Lu Ca 10:25–37
Người Sa Ma Ri Nhân Lành
Khi thầy dạy luật hỏi Chúa Giê Su: “Ai là người lân cận tôi?” (Lu Ca 10:29), Đấng Cứu Rỗi đã trả lời bằng cách kể truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành. Bài học này nhằm giúp em noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về việc yêu thương người lân cận.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Giúp đỡ những người hoạn nạn
Hãy nghĩ về thời điểm một ai đó đã giúp em khi em cần sự giúp đỡ.
-
Em nghĩ tại sao người này lại giúp em?
-
Em cảm thấy như thế nào vì những điều người này đã làm?
Hãy suy ngẫm về khả năng em có thể giúp đỡ một ai đó đang gặp khó khăn và tại sao em có thể hoặc không thể giúp họ. Khi em học, hãy tìm kiếm những lẽ thậtem học được về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể làm gia tăng mong muốn của em để giúp đỡ những người hoạn nạn.
Một câu chuyện ngụ ngôn
Một ngày nọ, trong khi Chúa Giê Su Ky Tô đang giảng dạy, một thầy dạy luật hỏi Ngài rằng ông ấy cần làm gì để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng để được thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần hết lòng yêu mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận như chính mình (xin xem Lu Ca 10:27). Thầy dạy luật bèn hỏi câu hỏi khác.
Hãy đọc Lu Ca 10:29, và cân nhắc đánh dấu câu hỏi mà thầy dạy luật đã hỏi Chúa Giê Su.
-
Em sẽ trả lời câu hỏi của thầy dạy luật như thế nào?
Chúa Giê Su trả lời câu hỏi của thầy dạy luật bằng cách kể một câu chuyện ngụ ngôn được biết đến là truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành. Khi em học truyện ngụ ngôn này, hãy nhớ rằng người Sa Ma Ri và người Do Thái nói chung là ghét nhau và thường tránh tiếp xúc với nhau. Một lý do mà người Do Thái coi người Sa Ma Ri là không thể chấp nhận được là bởi vì người Sa Ma Ri một phần là người Do Thái và một phần là dân ngoại và họ pha trộn niềm tin tôn giáo của cả hai.
Nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi trong truyện ngụ ngôn
Hãy đọc truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành trong Lu Ca 10:30–35 .
Khi em học truyện ngụ ngôn này, hãy suy ngẫm xem người Sa Ma Ri là biểu tượng cho Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
-
Chúng ta có thể học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ truyện ngụ ngôn này? (Cân nhắc ghi câu trả lời của em cho câu hỏi này vào nhật ký ghi chép việc học tập.)
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Đấng Cứu Rỗi là Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành của chúng ta, được gửi đến “để chữa lành cho kẻ vỡ lòng” [ Lu Ca 4:18 ; xin xem thêm Ê Sai 61:1 ]. Ngài đến với chúng ta trong khi những người khác không muốn giúp đỡ chúng ta. Với lòng trắc ẩn, Ngài xức dầu chữa lành lên những vết thương của chúng ta và hàn gắn chúng. Ngài nâng đỡ chúng ta. Ngài chăm sóc cho chúng ta.
(Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 85)
-
Một số ví dụ trong thánh thư về Đấng Cứu Rỗi làm những điều mà Anh Cả Andersen đã mô tả là gì?
-
Có khi nào Đấng Cứu Rỗi giống như người Sa Ma Ri nhân lành đối với em?
Noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô
Sau khi kể truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng thầy đại tài, đã hỏi thầy dạy luật những điều ông ấy đã học được và mời thầy dạy luật hành động. Hãy đọc Lu Ca 10:36–37 , và tìm kiếm lời mời gọi thầy dạy luật của Đấng Cứu Rỗi.
-
Làm thế nào em có thể áp dụng lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của riêng mình?
-
Lời mời gọi này dạy cho em điều gì về tình cảm của Đấng Cứu Rỗi dành cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng?
