Ma Thi Ơ 5:48
“Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn”
Sau khi giảng dạy Những Lời Chúc Phước và luật pháp cao hơn, Đấng Cứu Rỗi đã ban một lệnh truyền về tính cách của Cha Thiên Thượng. Mục đích của bài học này là giúp em hiểu được lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là “trở nên … trọn vẹn, như Cha [của chúng ta] ở trên trời là trọn vẹn” (Ma Thi Ơ 5:48).
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Em đã thay đổi như thế nào?
Hãy tìm một bức ảnh của em khi còn nhỏ hoặc suy ngẫm xem em trông như thế nào khi còn là một đứa bé.
-
Kể từ đó, em đã trưởng thành hoặc thay đổi như thế nào về thể chất hoặc tinh thần?
-
Em nghĩ tại sao sự thay đổi là một phần tự nhiên và quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?
-
Trong vài năm qua, em đã trưởng thành như thế nào để trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn? Nếu em cảm thấy sự phát triển thuộc linh của mình chưa được đầy đủ, thì điều gì đã kìm hãm em, và em có thể làm gì để thay đổi khuôn mẫu này?
Hãy đọc Ma Thi Ơ 5:48 , tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi đã kết luận những lời giảng dạy của Ngài từ chương 5 . Lưu ý rằng từ Hy Lạp của từ hoàn hảo được sử dụng trong câu này cũng có thể được dịch là “hoàn toàn, trọn vẹn, [hoặc] được phát triển đầy đủ” ([Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hoàn Hảo”]).
Từ những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 5:48 chúng ta học được rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh cho chúng ta trở nên hoàn hảo giống như Cha Thiên Thượng.
-
Em cảm thấy được soi dẫn từ những lời giảng dạy nào của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 5 để cải thiện ngay bây giờ để trở nên giống Cha Thiên Thượng hơn? Bằng cách nào?
-
Em cảm thấy như thế nào về lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để trở nên hoàn hảo?
-
Việc hiểu sai lệnh truyền này có thể có tác động tiêu cực như thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
Hiểu rõ việc trở nên “hoàn hảo” có nghĩa là gì
Hãy đọc những lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch President Russell M. Nelson, Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc an ủi trong cuộc hành trình trở nên hoàn hảo giống như Cha Thiên Thượng của chúng ta.
Trong Ma Thi Ơ 5:48 , từ hoàn hảo được dịch ra từ tiếng Hy Lạp teleios, có nghĩa là “hoàn toàn.” … Dạng nguyên thể của từ này là teleiono, có nghĩa là “đến được một mục tiêu xa, được phát triển trọn vẹn, hoàn thành, hoặc làm xong.” Xin lưu ý rằng từ này không ám chỉ “không còn lỗi lầm nữa”; nó mang nghĩa “đạt được một mục tiêu xa.” …
… Chúng ta không cần phải mất tinh thần nếu các nỗ lực sốt sắng của chúng ta hướng tới sự hoàn hảo bây giờ dường như đầy [gian khổ] và vô tận. Sự hoàn hảo sẽ đến. Sự hoàn hảo chỉ có thể đến một cách trọn vẹn sau Sự Phục Sinh và chỉ qua Chúa mà thôi. Sự hoàn hảo chờ đợi tất cả những người yêu mến Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.
(Russell M. Nelson, “Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86, 88)
Thưa các anh chị em, mỗi người chúng ta mong muốn cuộc sống giống như Đấng Ky Tô nhiều hơn là việc chúng ta thành công để sống cuộc sống ấy. … Nếu chúng ta kiên trì, thì ở một nơi nào đó trong thời vĩnh cửu, sự tôi luyện của chúng ta sẽ được hoàn tất và đầy đủ—chính là ý nghĩa của từ hoàn hảo trong Kinh Tân Ước.
Tôi làm chứng về số mệnh vĩ đại, có sẵn cho chúng ta nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà chính Chúa Giê Su đã tiếp tục “từ ân điển này đến ân điển khác” [ Giáo Lý và Giao Ước 93:13 ] cho đến khi ở trong sự bất diệt của Ngài. Ngài nhận được một vinh quang thiên thượng hoàn hảo trọn vẹn.
(Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 42)
Từ hoàn hảo … đôi khi bị hiểu nhầm có nghĩa là không bao giờ mắc lỗi. Có lẽ các em hoặc ai đó các em biết đang cố gắng hết sức để trở nên hoàn hảo theo cách này. Vì sự hoàn hảo như vậy dường như luôn nằm ngoài tầm với, ngay cả những nỗ lực hết mình cũng có thể khiến chúng ta lo lắng, chán nản hoặc kiệt sức. Chúng ta không thể kiểm soát hoàn cảnh của mình và những người xung quanh. Chúng ta băn khoăn về những yếu kém và sai lầm. Trên thực tế, càng cố gắng, chúng ta càng khó có thể cảm nhận được sự hoàn hảo mà chúng ta tìm kiếm. …
Việc hiểu sai ý nghĩa của việc trở nên hoàn hảo có thể dẫn đến chủ nghĩa hoàn hảo—một thái độ hoặc hành vi biến mong muốn đáng quý để trở nên tốt đẹp thành một kỳ vọng không thực tế để trở nên hoàn hảo ngay bây giờ. Chủ nghĩa hoàn hảo đôi khi nảy sinh từ cảm giác rằng chỉ những người hoàn hảo mới xứng đáng được yêu thương hoặc chúng ta không xứng đáng được hạnh phúc trừ khi chúng ta hoàn hảo.
(Gerrit W. Gong, “Becoming Perfect in Christ,” Ensign, tháng Bảy năm 2014, trang 14–15, 17)
Hãy nhớ rằng tất cả những nỗ lực của chúng ta để tuân giữ các lệnh truyền và để hối cải sẽ không bao giờ là đủ nếu chúng ta không nhận được sự thanh tẩy tội lỗi và sự phục sinh từ cái chết mà chúng ta tiếp nhận được từ Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô qua Sự Chuộc Tội của Ngài. (Xin xem 2 Nê Phi 25:23 ; An Ma 34:9–10 .)
Những câu hỏi thảo luận khả thi
-
Những lời của các vị tiên tri này dạy chúng ta điều gì về ý nghĩa của việc “các ngươi hãy nên trọn vẹn”?
-
Các vị tiên tri dạy chúng ta rằng những lời này không có nghĩa gì?
-
Vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong việc giúp chúng ta trở nên hoàn hảo là gì?
-
Các em biết gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà mang lại cho các em hy vọng rằng một ngày nào đó các em có thể trở nên hoàn hảo như Hai Ngài?
-
Các em hiện đang nỗ lực gì về mặt thuộc linh, thể chất, xã hội hoặc trí tuệ để trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào tôi có thể trở nên hoàn hảo?
Anh Cả Scott D. Whiting của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Lệnh truyền phải trở nên giống như Ngài không nhằm làm cho anh chị em cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, hoặc thiếu tình thương. Toàn bộ kinh nghiệm trần thế của chúng ta là để tiến triển, cố gắng, thất bại, và thành công. …
Anh chị em đủ tốt, được yêu thương, những điều đó không có nghĩa là anh chị em đã hoàn hảo. Vẫn còn công việc để làm trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Chỉ với sự giúp đỡ thiêng liêng của Ngài thì tất cả chúng ta mới có thể tiến triển [để] trở nên giống như Ngài được.
Trong những thời điểm này khi mà “tất cả mọi vật [có vẻ] đang ở trong tình trạng xáo trộn; và … sự sợ hãi [dường như] đến với tất cả mọi người”, [ Giáo Lý và Giao Ước 88:91 ] thì giải pháp và phương thức duy nhất là cố gắng để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại, Ánh Sáng của Thế Gian, và tìm kiếm Ngài là Đấng đã phán: “Ta là đường đi”[ Giăng 14:6 ].
Tôi biết rằng việc trở nên giống như Ngài qua sự giúp đỡ và sức mạnh thiêng liêng của Ngài là có thể đạt được từng bước một. Nếu không, Ngài đã không ban cho chúng ta lệnh truyền này [xin xem 1 Nê Phi 3:7 ].
(Scott D. Whiting, “Trở Nên giống như Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 14)