Ma Thi Ơ 18:21–35
Truyện Ngụ Ngôn về Người Tôi Tớ Không Có Lòng Thương Xót
Để trả lời câu hỏi mà Phi E Rơ hỏi về sự tha thứ, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy truyện ngụ ngôn về người tôi tớ không có lòng thương xót. Bài học này có thể giúp em trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn khi em nỗ lực tha thứ cho người khác.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
“Chị tha thứ cho tôi chứ?”
Trong Thế Chiến Thứ Hai, một phụ nữ tên là Corrie ten Boom đã phải chịu đựng hàng tháng trời trong trại tập trung của Đức Quốc xã ở Ravensbrück, Đức. Em gái của bà là Betsie đã chết ở đó. Sau cuộc chiến, Corrie nói chuyện với một nhóm người về sự tha thứ của Thượng Đế. Giám Trợ Keith B. McMullin, cựu thành viên trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, đã mô tả những điều đã xảy ra sau bài phát biểu của bà. Khi em đọc, hãy suy ngẫm về những cách Corrie đã có thể chọn để phản ứng.
Một người đi đến gần chị. Chị nhận ra người ấy là một người lính canh tàn ác nhất trong trại tập trung. Người ấy nói: “Chị đề cập đến Ravensbrück trong bài nói chuyện của chị. “Tôi là người lính canh ở đó. … Nhưng kể từ lúc đó, … tôi đã trở thành một Ky Tô hữu.” Người ấy đã giải thích rằng người ấy đã tìm kiếm sự tha thứ về những điều tàn ác mình đã làm ở đó. Người ấy đưa tay ra và hỏi “Chị tha thứ cho tôi chứ?” [Corrie ten Boom, Tramp for the Lord (năm 1974), trang 56].
(Keith B. McMullin, “Con Đường Bổn Phận của Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 13)
-
Những suy nghĩ nào có thể đã lướt qua tâm trí của Corrie vào lúc đó?
-
Tại sao có thể rất khó để tha thứ cho người khác?
Hãy đọc Ma Thi Ơ 18:21–22 để xem Chúa Giê Su trả lời như thế nào cho câu hỏi mà Phi E Rơ hỏi về sự tha thứ.
-
Em giải thích như thế nào về điều mà Chúa Giê Su dạy cho Phi E Rơ?
-
Em nghĩ tại sao Chúa truyền lệnh cho chúng ta trở thành những người biết tha thứ?
-
Em có câu hỏi nào về lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta tha thứ cho những người khác?
Hãy suy ngẫm về cảm nghĩ của em về sự tha thứ. Có ai mà em thấy khó tha thứ không? Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết về cuộc sống của em sẽ được ban phước như thế nào nếu em có thể tha thứ cho những người đã xúc phạm mình. Cũng nên cân nhắc ghi lại cuộc sống của em sẽ khác biệt ra sao nếu em không cố gắng tha thứ cho người khác.Khi em học truyện ngụ ngôn mà Chúa đã chia sẻ với Phi E Rơ, hãy tìm xem việc Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta có thể củng cố khả năng của em để tha thứ cho người khác như thế nào.
Truyện ngụ ngôn về người tôi tớ không có lòng thương xót
Hãy đọc Ma Thi Ơ 18:23–27 , tìm kiếm cách mà nhà vua trong truyện ngụ ngôn đối xử với kẻ mắc nợ của mình. Điều quan trọng là biết rằng 10.000 ta lâng là một món nợ không thể trả được. Một người lao động nghèo vào thời Chúa Giê Su phải mất hơn 250.000 năm mới kiếm được nhiều tiền như vậy (xin xem Jay A. Parry và Donald W. Parry, Understanding the Parables of Jesus Christ [năm 2006], trang 95).
-
Em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô sử dụng một món nợ không thể trả được để dạy truyện ngụ ngôn này?
