Lớp Giáo Lý
Hê Bơ Rơ 3–4


Hê Bơ Rơ 3–4

Bước vào Chốn An Nghỉ của Chúa

Hình Ảnh
Jesus Christ portrayed seated near a river. Christ is holding a shepherd’s staff in His hand. There are trees growing along the banks of the river.

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mong muốn ban cho chúng ta những phước lành quý giá nhất của hai Ngài. Sự không tin tưởng và cứng lòng đã ngăn nhiều người nhận được những phước lành này. Bằng cách khuyến khích Các Thánh Hữu từ bỏ thái độ không tin, Phao Lô đã tìm cách giúp họ trở lại với các giao ước mà họ đã lập. Bài học này nhằm giúp em vượt qua sự không tin tưởng để có thể nhận được những phước lành đã hứa của Đấng Cứu Rỗi.

Lắng nghe học viên để nhận thấy rõ hơn những nhu cầu của các em. Khi học viên trả lời những câu hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm trong lớp, hãy chăm chú lắng nghe những điều các em đang nói. Khi lắng nghe học viên và chú ý đến những thúc giục từ Đức Thánh Linh, anh chị em sẽ có thể nhận thấy rõ được nhu cầu của các em.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về lý do tại sao các em tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô và các em được ban phước như thế nào khi tin tưởng nơi Ngài.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả một vấn đề mà thế gian đang gặp phải ngày nay:

Hình Ảnh
Official portrait of Elder Neil L. Andersen of the Quorum of the Twelve Apostles, 2010, August.

Ở một số vùng trên thế giới nơi danh Ngài đã được rao truyền cả hàng thế kỷ, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô lại đang suy giảm. Các Thánh Hữu dũng cảm ở Châu Âu đã nhìn thấy sự suy giảm tín ngưỡng ở các quốc gia của họ qua các thập kỷ. Đáng buồn thay, ở đây tại Hoa Kỳ, đức tin cũng đang suy giảm. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng trong vòng 10 năm qua, 30 triệu người ở Hoa Kỳ đã không còn tin vào thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Trên thế giới, một cuộc nghiên cứu khác dự đoán rằng trong những thập kỷ tới, số người từ bỏ Ky Tô Giáo sẽ nhiều hơn gấp đôi số người theo Ky Tô Giáo.

(Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 88)

  • Một số hậu quả có thể xảy ra ở hiện tại và trong tương lai, khi người ta không tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô là gì?

Đây có thể là một cơ hội để nhắc nhở học viên về sự chuẩn bị của các em cho buổi học.

Hãy suy ngẫm về niềm tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em cảm thấy niềm tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô mạnh mẽ đến mức nào?

  • Làm thế nào việc chọn tin tưởng nơi Ngài có thể ban phước cho cuộc sống của em?

Những lời giảng dạy của Phao Lô về con cái Y Sơ Ra Ên

Trong bức thư gửi cho người Hê Bơ Rơ, Phao Lô công nhận rằng vì bị ngược đãi, một số người cải đạo đã tính đến việc từ bỏ niềm tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy đọc Hê Bơ Rơ 3:7–19 , tìm kiếm câu chuyện lịch sử mà Phao Lô đã đề cập đến để giúp người Hê Bơ Rơ hiểu được mối nguy hiểm của sự không tin.

Mời học viên chia sẻ điều các em đã tìm được. Nếu có thể, hãy yêu cầu một học viên tóm tắt lời tường thuật về Môi Se và con cái Y Sơ Ra Ên mà Phao Lô đề cập đến. Sử dụng thông tin trong đoạn sau đây nếu cần thiết.

“Thử Chúa trong đồng vắng” ( Hê Bơ Rơ 3:8) muốn nói đến thời điểm sau khi được giải thoát khỏi Ai Cập, dân Y Sơ Ra Ên chọc giận Chúa và bị từ chối những phước lành mà Ngài mong muốn ban cho họ (xin xem Dân Số Ký 14 ; Gia Cốp 1:7–8 ; An Ma 12:33–37).

  • Con cái Y Sơ Ra Ên đã bỏ lỡ những phước lành nào? Tại sao?

