“Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)
“Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên
Bài Học 10 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn về Hôn Nhân
Trong bài học 6, chúng ta biết rằng hôn nhân được Thượng Đế quy định. Chủ Tịch Russell M. Nelson cũng dạy rằng hôn nhân vĩnh cửu là “loại hôn nhân cao nhất và lâu bền nhất mà Đấng Sáng Tạo của chúng ta có thể ban cho các con cái của Ngài,” giúp mang lại “những cơ hội lớn lao cho hạnh phúc hơn là bất cứ mối quan hệ nào khác” (“Hôn Nhân Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 92, 93). Khi nghiên cứu tài liệu này, anh chị em hãy suy ngẫm về chính những cảm nghĩ của mình về hôn nhân vĩnh cửu và điều anh chị em có thể làm để sống xứng đáng với nó.
Phần 1
Tại sao tôi nên nỗ lực để có một cuộc hôn nhân vĩnh cửu?
Trong khi nghĩ về các cuộc hôn nhân của những người anh chị em quen biết, anh chị em có thể tự hỏi việc kết hôn trong đền thờ khác với việc kết hôn theo luật dân sự như thế nào.
Chúng ta tin rằng “kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng giúp mối liên hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Các mối quan hệ gia đình vĩnh cửu có thể có được nhờ Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô … làm cho sự phục sinh trở thành hiện thực cho tất cả mọi người và làm cho cuộc sống vĩnh cửu có thể đạt được đối với những người hối cải tội lỗi của họ và tiếp nhận cùng tuân giữ các giáo lễ thiết yếu và các giao ước của Ngài” (“Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40). Trong những ngày sau này, Chúa đã phục hồi thẩm quyền, các giáo lễ, và giao ước mà cho phép các cuộc hôn nhân vĩnh cửu được thiết lập.
Như được sử dụng trong câu 2, từ mới có nghĩa là giao ước này mới được phục hồi trong gian kỳ của chúng ta. Giao ước này cũng tồn tại vĩnh viễn bởi vì nó là vĩnh cửu và đã tồn tại kể từ “trước khi thế gian được tạo dựng” (Giáo Lý và Giao Ước 132:5). Nó thuộc vào giao ước mà Thượng Đế đã lập cùng Áp Ra Ham và bà Sa Ra, vợ ông, từ xưa.
Chúng ta biết được từ Bible Dictionary rằng “trước tiên, Áp Ra Ham tiếp nhận phúc âm bởi phép báp têm (tức là giao ước của sự cứu rỗi). Rồi ông đã được truyền giao chức tư tế cao hơn, và ông bước vào cuộc hôn nhân thượng thiên (tức là giao ước của sự tôn cao), có được sự đảm bảo qua đó rằng ông sẽ có được sự gia tăng vĩnh cửu [với vô số hậu duệ]” (Bible Dictionary, “Abraham, covenant of”).
Chúa đã hứa với Áp Ra Ham: “[Ta] sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển” (Sáng Thế Ký 22:17). Hôn nhân thượng thiên bao gồm phước lành để “có [được] con cái trong … vinh quang thượng thiên” (Joseph Smith, trong History, 1838–1856 [Manuscript History of the Church], tập D-1, trang 1551 [josephsmithpapers.org]).
Chúa hứa thêm với Áp Ra Ham rằng tất cả những phước lành này sẽ được ban cho các con cháu trần thế của ông (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:29–31; Áp Ra Ham 2:6–11). Phần giao ước của Áp Ra Ham liên quan đến hôn nhân vĩnh cửu và sự gia tăng vĩnh cửu thì được tái lập với mỗi cá nhân mà bước vào “giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân” (Giáo Lý và Giao Ước 131:2). Nói cách khác, qua giáo lễ gắn bó hôn nhân, chúng ta được hứa những phước lành giống với Áp Ra Ham.
Khi một người nam và một người nữ được làm lễ gắn bó trong đền thờ, họ lập những giao ước thiêng liêng với Thượng Đế và với nhau. Những giao ước này bao gồm giao ước chung thủy với nhau và trung thành với Thượng Đế, sống giống như Đấng Ky Tô, tôn trọng mọi giao ước phúc âm mà họ đã lập, và sinh sôi nảy nở cùng làm đầy dẫy trái đất.
