“Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Ân Tứ và Trách Nhiệm Thiêng Liêng về Sự Gần Gũi Thể Xác,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)
“Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên
Bài Học 13 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Ân Tứ và Trách Nhiệm Thiêng Liêng về Sự Gần Gũi Thể Xác
Bản năng giới tính của con người là một ân tứ thiêng liêng, là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi. Tuy nhiên, trong một thế giới ngập tràn các hình ảnh khêu gợi và các thông điệp đối lập, có thể dễ để cảm thấy bất an hoặc hoang mang về ý nghĩa và mục đích của hoạt động tình dục. Trong khi anh chị em học, hãy tìm cách để hiểu rõ hơn về vai trò thiêng liêng và quan trọng của sự gần gũi thể xác trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng và suy ngẫm xem sự hiểu biết này có thể ban phước cho cuộc sống của anh chị em ra sao.
Phần 1
Làm thế nào tôi có thể được ban phước nhờ sự hiểu biết rằng sự gần gũi thể xác có thể là một phần tuyệt vời và thiêng liêng trong hôn nhân?
Cha Thiên Thượng của chúng ta đã ban cho chúng ta những ham muốn tình dục và khả năng sinh sản. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích rằng “Khả năng tạo ra sự sống hữu diệt là quyền năng tôn cao nhất mà Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài” (“The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 74). Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Chị Ruth Lybbert Renlund dạy rằng: “Sự thể hiện đúng đắn bản năng tình dục của chúng ta làm cho kế hoạch của Thượng Đế có thể được triển khai trên thế gian và trong thời vĩnh cửu, cho phép chúng ta đủ điều kiện để trở nên giống như Cha Thiên Thượng của mình” (“The Divine Purposes of Sexual Intimacy,” Ensign, tháng Tám năm 2020, trang 16).
Trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng, “sự gần gũi thể xác giữa vợ chồng được dự định là tuyệt vời và thiêng liêng. Điều này do Thượng Đế quy định cho việc tạo ra con cái và cho sự bày tỏ tình yêu giữa vợ chồng” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 38.6.5, ChurchofJesusChrist.org). Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng giải thích: “[Sự quan hệ thân mật] … là một trong những cách biểu lộ tột bậc về thiên tính và tiềm năng của chúng ta, cũng là một cách củng cố các mối ràng buộc tình cảm và tinh thần giữa vợ chồng” (“Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 42).
Sự gần gũi thể xác là một cách quan trọng để làm cho mối liên kết vợ chồng bền chặt hơn. Sự gần gũi thân mật cũng có thể nói đến việc gần gũi về mặt trí tuệ, cảm xúc, và thuộc linh.
Trong Vườn Ê Đen, A Đam và Ê Va đã bắt đầu biết về tầm quan trọng của sự gần gũi thân mật trong hôn nhân.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy như sau về việc trở nên “một thịt” trong hôn nhân:
Sự gần gũi nam nữ chỉ dành riêng cho vợ chồng bởi vì điều đó là biểu tượng lớn nhất của sự hợp nhất hoàn toàn, một sự toàn vẹn và hợp nhất được Thượng Đế quy định và đề ra. Bắt đầu từ Vườn Ê Đen, mục đích của hôn nhân là nhằm kết hợp trọn vẹn một người nam và một người nữ—tấm lòng của họ, hy vọng của họ, cuộc sống của họ, tình yêu của họ, gia đình của họ, tương lai của họ và tất cả mọi thứ. A Đam đã nói về Ê Va rằng bà là xương bởi xương ông, thịt bởi thịt ông mà ra, và rằng họ cần phải trở nên “một thịt” trong khi sống cùng nhau [xin xem Sáng Thế Ký 2:23–24]. (“Personal Purity,” Ensign, tháng Mười Một năm 1998, trang 76)
Phần 2
Làm thế nào việc nhìn nhận cơ thể theo cách của Thượng Đế có thể gia tăng ước muốn và sự cam kết của tôi để sống theo luật trinh khiết?
Bởi vai trò tuyệt vời và thiêng liêng mà Thượng Đế đã định cho sự gần gũi thể xác trong hôn nhân, “[Ngài] đã truyền lệnh rằng những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp là chồng và vợ mà thôi” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” ChurchofJesusChrist.org). Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải trong sạch về mặt đạo đức trong suy nghĩ, mong muốn, lẫn hành động. Việc này bao gồm không có hoạt động tình dục trước hôn nhân và hoàn toàn chung thủy trong hôn nhân (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14; An Ma 39:3–5; Giáo Lý và Giao Ước 59:6). Lệnh truyền này được gọi là luật trinh khiết.