Chốn an nghỉ của Chúa

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta biết được chốn an nghỉ của Hai Ngài. Hãy nghiên cứu đoạn thánh thư và lời tiên tri sau đây để tìm hiểu chốn an nghỉ của Chúa là gì. Có thể là hữu ích khi tra cứu từ “ chốn an nghỉ ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, nếu có.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:24 để tìm hiểu thêm về chốn an nghỉ của Chúa (xin xem thêm An Ma 13:6, 12–13, 28–29).

Chủ Tịch Joseph F. Smith (1838–1918) đã dạy cách chúng ta có thể bước vào chốn an nghỉ của Chúa khi ở trong cuộc sống trần thế:

Hình Ảnh
Portrait of Joseph F. Smith

Các vị tiên tri thời xưa nói về việc “bước vào chốn an nghỉ của Thượng Đế” [xin xem An Ma 12:34 ; Giáo Lý và Giao Ước 84:23–24 ]; điều đó có nghĩa là gì? Đối với tâm trí tôi, nó có nghĩa là bước vào sự hiểu biết và tình yêu thương của Thượng Đế, có được đức tin nơi mục đích và kế hoạch của Ngài, đến mức độ mà chúng ta biết là mình đúng, và rằng chúng ta không lùng kiếm một điều gì khác, chúng ta không bị dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, hoặc bị bối rối bởi những mưu chước tinh vi của con người, là những kẻ đang rình sẵn để lừa gạt. … Người nào đã đạt được mức độ của đức tin đó nơi Thượng Đế đến mức tất cả nỗi ngờ vực và sợ hãi được cất khỏi người ấy thì người ấy đã bước vào “chốn yên nghỉ của Thượng Đế.”

(Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph F. Smith [năm 1998], trang 56)

  • Em sẽ mô tả chốn an nghỉ của Chúa như thế nào?

An Ma đã chia sẻ một sứ điệp tương tự như của Phao Lô với dân chúng vào thời kỳ của ông, vài người trong số họ cũng gặp khó khăn để tin tưởng. Hãy đọc An Ma 12:34–37 , tìm kiếm thêm những hiểu biết sâu sắc.

Một nguyên tắc mà em có thể đã học được là nếu chúng ta vẫn trung tín với Đấng Cứu Rỗi và không cứng lòng thì chúng ta sẽ bước vào chốn an nghỉ của Chúa.

  • Em nghĩ làm thế nào mà việc cứng lòng và không tin tưởng có thể ngăn cản chúng ta nhận được những phước lành của Chúa?

  • Tại sao em nghĩ rằng chốn an nghỉ của Chúa là một phước lành đáng để theo đuổi?

Chọn để tin

Trưng ra các câu sau đây. Cân nhắc chia học viên thành từng cặp và chỉ định cho mỗi học viên đọc các câu thánh thư từ một chương. Sau đó, các em có thể báo cáo cho người bạn cùng nhóm những điều mình đã học được.

Đọc Hê Bơ Rơ 3:7–8, 12–15 ; 4:2–3, 6–7, 11. Khi em đọc, hãy tìm kiếm những điều chúng ta có thể làm để bước vào chốn an nghỉ của Chúa. Em cũng có thể muốn đọc Bản Dịch Joseph Smith của Hê Bơ Rơ 4:3 (trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư).

Đây có thể là cơ hội để học viên đọc các câu bổ sung từ Sách Mặc Môn như được gợi ý trong phần “Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung”.

  • Em chú ý đến điều gì nhất trong những câu này?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy cách chúng ta có thể vượt qua sự không tin:

Hình Ảnh
Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Chọn tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu anh chị em nghi ngờ về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, hoặc nền tảng vững chắc của Sự Phục Hồi hay tính xác thực của sự kêu gọi thiêng liêng của Joseph Smith với tư cách là vị tiên tri, thì hãy chọn để tin và luôn trung tín. Hãy mang câu hỏi của anh chị em đến Chúa và các nguồn trung tín khác. Học tập với ước muốn tin tưởng thay vì với hy vọng rằng anh chị em có thể tìm thấy một khiếm khuyết trong cuộc đời của một vị tiên tri hoặc một sự khác biệt trong thánh thư. Hãy ngừng gia tăng nỗi nghi ngờ của anh chị em bằng cách thảo luận chúng với những người nghi ngờ khác. Hãy để Chúa dẫn dắt anh chị em trong cuộc hành trình khám phá phần thuộc linh của anh chị em.

(Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 103)

Tưởng tượng rằng em có một người bạn đang gặp khó khăn để tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy viết một tin nhắn tử tế để khuyến khích họ. Nhớ bao gồm ít nhất một câu thánh thư để họ học. Nếu thích hợp, hãy gồm vào chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Việc suy ngẫm về lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson và những câu hỏi sau đây có thể giúp ích cho em khi viết tin nhắn.

  • Họ có thể biết được điều gì nếu họ chọn tin tưởng nơi Đấng Cứu Rỗi?

  • Họ có thể bỏ lỡ điều gì nếu họ chọn không tin?

  • Em sẽ khuyến khích họ tin tưởng điều gì nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy làm chứng rằng khi học viên tìm cách noi theo Đấng Cứu Rỗi và cố gắng loại bỏ sự không tin khỏi cuộc sống, thì các em sẽ biết được chốn an nghỉ của Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Làm thế nào tôi có thể có một tấm lòng tin tưởng hơn?

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi đó thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói:

Hình Ảnh
Official portrait of Elder Dieter F. Uchtdorf of the Quorum of the Twelve Apostles, 2006. Called as Second Counselor in the First Presidency, 3 February 2008. Made official portrait in 2008 replacing portrait taken in 2004.

Sự tin tưởng không đến từ phép lạ kỳ diệu. Nhưng muốn tin phải là bước thiết yếu đầu tiên! Thượng Đế chẳng hề vị nể ai. Ngài là Cha của các anh em. Ngài muốn nói chuyện với các anh em. Tuy nhiên, cần có một chút tò mò khoa học—điều này đòi hỏi một cuộc thí nghiệm về lời của Thượng Đế—và vận dụng “một chút ít đức tin” [ An Ma 32:27]. Cũng cần có một chút khiêm nhường. Và cần có một tấm lòng rộng mở và một tâm trí sẵn sàng chấp nhận. Điều đó đòi hỏi sự tìm kiếm, trong ý nghĩa trọn vẹn của từ này. Và có lẽ khó khăn nhất, điều đó đòi hỏi phải kiên nhẫn và trông đợi Chúa.

Nếu không có nỗ lực để tin, thì chúng ta cũng giống như một người rút phích cắm của một ngọn đèn pha ra và rồi đổ lỗi rằng ngọn đèn pha không sáng.

(Dieter F. Uchtdorf, “Đừng Sợ, Chỉ Tin Mà Thôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 78)

Ai có thể giúp chúng ta tìm thấy chốn an nghỉ của Đấng Cứu Rỗi?

Anh Cả W. Craig Zwick thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã nói:

Hình Ảnh
Official Portrait of Elder W. Craig Zwick. Photographed March 2017.

Cha Thiên Thượng yêu thương mỗi con cái của Ngài và muốn tất cả các con cái của Ngài trở về cùng Ngài. Ngài đã ban cho các vị tiên tri và các vị lãnh đạo chức tư tế thẩm quyền thật sự của chức tư tế để giúp chúng ta ở trên con đường chật và hẹp. Do đó, chúng ta có sự hướng dẫn của những vị lãnh đạo này để giúp chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Ngài.

(W. Craig Zwick, “Enter into the Rest of the Lord,” Ensign, tháng Hai năm 2012, trang 24)

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Chốn an nghỉ của Chúa trong Sách Mặc Môn

Nhiều vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã dạy về cách bước vào chốn an nghỉ của Chúa. Học viên có thể được lợi ích khi đọc một số hoặc tất cả các đoạn sau đây và tham khảo chéo các đoạn đó với Hê Bơ Rơ 4:3. An Ma 13:12, 16An Ma 16:16–17An Ma 60:13Mô Rô Ni 7:3

In