Ma Thi Ơ 20:1–16
Câu Chuyện Ngụ Ngôn về Những Người Làm Công trong Vườn Nho
Phi E Rơ hỏi: “Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” (Ma Thi Ơ 19:27). Đấng Cứu Rỗi đã trả lời bằng cách kể câu chuyện ngụ ngôn về những người làm công trong vườn nho. Câu chuyện ngụ ngôn này dạy rằng tất cả những người lựa chọn cống hiến cuộc đời của mình cho Ngài sẽ nhận được phần thưởng đã hứa, bất kể thời điểm họ bắt đầu bước đi trên con đường giao ước. Bài học này có thể giúp em cảm thấy niềm hy vọng rằng em sẽ nhận được các phước lành mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho qua Sự Chuộc Tội của Ngài.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Hãy tưởng tượng tình huống sau đây:
Gần đây, Marisol đã gia nhập Giáo Hội, cùng với mẹ và ông bà của bạn ấy. Không lâu sau đó, ông của bạn ấy qua đời. Marisol tự hỏi liệu ông của bạn ấy có nhận được những phước lành giống như bạn ấy không, mặc dù ông đã chấp nhận phúc âm mãi về sau trong đời.
-
Em sẽ nói gì với Marisol?
Đấng Cứu Rỗi đã dạy Các Vị Sứ Đồ của Ngài một câu chuyện ngụ ngôn thể hiện sự quan tâm của Ngài đối với tất cả những người chọn theo Ngài. Trong bài học này, hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh khi em tìm kiếm những lẽ thật sẽ giúp em hiểu rõ hơn về các mong muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta.
Những người làm công trong vườn nho
Khi em nghiên cứu câu chuyện ngụ ngôn này, sẽ rất hữu ích khi biết rằng một ngày làm việc bình thường trong thời của Kinh Tân Ước có thể là khoảng 12 giờ, bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào buổi tối. Từ đơ ni ê trong những câu này đề cập đến đồng đơ na ri on, đồng tiền La Mã thường được sử dụng để trả cho một người làm công trong cả ngày làm việc.
Hãy đọc Ma Thi Ơ 20:1–7 , tìm xem ông chủ vườn nho đã thuê người làm công bằng cách nào.Em có thể muốn xem video “Những Người Làm Công trong Vườn Nho” từ mã thời gian 00:00 đến 1:33, trên trang ChurchofJesusChrist.org.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Trong thời của Đấng Cứu Rỗi, một người trung bình và gia đình của mình chỉ có thể sống nhờ những gì họ kiếm được trong ngày đó. Nếu không làm việc hoặc làm ruộng hay câu cá hoặc bán buôn, thì có lẽ [họ chẳng thể] ăn gì cả.
(Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho”, Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 31)
-
Em nghĩ ông chủ của vườn nho và những người làm công tượng trưng cho ai?
-
Em nghĩ sẽ như thế nào khi là một trong những người làm công đầu tiên được thuê trong ngày?
-
Em nghĩ những người làm công đang chờ được thuê có những suy nghĩ và cảm nghĩ gì khi ngày đó cứ trôi qua?
Hãy đọc Ma Thi Ơ 20:8–16 , tìm kiếm xem ngày đó kết thúc như thế nào đối với tất cả những người làm công.Em có thể muốn xem video “Những Người Làm Công trong Vườn Nho” từ mã thời gian 1:34 đến 3:00, trên trang ChurchofJesusChrist.org.
Có thể là hữu ích khi biết rằng việc được ông chủ vườn nho trong câu chuyện ngụ ngôn này thuê có thể tượng trưng cho việc lập giao ước với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Sự trả công có thể tượng trưng cho những phước lành của cuộc sống vĩnh cửu.
-
Em sẽ cảm thấy như thế nào đối với ông chủ của vườn nho nếu em là một trong những người đầu tiên được thuê? còn nếu em là một trong những người cuối cùng?
-
Ông chủ vườn nho đã thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đối với tất cả những người làm công bằng những cách thức nào?
