Lớp Giáo Lý
Ê Phê Sô 2–5


Ê Phê Sô 2–5

Tìm Kiếm Những Lẽ Thật Vĩnh Cửu

Young woman sitting in home reading open scriptures that have been underlined. (horiz)

Em tự tin đến mức nào về khả năng của mình để tìm thấy lẽ thật trong thánh thư? Các vị tiên tri dạy những lẽ thật đến từ Cha Thiên Thượng vì lợi ích của chúng ta. Ví dụ, Phao Lô đã dạy Các Thánh Hữu ở Ê Phê Sô những lẽ thật về việc thắng thế gian và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Bài học này nhằm giúp em biết cách tìm ra những lẽ thật từ thánh thư mà sẽ giúp em trong cuộc sống và đưa em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.

Luyện tập các kỹ năng học tập thánh thư. Học viên có thể được lợi ích từ việc luyện tập các kỹ năng học tập thánh thư, chẳng hạn như áp dụng thánh thư vào cuộc sống, sử dụng những sự giúp đỡ học tập, nhận ra các đề tài và khuôn mẫu, hiểu các biểu tượng, tìm các nguồn tài liệu từ đại hội trung ương, chú thích thánh thư, lập bản liệt kê, tóm tắt những điều đã đọc, tìm và sử dụng phần tham khảo chéo, định nghĩa các từ khó, v.v.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên nghiên cứu thánh thư từ giờ đến buổi học tiếp theo và tìm kiếm những lẽ thật mà thánh thư dạy. Mời các em suy ngẫm về những cách thức khác nhau giúp các em có thể nhận ra những lẽ thật này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Tìm kiếm giá trị

Hãy đọc câu chuyện sau và suy ngẫm về bất kỳ bài học thuộc linh nào mà em học được từ nó.

3:15
Official portrait of President M. Russell Ballard of the Quorum of the Twelve Apostles, 2004.

Chúng ta thường giống như người lái buôn trẻ tuổi từ Boston trong [một câu chuyện kể rằng], vào năm 1849, đã hăng hái tham gia vào cuộc đổ xô đi tìm vàng ở California. Anh ta đã bán hết tài sản của mình để đi kiếm của cải trong các dòng sông ở California, nơi mà anh ta được cho biết là chứa đầy những thỏi vàng to đến nỗi một người không thể khiêng được.

Ngày này qua ngày khác, chàng thanh niên đó [nhúng cái mâm đãi vàng] của mình xuống dòng sông nhưng khi lấy lên thì [nó] trống không. Anh ta chỉ có được một đống đá càng ngày càng cao. Thất vọng và khánh kiệt, anh ta đã sẵn sàng bỏ cuộc cho đến một ngày nọ, khi một [ông già] thăm dò quặng vàng dày dạn kinh nghiệm nói với anh ta rằng: “Con trai à, con có một đống đá khá lớn đấy.”

Người thanh niên đáp: “Không có vàng ở đây. Tôi đang định đi về nhà đây.”

[Ông già] đến bên đống đá và nói: “Ôi chao, có vàng đấy chứ. Con chỉ cần biết tìm nó ở đâu thôi.” Ông lấy tay nhặt lên hai viên đá và đập chúng vào với nhau. Một viên đá vỡ ra cho thấy vài hạt phấn vàng nhỏ li ti lấp lánh trong ánh nắng mặt trời.

Khi thấy cái túi da căng phồng thắt ngang hông của người thăm dò quặng vàng, người thanh niên nói: “Tôi đang tìm các thỏi vàng giống như các thỏi vàng trong cái túi của ông kia kìa, chứ không phải các hạt phấn vàng nhỏ li ti này đâu.”

Người thăm dò quặng vàng già cả đưa cái túi của mình ra cho chàng thanh niên nhìn vào bên trong, vẫn hy vọng sẽ thấy vài thỏi vàng lớn. [Anh ta] sững sờ khi thấy cái túi đựng hằng ngàn hạt phấn vàng nhỏ li ti.

Người thăm dò quặng vàng già cả nói: “Con trai này, đối với ta, hình như con đang bận rộn tìm kiếm các thỏi vàng lớn nên con đã bỏ lỡ cơ hội đổ những hạt phấn vàng quý báu này vào đầy túi của con đấy. Việc kiên trì góp nhặt các hạt phấn vàng li ti này đã làm cho ta giàu có.”

(M. Russell Ballard, “Tìm Được Niềm Vui bằng Sự Phục Vụ với Tình Thương,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 46)

  • Câu chuyện này có thể liên quan như thế nào đến việc tìm kiếm những lẽ thật trong thánh thư?

Đọc các câu sau đây và xếp hạng từ một đến năm mức độ mà chúng đúng với em (một = không bao giờ đúng với tôi; năm = luôn đúng với tôi)__ Tôi tin tưởng vào khả năng của mình để tìm ra những lẽ thật vĩnh cửu trong thánh thư với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh.

