Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: Lu Ca 22:19–20


Thông Thạo Giáo Lý: Lu Ca 22:19–20

“Hãy Làm Sự Nầy để Nhớ Đến Ta”

Hình Ảnh
Sacrament trays with bread and water.

Khi học về Ma Thi Ơ 26: 26–30, em đã biết về việc Đấng Cứu Rỗi giới thiệu giáo lễ Tiệc Thánh cho các môn đồ của Ngài trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Bài học này sẽ cho em cơ hội để gia tăng khả năng thông thạo giáo lý về Tiệc Thánh. Em sẽ làm như vậy qua việc học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt cho đoạn thông thạo giáo lý Lu Ca 22:19–20, qua việc giải thích giáo lý, và qua việc áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Giúp học viên ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Hãy thường xuyên tạo các cơ hội cho học viên để ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh: hành động với đức tin, xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu và tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định (Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2022], “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”). Học viên sẽ luyện tập sử dụng các nguyên tắc này với mỗi bài tập áp dụng thực tế. Hãy ôn lại các nguyên tắc một cách đầy đủ để học viên có thể nhớ lại và sử dụng các nguyên tắc này trong cuộc sống của các em.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về điều gì giúp các em tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi khi dự phần Tiệc Thánh và chuẩn bị sử dụng hoặc chia sẻ kinh nghiệm này trong bài học này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Học thuộc lòng và giải thích

Bài học về đoạn thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “Ma Thi Ơ 26:26–30; Lu Ca 22:19–20”, là bài học về bối cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý Lu Ca 22:19–20 . Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy đảm bảo cũng dạy bài học về bối cảnh tương ứng này trong tuần đó.

Cân nhắc mời học viên đóng diễn tình huống sau đây theo cặp hoặc mời hai học viên minh họa tình huống cho cả lớp.

Hãy tưởng tượng em đưa một người bạn đến nhà thờ, người này không biết gì về tôn giáo có tổ chức hoặc Chúa Giê Su Ky Tô. Sau buổi lễ Tiệc Thánh, bạn ấy hỏi: “Mục đích của việc chuyền bánh và nước cho mọi người là gì?”

  • Em sẽ giải thích như thế nào về giáo lễ Tiệc Thánh cho người bạn của mình?

Hãy tạo cơ hội cho học viên học thuộc lòng phần tham khảo cho đoạn thánh thư thông thạo giáo lý Lu Ca 22:19–20 và cụm từ thánh thư then chốt đi kèm. Sinh hoạt sau đây là một cách để thực hiện điều này. Cân nhắc điều chỉnh sinh hoạt này bằng cách để cho học viên làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ hoặc yêu cầu cả lớp tham gia và viết phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt lên trên bảng.

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy dùng bút chì viết nhẹ phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt sau đây: “ Lu Ca 22:19–20 : Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh, hãy dự phần Tiệc Thánh ‘để nhớ đến ta.’”

Đọc lớn phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt này. Sau đó, xóa hai từ hoặc hai số, và tập nói lại cụm từ và phần tham khảo thánh thư. Lặp lại cùng một cách thức này, xóa các từ hoặc số và đọc thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt, cho đến khi xóa hết các từ và số. Sau đó, ghi thuộc lòng càng nhiều phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt này càng tốt.

Áp dụng thực tế

Nếu cần, hãy giúp học viên ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Một cách để thực hiện điều này là yêu cầu học viên hoàn thành sinh hoạt sau đây. Sinh hoạt ôn lại này sẽ không kéo dài quá ba đến năm phút.

Ôn lại vắn tắt các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh (xin xem Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2022], “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”). Chọn một trong ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và vẽ một biểu tượng hoặc bức tranh đơn giản mà em cảm thấy thể hiện được điều đó.

Bây giờ, hãy thực hành sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và giáo lý được dạy trong Lu Ca 22:19–20 bằng cách đọc tình huống sau đây và trả lời các câu hỏi tiếp theo.

Tình huống sau đây nhằm giúp học viên không chỉ dừng lại ở việc đơn thuần lập ra một bản liệt kê những điều cần làm trong Lễ Tiệc Thánh và suy ngẫm kỹ hơn về việc làm cho Tiệc Thánh trở thành một kinh nghiệm có ý nghĩa.

Hãy cân nhắc điều chỉnh tình huống sao cho gần gũi nhất với học viên.

Judy năm nay 15 tuổi, đã là tín hữu của Giáo Hội từ bé và thường xuyên tham gia các buổi nhóm họp của giáo hội. Bạn ấy sống với mẹ và bà ngoại, những tấm gương tuyệt vời cho bạn ấy. Chủ Nhật vừa qua, Judy đặc biệt quan tâm đến các chủ đề của người nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh. Mỗi người nói chuyện đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân mạnh mẽ và chân thành về việc dự phần Tiệc Thánh và cách mà việc đó giúp gia tăng ảnh hưởng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của họ. Điều này khiến bạn ấy suy ngẫm về làm sao mà bạn ấy đã không có nhiều kinh nghiệm tương tự. Bạn ấy nhận ra rằng trong lễ Tiệc Thánh, bạn thường bị xao lãng bởi điện thoại hoặc những điều người khác đang làm, hoặc suy nghĩ về bao lâu nữa mình có thể về nhà để ngủ trưa.

