Khải Huyền 20:11–15
Sự Phán Xét Cuối Cùng
Em đã bao giờ tự hỏi Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ như thế nào chưa? Sứ Đồ Giăng đã tiên tri về ngày trọng đại đó. Bài học này nhằm giúp em hiểu rõ hơn về Sự Phán Xét Cuối cùng và chuẩn bị để có một kinh nghiệm tuyệt vời khi đứng trước Chúa Giê Su vào ngày đó.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Sự Phán Xét Cuối Cùng
-
Em tưởng tượng những người khác sẽ cảm thấy như thế nào vào lúc Phán Xét Cuối Cùng? Tại sao?
-
Em nghĩ điều gì là quyết định xem người nào đó đã sẵn sàng cho ngày này?
-
Chúa Giê Su Ky Tô đề nghị giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày này bằng các cách thức nào?
Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết những điều em hy vọng sẽ suy nghĩ và cảm nhận khi đứng trước Thượng Đế để được phán xét. Em cảm thấy đã sẵn sàng ra sao?Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô thương yêu chúng ta và muốn chúng ta được tràn đầy sự bình an và niềm vui vào Ngày Phán Xét. Hai Ngài phán cùng chúng ta qua thánh thư và qua các vị lãnh đạo Giáo Hội thời hiện đại để dạy chúng ta về Sự Phán Xét sẽ như thế nào và cách chuẩn bị cho ngày đó.
Sau khi nhìn thấy khải tượng về Thời Kỳ Ngàn Năm (xin xem Khải Huyền 20:1–3) và Sự Phục Sinh của người ngay chính (xin xem Khải Huyền 20:4–6), Giăng đã nhìn thấy Sự Phán Xét Cuối Cùng. Hãy đọc Khải Huyền 20:11–12 , tìm kiếm những điều Thượng Đế đã mặc khải cho Sứ Đồ Giăng về Sự Phán Xét Cuối Cùng.
-
Em đã học được những lẽ thật nào từ Giăng về Sự Phán Xét Cuối Cùng?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ đoạn này là Thượng Đế sẽ phán xét chúng ta dựa trên những quyển sách đã được ghi lại theo những việc làm của chúng ta.
Những câu hỏi về Sự Phán Xét Cuối Cùng
Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết ra những câu hỏi em có về đoạn này hoặc những điều khác mà em muốn hiểu rõ hơn về Sự Phán Xét Cuối Cùng.
Hãy dành ra vài phút để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của em. Em có thể chọn tìm kiếm các từ khóa trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Hoặc em có thể tìm kiếm trên trang ChurchofJesusChrist.org hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Sau đây là một số câu hỏi và nguồn tài liệu gợi ý để em có thể đưa vào việc nghiên cứu của mình:
1. Giăng nhìn thấy Chúa sử dụng một số sách nào để phán xét?
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư , “Sách Sự Sống”
2. Chính xác thì ai sẽ là Đấng Phán Xét của chúng ta, và tại sao Ngài phù hợp nhất để phán xét chúng ta?
3. Chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên điều gì?
Hãy xem lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình” của bài học.
4. Làm thế nào tôi có thể sẵn sàng cho Sự Phán Xét Cuối Cùng?
Khải Huyền 20:13, 15 ; 22:11–12
-
Em đã học được gì về Sự Phán Xét Cuối Cùng?
-
Việc hiểu và tin vào giáo lý này có thể ảnh hưởng như thế nào đến hành động của chúng ta?
-
Những đặc điểm nào của Đấng Cứu Rỗi giúp em tin cậy Ngài là Đấng Phán Xét của mình? Làm thế nào Ngài có thể giúp em chuẩn bị cho Sự Phán Xét Cuối Cùng?
Sách sự sống của em
Đọc lại Khải Huyền 20:12 và cân nhắc đánh dấu cụm từ “sách sự sống”. Theo một nghĩa nào đó, sách sự sống là biên sử ghi lại cuộc đời của mỗi người.
Viết tiêu đề “Sách Sự Sống của Tôi” trên đầu trang trống trong nhật ký ghi chép việc học tập, sau đó chia trang thành hai cột. Ghi tên cột bên trái là “Tôi vui vì đã làm được” và lập một bản liệt kê trong cột đó những điều cụ thể mà em thấy biết ơn để có trong sách sự sống của mình. Những thông tin này có thể bao gồm:
-
Những giáo lễ em đã nhận được.