__ Việc tìm thấy những lẽ thật trong thánh thư là một phước lành trong cuộc sống của tôi và giúp tôi cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Cân nhắc mời những học viên đã hoàn thành sinh hoạt chuẩn bị của học viên chia sẻ những kinh nghiệm của các em.

Tìm kiếm những lẽ thật trong thánh thư

Một số lẽ thật trong thánh thư khó tìm thấy hơn những lẽ thật khác. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để giúp em nhận ra những lẽ thật trong sứ điệp của Phao Lô gửi cho Các Thánh Hữu ở Ê Phê Sô. Đức Thánh Linh sẽ giúp em bằng cách làm chứng cho em về những lẽ thật này (xin xem Mô Rô Ni 10:5 ; Giăng 16:13).

Phần này là để làm ví dụ giúp cho học viên thấy cách nhận ra những lẽ thật trong các câu thánh thư. Cân nhắc sử dụng các lẽ thật khác từ Ê Phê Sô 2–5 nếu hữu ích nhất cho học viên.

Mời học viên chia sẻ cách các em nhận ra những lẽ thật trong thánh thư.

2:39

Trong khi Phao Lô là một tù nhân bị quản thúc tại Rô Ma, ông đã viết thư cho người Ê Phê Sô để khuyến khích và khuyên bảo họ về cách tiếp tục đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn và cách vượt qua những cuộc tấn công thuộc linh của quỷ dữ. Hãy tập xác định lẽ thật từ những điều Phao Lô đã chia sẻ với Các Thánh Hữu này.

Sau đây là một cách em có thể tìm kiếm những lẽ thật vĩnh cửu khi học thánh thư. Đọc Ê Phê Sô 2:4–10 và thực hiện các bước sau đây:

Cân nhắc viết các bước sau đây lên trên bảng để học viên có thể tham khảo trong khi học bài này.

  1. Tìm những từ, cụm từ hoặc câu có vẻ đặc biệt quan trọng. Cân nhắc đánh dấu những từ, cụm từ hoặc câu này trong thánh thư của em.

  2. Tóm tắt ý chính của những từ, cụm từ hoặc câu này. (Ví dụ, em có thể tóm tắt những điều Phao Lô đã nói về ân điển trong câu 8 không?)

  3. Viết những điều em đã học được thành một câu về lẽ thật mà em có thể áp dụng trong cuộc sống của mình.

  • Một lẽ thật mà em đã tìm thấy là gì? Làm cách nào em nhận ra được lẽ thật đó?

Yêu cầu một số học viên chia sẻ. Khen ngợi học viên về những nỗ lực của các em. Một số lẽ thật có thể gồm có những điều sau: Thượng Đế nhân từ và yêu thương chúng ta (xin xem Ê Phê Sô 2:4); khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được cứu rỗi bởi ân điển của Ngài (xin xem Ê Phê Sô 2:5, 8); việc làm của chúng ta không thôi thì không đủ để cứu chúng ta (xin xem Ê Phê Sô 2:8–9). Khi học viên chia sẻ, hãy cân nhắc đặt ra thêm các câu hỏi như sau:

  • Làm thế nào mà lẽ thật này có thể giúp em cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho mình hoặc giúp em trở nên giống Hai Ngài hơn?

  • Em đã áp dụng như thế nào hoặc làm cách nào em có thể áp dụng lẽ thật này vào cuộc sống của mình?

Tập nhận ra những lẽ thật

Có thể là hữu ích nếu để cho học viên làm việc theo cá nhân để tìm được những lẽ thật. Sau đó, các em có thể tìm một học viên khác trong lớp nghiên cứu cùng một đoạn và cùng nhau so sánh những lẽ thật mà các em đã tìm thấy.

Sử dụng các bước đã được liệt kê trước đó. Chọn một hoặc hai bộ câu thánh thư sau đây và tìm kiếm những lẽ thật vĩnh cửu trong bộ câu đó.

  • Ê Phê Sô 3:13–19

  • Ê Phê Sô 4:20–32 , kể cả Bản Dịch Joseph Smith cho câu 26 trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (Có thể là hữu ích khi biết rằng “người cũ” trong những câu này tượng trưng cho những đường lối tội lỗi trước đây và “người mới” tượng trưng cho việc sống một cuộc sống ngay chính qua Chúa Giê Su Ky Tô.)

Hãy chọn một trong những lẽ thật mà em đã tìm thấy và suy ngẫm xem làm thế nào mà lẽ thật đó có thể giúp em cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho mình hoặc giúp em giống Hai Ngài hơn.

