Gia Cơ 3
Những Lời Chúng Ta Nói
Những lời chúng ta nói có sức mạnh. Em có thể nghĩ đến những kinh nghiệm trong cuộc sống khi em cảm nhận được sức mạnh của lời nói, dù tốt hay xấu không? Trong bức thư của mình, Gia Cơ đã dạy về tầm quan trọng của việc kiểm soát lời nói của chúng ta. Bài học này nhằm giúp em đánh giá những lời em nói và sự ảnh hưởng của những lời đó đến nỗ lực của em để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Sức mạnh của lời nói
Nhìn vào những hình ảnh dưới đây và tưởng tượng cuộc trò chuyện mà các nhân vật có thể đang có. Hãy suy ngẫm về ảnh hưởng có thể có của những lời chúng ta nghe và sử dụng.
-
Điều gần đây nhất ai đó đã nói với em mà giúp đỡ hoặc làm tổn thương em là gì?
-
Điều gần đây nhất em đã nói với ai đó lời củng cố hoặc khuyến khích là gì?
Suy ngẫm xem gần đây em có nói bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nào đó không. Khi em nghiên cứu những lời giảng dạy của Gia Cơ, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em hiểu rõ hơn về sức mạnh của lời nói. Chú ý đến những cảm nghĩ, suy nghĩ và ấn tượng mà thúc đẩy em nói giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.
Cái lưỡi giống như …
Gia Cơ nhấn mạnh sức mạnh của những lời chúng ta nghe và nói và so sánh cái lưỡi với nhiều điều khác nhau. Hãy đọc Gia Cơ 3:2–12 , tìm kiếm xem Gia Cơ so sánh cái lưỡi với điều gì. Vẽ một phiên bản đơn giản về một hoặc hai phép so sánh của Gia Cơ trong nhật ký ghi chép việc học tập, suy ngẫm xem lời nói của chúng ta có thể giống như những điều em đang vẽ ra sao.
Đọc bản liệt kê sau đây để xem liệu em có nhận ra được các phép so sánh như vậy hay không.
-
Hàm thiếc. Gia Cơ 3:2–3, 5 .Hàm thiếc (xin xem câu 3) là một miếng kim loại nhỏ được đặt trong miệng ngựa để kết nối với dây cương, cho phép người cưỡi ngựa điều khiển hướng đi của ngựa.
-
Bánh lái (vô lăng). Gia Cơ 3:4–5 .Bánh lái (xin xem câu 4) điều khiển bánh lái đuôi tàu ở dưới nước để con tàu di chuyển hoặc rẽ hướng.
-
Ngọn lửa. Gia Cơ 3:5–6 .
-
Loài không thể bị trị phục được. Gia Cơ 3:7–8 .
-
Chất độc. Gia Cơ 3:8 .
-
Mạch nước và cây vả. Gia Cơ 3:10–12 .
-
Những so sánh này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn sức mạnh của những lời chúng ta nghe và nói như thế nào?
-
Em có thể thêm những phép so sánh nào khác để mô tả ảnh hưởng của lời chúng ta nói?
Đề cập đến những lời giảng dạy mạnh mẽ của Gia Cơ, Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ đã chia sẻ như sau:
Hiển nhiên, Gia Cơ không có ý nói rằng lưỡi của chúng ta luôn luôn ác độc, hay mọi thứ chúng ta nói ra đều “đầy dẫy những chất độc giết người.” Nhưng rõ ràng ông có ý nói rằng ít nhất một số điều mà chúng ta nói ra có thể gây hủy hoại, ngay cả độc địa—và điều đó chính là một bản án rùng rợn cho một Thánh Hữu Ngày Sau! Giọng nói mà chia sẻ chứng ngôn sâu xa, thốt ra lời cầu nguyện khẩn thiết, và hát những bài thánh ca của Si Ôn có thể là cùng một giọng nói đó mà mắng nhiếc và chỉ trích, làm ngượng ngịu và làm giảm giá trị, gây đau đớn và hủy diệt tinh thần của mình và của những người khác trong tiến trình. …
… Cầu xin cho chúng ta cố gắng để trở thành những người nam và người nữ “trọn vẹn” ít nhất là bằng cách này bây giờ—bằng cách không xúc phạm trong lời nói, hoặc [nói một cách tích cực hơn], [bằng một] ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của các thiên thần. Lời nói, cũng như hành động của chúng ta, cần phải tràn đầy đức tin, hy vọng và lòng bác ái, … mà vô cùng cần thiết trên thế gian ngày nay. Với những lời nói như thế, được đưa ra dưới ảnh hưởng của Thánh Linh, thì những giọt lệ có thể được lau khô, những tấm lòng có thể được hàn gắn, cuộc sống có thể được nâng cao, hy vọng có thể trở lại, niềm tin có thể chiến thắng.
(Jeffrey R. Holland, “Ngôn Ngữ của Các Thiên Thần”, Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 16, 18)
-
Em đã học được gì từ những phép so sánh của Gia Cơ và lời phát biểu của Anh Cả Holland?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được là những người theo Thượng Đế cố gắng sử dụng ngôn ngữ của họ cho những mục đích ngay chính, chứ không phải để lan truyền điều tà ác.
