1 Phi E Rơ 1–5
“Quý Hơn Vàng”
Em có lẽ vẫn nhớ là đã học về đức tin và sự siêng năng của Sứ Đồ Phi E Rơ khi học nửa đầu Kinh Tân Ước. Bức thư đầu tiên của Phi E Rơ được viết vào cuối đời ông, nhiều năm sau khi ông đã cùng đi và nói chuyện với Chúa Giê Su Ky Tô trong giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi. Trong bức thư đầu tiên của mình, Phi E Rơ, lúc đó là Vị Sứ Đồ trưởng, đã tập trung vào những cách để giúp các Thánh Hữu có thể được củng cố qua những thử thách dữ dội mà họ đang trải qua dưới bàn tay của người Rô Ma. Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn mục đích của Thượng Đế trong việc để cho em trải qua thử thách và có thể củng cố quyết tâm của em để chịu đựng những thử thách một cách trung tín.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tại sao chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống?
Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về việc tất cả chúng ta sẽ có những kinh nghiệm có vẻ bất công ra sao. Xin xem video “Sự Bất Công Gây Phẫn Nộ” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 3:19 đến 4:12 hoặc đọc lời phát biểu sau đây:
Một số bất công không thể giải thích được; và sự bất công không thể giải thích được đang gây ra sự phẫn nộ. Sự bất công đến từ việc sống với những cơ thể không hoàn hảo, bị thương tổn hoặc bệnh tật. Cuộc sống trần thế vốn dĩ không công bằng. Một số người được sinh ra trong sự sung túc; những người khác thì không. Một số người có cha mẹ yêu thương; những người khác thì không. Một số người sống lâu; những người khác thì không. Và còn nhiều điều khác nữa. Một số người mắc sai lầm nghiêm trọng ngay cả khi họ đang cố gắng làm điều tốt. Một số người chọn không giảm bớt sự bất công khi họ có thể. Đáng buồn thay, một số người sử dụng quyền tự quyết mà Thượng Đế ban cho để làm tổn thương người khác khi mà họ không bao giờ nên làm như vậy.
(Dale G. Renlund, “Sự Bất Công Gây Phẫn Nộ”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 42)
-
Em nghĩ tại sao Anh Cả Renlund lại dùng từ “gây phẫn nộ” để mô tả một số điều bất công mà chúng ta trải qua trong cuộc sống?
-
Em biết ai đang trải qua hoặc đã trải qua một thử thách mà cảm thấy bất công và phẫn nộ không? Em nghĩ tại sao Chúa cho phép điều này xảy ra?
Vào năm 64 sau Công Nguyên, nhiều nơi trong thành phố Rô Ma đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Những người Rô Ma ưu tú cáo buộc các tín hữu của Giáo Hội gây ra hỏa hoạn, dẫn đến sự ngược đãi dữ dội đối với các Ky Tô Hữu trên khắp Đế Quốc La Mã. Có thể là Phi E Rơ đã viết bức thư đầu tiên của mình vào một thời gian sau sự kiện này để củng cố đức tin của Các Thánh Hữu và nhắc nhở họ về phần thưởng vĩnh cửu của họ khi chịu đựng những thử thách một cách trung tín. Khi em học, hãy chú ý đến những thúc giục của Đức Thánh Linh có thể giúp em hiểu một số lý do dẫn đến thử thách của chính em và cách em có thể trông cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô để giúp em chịu đựng những thử thách một cách trung tín.
Ngọn lửa của lò luyện kim
Hãy đọc 1 Phi E Rơ 1:3–9 , tìm kiếm những điều Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy về các phước lành đang chờ đợi những người chịu đựng các thử thách một cách trung tín.  
-
Em nghĩ những từ hoặc cụm từ nào trong các câu này có thể là hữu ích để ghi nhớ khi em hoặc những người khác trải qua thử thách? Tại sao?
-
Em nghĩ tại sao Phi E Rơ so sánh sự thử thách đức tin của Các Thánh Hữu với vàng được luyện bằng lửa?
Sau đây là hình ảnh của một cái nồi nung. Nồi nung là một vật chứa trong đó các kim loại như vàng được tinh chế. Khi kim loại được tinh chế, chúng được nung nóng và nấu chảy để loại bỏ tạp chất và cải thiện sản phẩm cuối cùng.
-
Đức tin “quý hơn vàng” có thể được thử thách theo những cách thức nào? ( 1 Phi E Rơ 1:7).
Một lẽ thật có thể được nhận ra từ những câu em vừa học là khi chúng ta trung tín chịu đựng những thử thách, đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô được tinh luyện và củng cố. Hãy cân nhắc ghi chép lẽ thật này trong thánh thư hoặc nhật ký ghi chép việc học tập của em.
-
Việc trải qua những thử thách khó khăn có thể củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô là thế nào?
Trong khi việc trải qua nghịch cảnh có thể giúp tinh luyện về mặt thuộc linh cho nhiều người, có những người khác trở nên cay đắng hoặc chai đá trong lòng sau một thử thách khó khăn (xin xem An Ma 62:41).
-
Em nghĩ điều gì có thể giúp chúng ta biến thử thách thành phước lành thay vì những kinh nghiệm làm suy yếu đức tin của chúng ta?