Sử dụng các nguồn tài liệu có sẵn cho em (giấy, bút chì màu, công cụ kỹ thuật số và những thứ khác), hãy tạo một tấm áp phích mà có thể đưa vào tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Hãy bao gồm những điều sau đây trong tấm áp phích của em:

  • Nguyên tắc em đã nhận ra, và câu hoặc những câu thánh thư mà em tìm thấy nguyên tắc đó

  • Một bức tranh hoặc hình vẽ đơn giản giúp người đọc hiểu được lẽ thật hoặc minh họa cách người nào đó có thể sử dụng lẽ thật này trong cuộc sống của mình

Cân nhắc cho học viên xem một số ví dụ về tấm áp phích từ trang ChurchofJesusChrist.org.

Hoặc tìm xem liệu ấn bản gần đây nhất của tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ có tấm áp phích nào hay không.

Mời học viên chia sẻ tấm áp phích của các em và giải thích nó. Cân nhắc đặt ra thêm những câu hỏi như sau: “Làm thế nào các em tìm thấy lẽ thật này?” “Làm thế nào mà điều đó giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho các em?” “Chúa đã ban phước cho các em như thế nào khi các em cố gắng sống theo lẽ thật này?”

Suy ngẫm về việc tìm kiếm những lẽ thật

Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của em khi tìm kiếm những lẽ thật vĩnh cửu trong thánh thư.

  • Em cảm thấy mình thành công trong những phương diện nào?

  • Có điều gì khó khăn?

  • Làm thế nào mà việc tìm kiếm những lẽ thật giúp em thấy được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho mình?

  • Em có thể sử dụng những điều đã học được ngày hôm nay như thế nào vào việc học thánh thư riêng cá nhân hoặc với gia đình?

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Ê Phê Sô 2:4–9 . Ân điển là gì và giúp ích gì cho tôi?

Khi đang phục vụ với tư cách là thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf định nghĩa ân điển của Thượng Đế là “sự trợ giúp thiêng liêng và ân tứ về sức mạnh mà nhờ đó chúng ta tăng trưởng từ con người không hoàn mỹ và hạn chế thành con người được tôn cao về ‘lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào [chúng ta] được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều’ [ Giáo Lý và Giao Ước 93:28 ]” (“Ân Tứ về Ân Điển,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 107). Để biết thêm thông tin về ân điển, hãy cân nhắc đọc toàn bộ bài nói chuyện này trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Để có thêm những hiểu biết sâu sắc về ân điển của Đấng Cứu Rỗi, hãy đọc Mô Si A 2:20–24Phi Líp 2:12–13 .

Ê Phê Sô 4:22 . “Thoát lốt người cũ” có nghĩa là gì?

Phao Lô dạy rằng khi chúng ta chọn chấp nhận giáo lễ của phép báp têm, chúng ta giao ước chấm dứt những đường lối cũ của mình (hoặc “thoát lốt người cũ” [ Ê Phê Sô 4:22 ]) và bắt đầu một cuộc sống mới với tư cách là những tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Rô Ma 6:1–6 ; Giáo Lý và Giao Ước 20:37). Điều này bao gồm việc bỏ lại tội lỗi của chúng ta và bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng hơn. Chúng ta không thể tự mình thực hiện tiến trình này. Điều này chỉ xảy ra nhờ Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài và ảnh hưởng thánh hóa của Đức Thánh Linh.

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Hiểu lẽ thật một cách sâu sắc hơn

Sau khi học viên nhận ra một lẽ thật từ Ê Phê Sô, có thể mời các em hiểu lẽ thật một cách sâu sắc hơn. Các em có thể sử dụng các nguồn tài liệu thánh thư, ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc các nguồn tài liệu khác có sẵn để tra cứu các từ khóa. Sau đó, có thể mời học viên chia sẻ những điều đã học được về những lẽ thật và cách các em có thể đưa những lẽ thật đó vào cuộc sống của mình.

Sách Mặc Môn đưa ra những hiểu biết sâu sắc về ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô

Nếu việc thảo luận về ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô thay vì tìm các nguyên tắc trong thánh thư có thể giúp ích cho học viên, thì hãy mời các em nghiên cứu Ê Phê Sô 2:1–12 , so sánh cuộc sống của các em nếu không có ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem các câu 1–3) với cuộc sống mà có ân điển của Ngài (xin xem các câu 4–8). Sau đó, học viên có thể nghiên cứu các đoạn trong Sách Mặc Môn dạy về ân điển của Đấng Cứu Rỗi (xin xem 2 Nê Phi 10:24–25 ; Gia Cốp 4:6–7 ; Hê La Man 12:24 ; Ê The 12:27 ; Mô Rô Ni 10:32–33), nhận ra những nhu cầu của chính các em đối với ân điển của Đấng Cứu Rỗi, và lập kế hoạch về cách để các em có thể tìm kiếm ân điển của Ngài thường xuyên hơn.