Hãy suy ngẫm một chút về cách em đã thấy ngôn ngữ được sử dụng cho cả điều thiện và điều ác trong các tình huống sau đây:
-
trong tin nhắn văn bản hoặc mạng xã hội
-
ở nhà thờ vào các ngày Chủ Nhật
-
ở trường với bạn bè của em
-
trong một đội hoặc trong một câu lạc bộ
-
ở nhà với gia đình của em
-
Em đã có những kinh nghiệm nào để minh họa cho những lời nói có tác động lớn tới mọi người, dù tốt hay xấu?
Chúa Giê Su Ky Tô là “người trọn vẹn” ( Gia Cơ 3:2) và là tấm gương của chúng ta trong mọi sự, kể cả những lời Ngài phán. Nhớ lại những điều em biết về Ngài, hãy tưởng tượng xem Đấng Cứu Rỗi có thể sử dụng lời nói của Ngài như thế nào nếu Ngài ở trong các tình huống đã liệt kê trước đó.
-
Em có thể nhận thấy sự khác biệt nào giữa cách mình tưởng tượng Đấng Cứu Rỗi sẽ sử dụng lời nói và những điều chúng ta thường thấy và nghe trong những hoàn cảnh này ngày nay?
Lời lẽ chúng ta nghe và sử dụng
Qua các vị tiên tri của Ngài, Chúa đã dạy chúng ta những điều chúng ta nên và không nên nói.
Suy ngẫm về cách giao tiếp của em (dưới mọi hình thức: nhắn tin, mạng xã hội, nói chuyện với người khác, v.v.) khi em đọc 10 lời phát biểu sau đây được phỏng theo Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ ([cuốn sách nhỏ, năm 2011], trang 20–21). Đánh giá lời lẽ của em bằng thang điểm từ 1 đến 5, với 1 nghĩa là “Tôi cần được giúp đỡ nhiều” và 5 nghĩa là “Tôi đang làm rất tốt.”
1. Tôi cố gắng sử dụng lời lẽ trong sạch và thông minh.
2. Tôi sử dụng lời lẽ nâng cao tinh thần, khuyến khích và khen ngợi.
3. Tôi nói lời dịu dàng và có tính cách xây dựng về những người khác.
4. Tôi không nhục mạ những người khác hay xem thường họ, ngay cả khi nói đùa.
5. Tôi cố gắng tránh ngồi lê đôi mách dưới bất cứ hình thức nào, và tránh nói khi tức giận.
6. Khi bị cám dỗ để nói những điều cay nghiệt hoặc gây tổn thương, tôi im lặng.
7. Tôi dùng danh của Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô với sự tôn kính và lòng kính trọng.
8. Tôi ngỏ lời cùng Cha Thiên Thượng bằng lời lẽ kính cẩn và tôn trọng.
9. Tôi không sử dụng lời lẽ hay cử chỉ báng bổ, thô tục, hay thô lỗ.
10. Tôi không kể chuyện lố bịch hoặc kể câu chuyện về những hành động trái đạo đức.
Hãy nghĩ về ngôn ngữ em chọn sử dụng và suy ngẫm xem em có thể làm gì tốt hơn.
-
Một hoặc hai điều có thể giúp em lựa chọn cẩn thận hơn những lời mình nói và nghe là gì?
-
Em đặc biệt muốn cải thiện trong những tình huống nào?
-
Những chiến lược nào có thể hữu ích?
-
Làm thế nào mà những nỗ lực của em có thể giúp em trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Lời nói của chúng ta phản ánh cá nhân con người của chúng ta như thế nào?
Anh Cả Robert S. Wood thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy những điều sau đây:
Lời nói và biểu hiện bên ngoài của chúng ta không trung lập, vì chúng phản ánh con người chúng ta ở hiện tại và định hình con người chúng ta trong tương lai. …
Những gì chúng ta nói và cách chúng ta thể hiện bản thân không chỉ phản bội con người trong thâm tâm mà còn hun đúc nên con người đó, những người xung quanh chúng ta và cuối cùng là toàn bộ xã hội của chúng ta. Mỗi ngày mỗi chúng ta đều có liên quan đến việc che khuất ánh sáng hoặc xua đuổi bóng tối. Chúng ta đã được kêu gọi để mời sự sáng và trở thành sự sáng, để thánh hóa bản thân và củng cố những người khác. …
Khi nói và hành động, chúng ta nên hỏi xem lời nói và cách diễn đạt của chúng ta có được tính toán để mời các quyền năng thiên thượng vào cuộc sống của chúng ta và mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô hay không. Chúng ta phải thể hiện sự tôn kính đối với những điều thiêng liêng. Chúng ta cần loại bỏ khỏi các cuộc trò chuyện của mình những điều khiếm nhã và dâm dục, bạo lực và đe dọa, hạ thấp và giả dối. Như Sứ Đồ Phi E Rơ viết: “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình” [ 1 Phi E Rơ 1:15 ]. Cách ăn ở được nói đến ở đây không chỉ về lời nói mà còn về toàn bộ cách ứng xử của chúng ta.
(Robert S. Wood, “The Tongue of Angels”, Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 83–84)