Lớp Giáo Lý
Hê Bơ Rơ 7–10


Hê Bơ Rơ 7–10

“Nhận Được Sự Cứu Chuộc Vĩnh Cửu cho Chúng Ta”

Hình Ảnh
Composite of an image of an Old Testament priest offering a sacrifice, and Jesus Christ on the cross.

Em đã bao giờ trải qua một thời điểm mà em cần được xác nhận đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô chưa? Có khi nào em cảm thấy rằng mình cần thêm một chút trợ giúp để tiếp tục đi trên con đường giao ước không? Các Thánh Hữu người Hê Bơ Rơ đang tìm kiếm sự trấn an về đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng cứu rỗi của Ngài. Phao Lô đã viết thư cho họ để đưa ra lời trấn an này. Ông nhắc họ nhớ rằng chính luật Môi Se đã chỉ ra Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là nguồn gốc thật sự của sự cứu rỗi. Bài học này nhằm giúp củng cố đức tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của em bằng cách giúp em hiểu các biểu tượng thời xưa trong luật Môi Se.

Kết hợp phần trình bày của giảng viên. Việc đóng vai trò tích cực trong tiến trình học tập giúp học viên hiểu và áp dụng giáo lý và các nguyên tắc từ thánh thư. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn thay thế nhu cầu có giảng viên trình bày thông tin một cách thích hợp trong khi học viên lắng nghe. Đôi khi, giảng viên cần giải thích, làm sáng tỏ và minh họa các khái niệm để học viên có thể hiểu các khái niệm đó một cách rõ ràng hơn.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên mang một đồ vật đến lớp và giải thích về cách mà đồ vật đó làm chứng hoặc nhắc nhở các em về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, học viên có thể mang theo một cục tẩy và giải thích rằng cục tẩy đó nhắc các em nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô vì Ngài có thể xóa bỏ hoặc tha thứ cho tội lỗi của chúng ta.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

“Tất cả mọi vật đều làm chứng về [Chúa Giê Su Ky Tô]” ( Môi Se 6:63)

Nếu có thể, hãy cân nhắc phác thảo đền tạm (xem sơ đồ ở phần sau của bài học này) trên sàn nhà trước buổi học, sử dụng băng dính hoặc dây. Hoặc vẽ đền tạm ở nơi học viên có thể nhìn thấy được. Ngoài ra, trưng ra một số hoặc tất cả những hình ảnh trong bài học này để học viên xem trong suốt tiết học.

Hãy tìm một đồ vật gần đó mà khiến em nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô hoặc có thể được sử dụng để làm chứng về Ngài. Suy ngẫm xem điều gì về đồ vật đó khiến em nhớ đến (hoặc tượng trưng cho) Chúa Giê Su Ky Tô.

Hoàn thành lời phát biểu sau đây bằng cách sử dụng đồ vật này:

Trưng ra câu chưa hoàn chỉnh sau đây và mời học viên hoàn thành câu đó bằng cách sử dụng đồ vật mà các em đã chọn trong sinh hoạt chuẩn bị cho buổi học. Các em có thể làm theo cặp, theo nhóm nhỏ hoặc chung với cả lớp.

“__________________ nhắc nhở tôi về Chúa Giê Su Ky Tô vì ________________________.”

  • Làm thế nào mà những biểu tượng và lối so sánh như thế này có thể giúp em hiểu sâu hơn về Chúa Giê Su Ky Tô và những điều Ngài đã làm cho chúng ta?

Thánh thư ghi lại rằng tất cả những điều Thượng Đế ban cho đều làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô (ví dụ, xin xem 2 Nê Phi 11:4 ; Môi Se 6:63).

  • Việc ghi nhớ điều này có thể giúp em như thế nào?

Các nghi lễ và các giáo lễ của luật Môi Se có mục đích làm một “khuôn mẫu” hoặc “biểu tượng” hướng dân Y Sơ Ra Ên đến Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài (xin xem 2 Nê Phi 11:4 ; Gia Cốp 4:4–5 ; Mô Si A 3:15). Trong Bức Thư gửi cho người Hê Bơ Rơ, Phao Lô thảo luận về tính biểu tượng của luật Môi Se và đền tạm thời xưa để nhắc nhở Các Thánh Hữu về việc họ cần đến Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Ông muốn giúp Các Thánh Hữu người Do Thái tiếp tục trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô thay vì quay lại với việc tuân theo luật Môi Se—và những lời giảng dạy của ông cũng có thể giúp ích cho chúng ta khi chúng ta cố gắng tiếp tục trung tín với Đấng Cứu Rỗi ngày nay. Trong bài học này, em sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn cách mà những biểu tượng trong thánh thư hướng chúng ta đến Chúa Giê Su Ky Tô và làm chứng về Ngài.