Điều quan trọng là hãy nhớ rằng thể xác của chúng ta không tồn tại độc lập với linh hồn. Chúa dạy rằng “linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người”(Giáo Lý và Giao Ước 88:15). Về sự liên quan giữa thể xác và linh hồn, Anh Cả Holland đã dạy:
Thân thể là một phần thiết yếu của linh hồn. Giáo lý đặc biệt và rất quan trọng này của Các Thánh Hữu Ngày Sau nhấn mạnh lý do tại sao tội lỗi tình dục là rất nghiêm trọng. Chúng tôi tuyên bố rằng một người sử dụng thể xác của một người khác do Thượng Đế ban cho mà không có sự đồng ý của thiên thượng thì đang lạm dụng bản thể con người của chính cá nhân đó, lạm dụng mục đích chính yếu và các quá trình của sự sống. (“Personal Purity,” trang 76)
Sứ Đồ Phao Lô đã giải thích thêm về mối liên quan thiêng liêng giữa thể xác và linh hồn khi ông dạy rằng: “thân thể chẳng phải vì sự dâm dục đâu [hoạt động tình dục ngoài hôn nhân], bèn là vì Chúa, và Chúa vì thân thể” (1 Cô Rinh Tô 6:13).
Phần 3
Tôi có thể làm gì để gia tăng khả năng sống theo luật trinh khiết?
Như với tất cả các giáo lệnh khác của Thượng Đế, luật trinh khiết là để mang lại cho chúng ta sự bình an và hạnh phúc lớn lao hơn. Ví dụ, thánh thư giúp chúng ta hiểu rằng việc sống theo luật trinh khiết có thể làm gia tăng sự tự tin của chúng ta trong hiện diện của Thượng Đế, bảo vệ chúng ta khỏi nỗi đau đớn về tình cảm và các mối quan hệ đổ vỡ, và ngăn việc mất đi Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:45; Gia Cốp 2:31–35; Giáo Lý và Giao Ước 42:23; 63:16). Việc tuân giữ luật trinh khiết cũng có thể bảo vệ chúng ta không mắc những căn bệnh nguy hiểm và đảm bảo rằng con cái được sinh ra trong vòng ràng buộc của hôn nhân.
Việc có những cảm nghĩ tình dục là bình thường. Điều quan trọng là học cách biểu lộ những cảm nghĩ này theo những điều được Chúa chấp thuận. Ngay cả có những ý định tốt nhất thì vẫn có đôi lúc anh chị em cảm thấy bị cám dỗ để nhượng bộ những ham muốn tình dục không thích đáng của mình. Khi cảm thấy bị cám dỗ, anh chị em hãy hướng về Chúa và Ngài sẽ “mở đường cho ra khỏi, để [anh chị em] có thể chịu được” (1 Cô Rinh Tô 10:13; xin xem thêm An Ma 13:28).
Hãy nhớ “[Chúa] Giê Su Ky Tô … biết sự yếu kém của loài người và cách thức để cứu giúp những kẻ bị cám dỗ” (Giáo Lý và Giao Ước 62:1). Khi hướng về Chúa để được giúp đỡ, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài về các biện pháp thực tế mà anh chị em có thể làm để “kềm chế mọi dục vọng của mình, để cho [anh chị em] được tràn đầy tình thương” (An Ma 38:12).
Chị Wendy W. Nelson, vợ của Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã dạy:
Sự thanh khiết cá nhân là bí quyết cho tình yêu đích thực. Các ý nghĩ và cảm nghĩ, những lời nói và hành động của anh chị em càng thanh khiết thì khả năng của anh chị em để cho và nhận tình yêu đích thực càng cao hơn. …
… Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ cho những ý nghĩ, cảm nghĩ, lời nói và hành động của anh chị em được thanh khiết. Hãy mời Thánh Linh đến hướng dẫn anh chị em. Ngài sẽ giúp đỡ anh chị em! …
… Sự thật là, anh chị em càng thanh khiết thì sự gần gũi thân mật giữa vợ chồng của anh chị em sẽ càng kỳ diệu. (“Tình Yêu và Hôn Nhân” [buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Một năm 2017], ChurchofJesusChrist.org)
Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên sau đây cho các cá nhân đang bước vào những mối quan hệ nghiêm túc hơn:
Anh chị em biết rằng anh chị em có những cảm xúc và khao khát mãnh liệt cần phải được kiểm soát và kiềm chế một cách cẩn thận. … Hãy đặt ra các giới hạn cho mình. Đưa các giới hạn đó thật rõ ràng và chắc chắn vào mọi việc anh chị em làm cùng nhau, để anh chị em không thể vượt qua hoặc bỏ chúng sang một bên khi trào dâng cảm xúc mạnh mẽ cho nhau. (“Complete Honesty, Unselfish Humility” [buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 14 tháng Hai năm 2017], byui.edu)
Nếu anh chị em đã vi phạm luật trinh khiết, thì hãy nhớ rằng qua đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải chân thành, Chúa có thể tha thứ cho anh chị em và làm cho anh chị em thanh sạch trở lại (xin xem Ê Sai 1:16–18; Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43). Anh chị em cũng sẽ cần đến gặp vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình. Ông ấy có thẩm quyền để giúp anh chị em giải quyết tội lỗi đó với Chúa, và ông có thể cung cấp thêm cho anh chị em sự giúp đỡ và hỗ trợ.