Lớp Giáo Lý
1–2 Phi E Rơ


1–2 Phi E Rơ

Khái Quát

Trong bức thư đầu tiên của mình, Phi E Rơ, lúc đó là Vị Sứ Đồ trưởng, đã tập trung vào những phương diện Các Thánh Hữu có thể được củng cố qua những thử thách to lớn mà họ đang trải qua dưới bàn tay của người Rô Ma. Ông khuyến khích Các Thánh Hữu luôn sẵn sàng làm chứng về lẽ thật và nhắc nhở họ về di sản thiêng liêng của họ (xin xem 1 Phi E Rơ 2:9; 3:15). Ông dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã thuyết giảng phúc âm trong thế giới linh hồn sau khi Ngài qua đời, tạo cơ hội cho các phước lành của phúc âm đến với tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Chuẩn Bị Giảng Dạy

Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên ý tưởng về những điều có thể cần được chuẩn bị trước cho mỗi bài học.

1 Phi E Rơ 1–5

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn mục đích của Thượng Đế trong việc cho phép các em trải qua thử thách và có thể củng cố quyết tâm của các em để chịu đựng những thử thách một cách trung tín.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm cách các em sẽ trả lời câu hỏi sau đây: Tại sao chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ và bất công trong cuộc sống?

  • Hình ảnh: Hình ảnh một cái nồi nung

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Sau khi cho xem hình ảnh một cái nồi nung, mời mỗi học viên vẽ một cái nồi nung và viết một thử thách cá nhân bên trong cái nồi nung đó. Sau đó, học viên có thể viết lên mặt sau của tờ giấy về cách mà khó khăn cá nhân của các em đang thử thách và củng cố đức tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô ra sao. Mời những học viên sẵn sàng giơ bức tranh của mình lên trước camera và chia sẻ những suy nghĩ của các em với cả lớp. Hãy lưu ý học viên không chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư.

1 Phi E Rơ 2–3

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu tầm quan trọng của việc làm tấm gương trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô và tạo cơ hội để tập giải đáp cho người khác về đức tin của các em.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên thảo luận với gia đình về thời điểm các em hoặc người nào đó mà các em biết được yêu cầu giải thích về những điều các em tin và đức tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Mời học viên suy ngẫm xem liệu các em có muốn trả lời theo cách khác hay không và chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ những suy nghĩ của mình.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Chia các câu hỏi ở cuối bài cho học viên, hoặc mời các em nghĩ về một câu hỏi mà các em đã được hỏi về Giáo Hội hoặc đức tin của mình. Cho học viên thời gian để suy ngẫm về cách các em sẽ trả lời, sau đó cho các em lần lượt chia sẻ câu trả lời. Nếu học viên lo lắng về việc nói chuyện trước camera, các em có thể gửi câu trả lời của mình bằng cách sử dụng tính năng trò chuyện.

1 Phi E Rơ 3:18–22; 4:1–6

Mục đích của bài học: Bài học này sẽ giúp học viên khám phá những cách để trợ giúp Đấng Cứu Rỗi trong công việc cứu chuộc người chết của Ngài.

  • Học viên chuẩn bị: Để truy cập một số tính năng nhất định trên trang FamilySearch.org hoặc ứng dụng Cây Gia Phả của FamilySearch, học viên sẽ cần đăng nhập bằng tên người dùng và mật khẩu của Tài Khoản của Giáo Hội liên kết với số hồ sơ tín hữu của mình. Nếu học viên không có hoặc không biết tên người dùng và mật khẩu của mình, hãy mời các em tạo hoặc khôi phục tên người dùng và mật khẩu tại trang account.ChurchofJesusChrist.org hoặc tạo tài khoản tại trang FamilySearch.org. Hãy hỏi một chuyên gia lịch sử gia đình của tiểu giáo khu hoặc chi nhánh hoặc điều phối viên của các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo để được giúp đỡ nếu cần.

  • Nguồn tài liệu: Một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet để học viên không có thiết bị điện tử có thể dành chút thời gian trong lớp tìm kiếm trên FamilySearch.org hoặc ứng dụng Cây Gia Phả của FamilySearch, nếu khả thi.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Nếu học viên có thể sử dụng tính năng Các Giáo Lễ Đã Sẵn Sàng trên trang FamilySearch.org, hãy mời các em sử dụng tính năng này để tìm một người thân mà các em có thể làm công việc đền thờ cho người đó. Cân nhắc khả năng đặt ra một ngày mà cả lớp có thể gặp nhau tại đền thờ để thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận làm thay cho những người có tên được tìm thấy.

Thông Thạo Giáo Lý: 1 Phi E Rơ 4:6

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt cho 1 Phi E Rơ 4:6. Bài học này cũng mang đến cho các em cơ hội để áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn đó và các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào một tình huống thực tế.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm và chuẩn bị chia sẻ những điều các em đã cảm nhận được khi thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận trong đền thờ hoặc làm các công việc lịch sử gia đình khác cho những tổ tiên đã qua đời của mình.

  • Học cụ: Một tờ giấy và một cây viết cho mỗi học viên

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Có thể chỉ định cho học viên một trong những nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ trong các phòng họp nhỏ để thảo luận về cách các em có thể sử dụng nguyên tắc đó để giúp đỡ Jason. Khi thảo luận xong nguyên tắc của mình, các em có thể báo cáo trước lớp.

2 Phi E Rơ 1

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên thực hiện các bước để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về thuộc tính nào của Chúa Giê Su Ky Tô mà các em ngưỡng mộ nhất và lý do tại sao.

  • Vẽ đường: Sơ đồ một ngọn núi để viết các từ lên trên hoặc xung quanh trong lúc học

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc sử dụng tính năng bảng trắng để cả lớp cùng tạo sơ đồ ngọn núi và bản liệt kê các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Cũng có thể mời học viên tạo sơ đồ và bản liệt kê của riêng các em trong nhật ký ghi chép việc học tập, và có thể mời một vài học viên cho xem bài của mình. Thời điểm hữu ích nhất để mời chia sẻ có thể là khi yêu cầu học viên giải thích cách các em thể hiện khái niệm về sự chuyên cần trên sơ đồ của mình.

In