-
Khi em hiểu rằng ông chủ của vườn nho có thể tượng trưng cho Cha Thiên Thượng hoặc Chúa Giê Su Ky Tô, em nhìn thấy được những thuộc tính thiêng liêng nào ở ông ấy?
-
Em có thể học được bài học nào từ câu chuyện ngụ ngôn này?
Lòng nhân từ của Chúa
Anh Cả Jeffrey R. Holland đã chia sẻ những lẽ thật quan trọng mà chúng ta có thể học về Chúa từ câu chuyện ngụ ngôn này. Em có thể muốn xem video “Những Người Làm Công trong Vườn Nho” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 10:02 đến 11:42 hoặc đọc văn bản sau đây.
Câu chuyện ngụ ngôn này—giống như tất cả các chuyện ngụ ngôn khác—không thật sự nói về những người làm công hay tiền công như các chuyện ngụ ngôn khác về chiên và dê. Đây là câu chuyện về lòng nhân từ, kiên nhẫn và tha thứ của Thượng Đế, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là câu chuyện về lòng rộng lượng và sự thương xót. Đó là câu chuyện về ân điển. Nó nhấn mạnh đến ý nghĩ tôi đã nghe cách đây nhiều năm rằng chắc chắn là điều Thượng Đế vui thích nhất về việc làm Thượng Đế là niềm vui có được lòng thương xót, nhất là đối với những người không trông mong nhận được và thường cảm thấy rằng họ không đáng nhận được lòng thương xót đó.
Tôi không biết người nào trong số cử tọa đông đảo ngày hôm nay có thể cần nghe sứ điệp về sự tha thứ vốn có trong chuyện ngụ ngôn này, nhưng cho dù các anh chị em nghĩ là đã trễ rồi, cho dù các anh chị em nghĩ mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội rồi, cho dù các anh chị em nghĩ mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm rồi, hay các anh chị em nghĩ mình không có tài năng, hay cho dù các anh chị em cảm thấy mình phải hành trình một quãng đường [thật] xa từ mái gia đình mình đến Thượng Đế, thì tôi cũng làm chứng rằng các anh chị em không hành trình vượt quá tầm với của tình yêu thiêng liêng. Các anh chị em không thể nào chìm sâu hơn nơi mà ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô không chiếu tới được.
(Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho”, Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 32–33)
-
Hãy suy ngẫm về những điều Anh Cả Holland đã dạy mà em đã biết là đúng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào em biết lẽ thật đó là chân chính?
-
Em có thêm suy nghĩ hoặc cảm nghĩ nào về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô qua những điều đã học hôm nay?
-
Những điều em đã học có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của em?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Mục đích của việc làm việc trong vườn nho của Chúa là gì?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:
Phần thưởng của Đấng Chủ trong Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ không dựa trên thời gian chúng ta đã lao động trong vườn nho. Chúng ta không nhận được phần thưởng thiên thượng bằng cách bấm vào đồng hồ thời gian. Điều cốt yếu là sự lao nhọc của chúng ta ở nơi làm việc của Chúa đã khiến chúng ta trở thành một điều gì đó. Đối với một số người trong chúng ta, điều này đòi hỏi một thời gian dài hơn so những người khác. Điều quan trọng cuối cùng là con người mà chúng ta trở thành nhờ sự lao nhọc của mình.
(Dallin H. Oaks, “The Challenge to Become”, Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 34)
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tôi làm chứng về quyền năng được đổi mới của tình yêu thương của Thượng Đế và phép lạ của ân điển của Ngài. Ngài quan tâm đến đức tin mà các anh chị em sẽ đạt được, chứ không phải về việc các anh chị em đạt được đức tin ấy vào giờ nào trong ngày.
Vậy nên, nếu các anh chị em đã lập giao ước rồi thì hãy tuân giữ các giao ước đó. Nếu các anh chị em chưa lập giao ước, thì hãy lập các giao ước đó. Nếu các anh chị em đã lập giao ước và đã vi phạm thì hãy hối cải và sửa đổi. Không bao giờ quá trễ, miễn là tới lúc Chủ của vườn nho nói rằng đã đến lúc. … Đừng trì hoãn. Sắp trễ rồi.
(Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 33)