Hãy đọc phần còn lại của truyện ngụ ngôn trong Ma Thi Ơ 18:28–35 , tìm kiếm xem chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào và tại sao. Sẽ là hữu ích khi biết rằng 100 đơ ni ê tương đương với “ba tháng lương của một người lao động nghèo” ( câu 28).
-
Em học được gì về sự tha thứ từ truyện ngụ ngôn này?
-
Tại sao là điều quan trọng để hiểu Đấng Cứu Rỗi có lòng thương xót đến mức nào đối với chúng ta?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ truyện ngụ ngôn này là chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tha thứ cho người khác như Ngài đã tha thứ cho chúng ta.
Chúa đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tha thứ cho người khác trong gian kỳ của chúng ta. Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:9–11 , và tìm kiếm những lời giảng dạy của Chúa về sự tha thứ.
-
Dựa trên những điều em đã học được hôm nay, em nghĩ tại sao Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ cho tất cả mọi người?
Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta tha thứ cho những người khác
Đôi khi có thể khó để mở lòng tha thứ cho những người khác. Nhưng với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, mọi điều đều có thể xảy ra.
Khi em đọc phần kết của câu chuyện của Giám Trợ McMullin về việc Corrie đối mặt với người cựu lính canh, hãy tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho bà ấy sức mạnh để tha thứ.
“Người ấy [chỉ] đứng đó trong [vài] giây—tay đưa ra—nhưng đối với tôi thì dường như là nhiều giờ đồng hồ trong khi tôi vật lộn với điều khó khăn nhất mà tôi từng làm.
“… Thông điệp dạy rằng Thượng Đế tha thứ thì có một … điều kiện: rằng chúng ta tha thứ những người đã làm tổn thương mình. …
“… Tôi thầm cầu nguyện: ‘Xin giúp con!’ ‘Con có thể giơ tay lên. Con chỉ có thể làm đến thế thôi. Xin Ngài ban cho con cảm nghĩ tha thứ.’
“… Một cách cứng nhắc, vụng về và máy móc, tôi duỗi thẳng tay ra. Trong khi tôi làm như vậy, thì có một điều lạ thường xảy ra. Một luồng điện bắt đầu từ vai tôi, chạy xuống cánh tay tôi, bật mạnh vào đôi tay đang bắt của chúng tôi. Và rồi sự ấm áp chữa lành này dường như lan tràn khắp châu thân, làm cho mắt tôi nhòa lệ.
“Tôi kêu lên: ‘Tôi hết lòng tha thứ cho anh đó.’
“Trong một giây phút dài, chúng tôi nắm chặt tay nhau, người cựu lính canh và người cựu tù nhân. Tôi chưa bao giờ biết được tình yêu thương của Thượng Đế mãnh liệt như tôi biết lúc bấy giờ” [Corrie ten Boom, Tramp for the Lord (năm 1974), trang 54–55].
(Keith B. McMullin, “Con Đường Bổn Phận của Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 13)
-
Em học được gì từ kinh nghiệm của Bà Corrie mà có thể giúp em tha thứ khi việc đó thật khó khăn?
-
Em đã học được gì từ cuộc sống của riêng mình, cuộc sống của những người khác, hoặc từ thánh thư về cách tha thứ cho người khác khi khó để làm như vậy?
Một điều có thể giúp chúng ta khi học thánh thư là học hỏi và tìm cách phát triển các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Ma Thi Ơ 18:21–35 là một trong nhiều đoạn thánh thư cho thấy thiên tính tha thứ của Đấng Cứu Rỗi và cũng như sự công bình của Thượng Đế khi chúng ta chọn không tha thứ. Hãy nghĩ xem em có thể làm gì để trở thành một người dễ tha thứ hơn như Chúa Giê Su Ky Tô. Em sẽ mời Đấng Cứu Rỗi giúp mình như thế nào?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Ma Thi Ơ 18:24 . 10.000 ta lâng là bao nhiêu tiền?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Có một số ý kiến khác nhau giữa các học giả về các giá trị tiền tệ được đề cập ở đây—và xin thứ lỗi cho việc lấy tiền tệ ở Hoa Kỳ làm ví dụ—nhưng để tính toán cho dễ hơn, nếu khoản nợ 100 đơ ni ê nhỏ hơn, mà không được tha, ví dụ là 100 đô la trong thời hiện tại, thì khoản nợ 10.000 ta lâng đã được sẵn lòng tha cho có thể là gần 1 tỉ đô la—hay hơn nữa!