Hãy suy ngẫm ý nghĩa của hình này khi nó liên quan đến giao ước hôn nhân vĩnh cửu. Về mối quan hệ giao ước này, Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Chúa Giê Su Ky Tô là tiêu điểm trong mối quan hệ hôn nhân giao ước. Xin chú ý rằng Đấng Cứu Rỗi được đặt ở đỉnh của một hình tam giác, với người nữ ở một góc và người nam ở góc kia. Giờ thì hãy suy ngẫm xem điều gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa người nam và người nữ khi mỗi người kiên định “đến cùng Đấng Ky Tô” và cố gắng để được “toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32). Bởi vì nhờ có Đấng Cứu Chuộc và qua Ngài, người nam và người nữ mới đến gần nhau hơn. (“Marriage Is Essential to His Eternal Plan,” Ensign, tháng Sáu năm 2006, trang 86)
Phần 2
Tôi cần đưa ra những lựa chọn nào để cho cuộc hôn nhân của tôi trở nên vĩnh cửu?
Chúa đã mặc khải rằng nếu một người nam và một người nữ không kết hôn theo luật pháp của Ngài (tức là gia nhập giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân) và bởi thẩm quyền của Ngài, khi ấy, cuộc hôn nhân của họ “không có hiệu lực khi họ chết” (Giáo Lý và Giao Ước 132:15). Tuy vậy, việc được làm lễ gắn bó trong đền thờ không thôi thì cũng không đảm bảo chắc chắn cho một cuộc hôn nhân vĩnh cửu.
Anh chị em có lẽ đã nhận thấy trong câu 19 rằng các cuộc hôn nhân trong đền thờ phải được “đóng ấn … bởi Đức Thánh Linh hứa hẹn” thì mới trở nên vĩnh cửu. Chúng ta học được từ Sách Hướng Dẫn Thánh Thư rằng “Đức Thánh Linh là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:33). Ngài xác nhận những việc làm ngay chính, các giáo lễ và các giao ước của loài người như là được chấp nhận trước mặt Thượng Đế. Đức Thánh Linh Hứa Hẹn làm chứng với Đức Chúa Cha rằng các giáo lễ cứu rỗi đã được thực hiện đúng cách và các giao ước liên hệ với các giáo lễ này đã được tuân giữ” (“Đức Thánh Linh Hứa Hẹn,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Khi những người phối ngẫu “tôn trọng giao ước [này]” (Giáo Lý và Giao Ước 132:19) thì Đức Thánh Linh, trong vai trò của Ngài với tư cách là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn, xác nhận với Thượng Đế rằng họ đã giữ giao ước của họ, và cuộc hôn nhân của họ trở nên vĩnh cửu. Để “tôn trọng giao ước [này],” cả hai vợ chồng phải trung thành tuân theo các điều khoản và điều kiện trong giao ước gắn bó của họ. Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về tầm quan trọng của việc tôn trọng những giao ước này:
Như đã được dạy trong thánh thư [Giáo Lý và Giao Ước 132:19], sự ràng buộc vĩnh cửu không chỉ xảy ra như là kết quả của các giao ước gắn bó mà chúng ta thực hiện trong đền thờ. Cách chúng ta xử sự trong cuộc sống này sẽ quyết định con người chúng ta sẽ trở thành trong suốt mọi thời vĩnh cửu sắp tới. Để nhận được những phước lành gắn bó mà Cha Thiên Thượng đã ban cho mình, chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh và tự hành xử sao cho gia đình chúng ta sẽ muốn sống với chúng ta trong cõi vĩnh cửu. (“The Eternal Family,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 65)
Trong nỗ lực trở thành con người tốt nhất mà chúng ta có thể trở thành và giữ các giao ước của mình, chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Như Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, là tấm gương hoàn hảo cho chúng ta về việc lập và tuân giữ những lời hứa cùng các giao ước. Ngài xuống thế gian với lời hứa để làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Ngài giảng dạy các nguyên tắc phúc âm bằng lời lẽ và bằng hành động. Ngài chuộc tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể sống lại lần nữa. Ngài giữ mọi lời hứa của Ngài.
… Việc giữ lời hứa không phải là một thói quen; mà đó là một đức tính của việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. …
Câu hỏi của tôi ngày hôm nay là chúng ta có giữ những lời hứa và giao ước của mình không hay là đôi khi chỉ là những cam kết nửa vời, được lập một cách hời hợt và do đó rất dễ dàng bị phá vỡ? (“Giữ Những Lời Hứa và Giao Ước của Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 53, 54)