-
Những việc thiện em đã làm.
-
Những ước muốn ngay chính của em.
-
Sự phát triển của mối quan hệ của em với Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy tưởng tượng rằng một ngày nào đó, sẽ thật tuyệt vời ra sao khi Đấng Cứu Rỗi cùng với em xem lại biên sử về sự ngay chính của em!
Bây giờ, hãy ghi tên cột bên phải của trang là “Tôi muốn”. Hãy viết ra hoặc đơn giản là chỉ suy ngẫm về những công việc và giáo lễ ngay chính mà em muốn thêm vào sách của em trước Ngày Phán Xét. Cũng hãy bao gồm những lựa chọn và thái độ mà em muốn xóa khỏi sách sự sống qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Đấng Cứu Rỗi đã giúp mang lại khả năng để điều chỉnh những điều được ghi lại về em trong sách sự sống. Hãy đọc trong Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43 những lời Ngài đã hứa với những người chân thành hối cải.
-
Những lời hứa này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của em về Sự Phán Xét Cuối Cùng và về Đấng Phán Xét của chúng ta?
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói:
Ngày Phán Xét sẽ là một ngày đầy thương xót và yêu thương—một ngày mà những tấm lòng đau khổ sẽ được chữa lành, những giọt lệ đau buồn được thay thế bằng giọt lệ biết ơn, khi tất cả mọi điều sẽ được làm cho đúng.
Vâng, sẽ có nỗi đau đớn cùng cực vì tội lỗi. Vâng, sẽ có những điều tiếc nuối và thậm chí đau khổ vì những lỗi lầm, sự rồ dại, và bướng bỉnh của mình mà đã làm cho chúng ta bỏ lỡ cơ hội cho một tương lai xán lạn hơn nhiều.
Nhưng tôi tin rằng chúng ta không những sẽ hài lòng với sự phán xét của Thượng Đế; mà sẽ còn ngạc nhiên và choáng ngợp bởi ân điển vô hạn, lòng thương xót, sự khoan hồng, và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, là con cái của Ngài.
(Dieter F. Uchtdorf, “Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 21)
Hãy suy ngẫm về những điều em cảm thấy được soi dẫn để làm để chuẩn bị đứng trước Đấng Cứu Rỗi vào Ngày Phán xét.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào tôi có thể chuẩn bị bản thân cho sự phán xét mà tôi mong đợi?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:
Mỗi người trong số anh chị em sẽ được đánh giá tùy theo các công việc của cá nhân mình và những mong muốn trong tấm lòng mình. … Vị trí cuối cùng của anh chị em trong vương quốc thượng thiên, trung thiên hoặc hạ thiên sẽ không được xác định một cách ngẫu nhiên. Chúa đã quy định trước những đòi hỏi không thay đổi cho mỗi người. Anh chị em có thể biết thánh thư dạy gì, và đặt ra mẫu mực cuộc sống của mình cho phù hợp.
(Russell M. Nelson, “Constancy amid Change”, Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 35)
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói:
Sự Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là một sự đánh giá tất cả những hành động tốt lành hay tà ác—những gì chúng ta đã làm. Mà là việc nhìn nhận thành quả cuối cùng của những hành động và ý nghĩ—con người chúng ta đã trở thành. Một người nào đó chỉ hành động thôi nhưng không thành tâm, thì không đủ. Các giáo lệnh, giáo lễ, và giao ước của phúc âm không phải là bản liệt kê những khoản ký thác phải được để vào một trương mục nào đó trên thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch cho chúng ta thấy cách trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta trở thành.
(Dallin H. Oaks, “The Challenge to Become”, Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 32)
Điều gì làm cho Chúa Giê Su Ky Tô đủ điều kiện để làm Đấng Biện Hộ của chúng ta?
Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tôi làm chứng rằng với nỗi đau khổ ngoài sức tưởng tượng và sự thống khổ với một cái giá không thể nào lường được, Đấng Cứu Rỗi đã đạt được quyền của Ngài để làm Đấng Cứu Chuộc, Đấng Biện Hộ và Đấng Phán Xét Cuối Cùng của chúng ta.
(Richard G. Scott, “Sự Chuộc Tội Có Thể Bảo Đảm Sự Bình An và Hạnh Phúc của Các Anh Chị Em”, Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 42)