-
Em đã có những kinh nghiệm nào hoặc em biết những kinh nghiệm nào khi đức tin của em hoặc đức tin của người khác được củng cố bằng cách trung tín chịu đựng những thử thách khó khăn?
-
Những kinh nghiệm này dạy cho em điều gì về Chúa?
Phi E Rơ khuyên bảo Các Thánh Hữu
Một chủ đề xuyên suốt bức thư đầu tiên của Phi E Rơ là cách giúp các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có thể trung tín chịu đựng nỗi đau khổ và sự ngược đãi. Lời khuyên bảo của Phi E Rơ có thể mang lại hy vọng, sự khích lệ và sức mạnh cho bất kỳ người nào đang trải qua thử thách trên trần thế.
Vẽ một hình đơn giản về một cái nồi nung, như hình em đã nhìn thấy trước đó trong bài học. Bên trong nồi nung, hãy liệt kê một số thử thách và nỗi khổ sở mà em đã trải qua hoặc hiện đang trải qua.
Khi em nghiên cứu nhiều hơn về những lời của Phi E Rơ, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy mà có thể giúp em vượt qua những thử thách đã liệt kê trong tranh. Ghi lại những lời dạy này ở bên ngoài bức tranh về nồi nung của em.
1 Phi E Rơ 2:20–25 —Tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô về việc chịu đựng những thử thách
1 Phi E Rơ 4:12–19 —Những lý do để hân hoan trong thử thách của chúng ta
1 Phi E Rơ 5:6–11 —Nhận được sức mạnh của Chúa để chịu đựng những thử thách của chúng ta
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
1 Phi E Rơ 2:20 . Tại sao Phi E Rơ dạy rằng chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng những thử thách của mình?
Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy điều sau đây:
Tính kiên nhẫn gắn liền với đức tin nơi Cha Thiên Thượng của chúng ta. Trên thực tế, khi chúng ta thiếu kiên nhẫn, chúng ta đang gợi ý rằng chúng ta biết điều gì là tốt nhất—hơn cả Thượng Đế. Hoặc, ít nhất, chúng ta đang khẳng định rằng thời gian biểu của chúng ta tốt hơn thời gian biểu của Ngài … Vì vậy, như đã được chỉ ra, tính kiên nhẫn là một đức tính quan trọng trên trần thế liên quan đến đức tin, quyền tự quyết của chúng ta, thái độ của chúng ta đối với cuộc sống, sự khiêm nhường của chúng ta và nỗi thống khổ của chúng ta. … Đơn giản là không có cách nào khác cho sự phát triển thực sự xảy ra.
(Neal A. Maxwell, “Patience” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 27 tháng Mười Một năm 1979], trang 1, 4, speeches.byu.edu)
Làm thế nào tôi có thể vượt qua những thử thách tôi đang gặp phải?
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy điều sau đây:
Trong những thử thách gắt gao trên trần thế, việc tiến bước một cách kiên nhẫn, và quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi sẽ mang đến cho anh chị em ánh sáng, sự hiểu biết, sự bình an, và niềm hy vọng. Hãy hết lòng cầu nguyện. Hãy củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trong sự xác thực của Ngài, trong ân điển của Ngài. … Hãy hướng tới tương lai. Những nỗi lo âu và phiền muộn của anh chị em là có thực, nhưng chúng sẽ không kéo dài mãi mãi. Thời gian khó khăn và thử thách rồi sẽ trôi qua, bởi vì “Vị Nam Tử … [đã chỗi dậy] với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài.”
(Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 85)
Làm thế nào tôi có thể tìm thấy hạnh phúc trong khi chịu đựng những thử thách?
Anh Cả Joseph B. Wirthlin (1917–2008) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về việc tìm kiếm hạnh phúc trong nghịch cảnh và ghi nhớ lời khuyên của mẹ mình rằng: “Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó”.
Làm thế nào chúng ta có thể ưa thích những ngày đầy đau khổ? Chúng ta không thể nào—ít nhất là trong giây phút đó. Tôi không nghĩ là mẹ tôi đề nghị rằng chúng ta phải ngăn cản nỗi thất vọng hoặc chối bỏ sự xác thật của nỗi đau đớn. Tôi không nghĩ là bà đề nghị rằng chúng ta che giấu sự thật phũ phàng bằng hạnh phúc giả vờ. Nhưng tôi tin rằng cách mà chúng ta đối phó với nghịch cảnh thì có thể là một yếu tố trọng đại trong việc chúng ta làm thế nào để có được hạnh phúc và thành công trong đời. Nếu chúng ta đối phó với nghịch cảnh một cách khôn ngoan, thì những lúc khó khăn nhất của mình có thể là những lúc tăng trưởng nhiều nhất mà đổi lại có thể đưa đến những lúc hạnh phúc lớn lao. …
Khi chúng ta học cách luôn hóm hỉnh, tìm kiếm viễn cảnh vĩnh cửu, hiểu biết nguyên tắc về sự đền bù, và đến gần Cha Thiên Thượng, thì chúng ta có thể chịu đựng nỗi gian khổ và thử thách. Chúng ta có thể nói như mẹ tôi đã nói: “Chuyện gì đến thì cứ để cho nó đến và hân hoan chấp nhận nó.”
(Joseph B. Wirthlin, “Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó”, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 26–28)