  • Em có bao giờ cảm thấy như vậy chưa?

  • Em nghĩ tại sao đôi khi mọi người lại cảm thấy như vậy?

Hãy cho học viên cơ hội thực hành sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để giúp Judy trong tình huống này. Sau đây là một cách để thực hiện được điều này.

Nếu học viên cần được trợ giúp thêm để áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào tình huống này, thì hãy cân nhắc sử dụng các câu hỏi được liệt kê dưới các đề mục in đậm để dẫn dắt một cuộc thảo luận.

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy tạo một đề mục cho mỗi nguyên tắc trong số ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh: (1) hành động với đức tin, (2) xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu và (3) tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.

Bên dưới mỗi đề mục, hãy viết ra những cách cụ thể mà nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh đó có thể giúp Judy trong hoàn cảnh của bạn ấy. Ví dụ: em có thể đề xuất những cách cụ thể mà bạn ấy có thể hành động với đức tin, chia sẻ về việc giữ một quan điểm vĩnh cửu có thể hữu ích trong hoàn cảnh của bạn ấy ra sao và gợi ý một số nguồn phương tiện đã được Chúa quy định mà bạn ấy có thể sử dụng để được hướng dẫn và định hướng.

  • Em sẽ khuyên Judy bắt đầu làm gì để giải quyết những lo lắng của bạn ấy?

  • Làm cách nào em có thể sử dụng từng nguyên tắc trong ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để giúp Judy?

Hãy giúp học viên nghĩ ra những cách để kết nối và tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô trong giáo lễ Tiệc Thánh. Khi học viên trả lời, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau: Làm thế nào mà điều này sẽ giúp các em tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi? Làm cách nào các em có thể kết nối và tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi thay vì chỉ làm theo thói quen mà không suy nghĩ?

Hành động với đức tin

  • Em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho Judy có thể giúp bạn ấy có kinh nghiệm tốt hơn khi dự phần Tiệc Thánh?

  • Điều gì có thể cản trở bạn ấy thực hiện những thay đổi này? Làm cách nào bạn ấy có thể vượt qua những trở ngại này?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu

  • Em có thể hỏi Judy những câu hỏi nào để giúp bạn ấy nhìn nhận hoàn cảnh của mình với một quan điểm vĩnh cửu? Tại sao em lại chọn những câu hỏi đó?

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định

  • Những điều được dạy trong Lu Ca 22 và trong các câu thánh thư khác hoặc của các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể giúp ích gì cho Judy?

  • Judy có thể tìm đến sự giúp đỡ ở nơi nào khác để cải thiện kinh nghiệm dự phần Tiệc Thánh của bạn ấy?

Ôn Lại

Nên sử dụng sinh hoạt ôn tập sau đây trong một bài học sẽ được dạy trong thời gian sắp tới.

Phát cho mỗi học viên một thẻ ghi chú hoặc giấy ghi chú. Mời học viên viết “ Lu Ca 22:19–20 : Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh, hãy dự phần Tiệc Thánh ‘để nhớ đến ta’” trên thẻ hoặc giấy ghi chú, sau đó xóa một số từ và chữ số khỏi phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt này. Mời học viên trao đổi thẻ hoặc giấy ghi chú và xem liệu các em có thể điền vào các từ hoặc chữ số còn thiếu hay không. Sau đó, mời học viên thử đọc thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ.

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Tình huống thay thế

Để giúp học viên hiểu được vai trò chính yếu của Tiệc Thánh trong việc tham dự giáo hội, hãy cân nhắc sử dụng tình huống thay thế sau đây:

Gần đây, Eldon đã nhận được một công việc yêu cầu cậu ấy phải làm việc vào các ngày Chủ Nhật. Cậu ấy không nghĩ sẽ là vấn đề lớn nếu bỏ đi nhà thờ một hoặc hai ngày Chủ Nhật mỗi tháng. Nhưng hiện giờ thì Eldon nhận ra rằng ngay cả vào những ngày Chủ Nhật mà cậu ấy không làm việc, thật khó để cảm thấy có động lực để tham dự. Cậu ấy cảm thấy buồn chán ở nhà thờ và cảm thấy không thực sự có liên hệ hoặc kết nối với bất kỳ người nào ở đó.

Sau khi chia sẻ tình huống này, hãy thảo luận về cách các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp ích cho tình huống của Eldon. Là một phần trong cuộc thảo luận của anh chị em, hãy mời học viên suy ngẫm về những phước lành mà Eldon có thể bỏ lỡ khi không thường xuyên dự phần Tiệc Thánh.

In