Dựa trên nhu cầu của học viên và thời gian học, hãy xác định xem có nên tập trung vào phần “Các thầy tư tế theo ban của Mên Chi Xê Đéc” hay phần “Tính biểu tượng của đền tạm thời xưa,” hay cả hai.

Các thầy tư tế theo ban của Mên Chi Xê Đéc

Trong Bức Thư của Phao Lô gửi cho người Hê Bơ Rơ, thầy tư tế thượng phẩm và các thầy tư tế khác của dân Y Sơ Ra Ên thời xưa tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
A man dressed in the costume of a High Priest at the model of the Jewish Tabernacle.

Một vai trò của các thầy tư tế là hành động như những người trung gian, tượng trưng cho việc đứng giữa con người và Thượng Đế. Họ thực hiện vai trò này bằng cách hằng ngày dâng của lễ hy sinh bằng con vật cho những tội lỗi và sự phạm giới của dân Y Sơ Ra Ên (xin xem Lê Vi Ký 1 ; Hê Bơ Rơ 10:11). Việc này đã được thực hiện trong đền tạm.

Hãy đọc Hê Bơ Rơ 7:22–28 , lưu ý Bản Dịch Joseph Smith cho Hê Bơ Rơ 7:25–26 (có trong phần Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục). Hãy tìm kiếm xem làm thế nào mà các việc làm của những thầy tư tế thượng phẩm này giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ hy sinh cho tội lỗi của chúng ta. Hãy suy ngẫm các định nghĩa sau đây trong khi em nghiên cứu:

Trưng ra các định nghĩa sau đây để học viên xem trong khi các em đọc:

“Đấng bảo lãnh” trong Hê Bơ Rơ 7:22 dùng để chỉ một người đảm bảo cho khoản nợ tài chính của người khác.

“Cái giao ước rất tôn trọng hơn cái trước” đề cập đến giao ước phúc âm lớn hơn được Đấng Ky Tô thiết lập.

“Ngài” trong Hê Bơ Rơ 7:24 dùng để chỉ Chúa Giê Su Ky Tô.

“Toàn vẹn” trong Hê Bơ Rơ 7:25 có nghĩa là “hoàn toàn” và “vĩnh cửu.”

Cân nhắc mời học viên viết câu trả lời của các em cho những câu hỏi sau đây lên trên bảng:

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong các câu này có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?

  • Điều gì trong những câu này dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ hy sinh cho tội lỗi của chúng ta?

  • Em biết gì về Chúa Giê Su Ky Tô hoặc những kinh nghiệm nào em đã có với Ngài khiến em tin tưởng rằng Ngài có thể cứu rỗi mình?

Tính biểu tượng của đền tạm thời xưa

Hình Ảnh
A depiction of the Israelite tabernacle in the wilderness. The tabernacle is viewed from above. The interior and exterior of the tabernacle are depicted.

Cân nhắc chỉ ra các phần khác nhau của đền tạm trong khi giải thích về Ngày Lễ Chuộc Tội.

Hình Ảnh
Floor plan of Moses’ Tabernacle.

Mỗi năm một lần, vào Ngày Lễ Chuộc Tội (xin xem Lê Vi Ký 16), thầy tư tế thượng phẩm thực hiện các lễ hiến tế con vật đặc biệt trước khi bước vào phần của đền tạm được gọi là nơi thánh nhất (hay còn được gọi là Nơi Chí Thánh). Phần này của đền tạm tượng trưng cho vương quốc thiên thượng, hay là nơi có hiện diện của Thượng Đế. Những của lễ hy sinh này và những hành động của thầy tư tế thượng phẩm nhằm tượng trưng cho cách Chúa Giê Su, Thầy Tư Tế Thượng Phẩm Cao Trọng, sẽ thực hiện sự hy sinh mà chuẩn bị một cách thức cho loài người bước vào sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem Hê Bơ Rơ 9:1–15).