Nếu là một khoản nợ cá nhân, thì đó là một con số khổng lồ—hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. (Không ai có thể mua sắm nhiều như thế!) Vâng, với mục đích của truyện ngụ ngôn này, con số này được cho là không thể hiểu được; nó được cho là vượt quá khả năng của chúng ta để hiểu, chưa nói là vượt quá khả năng của chúng ta để hoàn trả. Đây không phải là câu chuyện về hai người tôi tớ tranh cãi trong Kinh Tân Ước. Đây là câu chuyện về chúng ta, là các phần tử trong gia đình nhân loại đã sa ngã—những con nợ trên trần thế, những kẻ phạm giới, và những tù nhân. Mỗi người trong chúng ta đều là con nợ, lời phán quyết là mỗi người chúng ta đều bị cầm tù. Và chúng ta đều sẽ ở lại đó nếu không nhờ vào ân điển của Vua chúng ta đã giải thoát cho chúng ta được tự do vì Ngài yêu thương chúng ta và “lòng trắc ẩn của Ngài đoái hoài đến chúng [ta]” [ Giáo Lý và Giao Ước 121:4 ].
(Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 41)
Có phải việc cảm thấy đau đớn vì những điều mà ai đó đã làm với tôi có nghĩa là tôi vẫn chưa tha thứ cho người đó?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tuy nhiên, điều quan trọng đối với một số người trong số anh chị em đang sống trong đau khổ là hãy để ý đến điều [Chúa Giê Su Ky Tô] không nói. Ngài không nói rằng: “Các ngươi không được cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra.”
(Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hòa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 79)
Anh Cả David E. Sorensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy một lẽ thật quan trọng về lệnh truyền phải tha thứ.
Tôi muốn nói rõ rằng chớ nên nhầm lẫn sự tha thứ các tội lỗi với [việc] dung thứ điều ác. … Mặc dù chúng ta phải tha thứ cho người láng giềng làm tổn thương chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng, với tính cách xây dựng, ngăn ngừa việc lặp lại sự tổn thương đó.
(David E. Sorensen, “Sự Tha Thứ Sẽ Biến Đổi Sự Cay Đắng thành Tình Thương”, Liahona, tháng Năm năm 2003, trang 12)
Đấng Cứu Rỗi có ý gì khi Ngài bảo Phi E Rơ hãy tha thứ cho người khác “đến bảy mươi lần bảy”? ( Ma Thi Ơ 18:22)
Anh Cả Lynn G. Robbins, cựu Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, giải thích:
Đấng Cứu Rỗi chủ yếu đã phán bảo Phi E Rơ là còn không đếm nữa—để không đặt ra giới hạn cho sự tha thứ. …
Hiển nhiên, Đấng Cứu Rỗi không đặt ra giới hạn tối đa là 490. Điều đó có thể so sánh với việc nói rằng sự tham dự Tiệc Thánh có giới hạn là 490 lần, và sau đó vào lần thứ 491, một kiểm soát viên của thiên thượng xen vào nói: “Ta rất tiếc, nhưng thẻ hối cải của ngươi vừa hết hạn—từ giờ trở đi, ngươi phải tự lo thôi.”
Chúa đã sử dụng phép tính bảy mươi bảy lần làm phép ẩn dụ cho Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, tình yêu thương vô biên của Ngài, và ân điển bao la của Ngài. “Phải, và bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm cùng ta” [ Mô Si A 26:30 ; phần nhấn mạnh in đậm là được thêm vào].
(Lynn G. Robbins, “Đến Bảy Mươi Lần Bảy”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 23)