Chúng ta có nhiều cơ hội để tuân theo lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi là “hãy đi, làm theo như vậy” ( Lu Ca 10:37) trong nhiều bối cảnh khác nhau mà chúng ta trải qua, chẳng hạn như ở nhà, ở trường, trực tuyến, trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của chúng ta và giữa những người lạ.
-
Em có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi theo một số cách cụ thể nào để thể hiện tình yêu thương với người lân cận của mình trong bối cảnh này?
-
Điều gì có thể khiến em khó thể hiện tình yêu thương với người lân cận trong bối cảnh này?
-
Nếu một người gặp khó khăn trong việc thể hiện tình yêu thương với người lân cận trong bối cảnh này, thì em có thể dạy cho họ điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp ích cho họ?
-
Em cảm thấy được thúc giục phải làm gì nhờ vào những điều đã học được ngày hôm nay?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành là biểu tượng cho cuộc hành trình của chúng ta trong cuộc sống như thế nào?
Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Trên con đường bụi bặm của chúng ta đến thành Giê Ri Cô, chúng ta bị tấn công, bị thương, và bị bỏ rơi trong đau đớn.
Mặc dù chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau, nhưng quá nhiều lần chúng ta tránh đi chỗ khác, vì bất cứ lý do gì.
Tuy vậy, với lòng trắc ẩn, Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành dừng lại và băng bó vết thương của chúng ta với dầu và rượu. Những biểu tượng của Tiệc Thánh và các giáo lễ khác, dầu và rượu đều hướng chúng ta đến sự chữa lành phần thuộc linh nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành đặt chúng ta lên trên lưng con lừa của chính Ngài, hoặc như trong câu chuyện trên những ô cửa sổ kính màu, vác chúng ta trên vai Ngài. Ngài mang chúng ta đến nhà quán, mà có thể tượng trưng cho Giáo Hội của Ngài. Trong Nhà Quán, Đấng Sa Ma Ri nhân lành phán rằng: “Hãy săn sóc người này; … khi Ta trở về sẽ trả” [ Lu Ca 10:35 ]. Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành, một biểu tượng cho Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, hứa sẽ trở lại, lần này trong vẻ uy nghi và vinh quang.
(Gerrit W. Gong, “Có Đủ Chỗ trong Giáo Hội của Ngài”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 24–25)
Tại sao Đấng Cứu Rỗi lại sử dụng một người Sa Ma Ri thay vì một người Do Thái làm người giúp người đàn ông bị tổn thương?
Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Có mối ác cảm đáng kể giữa người Do Thái và người Sa Ma Ri vào thời của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong những trường hợp bình thường, hai nhóm này tránh kết giao với nhau. Đó vẫn sẽ là một câu chuyện ngụ ngôn hay, có tính giảng dạy nếu người đàn ông bị ngã vào đám trộm được một người anh em Do Thái giải cứu.
Việc sử dụng người Do Thái và người Sa Ma Ri một cách có chủ ý của Ngài dạy rõ rằng tất cả chúng ta đều là người lân cận của nhau và chúng ta nên yêu thương, kính trọng, tôn trọng và phục vụ lẫn nhau bất kể những khác biệt sâu sắc nhất của chúng ta—bao gồm những khác biệt về tôn giáo, chính trị và văn hóa.
(M. Russell Ballard, “Doctrine of Inclusion”, Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2001, trang 36)
Tôi nên làm gì khi cơ hội giúp đỡ những người khác đến vào những lúc không thuận tiện?
Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã dạy:
Cơ hội để phục vụ người khác theo những cách có ý nghĩa, như chúng ta đã giao ước để làm, hiếm khi đến vào những lúc thuận tiện. Nhưng không có quyền năng thuộc linh trong việc sống theo sự thuận tiện. Quyền năng đến khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình.
(M. Russell Ballard, “Like a Flame Unquenchable” Ensign, tháng Năm năm 1999, trang 86)
Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) nhắc nhở chúng ta:
Đừng bao giờ để cho một vấn đề [cần] được giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương.
(Thomas S. Monson, “Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống”, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 86)