên cảm thấy an toàn để thảo luận về những suy nghĩ và mối bận tâm của các em. Mời một số học viên chia sẻ một hoặc nhiều cách mà các em sẽ sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để giúp đỡ trong hoàn cảnh của các em mà không chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư. Nếu hữu ích, hãy đặt ra thêm những câu hỏi như “Tại sao nguyên tắc đó lại hữu ích?” và “Có ai khác trong lớp có những hiểu biết sâu sắc hoặc kinh nghiệm có thể hữu ích trong tình huống này không?”

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em đã học được qua bài học này. Nếu em đã nhận ra được một lẽ thật phúc âm mà bản thân em đang gặp khó khăn để hành động theo, thì hãy trung thực đánh giá xem em có dự định thực hiện ngay bây giờ hay không. Nếu em không có kế hoạch thực hiện ngay bây giờ, thì hãy nghĩ về những khó khăn đang cản trở em và cách Chúa có thể giúp em.

Có thể là hữu ích khi cả lớp cùng thảo luận các câu hỏi trong đoạn trên. Làm chứng về sự sẵn lòng giúp đỡ của Chúa và những phước lành sẽ đến khi chúng ta hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Ôn lại phần thông thạo giáo lý

Trong bài học sắp tới, hãy giúp học viên ôn lại đoạn thông thạo giáo lý này và cụm từ thánh thư then chốt. Cân nhắc sắp xếp các học viên thành từng cặp và cho các em xem qua phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt: “Gia Cơ 2:17–18, Đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” Sau đó, mời học viên thay phiên nhau nói từng từ hoặc từng số. Ví dụ: học viên đầu tiên sẽ nói “Gia Cơ”, học viên thứ hai sẽ nói “hai”, v.v. Các em sẽ tiếp tục thay phiên nhau cho đến khi nói hết phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt. Sau đó, các em có thể đổi vai người nói từ đầu tiên và lặp lại bài tập này.

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung 

Ngoài hai câu hỏi tiếp theo “Nguyên tắc 3: Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định”, hãy cân nhắc việc mời học viên dành ra vài phút để tra cứu các đề tài trong Thư Viện Phúc Âm trên trang ChurchofJesusChrist.org (chẳng hạn như học thánh thư, tiền thập phân, hoặc sự hối cải) liên quan đến tình huống mà các em đã chọn để phản hồi. Học viên có thể sử dụng những điều học được để phản hồi tình huống đã chọn.