Đối với sinh hoạt tiếp theo, hãy cân nhắc chia lớp học làm đôi và mời một nửa lớp đọc các đoạn trong Hê Bơ Rơ 9 và nửa kia đọc các đoạn trong Hê Bơ Rơ 10. Có thể là hữu ích khi trưng ra các câu hỏi để học viên tham khảo khi các em đọc các câu thánh thư. Đi vòng quanh lớp và hỗ trợ từng học viên nếu cần.

Hình Ảnh
Composite of an image of an Old Testament priest offering a sacrifice, and Jesus Christ on the cross.

Tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau đây khi em đọc Hê Bơ Rơ 9:11–15, 24, 28 hoặc Hê Bơ Rơ 10:4, 10–17 .

  • Em có thể học hỏi được điều gì từ các câu này về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài?

  • Dựa trên những câu này, những phước lành nào có thể đến với chúng ta nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Giúp học viên nhận ra các lẽ thật từ những câu thánh thư này. Một lẽ thật mà các em có thể nhận ra là qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được tẩy sạch khỏi tội lỗi và nhận được lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu.

  • Những phước lành đã hứa của Đấng Cứu Rỗi dạy cho em điều gì về những điều Ngài muốn dành cho em?

  • Làm thế nào em thể hiện lòng biết ơn của mình về những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho em?

Cho học viên đủ thời gian để suy ngẫm về các chỉ dẫn sau đây và viết vào nhật ký của các em. Hãy khuyến khích các em làm theo những thúc giục. Chia sẻ chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Suy ngẫm xem việc nghiên cứu những phép so sánh và tính biểu tượng trong bài học này đã giúp em như thế nào để hiểu rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

  • Một số biểu tượng nào trong thời kỳ của chúng ta hướng chúng ta đến Chúa Giê Su Ky Tô?

Suy ngẫm xem việc thường xuyên tìm kiếm những điều biểu trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Ngài. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để nhận ra cách em có thể làm điều này thường xuyên hơn trong việc học thánh thư riêng cá nhân của mình. Hành động theo bất kỳ thúc giục nào em nhận được.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Ngày Lễ Chuộc Tội là gì?

Mỗi năm một lần vào ngày thánh của người Do Thái gọi là Ngày Lễ Chuộc Tội (còn gọi là Yom Kippur), thầy tư tế thượng phẩm được phép bước vào nơi thánh nhất (còn gọi là Nơi Chí Thánh) trong đền tạm, hoặc sau này là đền thờ Giê Ru Sa Lem. Tại bàn thờ dâng của lễ hy sinh, nằm ngay bên ngoài nơi thánh, thầy tư tế thượng phẩm hiến tế một con bò đực và một con dê đực. Sau đó, người này sẽ vẩy máu con vật vào những nơi được chỉ định ở nơi chí thánh để tượng trưng cho Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô cho những tội lỗi của bản thân mình và của dân chúng. Rồi thầy tư tế thượng phẩm chuyển tội lỗi của dân chúng lên một con dê đực khác (được gọi là con dê gánh tội) một cách tượng trưng, và con vật này được đưa vào vùng hoang dã, biểu thị cho việc xóa bỏ tội lỗi của dân chúng. Ông cũng hiến tế hai con chiên đực để làm của lễ thiêu cho bản thân ông và dân chúng. (Xin xem Bible Dictionary, “ Fasts ”; xin xem thêm Lê Vi Ký 16:22 .)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Nếu việc tập trung vào Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ mang lại lợi ích cho học viên, hãy cân nhắc sử dụng phần “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc hướng tôi đến Chúa Giê Su Ky Tô” trong đại cương Hãy Đến Mà Theo Ta “Ngày 6–12 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 7–13: ‘Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Những Sự Tốt Lành Sau Này’” (Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023). Mời học viên nhận ra những cách mà các giáo lễ của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể giúp các em đến gần và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Những giáo lễ thời xưa và thời hiện đại

Nếu việc tập trung vào cách các giáo lễ chức tư tế hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại lợi ích cho học viên, hãy cân nhắc sử dụng phần “Những giáo lễ thời xưa và thời hiện đại hướng về Chúa Giê Su Ky Tô” từ đại cương Hãy Đến Mà Theo Ta “Ngày 6–12 tháng Mười Một. Hê Bơ Rơ 7–13: ‘Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Những Sự Tốt Lành Sau Này’” (Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023). Mời học viên thảo luận về cách thức các giáo lễ khác nhau làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, các em có thể thảo luận về cách mà phép báp têm tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất và sự phục sinh của Đấng Ky Tô (xin xem Rô Ma 6:1–6).

In